Qwerty hay Dvorak

Nguyễn Lân Thắng
2018.09.09
000_VZ34H.jpg Hình minh hoạ. Một bàn phím trên một thiết bị cầm tay
AFP

Bạn có biết Qwerty là gì không? Hãy mở máy tính hoặc nhìn vào điện thoại. Đó chính là 6 chữ cái phía trên bên trái bàn phím bạn vẫn quen dùng. Ồ, vậy bạn có bao giờ thắc mắc tại sao thứ tự của bàn phím lại không sắp xếp theo thứ tự ABC trong bảng chữ cái nhỉ? Xin thưa, mọi thứ đã tồn tại thì đều có lý do của nó. Qwerty bắt đầu xuất hiện từ thời kỳ sơ khai của máy chữ. Lúc đầu người ta cũng sắp xếp trên máy chữ các phím bấm theo thứ tự ABC, nhưng người ta nhận ra khi bắt đầu quen và gõ nhanh trên máy chữ, về mặt cơ khí, những cái cần kim loại gắn búa nhỏ in nổi chữ cái trên máy chữ bắt đầu mắc vào nhau khi chưa kịp thu về. Điều này làm những người gõ máy chữ rất mất thời gian để thò tay lên gỡ những cái cần bị mắc vào nhau. Hai cái cần càng gần nhau mà cùng gõ nối tiếp liên tục thì càng dễ bị mắc kẹt. Chẳng hạn trong chữ ABSOLUTE hay chữ EIFFEL... xác xuất cặp chữ AB, hay cặp chữ FE sẽ bị kẹt rất cao nếu xếp gần nhau theo bảng chữ cái. Chính vì thế về mặt cơ khí, người ta thiết kế lại cách sắp xếp các phím bấm trên bàn phím máy chữ tách ra không theo thứ tự ABC để sao cho ít bị kẹt nhất, và đó chính là hệ bàn phím Qwerty mà chúng ta vẫn quen dùng ngày nay trên máy tính hay điện thoại. Trải qua hơn một trăm năm tồn tại của máy chữ, không chỉ Qwerty mà người ta còn sáng tạo ra nhiều kiểu bàn phím khác để phù hợp với ngôn ngữ như AZERTY cho tiếng Pháp, hay QWERTZ cho tiếng Đức.v.v... nhưng đặc biệt là phải kể đến bàn phím Dvorak. DRORAK không phải là tên đặt theo cách sắp xếp bàn phím mà theo tên của nhà phát minh ra nó, ông August Dvorak. Bàn phím này được đăng ký sáng chế vào năm 1936 khi Dvorak cảm thấy bàn phím QWERTY không mang đến cảm giác thoải mái khi sử dụng. Tin rằng không có một mẫu bàn phím nào là hoàn hảo, Dvorak quyết định thiết kế một kiểu bàn phím của riêng mình.

Theo thống kê, người dùng bàn phím QWERTY thường gõ 32% số từ ngay tại dòng phím "home row" (dòng phím mà tay bạn thường đặt một cách tự nhiên khi bắt đầu gõ) trong khi đó bàn phím DVORAK nâng con số này lên 70%. Vì thiết kế như vậy nên bàn tay gõ rất ít phải di chuyển so với Qwerty. Bàn phím DVORAK cũng tận dụng đặc điểm rằng có nhiều người thuận tay phải hơn để tạo ra cách sắp xếp phím giúp bạn gõ được nhiều từ bằng tay phải, giúp nâng cao tốc độ gõ hơn. Chính vì tốc độ vượt trội của nó khi gõ, trong chiến tranh thế giới thứ 2 hải quân Mỹ đã thử nghiên cứu ứng dụng Dvorak trong liên lạc quân sự. Như các bạn biết, trên các tàu chiến hay hàng không mẫu hạm, lính thông tin chuyên đeo tai nghe trên đầu nghe các báo cáo quân sự trên các làn sóng radio và rồi gõ thật nhanh các thông tin thành các báo cáo, chỉ thị. Bộ phận thông tin này cực kỳ quan trọng và luôn gắn liền với bộ phận đầu não chỉ huy để đưa ra các mệnh lệnh phối hợp cho các bộ phận khác. Hải quân Mỹ đã chọn mười bốn người đánh máy cho một nghiên cứu vào năm 1944 để đánh giá xem việc đào tạo Dvorak có khả thi hay không. Kết quả là chỉ mất 52 giờ đào tạo những người đánh máy trên loại bàn phím Dvorak để đạt được tốc độ trung bình như trên bàn phím Qwerty. Khi kết thúc nghiên cứu, tốc độ Dvorak nhanh hơn 74% so với tốc độ Qwerty, và độ chính xác đã tăng 68%.

Theo sự tiến bộ của khoa học công nghệ, máy chữ điện, rồi máy tính ra đời, người ta không còn cần dùng đến các cơ cấu cơ khí trong bàn phím nữa. Còn những bàn phím được sáng tạo ra cho những nhu cầu riêng như bàn phím chuyên cho game thủ, bàn phím cho những người làm công tác thống kê hay kế toán, bàn phím 3D với sắp xếp phím nổi không theo mặt phẳng thông thường để tránh mỏi cổ tay khi gõ lâu dài.

Khi tôi gõ những dòng chữ này, tôi dùng 2 ngón tay cái gõ trên bàn phím Qwerty quen thuộc với chúng ta trên điện thoại hay máy tính. Dù biết Dvorak cực kỳ lợi hại, nhưng tôi không thể từ bỏ thói quen dùng Qwerty bấy lâu nay. Thử google để nhìn sắp xếp bàn phím Dvorak xem nó kỳ cục như thế nào đi, nhưng tôi không bao giờ chửi nhưng người dùng nó là đồ thần kinh, đồ dở hơi, vì tôi biết thế giới này rất rộng lớn. Cái ta biết, ta quen thuộc chỉ là hữu hạn trong thế giới vô hạn. Con người phát triển được bởi vì tò mò đặt câu hỏi tại sao với những thứ khác lạ, chứ không phải hè nhau chửi bới miệt thị hay chế giễu những thứ chưa từng thấy, chưa từng nghe bao giờ. Qwerty hay Dvorak đều... Ok cả, miễn là bạn dùng nó để gõ ra cái gì có ích cho đời

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.