Việt-Nhật thúc đẩy quan hệ trước sự đe dọa từ Trung Quốc

Nguyễn Trường
2020.10.19
  tt Hình minh họa. Thủ tướng Nhật Yoshihide Suga (trái) và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc họp báo ở Hà Nộ hôm 19/10/2020
AFP

Mới đây, tân Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga đã sang thăm Việt Nam và Indonesia. Đây sẽ là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của người đứng đầu chính phủ Nhật Bản kể từ khi ông nhậm chức vào ngày 16/9/2020.

Chuyến thăm này đánh dấu bước phát triển tiếp theo trong quan hệ Việt - Nhật. Quan hệ Việt-Nhật từ thời Abe Shinzo đã có những thành tựu quan trọng, điều này đã thu hút sự quan tâm chú ý của thế giới. Hầu hết giới quan sát cho rằng, sự phát triển của quan hệ Việt Nhật, ngoài các yếu tố truyền thống, còn có tác động từ mối đe doạ của một Trung Quốc hung hăng đang trỗi dậy.

Quan hệ Việt-Nhật dưới thời Abe Shinzo

Tháng 1/2013, không lâu sau khi quay trở lại cầm quyền, ông Abe đã đưa Việt Nam vào danh sách các nước đầu tiên ông đến thăm. Sau đó, ông Abe không những đã tiến hành 2 chuyến thăm Việt Nam trong năm 2017, mà còn cử Bộ trưởng Ngoại giao đến thăm Việt Nam 4 lần, Chủ tịch Thượng viện và Hạ viện cũng thăm Việt Nam 1 lần, đồng thời xúc tiến thành công chuyến thăm của Nhật Hoàng và Hoàng hậu tới Việt Nam vào tháng 2/2017. Về phía Việt Nam, các quan chức cấp cao thường xuyên đến thăm Nhật Bản, trong đó Tổng Bí thư 1 lần, Chủ tịch nước 2 lần, Thủ tướng chính phủ 6 lần và Bộ trưởng Ngoại giao 4 lần. Sự tương tác thường xuyên như vậy giữa lãnh đạo cấp cao hai nước là điều chưa từng có trong lịch sử quan hệ  Việt-Nhật.

Những năm gần đây, hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Nhật Bản cũng không ngừng mở rộng, tập trung vào các lĩnh vực như thương mại, viện trợ và đầu tư. Về thương mại, kim ngạch thương mại song phương đã tăng từ 25 tỷ USD năm 2014 lên 37,87 tỷ USD vào năm 2018. Mặc dù con số này không bằng kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc và Việt Nam với quy mô hàng trăm tỷ USD, nhưng Nhật Bản cũng đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ ba của Việt Nam. Về viện trợ, từ năm 1992 đến nay, Nhật Bản luôn là nước cung cấp Vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) lớn nhất của Việt Nam. Thông qua viện trợ ODA, Nhật Bản đã giúp các thành phố lớn của Việt Nam xây dựng một số cơ sở hạ tầng quy mô lớn, ví dụ như sân bay quốc tế Nội Bài, đường cao tốc từ sân bay đến nội thành và cầu Nhật Tân ở Thành phố Hà Nội, tàu điện ngầm ở Thành phố Hồ Chí Minh… Những công trình trên đã trở thành những dự án mang tính biểu tượng mới nhất của viện trợ Nhật Bản dành cho Việt Nam. Về đầu tư, năm 2018, Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam 8,6 tỷ USD, trở thành nước đầu tư nhiều nhất vào Việt Nam.

Từ năm 2014 tới nay, số lượng du học sinh Việt Nam du học tại Nhật Bản đã vượt qua Hàn Quốc, trở thành nước có số lượng lớn sinh viên đến Nhật Bản học tập với 81.009 người vào cuối năm 2018. Những năm gần đây, Nhật Bản cũng đã cung cấp các khóa đào tạo nghiệp vụ cho cán bộ quản lý và kỹ thuật cho các dự án điện hạt nhân của Việt Nam, giúp Việt Nam đào tạo miễn phí đội ngũ cán bộ, công chức. Đáng chú ý nhất là việc Nhật Bản viện trợ 200 triệu USD để cùng Chính phủ Việt Nam thành lập Trường Đại học Việt Nhật tại Hà Nội. Trường đã bắt đầu tuyển sinh vào năm 2016 và mời ông Furuta Motoo, cựu giáo sư Đại học Tokyo, chuyên gia nổi tiếng của Nhật Bản về các vấn đề Việt Nam làm hiệu trưởng. Trường Đại học Việt Nhật chủ yếu giảng dạy bằng tiếng Nhật, mời giảng viên là các trường đại học nổi tiếng ở Nhật Bản, đồng thời còn thiết lập quan hệ hợp tác trao đổi sinh viên với các trường đại học này. Năm 2019, tuy toàn trường chỉ có chương trình đào tạo thạc sĩ 2 năm với quy mô hơn 200 sinh viên, nhưng họ đều là những sinh viên xuất sắc đến từ các trường đại học nổi tiếng của Việt Nam. Cơ sở mới của trường Đại học Việt Nhật dự kiến hoàn thành vào năm 2021, sau đó sẽ bắt đầu đào tạo sinh viên đại học và tiến sĩ, đồng thời lên kế hoạch mở rộng thành một trường đại học tổng hợp với quy mô hơn 6.000 sinh viên và đứng trong bảng xếp hạng 50 trường đại học hàng đầu châu Á.

Hình minh hoạ. Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc bắt tay Thủ tướng Nhật Shinzo Abe ở Tokyo hôm 1/7/2019
Hình minh hoạ. Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc bắt tay Thủ tướng Nhật Shinzo Abe ở Tokyo hôm 1/7/2019
AFP

Tuy nhiên, điểm nổi bật nhất trong hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản vẫn tập trung vào lĩnh vực an ninh, đặc biệt là vấn đề Biển Đông.

1. Sự gia tăng của các chuyến thăm cấp cao. Các chuyến thăm giữa quan chức của Bộ Quốc phòng và Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản với quan chức Bộ Quốc phòng và Quân đội Việt Nam cũng tăng nhanh, điều này góp phần thúc đẩy sự nâng cấp Đối thoại An ninh quốc phòng giữa hai nước, gia tăng cường độ và mở rộng lĩnh vực hợp tác. Hai bên không những đã thiết lập khuôn khổ Đối thoại quan hệ đối tác chiến lược Việt-Nhật (2 + 2) cấp Thứ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng vào năm 2015, mà còn lần lượt thiết lập Đối thoại chính sách quốc phòng cấp Thứ trưởng và cơ chế tham vấn cấp Thứ trưởng Bộ Công an vào năm 2016, đồng thời còn hướng tới xây dựng một cơ chế "3 + 3" với sự tham gia của quan chức ngoại giao, quốc phòng và an ninh hàng hải.

2. Về trang thiết bị. 7 tàu tuần tra đã qua sử dụng và vật tư giám sát an ninh trên biển (tổng trị giá 700 triệu yên) mà Nhật Bản trao tặng Việt Nam vào tháng 2/2017 đã được cung cấp cho các cơ quan như Lực lượng cảnh sát biển Việt Nam và Cục Kiểm ngư để thực hiện tuần tra và thực thi pháp luật ở Biển Đông. Thỏa thuận này được coi là sự hỗ trợ ngầm cho Việt Nam trong bối cảnh cạnh tranh với Trung Quốc tại Biển Đông.

Ngoài ra, vào tháng 11/2016, khi hội đàm với Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhân chuyến thăm của ông đến Nhật Bản, ông Abe Shinzo đã tuyên bố sẽ hỗ trợ miễn phí xuồng an ninh trị giá 300 triệu yên cho Lực lượng cảnh sát đường thủy của Bộ Công an Việt Nam. Trong chuyến thăm Việt Nam lần thứ hai vào tháng 1/2017, ông Abe lại tuyên bố sẽ viện trợ cho Việt Nam 38,482 tỷ yên với lãi suất hàng năm chỉ 0,1%, để đóng 6 tàu tuần tra. Những điều này giúp ích rất nhiều cho việc nâng cao năng lực thực thi pháp luật trên biển của Việt Nam.

3. Ở một phương diện khác, Nhật Bản cũng đang tăng cường huấn luyện quân sự cho phía Việt Nam. Tính đến tháng 6/2017, Bộ Quốc phòng và Lực lượng phòng vệ Nhật Bản đã cử 13 nhóm với tổng cộng 68 nhân viên huấn luyện bao gồm cả các sỹ quan của Lực lượng phòng vệ mặt đất, trên biển và trên không sang Việt Nam, chiếm gần 30% tổng số quân điều động của Nhật Bản sang ASEAN, nội dung huấn luyện đa phần liên quan đến an ninh hàng hải. Ngoài ra, Nhật Bản cũng đã mời cán bộ quân đội Việt Nam đến Nhật Bản để quan sát, học hỏi cách đào tạo và huấn luyện của Lực lượng phòng vệ Nhật Bản trên các phương diện như y tế hàng không và hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.

4. Cuối cùng, Nhật Bản còn tích cực tham gia các cuộc diễn tập song phương hoặc đa phương nhằm nâng cao năng lực cập cảng của tàu thuyền và máy bay Nhật Bản đến các cảng quan trọng của Việt Nam cũng như tăng cường hợp tác an ninh Việt-Nhật.

Ngoài ra, hai nước còn cùng tham gia khoa mục cứu trợ nhân đạo của diễn tập “Vành đai Thái Bình Dương” do Hải quân Mỹ chủ trì. Nhân cơ hội tham gia diễn tập, tàu đổ bộ Kunisaki và tàu đổ bộ Shimokita của Lực lượng phòng vệ trên biển Nhật Bản đã dừng chân tại Đà Nẵng lần lượt vào năm 2015 và 2017. Đặc biệt, tháng 5/2017, tàu sân bay trực thăng Izumo và tàu khu trục Sazanami 113 của Lực lượng phòng vệ trên biển Nhật Bản cùng với tàu vận tải cao tốc của Hải quân Mỹ đã đồng loạt cập cảng quốc tế Cam Ranh để diễn tập cứu trợ thảm họa hàng hải. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử tàu Nhật Bản và Mỹ cập cảng Cam Ranh cùng lúc. Ngoài ra, máy bay tuần tra săn ngầm P-3C của Lực lượng phòng vệ trên biển Nhật Bản sau lần đầu tiên hạ cánh tại Thành phố Hồ Chí Minh vào năm 2014, cũng đã nhiều lần hạ cánh tại Thành phố Đà Nẵng sau khi thực hiện nhiệm vụ chống cướp biển Somalia. Ngày 29/4/2020, máy bay P-3C của Lực lượng phòng vệ Nhật Bản đã gặp sự cố động cơ khi đang quá cảnh tại sân bay Tân Sơn Nhất vào ngày 29/4/2020 và không thể tiếp tục bay theo đúng kế hoạch.Sau 2 tháng sửa chữa và bảo dưỡng với sự trợ giúp của quân đội Việt Nam, máy bay này mới có thể bay về Nhật Bản. Do đó, trong một bài viết đăng trên trang mạng của Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam đã nhấn mạnh “nghĩa cử cao đẹp của Việt Nam đã thể hiện đầy đủ tình cảm sâu sắc và tinh thần tương trợ của Việt Nam đối với Nhật Bản”.

Có thể thấy, cùng với sự thúc đẩy mạnh mẽ của Abe Shinzo, quan hệ Việt-Nhật đã đạt đến tầm cao chưa từng có trong lịch sử quan hệ giữa hai nước, thậm chí vượt qua quan hệ giữa Nhật Bản với các đối tác truyền thống ở Đông Nam Á như Thái Lan và Philippines.

Với phát biểu của Abe tại Hội thảo quốc tế Tokyo về phát triển châu Phi lần thứ 6 diễn ra vào ngày 27/8/2016 rằng “Nhật Bản có trách nhiệm giúp khu vực giữa Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, giữa châu Á và châu Phi thoát khỏi bạo lực và cường quyền, kiểm soát hoàn toàn nền tự do và pháp quyền, tập trung xây dựng và làm cho kinh tế thị trường trở nên thịnh vượng” đã chính thức đánh dấu sự ra đời của chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương phiên bản Nhật Bản.

Và dưới thời Suga

Việc nhóm tàu chiến Nhật Bản tiếp cận cảng Cam Ranh cho mục đích tiếp tế là diễn biến quan trọng trước thềm chuyến viếng thăm Việt Nam của tân Thủ tướng Nhật Bản.

Trong hai ngày 10 và 11/10/2020, đội tàu chiến Nhật Bản gồm tàu sân bay trực thăng JS Kaga (DDH 184), tàu khu trục JS Ikazuchi (DD 107) và tàu ngầm hiện đại JS Shoryu (SS 510) ghé cảng Cam Ranh của Việt Nam để tiếp tế.

Trước đó, đội tàu này đã tiến hành tập trận chống ngầm ở Biển Đông vào ngày 9/10/2020 sau khi quay trở lại khu vực từ Ấn Độ Dương.

Với việc đoàn tàu Nhật ghé Cam Ranh tiếp tế, viễn cảnh về một thỏa thuận hỗ trợ hậu cần (Logistics Support Agreement - LSA) giữa Việt Nam và Nhật Bản trong tương lai, tương tự thỏa thuận mà Nhật Bản vừa ký với Ấn Độ vào tháng 9/2020.

Chiều ngày ngày 18/10/2020, tân Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga đã khởi hành, bắt đầu loạt công du nước ngoài đầu tiên kể từ sau khi đảm nhiệm vị trí này từ "sếp cũ" của mình là Abe Shinzo để tới thăm Việt Nam và Indonesia.

Hình minh hoạ. Từ trái sang: Tàu ngầm tấn công JS Shoryu và tàu khu trục lớp Ikazuchi.
Hình minh hoạ. Từ trái sang: Tàu ngầm tấn công JS Shoryu và tàu khu trục lớp Ikazuchi.
Twitter của Lực lượng phòng vệ bờ biển Nhật Bản.

Đây là hai quốc gia mà Nhật Bản coi là chia sẻ mối quan tâm của mình về Trung Quốc và chia sẻ sự ủng hộ đối với tầm nhìn của Nhật Bản về một “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở.”

Lựa chọn đến Đông Nam Á lần này nhấn mạnh những nỗ lực của Nhật Bản trong việc đối phó với sức ảnh hưởng của Trung Quốc và xây dựng các mối quan hệ kinh tế và quốc phòng mạnh mẽ hơn trong khu vực, phù hợp với tầm nhìn của ông Abe về một “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở” mà ông đã thúc đẩy với Washington. Phát biểu với các phóng viên trước khi đáp chuyến bay đến Hà Nội, thủ đô của Việt Nam, ông Suga nói: “Là một phần trong cộng đồng các nước Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, Nhật Bản có trách nhiệm đóng góp cho khu vực và chắc chắn là tôi sẽ truyền đạt điều này đến tất cả người dân ở trong và ngoài đất nước chúng ta”.

Thủ tướng Suga được đón tiếp nồng nhiệt ở cả hai nước và chuyến thăm được thiết kế một phần để củng cố “mặt trận thống nhất chống lại Bắc Kinh”.

“Tôi chọn Việt Nam vì Việt Nam là một địa điểm thích hợp nhất để tôi gửi thông điệp này lần đầu tiên ra thế giới”, Thủ tướng Suga nói trong cuộc họp báo trưa ngày 19/10/2020.

Ngoài việc hợp tác trong lĩnh vực kinh tế với việc ký kết 12 văn kiện trên các lĩnh vực kỹ thuật số, môi trường, năng lượng, cơ sở hạ tầng và cam kết những nội dung mới trong mối quan hệ chiến lược, “Hai bên đã cơ bản đạt được thoả thuận chuyển giao thiết bị và kỹ thuật quốc phòng, là một bước tiến lớn trong hợp tác an ninh quốc phòng giữa 2 nước”.

Trong các quốc gia Đông Nam Á, Việt Nam có vị trí địa chiến lược quan trọng, khi tiếp giáp với Biển Đông, là cửa ngõ hành lang kinh tế đông tây và hành lang kinh tế phía nam. Việt Nam là quốc gia tăng trưởng nhanh, chính trị - xã hội ổn định và gia tăng vai trò trong khu vực ASEAN.

Trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam đã làm tốt vai trò dẫn dắt các nước thành viên tăng cường hợp tác trên nhiều lĩnh vực, vì các mục tiêu chung của ASEAN. Giá trị và vị thế Việt Nam trong khu vực cũng như trên trường quốc tế đang được nâng lên, Việt Nam có thể tận dụng và phát huy những lợi thế của mình trong hợp tác chính trị - an ninh và kinh tế.

Quan hệ Việt - Nhật hiện nay là đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á, Việt Nam sẽ là nhân tố quan trọng trong chính sách đối ngoại của Nhật Bản.

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.

Nhận xét

Anonymous
09/11/2020 12:49

Viet Nam can tang cuong va day manh su hop tac voi nuoc Nhat , mot nguoi ban trung thanh , dang tin cay cua Viet Nam va khong co tham vong xam chiem lanh tho nhu Trung Cong . Viet Nam can manh dan thoat ra khoi chu nghia Cong San vong ban , loi thoi va day manh viec phat trien ha tang co so voi su dau tu , hop tac ky thuat , kinh te vung chac voi nuoc Nhat . Lien minh quan su voi Nhat , My , Anh , Duc , Uc , Phap va Au Chau la nhung cuong quoc van minh , giau manh , trinh do kinh te va ky thuat cao , dang tin cay , de giup cho Viet Nam doc lap , tu do va phat trien dat nuoc giau manh thoat khoi ach no le , kem kep cua Trung Cong .