Trẻ bị người giúp việc bạo hành liên quan gì năng suất làm việc của công chức Việt Nam?

Nguyễn Văn Vinh
2019.12.11
000_1GZ021_960.jpeg Hình minh họa. Hình chụp hôm 24/5/2019: công nhân một nhà máy may ở Hà Nội
AFP

Cách đây vài hôm, báo chí Việt Nam đăng tin một em bé 14 tháng tuổi ở Nghệ An bị người giúp việc cầm chân dốc ngược xuống, ném chăn vào người khi ba mẹ đi vắng.

Báo chí có thể chưa thống kê hết, nhưng theo báo điện tử Zing thì trên một diễn đàn dành cho chị em ở Việt Nam, mỗi năm có khoảng hơn 10 bài viết của các bà mẹ về chủ đề trẻ em bị người giúp việc bạo hành. Các câu chuyện đều na ná nhau: đột nhiên thấy con quấy khóc, ngủ không ngon, người có nhiều vết xước hoặc bầm tím, sợ người giúp việc… . Cha mẹ lắp camera theo dõi thì ghi được cảnh các em bé bị người giúp việc bạo hành đủ mọi cách.

Đã có ai liên hệ những sự việc này với thực trạng năng suất làm việc của người Việt Nam chỉ bằng 1/14 người Singapore chưa (con số mới nhất)?

Tôi cho rằng một trong những lý do khiến công chức Việt Nam không thể toàn tâm toàn ý với công việc là thiếu một hệ thống xã hội phụ trợ hiệu quả.

Những ôsin “giỏi việc nước, đảm việc nhà”

Những gia đình trẻ Việt Nam, cũng giống như ở các đô thị khác trên thế giới, thường lập nghiệp ở xa quê, không có họ hàng giúp đỡ. Một ngày của họ bắt đầu bằng việc dậy cho con ăn sáng và đưa con đi học.

Cái đáng nói là chỗ này:

-Thực phẩm bẩn và không an toàn -> không dám ăn ở ngoài phố dù hàng quán nhiều và rẻ. Cha mẹ phải tự nấu nướng cho con ăn, thậm chí phải mua thực phẩm riêng, hoặc tự trồng, tự nuôi… để được tin là nó an toàn.

-Quãng đường quá xa: Do giá nhà ở đô thị quá đắt đỏ, nhiều người chọn cách thuê hoặc mua nhà ở xa trung tâm cho vừa túi tiền -> cha mẹ đưa con đến trường sau đó di chuyển đến chỗ làm. Thường phải đi rất xa.

-Chiều, mới 4h chưa hết giờ làm nhưng con cái đã tan trường hết, nên cha mẹ phải phân công nhau đi đón con. Đón về công sở, tranh thủ cho con ăn và nghỉ ngơi, cha mẹ tiếp tục làm việc. Chờ hết giờ làm cũng đến giờ học thêm của con. Lại chất con lên xe lao ra đường chở đến chỗ học thêm. Con học 1 tiếng bên trong, mẹ ngồi chờ bên ngoài, ngồi ngay trên xe nhắm mắt gà gật cho đỡ mệt. Trung bình 7h 30 hay 8 giờ tối con học xong, mới tất tưởi lao về nhà, cuống cuồng nấu nướng tắm rửa.

Vì thế, bữa cơm của một gia đình công chức điển hình Việt Nam ở các thành phố lớn thường bắt đầu vào 9h tối. Ăn xong dọn dẹp, nấu nướng vài món bỏ tủ lạnh cho ngày mai thì mắt đã rũ xuống. Nếu đứa con phải học thêm cho kỳ thi thì đúng là ác mộng. Cả gia đình sẽ phải chiến đấu chống lại cơn buồn ngủ và mệt nhọc sau một ngày quần quật để con thì học tiếp đến khuya, cha mẹ thì khảo bài.

Học sinh từ một trường cấp hai ở Hà Nội hôm 5/9/2016
Học sinh từ một trường cấp hai ở Hà Nội hôm 5/9/2016
AFP

Guồng quay của một ngày lấy mất quá nhiều thời gian và công sức của những người làm cha mẹ.

Bạn bè tôi không ai chưa từng phải đón con về công ty hoặc cơ quan buổi chiều để làm việc tiếp. Nơi nào rộng rãi, sếp dễ tính thì mẹ trải một tấm trải nhẹ ra góc kín đáo, con lăn ra ngủ hoặc chơi. Mẹ cố  làm nốt việc trong ngày. Ngày nào cũng thế, ít nhất giờ làm việc bị cắt xén nửa tiếng mỗi ngày cho riêng việc đón con.

Thế nhưng cũng chẳng mấy người làm việc hiệu quả trong cái giờ cuối đó. Người phụ nữ Việt Nam còn phải tính toán đủ thứ: Cho con ăn nhẹ trước khi đi học thêm, thậm chí ở những cơ quan nhà nước dễ tính thì còn có thể tắm cho con một cái để sạch bụi; lát nữa chạy xe tuyến đường nào để đỡ kẹt; lúc con học có tranh thủ tạt qua siêu thị được không; tối nay ăn món gì cho nhanh mà vẫn ngon để thỏa mãn các đức ông chồng vừa lười vừa thích đòi hỏi… Tập trung được vào mắt! Chẳng qua cố ngồi trước cái máy tính cho ra vẻ kỷ luật, chứ có lẽ chỉ đọc báo, lướt “phây” là chính.

Vậy tại sao họ không dùng các dịch vụ đưa đón con đi học và đưa về, cũng như các dịch vụ mua hàng giao tận nơi… để đỡ tốn thời gian?

Nếu bạn hỏi câu này, chứng tỏ bạn đã sống lâu ở nước ngoài và đã không còn nắm được thực tế Việt Nam.

Cha mẹ Việt sợ đủ thứ

Cha mẹ Việt không tin tưởng ở các dịch vụ đưa đón học sinh, nhất là sau vụ trường tiểu học Gate Way bỏ quên em bé lớp 1 trên xe khiến bé tử vong. Hay gần đây nhất, ở Đồng Nai xe chở học sinh làm văng mấy bé xuống đường.

Giao cho bác xe ôm gần nhà, hay nhờ chú hàng xóm nhân tiện chở con chú ấy về thì chở luôn con mình như ngày xưa ông bà vẫn làm? Càng không thể yên tâm. Biết đâu bị chính những người này bắt cóc hay cưỡng hiếp? Những chuyện này trên báo chí nhan nhản, khiến cha mẹ lo âu không kể xiết.

Một anh tài xế chạy xe du lịch đường dài kể tôi nghe, mấy tháng nay anh chưa gặp mặt con vì đi xa suốt, về tới nhà thì con đã ngủ. Sáng con dậy đi học thì ba còn ngủ bù. Mình anh đi làm nuôi cả vợ và 2 con nên phải vất vả vậy. Hỏi sao không để vợ đi làm? Anh nói vợ phải đưa đón 2 con đi học và lo cơm nước cho tụi nó hết thời gian rồi, không đi làm được. “Tụi nhỏ nhà này tui canh kỹ lắm, đi đâu là mẹ đưa đón hết, chớ thời này thả ra là chết”.

Nhiều cha mẹ phải cố cày để thuê anh xe ôm gần nhà chở bà ngoại/ông ngoại đi đón con về hàng ngày, mất thêm mấy triệu/tháng, gần bằng tiền lương của một công chức mới ra trường.

Học thêm quần quật

Công chức Việt Nam được nghỉ 1 ngày rưỡi, hoặc 2 ngày trong tuần, chính phủ nói để phục hồi sức lao động. Nhưng với nhiều gia đình, cuối tuần chạy show còn hơn ngày thường. Vì các lớp dạy bơi, dạy đàn, dạy vẽ, tiếng Anh giao tiếp… thường chỉ tập trung vào thứ bảy chủ nhật… Nên, show dày đặc khoảng 2-3 phiên/ngày. Không học thì lo con không được phát triển đầy đủ, sau này thua kém chúng bạn.

Tại sao không học trong nhà trường? Vì trường công không dạy đủ.

Hình minh họa. Học sinh trung học tại một triển lãm du học ở Hà Nội hôm 4/10/2016
Hình minh họa. Học sinh trung học tại một triển lãm du học ở Hà Nội hôm 4/10/2016
AFP

Học đủ thứ còn là để làm hồ sơ tốt cho con ngay từ bé, sau này nó dễ xin học bổng du học.

Tại sao phải du học? Để hy vọng được ở lại trời Tây giàu có và văn minh, sau này có thể bảo lãnh gia đình qua, hoặc có về nước cũng kiếm được chỗ làm nhiều tiền hơn. Đó là lý do thiết thân và chính đáng không thể chối cãi.

Với văn hóa Việt Nam, đứa con là nguồn yêu thương hy sinh lớn lao nhất của cha mẹ, cũng được mặc định làm chỗ dựa cho cha mẹ sau này, nên cha mẹ sẵn sàng làm bất cứ điều gì cho con trong khả năng.

Thế là cha mẹ cứ xà quần cả ngày với con.

Thời gian, sức lực cạn kiệt, làm việc nhấp nhoáng cho xong ở mức không bị đuổi, tâm trí đâu học hành, nâng cao tay nghề nữa?

Mà cũng chẳng dại gì làm thật giỏi

Một nguyên nhân nữa là tiền lương công chức quá thấp nên ai cũng phải làm thêm đủ cách. Vừa ngồi văn phòng vừa bán hàng online, thời gian và trí óc dành cho việc ấy ít nhất cũng phải 3 phần.

Đã thế, số tiền ít ỏi kiếm được còn phải dành dụm để lâu lâu mời sếp đi nhậu, nhằm “thắt chặt tình cảm”. Lễ, tết, đám giỗ, nhà mới, đám cưới con sếp, đám tang cha sếp, vợ sếp sinh nhật, con sếp vào đại học… đều là dịp để cấp dưới tặng quà. Không chu đáo tận tình, nhỡ bị sếp ghét thì đời thúi hẻo. Việc khó về tay, xương xẩu thằng khác nhả ra bắt mình gặm.

Trong khi đó, thăng tiến hay không lại là nhờ được “nâng đỡ trong sáng”, hay là kết quả của quá trình làm ô sin hầu hạ nhà sếp tận tâm còn hơn nhà mình chứ không phải do năng lực, chuyên môn, khả năng làm việc. Lại còn phải ủ mưu tính kế, giật chân thằng khác xuống đẩy mình lên. Thế, nên phải chọn cửa đầu tư cho trúng. Chỉ thằng tồ hay nhà đổ tiền xuống sông không hết, đốc chứng đi làm cho vui thì mới bóp não nghiên cứu, học hành, làm việc. Rồi, làm lắm thì lại sai nhiều. Chẳng may bị cánh khác bới ra, đổ trách nhiệm cho thì chết toi. Giỏi chuyên môn cũng chỉ làm tớ cho thằng khác, hoặc bị thằng khác bóc lột, vậy thì giỏi làm gì? Kiếm cách đứng lên đầu thằng khác mới là chân lý.

Ấy thế cho nên năng suất thấp của công chức Việt Nam là có thật. Nhưng sâu xa, không phải do họ tạo ra điều đó. Phần lớn do chính thể chế khuyến khích và dung dưỡng tham nhũng, dối trá, cấu kết bè cánh trục lợi đã tạo ra những thứ mục đích và động cơ méo mó, tạo thành một thứ dung môi hòa tan tất cả kỷ luật, nỗ lực và sáng tạo.

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.