Mong đợi ASEAN tìm được tiếng nói chung trong vấn đề Biển Đông

Nguyễn Hoàng Năng
2020.06.26
   Hình minh hoạ. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Thượng đỉnh ASEAN 36 ở Hà Nội hôm 26/6/2020
Reuters

Sự phô diễn sức mạnh của các bên trên biển Đông

Theo Sáng kiến Minh bạch Tình hình Chiến lược Biển Đông (SCSPI), thuộc Viện Nghiên cứu Đại Dương của Đại học Bắc Kinh, 3 máy bay chiến đấu của Mỹ đã bay qua khu vực Kênh Bashi và Biển Đông ngày 25/6. SCSPI viết trên trang Twitter: "Sáng ngày 25/5, máy bay US P-8A và RC-135 đã thực hiện nhiệm vụ do thám ở #BiểnHoaNam, tập trung ở vùng biển phía Đông của #KênhBashi, trong khi đó, máy bay C-17A Globemaster III đang bay qua Biển Hoa Nam"; kèm theo đó là hình ảnh vẽ đường di chuyển của các máy bay này.

SCSPI nói rằng máy bay săn tàu ngầm P8-A Poseidon, máy bay do thám RC-135 và máy bay vận tải C-17A là ba trong số ít nhất hơn 10 máy bay chiến đấu của Mỹ đã được nhìn thấy trong khu vực kể từ giữa tháng 6. Cũng theo tổ chức này, các hành động của Không quân Mỹ đã thúc đẩy Quân Giải phóng Nhân dân (PLA) - quân đội của Trung Quốc - tăng cường các hoạt động riêng ở khu vực. Theo hình ảnh mô tả đăng trên trang Twitter của SCSPI, máy bay P8-A bay qua kênh Bashi để tới Quần đảo Pratas do Đài Loan kiểm soát (Bắc Kinh gọi là Đông Sa), trước khi bay tới gần bờ biển phía Đông Nam của Trung Quốc Đại lục. Đảo Pratas, đảo lớn nhất trong quần đảo này, nằm giữa căn cứ quân sự của Trung Quốc tại tỉnh Hải Nam và Thái Bình Dương, và do đó có tầm quan trọng chiến lược rất lớn. Hãng thông tấn Kyodo của Nhật Bản từng đưa tin rằng PLA đang có kế hoạch triển khai một cuộc tập trận đổ bộ quy mô lớn ở ngoài khơi đảo Hải Nam vào tháng 8 tới nhằm chuẩn bị cho khả năng chiếm đảo Pratas trong tương lai. Cũng theo tin của Kyodo, biết được các kế hoạch của Bắc Kinh, Mỹ đã triển khai các máy bay có khả năng tham gia chiến tranh điện tử để thực hiện nhiều nhiệm vụ thu thập tin tức tình báo cũng tại khu vực này.

Mặc dù SCSPI thông tin như vậy, nhưng phía Đài Loan ngày 25/6 đã từ chối không xác nhận việc Không quân Mỹ có động thái nào tại khu vực này hay không. Thế nhưng, cơ quan quốc phòng của Đài Loan lại cho biết máy bay chiến đấu Sukhoi-30 và Jian-10 cùng máy bay vận tải Yun-8 của PLA đã tiến vào phía Tây Nam của vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) của Đài Loan 11 lần trong tháng này - trong đó tính riêng 2 tuần vừa qua là 8 lần, do đó buộc không quân Đài Loan phải cho máy bay cất cánh để yêu cầu các máy bay nào rời đi. Các nhà phân tích quân sự nói rằng sự hiện diện của máy bay P8-A tại khu vực cho thấy các nhiệm vụ quân sự của Mỹ có thể liên quan tới việc các tàu ngầm hạt nhân của PLA đang hoạt động gần Biển Philippines.

Cuộc khẩu chiến với Trung Quốc

Trong một bài báo đăng trên tờ The Straits Times của Singapore ngày 22/6, Đại sứ Trung Quốc tại Singapore Hong Xiaoyong cáo buộc Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper "làm gia tăng căng thẳng bằng việc gọi Trung Quốc là một mối đe dọa và kêu gọi các nước hợp tác tạo sự răn đe chung". Một tuần trước, trong bài bình luận cũng đăng trên The Straits Times, ông Esper đã kêu gọi Mỹ cùng các đồng minh ở Đông Nam Á hợp tác an ninh chặt chẽ hơn "trong bối cảnh đối mặt với những thách thức đến từ dịch COVID-19 và Đảng Cộng sản Trung Quốc".

Tư lệnh Không quân Thái Bình Dương của Mỹ, Charles Brown, ngày 24/6 đã bày tỏ đồng tình với quan điểm trên, nói rằng ông lo ngại việc quân đội Trung Quốc gia tăng hoạt động tại khu vực. Ông nói rằng khi ông tiếp quản nhiệm vụ tại khu vực năm 2018, PLA hầu như không bao giờ cho máy bay ném bom H-6 của họ bay qua vùng biển này, tuy nhiên "hiện nay điều đó xảy ra hàng ngày". Tướng Brown cũng bày tỏ lo ngại về việc Trung Quốc sẽ thiết lập ADIZ ở Biển Đông, ông nói: "Nếu Trung Quốc thiết lập ADIZ ở Biển Đông, điều này sẽ ảnh hưởng tới tất cả các quốc gia và chống lại một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở, nơi các nước có thể tự do bay, đi qua lại, và hoạt động ở bất kỳ nơi nào luật pháp cho phép".

Ngày 25/6, Bộ trưởng Quốc phòng Delfin Lorenzana khẳng định kế hoạch của Trung Quốc thiết lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Đông sẽ bị coi là bất hợp pháp và vi phạm luật pháp quốc tế của nhiều nước. Ông hy vọng Bắc Kinh sẽ rút lui vì lợi ích của hòa bình và ổn định trong khu vực.

Động thái trên của Philippines được đưa một ngày sau khi tân tham mưu trưởng không quân Mỹ Charles Brown cảnh báo Trung Quốc về ý định thiết lập ADIZ trên Biển Đông.

Hình minh hoạ. Hình chụp hôm 16/10/2019 Máy bay chiến đấu của Hải quân Mỹ trên hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan ở Biển Đông
Hình minh hoạ. Hình chụp hôm 16/10/2019 Máy bay chiến đấu của Hải quân Mỹ trên hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan ở Biển Đông
AFP

Bộ trưởng Quốc phòng Philippines khẳng định ông đồng ý với cảnh báo của Tướng Charles Brown rằng một khi  được thiết lập trên Biển Đông, ADIZ của Trung Quốc không chỉ ảnh hưởng tới Mỹ mà còn ảnh hướng tới các nước khác trong khu vực do bao trùm không phận của nhiều nước và cả không phận quốc tế.

Bộ trưởng Delfin Lorenzana nhấn mạnh: "Tôi đồng ý với cảnh báo đó. Nếu Trung Quốc tuyên bố ADIZ với toàn bộ Biển Đông, điều đó đồng nghĩa với việc họ đã cướp mất một vùng biển rộng lớn vốn luôn rộng mở cho các hoạt động đánh bắt cá và tự do đi lại". Bộ trưởng Quốc phòng Philippines cảnh báo nếu Trung Quốc vẫn nhất quyết thiết lập ADIZ trên Biển Đông, nguy cơ xảy ra các tính toán sai lầm trên biển sẽ lên cao, dẫn đến căng thẳng leo thang trong khu vực: Tôi mong là Trung Quốc sẽ không tiến hành các động thái như vậy vì hòa bình và ổn định cho toàn bộ khu vực Biển Đông.”

Trung Quốc gây hấn với Nhật Bản

Trong một diễn biến khác cũng tại Biển Đông, Hạm đội 7 của Hải quân Mỹ và đồng minh Nhật Bản đã thực hiện một cuộc tập trận song phương ngày 23/6. Cuộc tập trận có sự tham gia của tàu chiến đấu ven biển USS Gabrielle Giffords của Mỹ và tàu huấn luyện JS Kashima, tàu JS Shimayuki của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản (JMSDF). Trong tuyên bố của Hạm đội 7, Thiếu tướng Fred Kacher phát biểu: "Cơ hội cùng hoạt động với bạn bè và đồng minh ở trên biển rất quan trọng đối với quan hệ đối tác và khả năng sẵn sàng phối hợp chiến đấu của cả hai bên". Theo tuyên bố này, mục tiêu của cuộc tập trận là xây dựng khả năng phối hợp giữa hải quân Mỹ và hải quân Nhật Bản. Tối cùng ngày, Bộ Tài nguyên Thiên nhiên của Trung Quốc đã công bố danh sách đặt tên và xác định vị trí 50 thực thể dưới biển gần Quần đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư)  - khu vực vốn đang xảy ra tranh chấp giữa Trung Quốc và Nhật Bản ở Biển Hoa Đông. Cuối tháng 4 vừa qua, Bắc Kinh cũng làm điều tương tự với 55 thực thể dưới biển mới ở Biển Đông, phần lớn những thực thể này nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của nước láng giềng Việt Nam. Hiện chưa rõ liệu cuộc tập trận Mỹ-Nhật có phải là nguyên nhân thúc đẩy Trung Quốc công bố danh sách đặt tên cho 50 thực thể mới dưới biển ở Biển Hoa Đông hay không.

Căng thẳng giữa Trung Quốc và Nhật Bản gia tăng trong những tuần gần đây. Theo thông cáo báo chí của Bộ Quốc phòng Nhật bản, Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản (JMSDF) đã phát hiện một tàu ngầm của Trung Quốc xuất hiện gần đảo Amami Oshima, trong phạm vi vùng tiếp giáp lãnh hải 24 hải lý, vào ngày 18/6. Janes - một công ty thông tin chuyên về lĩnh vực quốc phòng và an ninh quốc gia - cho biết các tàu của Trung Quốc đã xâm phạm vùng tiếp giáp lãnh hải của quần đảo Senkaku 495 lần kể từ ngày 1/1/2020.

Việt Nam và Nhật Bản lên tiếng

Tại cuộc họp trực tuyến Hội nghị Cộng đồng Chính trị- An ninh ASEAN lần thứ 21 diễn ra vào ngày 24/6 với sự tham dự của bộ trưởng ngoại giao 10 nước ASEAN và Tổng thư ký ASEAN, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh đã bày tỏ quan ngại về những diễn biến gần đây tại Biển Đông. Ông Phạm Bình Minh cho rằng các nước cần phát huy tinh thần trách nhiệm, đối thoại và hợp tác vì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông.

Từ Tokyo, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Taro Kono cũng lên tiếng về các hành xử của Trung Quốc trên Biển Đông. Ông Kono nhấn mạnh các hoạt động của Bắc Kinh trong khu vực chiến lược quan trọng này là "vô cùng đáng báo động".

Ông Taro Kono đưa ra phát biểu trên một ngày sau khi 2 tàu huấn luyện của Nhật Bản là JS Kashima và JS Shimayuki có cuộc diễn tập với tàu tác chiến cận bờ của Hải quân Mỹ là USS Gabrirlle Giffords tại Biển Đông. Động thái này chứng tỏ sự quan ngại của Nhật Bản về tình hình Biển Đông do những động thái gây hấn của Trung Quốc. Biển Đông có ý nghĩa quan trọng với Nhật Bản và được ví như huyết mạch của nền kinh tế nước này với các tuyến vận tải thương mại và dầu thô.

Dư luận mong chờ ASEAN lên tiếng về vấn đề biển Đông

Trong bối cảnh Trung Quốc gia tăng hoạt động trên Biển Đông trong khi các nước ASEAN bận chống dịch bệnh COVID-19, liệu ASEAN có thể đưa ra thông điệp cứng rắn hơn với Trung Quốc hay không là vấn đề mà dư luận hết sức quan tâm. Hội nghị cấp cao ASEAN thu hút sự chú ý của dư luận về việc ASEAN có thể thống nhất trong việc đưa ra thái độ mạnh mẽ hơn với Trung Quốc hay không?

Tuy nhiên, có hai thách thức lớn đối với ASEAN về vấn đề biển Đông.

Thách thức trước tiên đối với ASEAN nằm ở khả năng nhất trí về một phản ứng tập thể trước các động thái hung hăng của Trung Quốc, lý tưởng nhất là thông qua việc ký kết Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC). Nhiệm vụ này đang được chứng minh là vô cùng khó khăn, nhất là vì ASEAN là tổ chức liên chính phủ với các quốc gia thành viên có những quan điểm, phản ứng và lợi ích khác nhau. Cụ thể, một số quốc gia như Campuchia vì các lợi ích kinh tế, luôn sẵn sàng bảo vệ cho quan điểm của Trung Quốc.

Thách thức thứ hai là nguyên tắc chung của ASEAN được gọi là “Phương cách ASEAN” (ASEAN Way). Nguyên tắc này ưu tiên cho vấn đề chủ quyền và không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia thành viên, cũng như các trình tự ra quyết định dựa trên tham vấn và đồng thuận. Phương cách ASEAN” đã trở thành cơ sở cho các tuyên bố mà theo đó ASEAN có thể can dự thành công và dung hòa Trung Quốc thông qua các diễn đàn đa phương. Tuy nhiên, thành công của sự can dự phức tạp này chủ yếu nhờ vào trọng tâm ngoại giao của Trung Quốc coi chủ nghĩa đa phương như một nỗ lực nhằm tái định hình vị thế của mình trong các quan hệ quốc tế.

Có ý kiến cho rằng việc ASEAN khó có khả năng đưa ra quan điểm chung về tranh chấp tại Biển Đông bởi vì các chuẩn mực và nguyên tắc của ASEAN đã khá lỗi thời, không thay đổi dù môi trường địa chính trị hiện nay đã thay đổi rất nhiều so với thời kỳ thành lập ASEAN năm 1967. Tuy nhiên, việc thay đổi các nguyên tắc lâu năm này là điều hết sức khó khăn.

Tuy nhiên, nhiều người vẫn mong chờ Việt Nam, với tư cách là Chủ tịch ASEAN, Việt Nam đã xác định rằng hòa bình và ổn định trên Biển Đông chính là lợi ích chung của ASEAN, do vậy, đây cũng là dịp Việt Nam có thể thể hiện vai trò lãnh đạo của mình để thúc đẩy sự hợp tác của các nước thành viên ASEAN trong việc tìm một tiếng nói chung cho vấn đề biển Đông.

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.