Malaysia cần thay đổi cách tiếp cận về Biển Đông

Ngô Chí Quốc
2020.06.24
    Hình minh hoạ. Hình vệ tinh chụp tàu khoan West Capella do Malaysia ký hợp đồng ở Biển Đông hôm 22/4/2020
Planet Labs

Hoạt động thăm dò dầu khí của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Petronas của Malaysia gần đây đã gây ra căng thẳng ba bên tại Biển Đông kéo dài mấy tháng và chỉ kết thúc vào giữa tháng 5 sau khi giàn khoan West Capella, tâm điểm của vụ việc, rút khỏi thực địa.

Tàu khảo sát địa chất của Trung Quốc đã hoạt động ngay sát tàu thăm dò dầu khí West Capella do Tập đoàn Dầu khí quốc gia Petronas của Malaysia điều hành trong vùng biển Malaysia vào giữa tháng 4 vừa qua, khiến căng thẳng gia tăng tại khu vực Biển Đông. Chiến dịch đe dọa Trung Quốc thu hút sự chú ý của quốc tế. Mỹ và Australia đã cử tàu chiến đến khu vực này. Hải quân Mỹ 4 lần cử tàu chiến tới khu vực, trong đó ngày 18/4, Mỹ và Australia đã tiến hành một cuộc tập trận hải quân chung gần địa điểm khảo sát của giàn khoan Hải dương 8. Hạm đội 7 của Mỹ cũng 3 lần triển khai tàu chiến với thông điệp yêu cầu Trung Quốc phải chấm dứt tất cả các hình thức bắt nạt các quốc gia Đông Nam Á và các nước Đông Nam Á cần được tự do khai thác tài nguyên trong vùng biển của mình.

Tuy nhiên, Malaysia đã luôn kín tiếng về lập trường và kế hoạch của mình. Chính phủ nước này hiếm khi đưa ra bất kỳ phản đối nào trước các hành động của Trung Quốc. Chính sách của Malaysia trong vấn đề biển Đông được mô tả như là “chính sách ngoại giao thầm lặng” đã từng được Trung Quốc tán thưởng và đề cao.

Trong suốt quá trình diễn ra vụ việc tàu thăm dò dầu khí West Capella, Malaysia bị mắc kẹt với phương thức tiếp cận thận trọng truyền thống của mình, một mặt điều các tàu hải quân và chấp pháp biển, mặt khác lặp lại luận điệu “đảm bảo tự do hàng hải”, cảnh báo nguy cơ tính toán sai lầm từ số lượng tàu chiến và các tàu khác trong khu vực tranh chấp”.

Giới nghiên cứu tại Malaysia đã tranh luận về phản ứng và cách tiếp cận vấn đề Biển Đông của chính phủ Malaysia. Một số người ủng hộ lập trường mang tính hòa giải hơn đối với Trung Quốc vì lợi ích quan hệ song phương gần gũi hơn. Trong khi đó, một bộ phận khác lại khuyến nghị quan điểm kêu gọi hợp tác sâu sắc hơn với Mỹ nhằm chống lại hành vi hung hăng của Trung Quốc. Tuy nhiên, phần lớn các chuyên gia Malaysia cho rằng nên tiếp tục ủng hộ cách tiếp cận thận trọng và cảnh báo nguy cơ có thể gây ra sai lầm chiến lược không thể đảo ngược.

Các chuyên gia quốc tế khác thì cho rằng cách thức xử lý căng thẳng của Malaysia đã nhấn mạnh sự ưu tiên của quốc gia Đông Nam Á này trong giải quyết tranh chấp tại Biển Đông, đó là tránh tác động xấu tới quan hệ với Trung Quốc, bất chấp trước đó Malaysia đã gửi Đệ trình tới Ủy ban Ranh giới thềm lục địa mở rộng của LHQ (CLCS) thách thức yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh đối với vùng biển có vị trí chiến lược này.

Trong chính sách của mình, Malaysia thể hiện sự ưu tiên sử dụng ngoại giao cửa sau” để giải quyết xung đột. Bất chấp tình hình căng thẳng trên thực địa gần đây, Malaysia vẫn tiếp tục mối quan hệ thân thiện một cách thận trọng với Trung Quốc, không giống như những cuộc tranh cãi công khai giữa Trung Quốc và các quốc gia Đông Nam Á khác cũng có yêu sách chủ quyền tại Biển Đông. Một điều được thừa nhận là giới lãnh đạo Malaysia sẽ không nghiêng về phía phương Tây và đây cũng là chìa khóa trong việc chiếm được lòng tin của các nhà lãnh đạo Trung Quốc.

Tuy vậy, trong một bài viết gần đây của cựu thuyền trưởng Martin A. Sebastian, hiện là Giám đốc Trung tâm An ninh và Ngoại giao hàng hải, Viện Nghiên cứu biển Malaysia (MIMA), đăng trên tờ New Straits Times (Malaysia), ông này khẳng định tuy Malaysia áp dụng chính sách ngoại giao thầm lặng” nhưng chính sách của quốc gia này là độc lập, không phụ thuộc vào bất cứ cường quốc nào.

Cũng theo ông Sebastian, tình hình Biển Đông đang ngày càng trở nên thách thức hơn. Để đứng lên bảo vệ lợi ích của mình, Malaysia không phụ thuộc vào bất cứ quốc gia nào. Do đó, Malaysia cần phải trả giá khi là một quốc gia nhỏ phải thận trọng trong việc giải quyết các vấn đề của chính mình tại vùng biển chiến lược này. Chìa khóa là tập trung vào quản lý tốt hơn, nâng cao năng lực đánh giá và quyết sách. Đối với các quốc gia tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông, khi Malaysia không cùng chiến tuyến và điều này không có nghĩa là Malaysia chống lại quốc gia khác.

Hình minh hoạ. Tàu USS Gabrielle Giffords của Hải quân Mỹ ở gần West Capella hôm 12/5/2020
Hình minh hoạ. Tàu USS Gabrielle Giffords của Hải quân Mỹ ở gần West Capella hôm 12/5/2020
US Navy

Với sự thay đổi khó lường của quan hệ Mỹ-Trung sau khi đại dịch COVID-19 bùng phát, các quốc gia Đông Nam Á bao gồm Malaysia, đều không muốn đưa ra bất kỳ quyết định nào có thể dẫn đến việc bị kẹt giữa hai cường quốc này. Thêm vào đó, tình hình chính trị Malaysia hiện nay không có lợi cho bất kỳ tranh chấp quốc tế hay trọng điểm trong chính sách đối ngoại. Chính phủ do liên minh Quốc gia (PN) mới nắm quyền nhận thức rõ ràng thế yếu về tính hợp pháp chính trị khi dư luận cho rằng PN lên nắm quyền thông qua một cuộc đảo chính chính trị. Cùng với đó, sự bất ổn trong nội bộ PN cũng có nghĩa chính phủ do liên minh này cầm quyền sẽ miễn cưỡng mở ra một mặt trận khác về vấn đề Biển Đông, có thể dẫn đến việc nguy cơ sẽ quay trở lại nếu không kiểm soát được tình hình.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là chính sách ngoại giao thầm lặng của Malaysia sẽ được duy trì như thế nào trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng tỏ ra hung hăng tại Biển Đông, gây sức ép với các quốc gia Đông Nam Á, vươn vòi bạch tuộc khai thác tài nguyên ở những khu vực nằm ngoài bờ biển của mình – những khu vực Trung Quốc tuyên bố chủ quyền bất chấp luật pháp quốc tế. Trung Quốc tiếp tục thể hiện tín hiệu cho thấy cường quốc này sẽ không lùi bước và sẽ không bỏ qua cho bất kỳ hoạt động thăm dò dầu khí mới nào của các quốc gia có yêu sách chủ quyền khác.

Như hai chuyên gia Ian Storey và Malcom Cook của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á có trụ sở tại Singapore nhận định rằng không có gì thay đổi về cơ bản ở Biển Đông: Trung Quốc tiếp tục khẳng định yêu sách chủ quyền của mình, Mỹ đáp trả khi tăng cường FONOP và các quốc gia Đông Nam Á có yêu sách chủ quyền quan tâm và lo lắng về mức độ nghiêm trọng của diễn biến tình hình”.

Chuyên gia nghiên cứu về Đông Nam Á Murray Hiebert tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CISI, trụ sở tại Washington) nhận định cách tiếp cận của Malaysia là tránh thu hút bất kỳ sự chú ý nào với hy vọng Trung Quốc sẽ bỏ qua các hoạt động của quốc gia Hồi giáo này. Tuy nhiên, ông cho rằng trong bối cảnh chiến dịch của Trung Quốc khẳng định chủ quyền tại Biển Đông đang tiếp tục thành công”, cường quốc kinh tế số 2 thế giới sẽ không cho phép Malaysia có các hoạt động dầu khí riêng lẻ.

Có lẽ chúng ta phải nhận thấy rằng, thực sự có những lý do quan trọng đằng sau việc Malaysia theo đuổi con đường trung lập lặng lẽ hơn mà không thể bỏ qua. Tuy nhiên, một cách tiếp cận cân bằng không nhất thiết phải là sự thụ động. Thay vào đó, Malaysia cần tăng nỗ lực tham gia từ mọi phía và hợp tác với Trung Quốc, các nước láng giềng Đông Nam Á, cũng như Mỹ và các đồng minh của Mỹ để bảo vệ lợi ích biển của nước này tại Biển Đông.

Thêm nữa, Malaysia nên quản lý và, nếu có thể, giải quyết các tranh chấp tại Biển Đông với các nước láng giềng Đông Nam Á, bao gồm Indonesia, Việt Nam và Philippines. Malaysia có các yêu sách chủ quyền chồng lấn với Philippines và Việt Nam tại quần đảo Trường Sa, và các ranh giới trên biển chồng lấn với Philippines, Việt Nam và Indonesia ở Biển Đông. Với những bế tắc liên tục trong đàm phán Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), cần xây dựng một thỏa thuận nhỏ” giữa các nước Đông Nam Á có yêu sách chủ quyền tại Biển Đông để phối hợp hành động. Malaysia phải tăng cường hợp tác với các nước ASEAN có yêu sách chủ quyền khác, đặc biệt là Việt Nam. Với tư cách là Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam dự kiến sẽ ưu tiên vấn đề an ninh hàng hải trong chương trình nghị sự và thành công của Việt Nam trong ngăn chặn, kiểm soát dịch COVID-19 có thể sẽ giúp tăng cường thông tin để đưa ra đề xuất mạnh mẽ về hợp tác khu vực. Giải quyết tranh chấp giữa các nước Đông Nam Á có yêu sách chủ quyền và xây dựng mặt trận thống nhất trong ASEAN là rất quan trọng.

Ngoài ra, Mỹ và các đồng minh có thể hoạch định chiến lược tốt hơn đối với các nước Đông Nam Á. Chiến lược này có thể bắt đầu bằng cách tái cấu trúc các cơ chế do ASEAN lãnh đạo, vốn đã nhiều lần bị suy yếu do các động thái của Tổng thống Donald Trump và Ngoại trưởng Mike Pompeo. Điều quan trọng là tiếp cận khu vực để duy trì sự nhất quán, thông điệp tập trung vào rộng mở và bao quát hơn là đơn thuần thúc đẩy các nỗ lực kiềm chế Trung Quốc.

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.