Tôi có nên đi dự “ngày hội toàn dân” không, hở các bác?

Nguyễn Công Dân
2021.04.15
Tôi có nên đi dự “ngày hội toàn dân” không, hở các bác? Hình minh hoạ. Người dân bỏ phiếu tại một địa điểm bỏ phiếu ở Hà Nội hôm 22/5/2016
AFP

Dễ đến 5 kỳ bầu cử đại biểu nhân dân rồi tôi không hề thực hiện cái quyền trong lá phiếu của mình. Hỡi ôi, thôi nói huỵch toẹt cho rồi, đến cái lá phiếu màu gì, cũng đến 5 kỳ đổi thay rồi tôi cũng không hề biết.

Cả tháng nay bước chân ra đường là trông thấy rực đỏ khắp nơi các băng rôn biểu ngữ nhắc nhở và cổ động cho việc bầu cử (đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, đại biểu Quốc hội khóa 15). Nghĩa vụ công dân chòi lên cắn rứt quá, tôi bèn đi tìm hiểu một vòng coi tình hình ra răng.

“Ngày hội toàn dân”

Đầu tiên, phải coi văn bản pháp luật. Như thường khi, đại biểu bầu ra cần được cơ cấu về thành phần, giới tính, ngoài Đảng, dân tộc và tôn giáo. Theo Nghị quyết 1187 năm 2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cơ cấu cho lần bầu cử này như sau:

1. Ít nhất  35% ứng cử viên là phụ nữ; phấn đấu 30% người trúng cử là nữ.

2. Ít nhất 10% người được giới thiệu là người ngoài Đảng.

3. Ít nhất 15% dưới 40 tuổi.

4. Ít nhất 30% là đại biểu khóa trước tái cử.

5. Giảm tỷ lệ người được giới thiệu ứng cử là người làm ở các cơ quan nhà nước so với nhiệm kỳ 2016-2021.

6. Tỷ lệ người dân tộc thiểu số phù hợp.

Thế nhưng, những tiêu chí được diễn dịch bằng con số rõ ràng lại không giải quyết được bản chất của vấn đề.

Tỷ lệ người trúng cử là nữ cao hay thấp đâu có đảm bảo cho vai trò nói lên tiếng nói của phụ nữ khi thực hiện nhiệm vụ đại biểu?

Phụ nữ Việt Nam cho tới nay vẫn luôn bị đánh giá thấp trong xã hội mà tư duy nam giới thượng đẳng vốn đã ăn sâu vào não tủy, đặc biệt ở phía Bắc, miền Trung và nông thôn miền Tây. Khảo sát của Ngân hàng Thế giới (World Bank) tại Việt Nam từng cho thấy cùng một vai trò, một vị trí, một công việc, ở cùng khu vực, nữ giới được trả lương thấp hơn đàn ông 15,4% vào năm 2011, giảm còn 12,5% vào năm 2014 và khoảng 12% năm 2015. Trong gia đình, nữ giới phải lo toàn bộ hoặc hầu hết việc nhà cộng thêm chăm sóc con cái, cha mẹ già, mặc dù họ vẫn lao động kiếm tiền như người chồng.

Các chính sách chăm sóc phụ nữ dựa trên đặc điểm giới tính như được nghỉ hưởng lương vào một số ngày trong tháng (do kinh nguyệt) hầu như không thể áp dụng, hoặc nếu có thì chỉ áp dụng được trong một số cơ quan Nhà nước rất hạn hẹp, vì khối tư nhân và doanh nghiệp đều chỉ lấy hiệu quả công việc để đánh giá. Về lý thuyết, phụ nữ có thể được nghỉ với bất cứ lý do nào, nhưng sau đó hoặc chính họ sẽ phải hộc tốc làm bù để giải quyết công việc tồn đọng, hoặc phải tìm người làm thay và trả tiền cho người ấy, hoặc-bị loại khỏi đơn vị.

Đọc bình luận trên mạng xã hội Việt Nam về các chủ đề liên quan đến phân biệt giới tính mà xem, rất nhiều khi quý vị sẽ ngạc nhiên vì những người kỳ thị phụ nữ nhất lại cũng chính là phụ nữ. Vì, họ đã từng là nạn nhân của tư tưởng trọng nam khinh nữ và đến lượt mình, họ vô thức lặp lại điều đó với người khác.

Với thực trạng phụ nữ Việt Nam còn chưa được chăm sóc đúng và đủ theo các chính sách đã có về y tế, giáo dục, an sinh xã hội, việc làm, lẽ ra những ứng cử viên đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp (là những người tham gia đề ra quyết sách của một địa phương), hay cao nhất là đại biểu quốc hội (làm luật cho cả quốc gia) phải được chọn trong những gương mặt hoạt động nổi bật cho quyền lợi của phụ nữ, am hiểu thực tế và có kiến thức xã hội đầy đủ để phản biện chính sách một cách toàn diện và có cơ sở.

Tương tự với tất cả các con số cơ cấu khác.

Ngoài Đảng, trẻ tuổi, và “bình hoa di động”

“Bình hoa di động” là câu tếu táo của dân nhậu, ban đầu để chỉ những người phụ nữ bằng hữu tham gia cuộc nhậu cho xôm trò, cho vui, nhưng không phải là dân nhậu. Bình hoa dĩ nhiên là để làm đẹp cho không gian, mà nó tự di động được  nữa thì còn gì bằng. Dần dần thành ngữ mới này mở rộng ra cho nhiều lĩnh vực và mang thêm ý nghĩa tiêu cực hơn, gần với “Hữu sắc vô hương”, để chỉ những người được sắp xếp chỉ để cho “đẹp đội hình”.

Dinh Xuan Thao.jpg
Ông Đinh Xuân Thảo, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp. Ảnh từ Tạp chí Lập pháp.

Ông Đinh Xuân Thảo, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Lập pháp, trong một phỏng vấn với báo chí đã có nhận xét rất sâu sắc về những “bình hoa di động” trong Quốc hội, như sau:

Ở một tỉnh miền núi, một cô giáo trẻ, người dân tộc, ngoài Đảng được chọn để bảo đảm cơ cấu, nhưng có khi cô ấy lại không hội đủ tiêu chuẩn để trở thành đại biểu Quốc hội vì đang quá trẻ, chưa có kinh nghiệm. Quốc hội khóa 12 và 13 có một nữ thành viên Ủy ban Pháp luật, 21 tuổi mới tốt nghiệp đại học, có khi làm chuyên viên soạn thảo công văn còn chưa thạo thì làm sao có năng lực xây dựng pháp luật?”

“Có những đại biểu đã hoạt động một nhiệm kỳ nhưng cả nhiệm kỳ không một lần phát biểu hoặc phát biểu không có chất lượng. Nếu anh vào Quốc hội mà không có năng lực, chỉ ngồi nghe và không nói được gì thì chẳng có tác dụng”.
Còn tỷ lệ 10% ứng cử viên là người ngoài Đảng, tức phải có khoảng 25-50 đại biểu thì thật hình thức và tức cười.

Cho dù đạt được con số này thì cũng còn đến 90% ứng cử viên là đảng viên. Mà theo kỷ luật Đảng thì đảng viên không được quyết định trái với nghị quyết. Nghĩa là khi Đảng-với vai trò lãnh đạo tuyệt đối và toàn diện-bày tỏ ý muốn gì với chương trình làm luật của quốc hội thì đảng viên phải tuyệt đối tuân thủ. Vai trò đại biểu  nhân dân ở đây phải nhường chỗ cho vai trò đảng viên, do vậy 90% là tỷ lệ để đạt được biểu quyết áp đảo, trăm trận trăm thắng đối với bất cứ quyết định nào.

Trong các yêu cầu trên, có lẽ chỉ có yêu cầu giảm tỷ lệ người được giới thiệu ứng cử là người làm ở các cơ quan nhà nước so với nhiệm kỳ 2016-2021 là phù hợp với hoạt động của cơ quan dân cử nhất. Nhưng, trong khi hầu hết các chỉ tiêu nói trên đều được lượng hóa bằng con số cụ thể và do đó có thể kiểm soát được kết quả thực hiện, thì yêu cầu hợp lý nhất và quan trọng nhất này lại bị xếp xuống dưới và hoàn toàn không được lượng hóa.

Như vậy có thể hiểu nó chỉ là một đề nghị, chỗ nào làm được thì làm, không thì thôi, chẳng ảnh hưởng gì.

Lão Ngoan Đồng thuận cả hai tay?

Quốc hội khóa 15 cũng sẽ có gần 100 ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng tham gia ứng cử (theo nghị quyết 1185). Trong đó có 12-14 ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng.

Báo Tuổi Trẻ phân tích: “Với cơ cấu kết hợp như vậy, tất cả các ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các thành viên Chính phủ ứng cử làm đại biểu Quốc hội, lãnh đạo Đảng và lãnh đạo các ban Đảng, cơ quan Chủ tịch nước, lãnh đạo Mặt trận tổ quốc và một số đoàn thể chính trị xã hội (Hội Phụ nữ, Đoàn thanh niên), lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước, các bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy trực thuộc trung ương và phần lớn lãnh đạo các quân khu ứng cử làm đại biểu Quốc hội đều là những ủy viên Trung ương Đảng.”

lay y kien cu tri.jpg
Lấy ý kiến cử tri tại phường Cầu ông Lãnh, quận 1 TPHCM ngày 31/3. Ảnh từ trang tin Đảng bộ TP HCM

Nói tóm tắt là, hầu như tất cả các lãnh đạo khối hành pháp đều góp mặt trong Quốc hội.
Điều này không lạ vì nhiều Quốc hội khóa trước tỷ lệ trên cũng cao tương tự.

Với hai vai trong một người, ở trong Quốc hội thì làm nhiệm vụ lập pháp và giám sát khối hành pháp, ra ngoài Quốc hội lại là người thực hiện chính các luật lệ mình vừa tham gia xây dựng, và chịu sự giám sát của các “đồng đội” hai vai tương tự, tôi thật khâm phục tinh thần khách quan và công tâm cao độ của họ.
Ấy là nếu nó có tồn tại!

Quy định hài hước nhất: Nơi cư trú nhận xét và lấy ý kiến tín nhiệm về ứng cử viên

Đời sống xã hội bây giờ không còn giống như ở làng quê be bé có lũy tre xung quanh có người cả đời chưa bao giờ được ra tỉnh như cách đây cả trăm năm. Không quá lời khi nói bây giờ ở Việt Nam mỗi ngôi nhà là một pháo đài. Ngoài việc bọc kín không gian sống để chống trộm cướp thì người ta mong muốn và dành thời gian giao tiếp với những người “đồng âm”, “cùng hệ”, chứ không nhất nhất phải cởi mở với hàng xóm như khi anh và tôi cả ngày cùng cày trên một cánh đồng.

Hàng xóm là người lao động bình thường hoặc vài  bác tổ hưu làm sao đánh giá được chất lượng lao động hay vai trò xã hội của một nhà khoa học, người hoạt động xã hội, một doanh nhân, nghệ sĩ…? Nhất là khi hoạt động của những người ở tầm quốc gia và thế giới, vượt rất xa ngoài tầm của thôn làng phum sóc, tổ dân phố, chung cư… phố nơi cư trú?

Ngoài việc nhận xét “vui vẻ, gắn bó, hòa đồng với hàng xóm, tham gia mọi hoạt động của địa phương”, “có lối sống giản dị, luôn giữ mối liên hệ mật thiết với cấp ủy, chính quyền và nhân dân”, tôi tin chắc hầu hết cử tri đều đến ngồi vì nể lòng mấy anh em khu phố, chứ chẳng thể hình dung nổi vị ứng cử viên kia sẽ đại biểu được những gì cho quyền lợi của họ.

Lẽ ra, với trách nhiệm vô cùng quan trọng của những người tham gia trực tiếp vào việc xây dựng nên hệ thống luật pháp sẽ điều chỉnh từng ly từng tí của cuộc sống cả trăm triệu người trong đất nước, việc bầu cử đại biểu dân cử từ rất lâu rồi phải được diễn ra theo cách khác. Các ứng viên cần trình bày kế hoạch hành động của mình trước cử tri bằng nhiều cách: trực tiếp, trên các phương tiện truyền thông và trên các kênh thông tin cá nhân, để cử tri trực tiếp đánh giá họ.

Thôi nói nhanh cho vuông, Việt Nam nên học nhiều lắm từ chế độ bầu cử của Mỹ.

Câu hỏi cuối

Tạm kết luận như vậy xong, vẫn chưa thấy bình yên lắm trong lương tâm, tôi bèn đi làm nốt việc đầu tiên là tìm đọc danh sách các ứng cử viên đại biểu quốc hội.
Các bác ơi tin nổi không? Tìm đi tìm lại, tìm tái tìm hối, gõ mỏi cả tay, chẳng tìm được bất cứ bản danh sách nào cả.

Mặc dù trang quochoi.vn có hiển thị như dưới này, nhưng tôi đố các bác click vào mà xổ ra được bản danh sách ứng cử viên đại biểu quốc hội đấy.

https://quochoi.vn/bancongtacdaibieu/baucudbqh/Pages/ung-cu-DBQH.aspx
Với cái tình hình như thế, liệu tôi có nên hồ hởi tham gia vào “ngày hội toàn dân” sắp tới đây không, hở các bác?

______________________

Tham khảo:

https://moha.gov.vn/baucu/van-ban-huong-dan/-nguoi-ngoai-dang-du-tieu-chuan-dbqh-con-nhieu-lam-24194.html

https://nhandan.com.vn/doi-song-xa-hoi-hangthang/chat-luong-dai-bieu-quoc-hoi-khoa-xv-phai-la-uu-tien-hang-dau-640295/

https://thanhnien.vn/thoi-su/nguoi-ngoai-dang-ung-cu-dai-bieu-quoc-hoi-phai-duoc-ket-luan-ve-tieu-chuan-chinh-tri-1346405.html

https://nhandan.com.vn/doi-song-xa-hoi-hangthang/chat-luong-dai-bieu-quoc-hoi-khoa-xv-phai-la-uu-tien-hang-dau-640295/

https://quochoi.vn/bancongtacdaibieu/baucudbqh/Pages/van-ban-bau-cu.aspx?ItemID=227

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.

Nhận xét

Anonymous
15/04/2021 14:45

Đi bầu... để cho Đảng mừng!
Đảng mừng, vì thấy lừa bịp có thể vẫn còn có tác dụng!
Nhưng Đảng còn mừng hơn, khi biết dân mình không ngu, không dễ lừa bịp, nhưng vẫn đi bầu cho Đảng.
Lý do vì hèn, vì biết sợ "bạo lực cách mạng" của Đảng.

Không phải "Ngày hội toàn dân", mà là "Ngày Đảng hạ nhục toàn dân"!

Duy Hữu, USA
15/04/2021 21:17

Một hài kịch, một trò cười, một trò hề,
một trò chơi " dân chủ " tốn tiền, tốn bạc, kiểu Việt Cộng, kiểu Búa Liềm xã hội chủ nghĩa.

Một bi hài kịch cho toàn dân Việt Nam, một thảm kịch cho dân tộc Việt Nam.

" Bầu cử Đại biểu " Quốc Hội Việt Cộng " và Đại biểu " Hội Đồng ngụy danh Nhân dân " các cấp là trực tiếp góp phần xây dựng
Nhà nuớc vô pháp quyền Xã hội Chủ nghĩa Việt Cộng, của Đảng Việt Cộng, do Đảng Việt Cộng, vì Đảng Việt Cộng,
vì quyền lợi... bất chính, bất minh... bất công, bất lương... bất nhân, bất hợp pháp... của Đảng, đảng viên, cán bộ, tài phiệt Việt Cộng.

Toàn dân Việt Nam không có tự do cử, bầu, chọn Đại biểu Quốc Hội Việt Nam, không có tự do cử, bầu, chọn Đại biểu Hội Đồng Nhân Dân,
trong Nhân dân, của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, vì quyền lợi chính đáng, chính danh, chính nghĩa của toàn dân Việt Nam.

Toàn dân ta có toàn quyền... đéo phải bầu, đếch thèm bầu... bất khuất, bất chấp, bất tuân... bất tín nhiệm, bất hợp tác, bất bạo động.

" Hiến pháp ", " Luật pháp " Đảng Búa Liềm độc quyên làm, Nhà nước Búa Liềm độc quyền vi híên, vi phạm, phạm pháp, phá luật pháp.
Toàn dân Việt Nam không có tự do lập Hiến pháp Việt Nam, khong có tự do làm Luật pháp Việt Nam, của Dân Việt, do Dân Việt, vì Dân Việt.

Toàn dân Việt Nam có toàn quyền... đéo phải theo, đếch thèm tuân... bất khuất, bất chấp, bất tuan...bất tín nhiêm, bất hợp tác, bất bạo động.

Toàn dân Việt Nam, bất diệt, tất thắng. Búa Liềm Việt Cộng, tất liệt, tất bại.

Ý dân lả ý trời ! Ý trời là ý dân ! Ý toàn dân Việt Nam là ý Trời ! Ý Trời là ý toàn dân Việt Nam !

Nhân quyền, Dân quyền, Dân chủ, Tự do > Đa dạng, Đa đảng, Đa tài, Đa năng, Đa hiệu > Độc lập + Tự do + Hạnh phúc cho toàn dân Việt Nam.