Nhờ ơn Bộ Nông nghiệp, dân Việt Nam được uống sinh tố thịt gà

Thiên Nhân
2020.05.31
   Hình minh hoạ. Một khách hàng xem hàng thịt gà và vịt ở chợ tại Hà Nội hôm 26/2/2008
AFP

Chỉ mới cách đây ba năm, sự kiện giá thịt heo giảm kỷ lục trong vòng 10 năm được xếp thứ ba trong 10 sự kiện hàng hóa nổi bật năm 2017, do báo Người đồng hành thực hiện.

Thịt heo giảm thấp tới mức đích thân Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đi đến cơ sở để kêu gọi doanh nghiệp ủng hộ người chăn nuôi bằng cách tăng khẩu phần thịt heo trong bữa ăn của cán bộ công nhân viên.

Khắp nơi giăng biển “Giải cứu thịt heo”, với đủ các biện pháp thúc đẩy tiêu thụ như mua thịt heo tặng người thân, vài nhà rủ nhau mổ chung một con heo. Thịt heo ế tới nỗi người chăn nuôi xót quá bèn tự mổ rồi bày đầy ra vỉa hè tự bán.

Rồi chỉ hơn hai năm sau, vào giữa 2019, do ảnh hưởng dịch tả lợn châu Phi khiến đàn heo giảm số lượng, thịt heo tăng giá kịch liệt đến nỗi kéo theo nó cả một nền văn hóa châm biếm đủ các thể loại. Thời điểm đó mạng xã hội tràn ngập các bức ảnh chế như mâm chạm ngõ của nhà trai không “thèm” bày tiền hay vàng mà chất đầy thịt heo; các anh tán gái không khoe giàu hay gia thế đồ sộ mà khoe nhà anh hôm nào cũng ăn thịt heo; thậm chí lấy miếng thịt heo quấn thành chiếc nhẫn cưới là đủ.

Cuộc tăng giá thịt heo kéo dài đến tận bây giờ, là giữa năm 2020.

Từ đầu tháng 3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc liên tiếp ra hết chỉ thị nọ đến mệnh lệnh kia yêu cầu phải giảm giá thịt heo, nhưng vô hiệu. Giá heo vẫn tăng bất chấp, bỏ xa mốc giá chính phủ yêu cầu.

Hình minh hoạ. Hình chụp hôm 21/1/2014: cửa hàng bán thịt heo ở Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái
Hình minh hoạ. Hình chụp hôm 21/1/2014: cửa hàng bán thịt heo ở Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái
AFP

Cuối năm ngoái, khi thịt heo tăng phi mã, để bù vào nguồn cung thịt heo, ngành chăn nuôi yêu cầu tăng đàn gia cầm cấp tốc.

Và chỉ sau hơn nửa năm, giờ họ lại đang yêu cầu giảm đàn trở lại. Cũng giảm cấp tốc.

Lý do chẳng thể đơn giản hơn: giá gà, vịt, cút và trứng các loại đã giảm tới mức người nuôi càng nuôi càng lỗ, hoặc không thể bán được.

Thậm chí có những tờ báo đã so sánh giá gà ( ở vùng chăn nuôi trọng điểm Đồng Nai, thấp nhất 8.000 đ/kg hơi, chỉ bằng ½ giá thành sản xuất) còn rẻ hơn cả rau.

Do vậy, không có gì ngạc nhiên khi dư luận cho rằng sẽ có một đợt kêu gọi “giải cứu thịt gà” như đã từng giải cứu thịt heo, dưa hấu, chuối, khoai, cà chua, mít, sầu riêng, vải, thanh long… trước đó.

Diễn biến thị trường nông sản qua nhiều năm chỉ mỗi lúc một chứng tỏ sâu sắc thêm rằng trong một đất nước có đến hơn 80% dân số sống bằng nghề nông, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vẫn luôn luôn là một tổ chức ăn hại.

Các con số xuất khẩu gạo, cà phê, tiêu, điều… nhất nhì thế giới của Việt Nam luôn được nêu cao trong các hội nghị “thành công tốt đẹp” thường niên, nhưng nhìn vào giá trị xuất khẩu, không ai có thể giấu giếm sự thật hàng hóa nông dân Việt Nam làm ra tuy nhiều, nhưng hầu hết là hàng dạt.

Hầu như các sản phẩm nông nghiệp giá trị cao như gạo ST25 ngon nhất thế giới hay các sản phẩm thủy hải sản xuất khẩu được thị trường nước ngoài ưa chuộng, các sản phẩm từ rau quả độc đáo như nước mía khô, sữa chua sấy, nước trái cóc, trái chanh dây sấy… đều do các doanh nghiệp tự mày mò nghiên cứu, tự bảo tồn giống, tự phát triển sản xuất và tìm đường đi. Họ hầu như không có sự giúp đỡ thiết thực nào từ cái cơ quan to nhất nước về ngành nông nghiệp kia cả.

Nhiều chục năm nay, rất nhiều chủ trương được đề ra, nghiên cứu thật hăm hở, hô hào thật to tiếng, rồi triển khai lốm đốm, đầu voi đuôi chuột và dần dần mất hút: cánh đồng mẫu lớn, công nghệ chế biến sau thu hoạch, các vùng nguyên liệu, liên kết bốn nhà “nhà nước, nhà băng, nhà khoa học, nhà nông” rồi đến sáu nhà “nhà nông, nhà nước, nhà đầu tư, nhà băng, nhà khoa học, nhà phân phối”…

Một đất nước không quá nhiều diện tích chăn nuôi trồng trọt, khí hậu nhìn chung ổn định và phù hợp nhiều loại cây trồng vật nuôi, thiên tai không nhiều và thiệt hại không lớn, ngay sát nách bên lại có một thị trường lớn nhất thế giới và dễ tiêu thụ, thế mà cứ định kỳ ít lâu lại gào lên giải cứu. Còn các bài báo về sự nhọc nhằn bấp bênh của người nông dân thì chẳng cần phải viết mới nữa; cứ đến hẹn lại lên lấy bài báo cũ rích từ chục năm trước ra thay con số và vài “chủ trương sâu sắc” là lại chân thực hoàn toàn.

Điều hành như thế, nói cái bộ ăn hại là còn nhẹ.

Vì sao họ ăn hại?

Vì có những ông lãnh đạo Bộ phát ngôn táo bạo thế này khi được báo chí phỏng vấn về giải cứu thịt heo hai năm trước:

"Giải cứu là một nét đẹp của dân tộc ta dù đó là chuyện cực chẳng đã. Vì truyền thống của người Việt Nam là mỗi khi bộ phận dân cư nào đó khó khăn thì cả xã hội đều chung tay"

“Nếu như không có tạm dừng xuất khẩu tiểu ngạch từ phía Trung Quốc, chúng ta sẽ không dư thừa”.

“Đã xảy ra rồi, thì đành… giải cứu, là chuyện cực chẳng đã mà thôi”.

“Cuối năm 2016, Bộ đã có khuyến cáo, nhưng bà con nông dân không nghe và vẫn cố gắng sản xuất”.

“Chúng tôi cũng đang xúc tiến đàm phán. Tuy nhiên, bất kỳ thị trường nào cũng đòi hỏi các yêu cầu về mặt kỹ thuật”.

(Phát ngôn của hai ông Vũ Văn Tám và Hà Công Tuấn, thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn).

Tuy nhiên, không thể bảo các ông này ngu. Ngu thì làm sao đả ngã vô số đối thủ, leo lên được cái chức ấy và vẫn nhàn nhã trị vì lâu nay, đời sau tiếp đời trước. Đáng phỉ nhổ là cái cơ chế méo mó đẻ ra vô số những quan chức cùng một giuộc với họ, no cơm ấm cật trong những bộ máy khổng lồ chỉ để ăn hại.

Tham khảo:

https://tuoitre.vn/vi-sao-gia-thit-heo-khong-chiu-giam-20200502082421042.html.

https://baodautu.vn/quy-mo-thi-truong-thit-lon-toan-cau-285-ty-usd-viet-nam-chi-gop-45-trieu-usd-d116369.html.

https://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/thi-truong/ki-la-gia-gia-cam-dang-re-nhu-rau-van-o-at-nhap-ve-78-376-tan-636777.html

https://cafef.vn/nhung-phat-ngon-an-tuong-cua-hai-thu-truong-nong-nghiep-ve-giai-cuu-thit-lon-20170507093124579.chn

https://cafef.vn/nhung-cau-chuyen-ben-le-chien-dich-giai-cuu-thit-lon-20170505171955986.chn

https://nld.com.vn/thoi-su/canh-dong-lon-hut-hoi-20190407214438861.htm

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.