Ngoại giao Việt Nam 2019: “Trông trời, trông đất, trông mây…”

Nguyễn Hoàng
2019.01.23
000_13J393.jpg Hình minh họa. Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị (trái) bắt tay Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh tại Hà Nội hôm 1/4/2018
AFP

Tin tức giáp vụ vui buồn lẫn lộn đối với những ai nặng lòng với giải đất hình chữ S. Hãy khiêm tốn học hỏi bản lĩnh Kim Jong-un, “chàng tuổi trẻ vốn dòng hào kiệt”! Đừng chấp nhận chỉ là một “vai kép” (vai diễn phụ) trong màn kịch liên khu vực (Indo—Pacfic) thời nay!

Tin hoan hỷ trước. Không vui sao khi một “tuổi trẻ tài cao” như Kim Jong-un, sau bao toan tính, nay đồng ý sang Việt Nam để tái ngộ với “lão già Huê Kỳ loạn trí”[1]. Dường như ông Kim còn đến Hà Nội sớm hơn để thăm cấp nhà nước, trước cả thượng đỉnh, để gặp lại “những người đồng chí” vốn một thời từng là “hai anh em… hai chiến sĩ… sinh đôi cùng một mẹ”[2].

Nỗi lo trùm lên nỗi lo

Nhưng rồi bao nỗi lo ập đến sau cái tết này. Thứ nhất, chưa thấy Hà Nội động tĩnh gì để đón bắt cơ hội hiếm hoi đang ló dạng. “Củi khô củi ướt” thì do tết nhất cận kề nên đã được gác lại. Tạm gác thôi, vì trước sau nó sẽ được dùng để chuẩn bị cho nhân sự đại hội. Ông Trọng học được Trump tính lo xa. Hai năm nữa mới bầu bán mà danh sách thuộc cấp đã được chốt hạ từ những ngày này.

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và lãnh tụ Bắc Hàn Kim Jong Un trong Thượng đỉnh Hoa Kỳ - Bắc Hàn ở Singapore ngày 12/6/2018.
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và lãnh tụ Bắc Hàn Kim Jong Un trong Thượng đỉnh Hoa Kỳ - Bắc Hàn ở Singapore ngày 12/6/2018.
AFP

Thứ hai, quan hệ Mỹ—Việt vẫn đang rất cần “upgrade” (nâng cấp), cho dù Trump đến Việt Nam, hoặc đến mà không bay ra Hà Nội. Hè vừa qua, Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, VN coi Mỹ là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu và mong muốn đưa quan hệ “đối tác toàn diện Việt—Mỹ” lên tầm cao mới[3]. Nhưng hứa là một chuyện. Còn biết bao biến số mà chính ông Phúc chắc gì đã tính được hết!

Nỗi lo thứ ba, hôm 22/1/2019 Hun Sen đã “khấu đầu” (knowtow) tại Bắc Kinh và thiên triều đã mở hầu bao, “rót” cho gần 600 triệu USD từ khuôn khổ của một quỹ chống lưng kéo dài 3 năm. Hun Sen còn được Tập hứa, sẽ tiếp tục hợp tác trên mọi lĩnh vực, bởi vì, “mối quan hệ giữa Trung Quốc và Campuchia rất là quan trọng, nếu so sánh với các nước khác”, trích từ đánh giá của Tập đại đại.

“An Nam” — “An Đông” xưa & nay

Hơn 1300 năm trước, Triều Tiên và VN từng là “hai trạm biên giới” được nhà Đường thiết lập để canh giữ các vùng biên viêm hoang. “An Nam đô hộ phủ” được lập ra vào năm 679 để cai trị Giao Châu và phòng bị các thế lực từ phía Nam. “An Đông đô hộ phủ” là một chính quyền quân sự được thiết lập sớm hơn tại Bình Nhưỡng vào năm 668.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bắt tay với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un trước cuộc gặp tại Trung Quốc thành phố Đại Liên hôm 7/5/2018.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bắt tay với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un trước cuộc gặp tại Trung Quốc thành phố Đại Liên hôm 7/5/2018.
AFP

Giới nghiên cứu địa-chính trị ngày nay thì ví Triều Tiên là “cái mỏ”, còn Việt Nam là “đôi chân” của chú gà trống Trung Hoa. Dù là chân hay mỏ, “An Đông” và “An Nam” thế kỷ 21 này quan trọng đối với Trung Quốc hơn thời nhà Đường nhiều lần. Bắc Kinh phải “viện Triều” để “kháng Mỹ”, đồng thời vẫn hạ quyết tâm kêu “đứa con hoang đàng” Việt Nam sớm trở về với đất mẹ[4].

Người ngoại đạo thấy lạ, suốt 6 năm lên ngôi, Kim Jong-un chưa một lần yết kiến thiên triều, ấy vậy mà vừa qua, Trung Quốc vẫn trống dong cờ mở đón “hoàng tử” dập dìu qua lại những 4 lần chỉ trong vòng chưa đầy 1 năm. Đúng là một “kiên nhẫn chiến lược” từ cả ngàn đời nay đâu có thay đổi!

Cuộc “móc ngoặc” bộ ba Kim—Tập—Trump đã làm nên điều kỳ diệu hiếm hoi trên. Chủ tịch Tập cần ông Kim trước để thăm dò, mặc cả với Tổng thống Trump. “Tôi sẽ giúp ngài một tay, nếu ngài nương nhẹ, hạ nhiệt cuộc thương chiến”. Thông điệp này chắc chắn Trump đã nhận được từ ông Tập.

Còn vòng so găng giữa một già—một trẻ sắp diễn ra và Trump trong cơn bấn loạn hiện nay đang cần món quà của “hoàng tử” Kim. Lâu lâu, ba đến dăm tháng tháng một lần, chỉ cần một vài động thái và “chàng” Kim tuyên bố sẽ giải giáp hạt nhân là Trump lại được dân xứ cờ hoa tung hô. Việc trở lại Nhà Trắng của ông chưa phải đã hết cửa.

Vậy là cả Tập lẫn Trump đều cần đến “chàng thanh niên thích phóng hỏa tiễn” (rocket man)[5]. Miễn là mọi kịch bản đan xen vào nhau phải thật trôi chảy. Bởi vì đến lượt mình, Kim cũng đang cần sự chống lưng của cả hai ông trùm. Cần ông Tập, vì chàng Kim muốn cho Trump thấy là Triều Tiên còn có “một con đường khác” nếu không thoả thuận được với Mỹ.

Cần ông Trump, vì nếu Kim ra với thế giới mà chỉ qua mỗi cửa “tò vò” Bắc Kinh thì kể cũng kẹt. Dẫu sao “đô lao” vẫn mạnh hơn “bánh bao”! Điều này thì khi sang Hà Nội, ông Kim sẽ được Việt Nam mách nước nhiều hơn về tư duy chọn kẻ mạnh mà ngả vào!

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đón tiếp Tổng thống Donald Trump tại Đại lễ đường lớn của nhân dân ngày 9 tháng 11.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đón tiếp Tổng thống Donald Trump tại Đại lễ đường lớn của nhân dân ngày 9 tháng 11.
AFP

Trang tin khoa học từ “The Guardian” của Anh quốc, hồi tháng 4/2018 đều đồng loạt đăng bài, trích dẫn dữ liệu vệ tinh cho thấy có một bãi thử hạt nhân ngầm trong lòng núi của Bắc Hàn bị sập đổ hoàn toàn. Một mặt là do dư chấn từ các vụ thử tạo ra, mặt khác (theo thuyết âm mưu) có thể là do Mỹ ra đòn bằng một loại vũ khí bí mật (vốn còn đáng sợ hơn cả hạt nhân)[6].

Nằm dưới cây sung, hẳn nhiên, VN mừng trước món quà trời cho. Nguyễn Xuân Phúc có 2 tuyên bố vừa kịp thời vừa nhậy cảm. Ông Phúc được dẫn lời phát biểu trên kênh truyền hình hình Bloomberg: "Chúng tôi chưa biết về quyết định cuối cùng. Tuy nhiên, nếu chuyện đó xảy ra thì chúng tôi sẽ nỗ lực hết sức để tạo điều kiện cho cuộc gặp".

Bâng khuâng giữa đôi dòng nước

Trên kênh Bloomberg, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng cho biết thêm, VN đang nhập khẩu nhiều hàng hóa Mỹ hơn từ các tập đoàn lớn như Boeing hay General Electrics (GE) để thu hẹp khoảng cách thương mại. Đây là một động thái có thể giúp VN tiếp tục tránh khỏi các biện pháp trừng phạt của chính quyền Trump.

Nhưng một số quan chức từ hành pháp vẫn tuyên bố Việt Nam đã để tiền đồng mất giá khiến hàng xuất khẩu sang Hoa Kỳ trở nên rẻ hơn. Có những báo cáo nói rằng cái gọi là mất giá này có thể là một hình thức thao túng tiền tệ và điều đó có thể thu hút các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ.

Còn chuyện nâng cấp quan hệ Việt—Mỹ lên “đối tác chiến lược” (mà ông Phúc đã hứa với phó TT Mike Pence trong mùa hè qua) thì vẫn nằm trong danh sách chờ (stand by), vì điều này chắc phải được Bắc Kinh bật đèn xanh. Mà hiện tình còn quá nhiều ẩn số. Sau hạn chót 90 ngày, cuộc thương chiến tốn kém cả với Mỹ lẫn đắt giá đối với Tàu chưa rõ sẽ ngã ngũ ra sao? Trung—Mỹ mà tiếp tục căng lên thì còn khuya thiên triều mới “hảo hảo” cho vụ nâng cấp.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp gỡ Tổng thống Donald Trump trong chuyến thăm Hoa Kỳ hồi tháng 5/2017.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp gỡ Tổng thống Donald Trump trong chuyến thăm Hoa Kỳ hồi tháng 5/2017.
AFP

Thế mới thấy ông Kim Jong-un giỏi! Trước khi quyết định chơi ván bài “mạt chược” với siêu cường số một thế giới, ông đâu có cần xin ý kiến ai. Bắc Kinh cũng chưa một lần dám nặng lời với Kim “đệ tam” (như họ từng cho cái loa rè “Hoàn cầu Thời báo” đe nẹt VN bao lần). Khi mọi chuyện êm xuôi, Kim mới mượn máy bay Trung Quốc làm chuyên cơ hay đáp tàu hoả đi lại chỉ là để “diễn”.

Trở lại câu chuyện “to phe” khác, đó là “tình trạng gân gà” của VN những năm tới. Một mặt, VN buộc phải chào đón “Sáng kiến Vành đai—Con đường” (BRI) của Trung Quốc, vì cả lý do chính trị và kinh tế. Thủ tướng Phúc mới đây đã công khai ủng hộ “Nhất đới Nhất lộ” (OBOR) vì đây là sáng kiến mang dấu ấn của Tập Cận Bình

Mặt khác, VN không thể làm ngơ “Chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và rộng mở” (FOIP) của Hoa Kỳ nhằm hình thành một mạng lưới an ninh khu vực để đối trọng lại Trung Quốc do Washington và Tokyo cùng dẫn dắt. Hà Nội đã được chọn làm đối tác tiềm năng. Đã có tuyên bố về một “mô hình VN” để vận động tiếp ASEAN tham gia cuộc chơi thế kỷ. Hãy xuất phát từ lợi ích quốc gia—dân tộc để tìm tập hợp cân bằng mới!

“Hoàn cầu Thời báo” có lần từng bình luận: “Bang giao Việt—Mỹ hiện giờ thực chất là quan hệ đồng minh”[7]. VN là một trong những nước nhận được viện trợ quân sự của Hoa Kỳ, bên cạnh một số thỏa thuận hạt nhân quan trọng. Ngay cả báo Nga, từ lâu đã cho rằng, VN thật ra đã có “quan hệ đồng minh thực tế” với Hoa Kỳ[8]. Căn cứ vào các tiếp xúc ngoại giao—quốc phòng năm 2018, RFA mới đây cũng cật vấn: VN và Hoa Kỳ phải chăng là những đồng minh trên thực tế?[9]

Vì vậy, đối với FOIP, VN thật khó mà bỏ qua. Nếu từ chối FOIP, thì cái gọi là “kinh tế thị trường” (KTTT) khi nào mới được công nhận. Mà đây lại là vấn đề sinh tử; khi ký các FTA thế hệ mới, Mỹ sẽ loại đối tác chưa có KTTT ra khỏi các hiệp định. Chưa hết, không có FOIP thì rồi đây VN sẽ không “thở được” trên Biển Đông, chứ đừng nói đến “tự do đi lại”!

Cuối cùng, cả BRI lẫn FOIP đều có các mục tiêu chiến lược bên cạnh việc tập trung vào phát triển cơ sở hạ tầng. Cường quốc nào cũng đang tìm cách kéo các quốc gia như VN vào quỹ đạo của họ. Hãy “niệm” câu ca dao cũ trước khi chọn lựa: Thân em như tấm lụa đào / Đừng rơi xuống giếng (BRI) hãy vào vườn hoa (FOIP)!

Nhưng có lẽ đã đến lúc thay vì thổn thức tiếng lòng, hãy vươn lên để khẳng định giá trị của một “An Nam” không còn là viêm hoang nữa. Không thể cứ đứng chỉ để “trông trời, trông đất, trông mây”… Đừng chấp nhận làm món “gia vị” trên bàn tiệc giữa các cường quốc! Hãy khiêm tốn học hỏi bản lĩnh Kim Jong-un, “chàng tuổi trẻ vốn dòng hào kiệt”! Đừng chấp nhận chỉ là một “vai kép” (vai diễn phụ) trong màn kịch liên khu vực (Indo—Pacfic) thời nay.

 

[1] https://news.zing.vn/sau-ga-ten-lua-trump-lai-goi-kim-jong-un-la-nguoi-dien-post781687.html

[2] https://taodan.vn/tho/to-huu/hai-anh-em-to-huu-2555.html

[3] https://news.zing.vn/viet-my-chia-se-loi-ich-chung-trong-duy-tri-tu-do-hang-hai-post892226.html

[4] https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/chinese-media--vietnam-the-prodigal-son-to-return-home-06202014175314.html

[5] https://baomoi.com/qua-tang-cua-trump-danh-cho-kim-jong-un-dia-ghi-bai-hat-nguoi-ten-lua/c/26786250.epi

[6] https://www.theguardian.com/world/2018/apr/26/north-korea-nuclear-test-site-collapse-may-be-out-of-action-china

[7] https://www.globalresearch.ca/vietnam-an-unofficial-ally-of-the-u-s-against-china/5631630

[8] https://viettimes.vn/bao-nga-suy-dien-viet-nam-da-ton-tai-quan-he-dong-minh-thuc-te-voi-hoa-ky-57335.html

[9] https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/vietnam-us-de-facto-allies-08292018130621.html

*Bài viết không thể hiện quan điểm của RFA

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.