RCEP – Khu vực mậu dịch tự do lớn nhất thế giới đã ra đời

Thiều Quang
2020.11.16
  tt Hình minh hoạ. Lãnh đạo các nước ASEAN trên màn hình tại Thượng đỉnh RCEP lần thứ 4 ở Hà Nội hôm 15/11/2020
Reuters

Xuất xứ và mục tiêu

Ngày 15/11/2020, Cấp cao ASEAN lần thứ 37 qua truyền hình trực tuyến, đã kết thúc tại Hà Nội, với sự kiện 15 nước châu Á – Thái Bình Dương vừa ký kết hiệp định đối tác thương mại gọi tắt là RCEP – Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực. Vậy là vùng thương mại tự do giữa 10 nước Đông Nam Á, cùng với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc từ phía Bắc kéo xuống tận Nam Thái Bình Dương với Úc và New Zealand, đã được hình thành.

Cho đến nay có thể nói rằng, RCEP là sáng kiến của ASEAN, do chính ASEAN dẫn dắt. Bởi vì Hiệp định này được xây dựng trên nền tảng của 6 Hiệp định thương mại tự do (FTA) “ASEAN+1” và đảm bảo được vị trí của ASEAN là trung tâm của các thể chế kinh tế khu vực. Tuy nhiên, động lực đằng sau Hiệp định này của mỗi khối cũng có những khác biệt.

Mục tiêu của RCEP là “hoà đồng bộ” mạng lưới các hiệp định FTA “ASEAN+1” hiện có để trở thành một hiệp định thống nhất, tạo ra một bộ quy tắc thương mại thống nhất và duy nhất cho khu vực châu Á – Thái Bình Dương. RCEP cũng bao gồm các điều khoản quản lý đối với nhiều vấn đề thương mại của thế kỷ 21, bao gồm dịch vụ, đầu tư, thương mại điện tử, viễn thông và sở hữu trí tuệ.

Theo ý kiến của giới chuyên gia, Trung Quốc – Nhật Bản – Hàn Quốc đều là các nước Đông Á đã tham gia nhiều Hội nghị “ASEAN+1” nhưng mỗi nước chống lưng cho RCEP với các động cơ khác nhau. Hàn Quốc và đặc biệt là Nhật Bản đều muốn chiếm lĩnh thị trường Đông Nam Á với hơn 650 triệu dân, lớn gấp rưỡi khối EU, tương đương châu Mỹ Latinh và lớn gấp 3 lần thị trường Mỹ.

Trung Quốc thì muốn dùng RCEP để ngăn chặn sự kiềm chế của Mỹ. RCEP còn phục vụ cho tham vọng địa-chính trị của Bắc Kinh trong khu vực, qua một chiến lược phát huy ảnh hưởng bao quát hơn, dưới tên gọi thuở ban đầu “Một vành đai, một con đường” (OBOR). Đây còn là cơ hội để tạo thêm khả năng phá thế kiềm tỏa của Mỹ ở châu Á – Thái Bình Dương và tiếp tục hiện thực hoá “Sáng kiến Vành đai – Con đường” (BRI), một phiên bản sau này của OBOR.

Các nước khác trong khu vực kỳ vọng vào RCEP để tăng cường phát triển kinh tế nhờ vào quy định giảm hàng rào thuế quan, hài hòa thủ tục xuất nhập khẩu, tạo điều kiện sinh hoạt dễ dàng hơn cho xí nghiệp. Hiệp định có những quy định bảo vệ sở hữu trí tuệ, nhưng lại thiếu hai lĩnh vực thiết yếu khác là “tôn trọng môi trường và quyền lợi người lao động”.

Đối mặt với chủ nghĩa đơn phương dưới thời Donald Trump, khi mà chính sách bảo hộ mậu dịch gia tăng, các hàng rào thuế quan liên tiếp được Mỹ dựng lên để “tự vệ” trong hoàn cảnh sản xuất nội địa của Mỹ suy giảm. Từ đó, dẫn đến phản ứng thái quá bằng cuộc thương chiến Mỹ – Trung. Cuộc thương chiến này đã đặt các nước ASEAN vào một hoàn cảnh cọ xát gay cấn, rất khác xa so với năm 2012, buộc các nước phải kết thúc đàm phán RCEP.

Hơn nữa, đại dịch COVID-19 bùng phát toàn cầu năm 2020 làm cho Trung Quốc và Mỹ không thể tiếp tục triệt hại lẫn nhau. Hai cường quốc này buộc phải quay về giải quyết vấn đề sinh mạng của người dân mình, nhưng theo hai hướng khác nhau. Trong bối cảnh ấy, Mỹ thúc đẩy chiến lược “Ấn Thái Dương tự do và rộng mở” (FOIP) mà thực chất là chuyển trọng tâm chiến lược sang đại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương để đối phó với “Sáng kiến Vành đai – Con đường” (BRI) của Trung Quốc đang trên đà đẩy Mỹ ra khỏi châu Á.

Mỹ lùi, Trung Quốc tiến?

Thế giới đang chờ đợi phản ứng của Mỹ trước sự ra đời của RCEP. Liệu tân Tổng thống Biden có quyết định đưa Mỹ trở lại Hiệp định CPTPP hay đề xuất một liên minh kinh tế khác để thay thế? Liệu chính quyền mới sẽ công bố một chiến lược cập nhật, cứng rắn hơn chính sách “xoay trục” hay “tái cân bằng” thời Obama? Có thể hình dung Mỹ sẽ củng cố các mối liên hệ xuyên Đại Tây Dương, đồng thời gắn bó hơn với các đối tác Á châu trong mọi lĩnh vực?

Hình minh hoạ. Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Zhong Shan (phải) ký hiệp định cạnh Thủ tướng TQ Lý Khắc Cường tại lễ ký trực tuyến nhân Thượng đỉnh ASEAN 37 ở Hà nội hôm 15/11/2020
Hình minh hoạ. Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Zhong Shan (phải) ký hiệp định cạnh Thủ tướng TQ Lý Khắc Cường tại lễ ký trực tuyến nhân Thượng đỉnh ASEAN 37 ở Hà nội hôm 15/11/2020
Reuters

Sự kiện 15 nước châu Á – Thái Bình Dương hợp nhất ký kết RCEP là một biểu hiện của thái độ không ủng hộ chủ trương “tách rời” (decoupling) kinh tế và công nghệ ra khỏi Trung Quốc do Tổng thống Donald Trump quảng bá trước đây. Hơn nữa, cuộc thương chiến Mỹ – Trung đã đặt các nước ASEAN vào một hoàn cảnh mới và tạo thêm động lực thúc đẩy khối này đi đầu thành lập RCEP. Hiệp định này được xem là một cố gắng chung của các nước chống lại chính sách bảo hộ thương mại của Trump.

Trước đây cũng có ý kiến cho rằng, RCEP thật ra là do Trung Quốc đề xuất vào

hồi 2012 để đáp trả lại sáng kiến thành lập Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) của Washington đã bị Donald Trump sau này bỏ rơi. RCEP của Trung Quốc bao trùm một vùng năng động liên quan đến 3,5 tỷ người, chiếm khoảng 40 % tổng thương mại thế giới. Trong khi TPP được coi là một hiệp định thương mại thế hệ mới thì RCEP chỉ mang tính chất của một hiệp định thương mại truyền thống không có thêm điểm gì nổi trội.

Đáng chú ý là ngày đầu Ấn Độ cũng có mặt trong RCEP. Nhưng vì Ấn đã tham gia “Bộ tứ Kim cương” (QUAD) nên quốc gia này về sau đã tính toán lại một đối sách khác. Lo ngại hàng Trung Quốc giá rẻ sẽ tràn ngập thị trường, Ấn Độ không tham gia vào RCEP. Rồi đây không loại trừ sẽ có một Hiệp ước Tự do Thương mại riêng rẽ giữa Ấn Độ với ASEAN để tránh đụng chạm với đối thủ Trung Quốc.

Liệu RCEP tạo nên một sự cân bằng mới trong khu vực, tránh cho ASEAN khỏi bị lôi vào vòng xoáy cạnh tranh địa chính trị giữa “chiến lược Ấn Thái Dương” (FOIP) của Mỹ và “sáng kiến Vành đai Con đường” (BRI) của Trung Quốc? Giới phân tích đặt câu hỏi, liệu đây là thời điểm thích hợp để Trung Quốc suy nghĩ lại chính sách “Ngoại giao chiến lang”, quay về thực tiễn đối thoại và hợp tác, thay vì thường xuyên răn đe bằng “cơ bắp” trên Biển Đông?

Theo một số chuyên gia, RCEP có một nghĩa đặc biệt quan trọng không kém các hiệp định kinh tế giữa các nước Tây Âu trước đây nửa thế kỷ để tạo nên một Liên minh EU ngày nay. Tuy nhiên, không giống với Tây Âu, EU liên kết nội khối trước rồi mới đặt quan hệ đối ngoại sau. ASEAN không làm như vậy, mà tạo ra thế gắn kết trong sự cởi mở và ngược lại, cũng tạo được sự cởi mở trong quá trình gắn kết.

Một đặc điểm khác biệt nữa là các nước ASEAN không có tư duy khép kín như EU hay độc tôn như Mỹ hoặc Trung Quốc, mà ngược lại là tư duy làm bạn với tất cả các nước do Việt Nam dẫn dắt. Chính vì vậy RCEP là một hiệp ước mở. Nó khuyến khích các quốc gia ngoài khu vực tham gia với tư cách là quan sát viên hoặc cao hơn là thành viên hạn chế trước khi muốn trở thành thành viên đầy đủ của hiệp ước.

Với Việt Nam, sau khi thực thi Hiệp định CPTPP và ký kết Hiệp định Thương mại Tự do với Liên minh châu Âu (EVFTA) vào tháng 6/2019, RCEP ra đời từ nay sẽ mở thêm cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu, tham gia vào các chuỗi giá trị mới trong khu vực và tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài. RCEP được ký kết và có hiệu lực sẽ giúp mở cửa để nhập khẩu hàng hóa rẻ hơn, đặc biệt là các nguyên vật liệu đầu vào phục vụ sản xuất./.

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.

Nhận xét

Anonymous
16/11/2020 15:12

Tầu cộng từng khuynh đảo Canada , khuynh đảo Úc , khuynh đảo Âu châu , khuynh đảo biển đông .... nay thò tay vào RCEP !
Không sớm thì muộn RCEP sẽ tan vỡ như bong bóng xà phòng .

Thái và Ấn biết trước , rút sớm. Các nai vàng ngơ ngác , mơ mộng hoang tưởng , đi trên mây .... thơ ngây như chuyện con sói và cô bé quàng khăn đỏ ... sẽ tỉnh giấc Nam Kha bởi thực tế đau buồn : Chó sói và cừu non !!!
Vâng , chiến pháp lang tức lý kẻ mạnh bao giờ cũng thắng !
Ông bà ta có câu : " nước mắt cá sấu " ý chỉ sự giả dối , lừa bịp , đóng kịch hiền từ thơ ngây , giả nai .... khi cần cho ai đó vào tròng .

Và cá sấu chỉ cười khi bắt được con mồi . Nước mắt luôn luôn nhiều hơn nụ cười , đó là bản chất loài cá sấu ... ai ơi !!!!

Anonymous
16/11/2020 21:36

Trung quốc và ĐCSTQ không bao giờ tốt lành gì với nhân dân thế giới. Đó là điều chắc chắn nếu thế giới rà soát lại từ xưa đến nay qua lối ăn nói, đối xử của các quan chức Trung quốc cũng như hành vi ngang ngược, xảo trá, ăn cắp thuộc diện ăn cắp đá bát, mơ mộng bá chủ toàn cầu, thâm độc, gieo rắc virus corona ra toàn cầu để sát thương nặng nề siêu cường Mỹ và tất cả các cường quốc hùng mạnh khác nhằm làm suy yếu để Trung quốc và Tập Cận Bình nhanh chóng thu gọn thế giới. Trung quốc cho người dân ở khắp thế giới, lấy vợ nước khác, sinh con đẻ cái lậy họ theo dòng họ tư tưởng đại hán, chúng xen mạnh vào đấu thầu các công trình lớn trên thế giới và luôn trúng thầu vì đấu thầu giá thuộc loại rẽ nhất để đạt được sau đó chúng thi công bầy nhầy, chất lượng giảm, cài đặt camera vào bê tông cốt thép theo dõi thông tin tình báo. Vậy khi làm ăn với Trung quốc, bất cứ nước nào cũng hết sức cảnh giác. Nếu không coi chừng lâm thế Trung quốc qua lời nói đẽo dạng ngọt mật chết ruồi và coi chừng bẩy nợ do Trung quốc âm thầm tính sẵn vì Trung quốc biết rằng Trung quốc hầu như mất hết uy tín trên thế giới nên chỉ có làm cho các nước lâm nợ nặng nề, Trung quốc mới điều hành nước đó được và mới khống chế lãnh thổ nước đó được. Đây cũng là tư tưởng của Tập cận Bình.

Anonymous
17/11/2020 02:48

Kể từ đây VN được bán cho Tàu mấy trái thanh long nhờ hiệp định này. Ngược lại bị Tàu bóp cổ.

Anonymous
26/11/2020 06:43

Trung Quốc cộng sản đang trỗi dậy, nhưng sức mạnh và tham vọng bá quyền của nó thực sự có làm cho nhiều nước trên thế giới và nhất là Việt Nam phải khiếp sợ đến độ phải cần bài trừ nó hay không. Có hung hăng bá đạo đến đâu thì người ta vẫn có cách thuần phục.