Vụ cưỡng hôn nữ sinh: Một số khía cạnh pháp lý

Nguyễn Trang Nhung
2019.03.20
manhhung111_960.jpg Hình ảnh ông Đỗ Mạnh Hùng và vụ cưỡng hôn trong thang máy một nữ sinh ở Hà Nội
Courtesy of VTC news, RFA edit

Chiều ngày 18/3, công an quận Thanh Xuân, Hà Nội đã ra quyết định xử phạt hành chính ông Đỗ Mạnh Hùng, người có hành vi sàm sỡ, cưỡng hôn cô gái trong thang máy chung cư Golden Palm ở phường Nhân Chính.[1]

Hành vi của ông Hùng được xem là vi phạm hành chính về an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Cụ thể, ông Hùng "có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác", theo điểm a, khoản 1, Điều 5 Nghị định 167/2013, nên bị phạt tiền 200 nghìn đồng.[2]

Xử phạt này đã khiến nạn nhân thất vọng, ấm ức và gây bức xúc trong dư luận. Theo nạn nhân, mức phạt chưa đủ sức răn đe đối với ông Hùng, và chưa đủ để góp phần trừng trị và đẩy lùi hành vi xấu xa này.[3] Đây cũng là quan điểm của dư luận nói chung.

Đối với nhiều người quan tâm tới sự việc ở phương diện pháp lý, có một số câu hỏi được đặt ra, chẳng hạn: Liệu việc áp dụng pháp luật về xử phạt hành chính như vậy có thỏa đáng hay không? Có quy định pháp luật nào khác thích hợp hơn, ví dụ, trong Bộ luật Hình sự, để áp dụng trong trường hợp này hay không?

Theo pháp luật hiện hành, các hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác có thể bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự. Nhìn chung, xử phạt hành chính là đối với các hành vi gây nguy hiểm cho xã hội không đáng kể, còn xử lý hình sự là đối với các hành vi gây nguy hiểm cho xã hội đáng kể.

Trong trường hợp xử phạt hành chính, mức phạt đối với hành vi nêu trên là từ 100 nghìn đến 300 nghìn đồng. Ông Hùng bị phạt với mức phạt trung bình. Việc áp dụng mức phạt trung bình cho người bị phạt là áp dụng pháp luật thông thường. Ngay cả khi áp dụng mức phạt cao nhất thì sự khác biệt là không đáng kể.

Trong trường hợp xử lý hình sự, hành vi chỉ có thể được xem xét theo hướng là liệu có đầy đủ các cấu thành của tội làm nhục người khác theo Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015. Muốn vậy, hành vi phải thỏa mãn các điều kiện nhất định, trong đó có điều kiện của mặt khách quan của tội này là xúc phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của nạn nhân. Xét về điều kiện này thì khó kết luận, nhất là khi có nhiều ý kiến khác nhau trong giới chuyên môn về thế nào là nghiêm trọng, và khi có nhiều hành vi tương tự hoặc nghiêm trọng hơn trong quá khứ chỉ bị xem là vi phạm hành chính. Đó là chưa kể các bất định khác trong các điều kiện khác của tội này.

Do đó, khó có thể xử lý hình sự, mà hầu như chỉ có thể xử phạt hành chính đối với ông Hùng mà thôi.

Hẳn nhiên, như nhiều người có thể nhận thấy, quy định trong Nghị định 167/2013 quá chung chung vì không phân biệt các cấp độ nghiêm trọng khác nhau của hành vi, và mức phạt trong nghị định này quá nhẹ.

Điều này xuất phát từ tư duy pháp lý có phần sơ sài, khi xem nhẹ tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác. Đặt trên phông văn hóa và nền tảng nhận thức xã hội vốn chưa thực sự đề cao danh dự, nhân phẩm, và vốn coi các hành vi động chạm tính dục là bình thường, nhất là đối với trẻ em và phụ nữ, thì tư duy pháp lý như vậy là khá dễ hiểu.

Qua sự việc này, có thể rút ra một vài giải pháp cho vấn đề. Một là nâng cao nhận thức của mọi người về các hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác nói chung, và hành vi quấy rối tình dục (bằng cả lời nói và hành động) nói riêng. Hai là sửa đổi Nghị định 167/2013 theo hướng chi tiết hơn và tăng mức phạt. Ba là quy định thêm các tội liên quan đến quấy rối tình dục trong Bộ luật Hình sự.

Trong khi thúc đẩy cải thiện pháp luật, giải pháp thứ nhất có thể được thực hiện thông qua các tổ chức xã hội dân sự, các hội nhóm hoạt động về quyền, đặc biệt là quyền trẻ em và quyền phụ nữ. Cùng với đó, khi phim ảnh có tác dụng kích thích tư tưởng và hành vi tính dục ngày càng phổ biến trên các phương tiện nghe nhìn, thì việc hạn chế chúng và khước từ lan truyền chúng là thực sự cần thiết.

Chú thích:

[1][2] Quấy rối tình dục nữ sinh trong thang máy, bị phạt... 200.000 đồng
https://tuoitre.vn/cuong-hon-nu-sinh-trong-thang-may-bi-phat-200-000-don...

[3] Kẻ quấy rối chỉ bị phạt 200.000 đồng, nạn nhân thất vọng, ấm ức
https://tuoitre.vn/ke-quay-roi-chi-bi-phat-200-000-dong-nan-nhan-that-vo...

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.