Người Việt nên “soi” dân Hồng Kông ở điểm nào?

Nhân Hòa
2019.12.03
000_1MQ5LO_960.jpeg Hình minh họa. Công nhân trong lĩnh vực quảng cáo đình công 5 ngày ở Hong Kong hôm 2/12/2019 đòi chính quyền đáp ứng 5 yêu cầu của người biểu tình
AFP

Tôi biết, bạn có thể sắp cúi xuống nhặt đá để ném vào cái tít trên đây. Hãy bình tĩnh! Hẵng đọc xong bài này trước khi quyết định ném đá vào đâu! Cũng đừng lấy đá ghè chân mình (thầy Tàu vẫn dạy thế)! Tại sao gần 100 triệu dân Việt lại “dưới cơ” 7 triệu người Hồng Kông đến vậy? Vì đâu nên nỗi…?

_____________________

Hồng Kông (HK) và Việt Nam (VN) đều là món quà Trời cho Donald Trump. Nhưng không hề ngẫu nhiên, Trump ứng xử với với hai món quà này của Thượng đế không giống nhau, dù cả hai đều có nét chung, bất chấp một số đối nghịch. Trước đây Trump lưỡng lự. “Chưa chắc tôi sẽ ký một đạo luật như vậy”. Và khi đặt bút ký hai đạo luật ấy vào ngày 27/11, ông Trump tuyên bố tréo ngoe đầy ám chỉ: “Tôi ký các dự luật này để bày tỏ sự trọng thị đối với Chủ tịch Tập, Trung Quốc và người dân Hong Kong”. Còn đối với Việt Nam, còn nhớ mấy tháng trước đấy, Tổng thống Trump từng huỵch toẹt rằng, Việt Nam là một quốc gia “thứ dữ”, “lợi dụng Mỹ còn tệ hơn cả Trung Quốc”.

5 yêu sách thành 5 mục tiêu đấu tranh

Với HK, điểm đáng “soi” đầu tiên là, sau khi hơn 1.300 người bị bắt – trong các cuộc biểu tình kéo dài 6 tháng qua và về cuối, tưởng như đã “tan tác chim muông” – ngày 1/12 vừa rồi, hàng ngàn người dân HK vẫn tiếp tục xuống đường, một tuần sau chiến thắng của phe dân chủ trong cuộc bầu cử cấp quận. Hàng ngàn người mặc áo đen và đeo khẩu trang di chuyển theo tuyến đường được cảnh sát cấp phép. Nhiều người trong số họ hô vang khẩu hiệu ủng hộ sinh viên và giới trẻ. Đoàn người tập hợp trước cả Lãnh sự quán Mỹ, vẫy quốc kỳ Mỹ và giơ cao biểu ngữ cảm ơn ông Trump đã ký phê duyệt đạo luật HK. Cám ơn Tổng thống và cầu Chúa phù hộ cho nước Mỹ!

Điểm đáng “soi” thứ hai là ý thức chính trị của người dân HK. Tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu vừa qua là rất cao, một kỷ lục đối với bất kỳ cuộc bầu cử nào ở HK những năm trước đây. Gần 3 triệu cử tri, tức hơn 71% số người đăng ký đã tham gia bỏ phiếu, so với mức 47% bốn năm về trước. Sau khi bỏ lá phiếu của mình, Trưởng đặc khu Carrie Lam đã bác bỏ ý kiến cho rằng đây là một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm đối với sự lãnh đạo của bà. Có lẽ Madam trưởng đặc khu cảm nhận được bất lợi lớn đang đến với bà. Các chính trị gia ủng hộ dân chủ đã giành được gần 90% số ghế và nắm quyền kiểm soát 17 trong số 18 hội đồng. Trước đây họ chưa từng kiểm soát một hội đồng nào.

Hình minh họa. Người dân Hong Kong diễu hành, cầm theo cờ Mỹ hôm 1/12/2019
Hình minh họa. Người dân Hong Kong diễu hành, cầm theo cờ Mỹ hôm 1/12/2019
AFP

Điểm đáng “soi” thứ ba là tính không khoan nhượng đối với 5 yêu sách của phong trào đấu tranh. Các cuộc biểu tình phản đối dự luật dẫn độ ở HK nổ ra từ đầu tháng 6/2019. Hôm 4/9 chính quyền đặc khu buộc phải rút dự luật, nhưng người biểu tình vẫn tiếp tục tuần hành đòi 4 yêu sách còn lại của họ chưa được đáp ứng. Bao gồm: mở cuộc điều tra độc lập về hành vi bạo lực của cảnh sát, miễn truy tố đối với những người bị bắt, rút lại việc coi các cuộc biểu tình là bạo loạn, khởi động quá trình cải cách chính trị đang bị đình trệ. Bà Carrie Lam, dưới sự chỉ đạo của Bắc Kinh, đã tỏ ra sẽ không nhượng bộ thêm. Tuy nhiên, những người biểu tình cho dân chủ ngày càng thêm kiên định, đấu tranh cho cả 5 mục tiêu.

Điểm “soi” thứ tư là thái độ nhân văn và bao dung của những người biểu tình HK đối với các nhóm dân đến từ đại lục. Các nhóm nhỏ này cho biết vì trân trọng nền tự chủ của HK không bị kiểm soát bởi TQ nên họ đã tham gia vào các cuộc diễn hành, ký đơn thỉnh nguyện và bảo vệ phong trào chống luật dẫn độ trên mạng xã hội. Sự tham gia của những người này cho thấy khả năng phong trào đấu tranh dân chủ ở HK có thể lan tới đại lục – điều mà ĐCSTQ kinh hãi nhất, bất chấp các các chiêu trò dán nhãn bôi nhọ người biểu tình là “phản quốc” của Bắc Kinh. Đặc biệt với cuộc đấu tranh dai dẳng đang diễn ra, Hồng Kông rất có thể trở thành một Đài Loan. Đó mới thực sự là cơn ác mộng của Tập Cận Bình.

15 áp đặt mà không ho he phản ứng

Trong khi đó, trước mũi cử tri cả nước, Quốc hội CSVN vừa thông qua một quyết định động trời mà người dân chẳng có một phản ứng nào nên hồn. Tất cả hầu như đều tê liệt chứ đừng nói đến chuyện xuống đường phản đối. Chiều 25/11/2019, Quốc hội đã bỏ phiếu cho phép “người nước ngoài” được miễn visa vào các “khu kinh tế ven biển có sân bay quốc tế”. Đây là sự chấp thuận cho Tàu tự do vào ra 3 đặc khu Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc là 3 vị trí trọng yếu có ý nghĩa chiến lược về an ninh quốc phòng. TQ đã chọn đúng 3 huyệt đạo trên dải đất hình chữ S. Để chọn được 3 huyệt đạo ấy, ĐCSVN từng cử Phạm Minh Chính sang TQ “học hỏi” (thực chất là nhận chỉ thị) để về triển khai ở trong nước.

Hình minh họa. Biểu tình phản đối Luật An ninh mạng và dự luật Đặc Khu ở TP. Hồ Chí Minh hôm 10/6/2018
Hình minh họa. Biểu tình phản đối Luật An ninh mạng và dự luật Đặc Khu ở TP. Hồ Chí Minh hôm 10/6/2018
AFP

Một thoả thuận khác để lại nhiều hậu hoạ cho tương lai, đó là thực hiện công thư hỗ trợ kỹ thuật lập quy hoạch đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng. Đây là tuyến đường nằm trong dự án “Vành đai con đường” (BRI). Cũng như 3 đặc khu vừa nhắc đến trên, quy hoạch tuyến đường sắt này được thiết kế là nhằm phục vụ BRI. Chính quyền VN buộc phải vay TQ 100.000 tỷ đồng (tương đương 4,34 tỷ USD). Vậy là VN vay TQ 4,34 tỷ USD để làm đường sắt chủ yếu cho doanh nghiệp Tàu sử dụng. Không một chính quyền nào “của dân, do dân, vì dân” lại tự dâng tử huyệt của đất nước cho kẻ thù ngàn năm nắm giữ, ngoại trừ chính quyền đó đã âm thầm bán đứng giang sơn cho ngoại bang.

Thỏa thuận tiếp theo chưa bao giờ được bạch hoá, đó là tuyên bố “Tầm nhìn chung về hợp tác quốc phòng giữa Bộ Quốc phòng VN và Bộ Quốc phòng TQ đến năm 2025”. Tuy đã trói ĐCSVN khá chặt bằng 3 sợi dây thừng, nhưng mới đây, trước những diến tiến của các mối liên hệ có tính chất chiến lược Việt – Mỹ, ĐCSTQ lại quẳng thêm sợi dây thừng thứ 4 nữa. Thế là chính sách “3 không” trước đây nay thành chính sách “4 không”: “Việt Nam chủ trương không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe doạ sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế”.

Một thoả thuận có ý nghĩa lâu dài, đó là kế hoạch hợp tác đào tạo cán bộ cấp chiến lược giữa ĐCSVN và ĐCSTQ. Chỉ cần đánh từ khóa “cử cán bộ sang Trung Quốc học tập” sẽ có ngay trên 13 triệu kết quả để tham khảo. Về mặt mị dân, “chiến dịch đốt lò” của Tổng chủ Nguyễn Phú Trọng là để chống tham nhũng, chống tiêu cực, nhưng về thực chất thì đó chính là nhằm diệt phe cánh các nhóm lợi ích khác, tạo chỗ trống cho những kẻ cánh hẩu, đi tập huấn từ TQ về được quy hoạch trám vào đấy, nhằm kiến tạo một bộ khung “made in china” thuần nhất. Từ đầu năm 2018, để chuẩn bị xây dựng đặc khu Vân Đồn, riêng Quảng Ninh đã cử 40 cán bộ, công chức đi “học tập bồi dưỡng” về đặc khu tại TQ (?)

Do khuôn khổ bài viết, thỏa thuận cuối cùng đề cập ở đây là là Bản ghi nhớ về việc hợp tác làm phim chuyên đề “Sức lôi cuốn của Việt Nam – sức lôi cuốn của Trung Quốc” giữa Đài Truyền hình hai nước VN và TQ. Ngay sau đó, năm 2018 phim “Điệp vụ Biển đỏ” đã có cảnh tàu tuần tra Hải quân TQ ở biển Nam Hải (cách Bắc Kinh gọi Biển Đông) trục xuất tàu nước ngoài ra khỏi vùng biển xung quanh “quần đảo Nam Sa” mà VN ta gọi là Trường Sa. Chưa hết, đến năm 2019 thì cơ quan kiểm duyệt đã cho lọt phim hoạt hình “Everest – Người Tuyết Bé Nhỏ”, trong đó “đường Lưỡi bò” được ra rạp quốc gia. Khi truy cứu trách nhiệm, người duyệt phim chống chế, chỉ có mấy giây thì ý nghĩa gì đâu???

Thay kết luận

Trên đây là 5 trong 15 văn kiện bí mật Nguyễn Phú Trọng đã ký với với Tập Cận Bình cách đây 2 năm. (Tham khảo tin này trên “Dân Trí”, được đăng lại từ TTXVN ngày 13/1/2017). Đối với 10 văn kiện còn lại, dễ dàng “follow-up” bởi vì ĐCSVN trước sau cũng buộc phải công bố một số chi tiết. Để đánh giá mức độ nguy hiểm đối với xã tắc khi 15 thoả thuận áp đặt lên đầu lên cổ người dân Việt được thực thi, không nên tách biệt từng thoả thuận, phải xâu chuỗi các kế hoạch ấy lại. Khi đã trở thành lộ trình ĐCSVN đang thực hiện thì dù muốn giữ kín cỡ mấy cũng sẽ bộc lộ. Không có sự nhầm lẫn nào cả, tất cả là lộ trình đã thiết kế từ trước, hẳn nhiên được che đậy khéo léo bằng đủ thứ hỏa mù mà thôi.

Những tuần tới đây có thể bạn sẽ xuống đường, quấn cờ Tổ quốc vào người và hò hét để vinh danh các thành tích thể thao Việt Nam ở SEA Games 30. Tuy nhiên, bạn chớ quên xã tắc đang thực sự lâm nguy. Cũng như thanh niên, sinh viên và hai hôm nay thêm cả người già HK đã xuống đường đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền của vùng đất Hương Cảng. Người dân HK chắc cũng mê thể thao, nhưng họ quyết không để lãnh thổ bị bán đứng, quyết không để trở thành quả bóng tròn lăn trên sân cỏ, tuỳ thuộc vào “đôi chân” các “cầu thủ”. Brazil, Venezuela cũng là vương quốc của thể thao và hoa hậu. Nhưng Brazil là một đất nước của tham nhũng, kể cả lãnh đạo quốc gia. Còn Venezuela thì đang trên đà sụp đổ.

Hồng Kông thật đáng hãnh diện! Họ vừa được trao Giải John McCain về Lãnh đạo và Phục vụ. Một nghị viên thành phố và một nhà tranh đấu sẽ đại diện cho thành phố, qua Mỹ nhận giải. Dân nào thì chính quyền ấy! Bạn muốn giống như HK? Được thế giới ngưỡng mộ như một vùng đất thơm (Hương Cảng). Thế thì trước hết bạn phải thay đổi! Bạn và tôi, chúng ta phải giành lấy quyền được bày tỏ ý kiến một cách ôn hoà! Một ước muốn giản dị mà bản thân anh thanh niên yêu nước Nguyễn Ái Quốc 100 năm trước đây đã đưa ra tại Hội nghị Hòa bình Versailles. Cho đến nay, Quốc hội CSVN do bận bàn việc đánh thuế mấy quán nước vỉa hè (?) nên chưa đưa vào chương trình nghị sự. Bạn và tôi hãy thúc dục họ trả món nợ ấy. Bây giờ hoặc là không bao giờ!

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.