Không còn đường lùi, nhưng chưa biết tiến đi đâu

Nguyễn Anh Tuấn
2017.10.09
000_Hkg2306524_960.jpg Nguyên Tổng Bí Thư Đảng Cộng sản Việt Nam, ông Lê Khả Phiêu, nói chuyện tại nhà riêng ở Hà Nội hôm 22/4/2009.
AFP

Trước thềm Hội nghị Trung ương 6 bàn về đổi mới bộ máy chính trị, hàng loạt tờ báo đã đăng tải bài phỏng vấn của cựu Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, trong đó ông nhấn mạnh về tính cấp thiết của đổi mới bộ máy chính trị bằng cụm từ "không còn đường lùi".

Tình thế lưỡng nan mà Đảng Cộng sản đang đối mặt đến từ chính công thức cầm quyền của họ vài thập niên gần đây. Để đảm bảo vị trí độc tôn của mình, trong bối cảnh lý tưởng đại đồng cộng sản đã hết sức sống, đảng chỉ còn biết dùng lợi ich vật chất để mua sự trung thành của nhiều người nhất có thể.

Hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương cũng vì thế mà phình ra không ngừng. Có thời điểm người ta tính được có tới 11 triệu người hưởng lương ngân sách. Chỉ cần nhẩm tính mỗi lao động hưởng lương ngân sách lại nuôi 2-3 người phụ thuộc sẽ thấy đảng đã xây dựng được một nền tảng ủng hộ làm bệ đỡ quyền lực rộng lớn đến mức nào trong lòng xã hội với một đám đông có cảm giác "đồng hội đồng thuyền" về lợi ích với đảng.

Và quả tình, dưới cái bóng của hệ thống chính trị khổng lồ này, mọi phản kháng ngay cả ở mức độ dân sự cũng rất dễ bị đè bẹp trong giai đoạn trứng nước, chỉ cần đảng hô câu hiệu lệnh quen thuộc "huy động toàn hệ thống chính trị vào cuộc"

Tuy nhiên, nuôi được bộ máy cồng kềnh này chẳng hề đơn giản. Lời giải của đảng đối với bài toán này cho tới nay gồm hai phần chính sau:

Một, dành một khoản chi lớn (gần 3/4 tổng chi ngân sách) chỉ để nuôi bộ máy - đồng nghĩa với việc phải bớt chi cho đầu tư phát triển, điện, đường, trường, trạm - tức những khoản chi nâng cao đời sống cho toàn xã hội. Nợ công vì thế mà phải chạm trần, tài nguyên bởi vậy mà phải cạn kiệt, để nuôi bộ máy cứ ngày một phình to suốt vài thập kỷ vừa qua.

Hai, dẫu có dành phần lớn tổng chi ngân sách để nuôi bộ máy nhưng vì nó quá lớn nên tính ra lương cho đầu người vẫn thấp, không đáp ứng được cuộc sống. Một cách tự nhiên đảng nhanh chóng đạt được đồng thuận nhắm mắt "mạnh ai nấy ăn" để bù đắp phần thiếu hụt. Nhưng ăn vào đâu? Còn đâu khác ngoài người dân và doanh nghiệp. Đây chính là gốc rễ của tình trạng tham nhũng có hệ thống ở Việt Nam, phơi bày trong đời sống hàng ngày của chúng ta, thông qua đủ loại tệ nạn, nào là "giấy phép con", "thanh kiểm tra", "mãi lộ", "BOT", "lạm thu", "thư vận động đóng góp", "chạy việc", "chạy trường"...

Giá mà có thể duy trì giải pháp trên thì những người lãnh đạo đảng có thể yên tâm kê cao gối mà ngủ. Tuy nhiên, nay thì nợ công đã chạm trần, tài nguyên khoảng sản cũng đã cạn kiệt, mô hình tăng trưởng lạc hậu vẫn chưa được chuyển đổi, lợi tức tạo ra không tương xứng với độ phình của bộ máy.

Tệ hơn, người dân và doanh nghiệp - nền tảng kinh tế của quốc gia - một khi không chịu nổi áp lực "kiếm chác" từ hệ thống chính trị khổng lồ này sẽ dần mất đi động lực; nhiều người tài năng và tự trọng thâm chí còn tìm cách ra đi. Kết quả là kinh tế đình đốn, nguồn thu ngân sách vì thế sẽ sụt giảm theo, khiến chỉ riêng việc nuôi bộ máy với mức độ như hiện tại đã khó, đừng nói tới việc trả lương cao hơn.

Thế thì đúng là như cựu TBT Phiêu nói, quả là không còn đường lùi, và giải pháp duy nhất là giảm biên chế. Nhưng bộ phận nào trong hệ thống chính trị bị nhắm tới đầu tiên? Hội nghị Trung ương 6 lựa chọn "các tổ chức sự nghiệp công lập", có lẽ là vì đây là nhóm ít quyền lực nhất - đồng nghĩa là khả năng phản đối thấp nhất. Đây cũng là lý do mà cách đây vài tháng Bộ Giáo dục Đào tạo thăm dò việc bỏ biên chế giáo viên.

Tuy nhiên, nếu chỉ tập trung giảm biên chế mỗi khu vực sự nghiệp thì chỉ là cách trì hoãn chứ không phải là giải pháp toàn diện cho vấn đề. Toàn bộ hệ thống cần phải được tinh gọn ở mức độ cao thì mới có thể giảm áp lực chi thường xuyên và bớt được phiền hà cho người dân, doanh nghiệp một cách căn cơ, từ đó mới khôi phục được động lực làm ăn, kinh tế mới phát triển để tăng được nguồn thu cho ngân sách.

Thế nhưng, một khi không còn trong tay hệ thống chính trị khổng lồ như hiện nay nữa, đảng có gì để trấn áp những phản kháng trong xã hội để đảm bảo quyền lực độc tôn của mình?

Chọn một thôi, không thể có cả hai đâu các ông.

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.