Những điều “Đan” giãi bày hay giữ kín khi chia tay

Đinh Hoàng Thắng
2021.04.16
Những điều “Đan” giãi bày hay giữ kín khi chia tay Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink và Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ở Hà Nội hôm 25/4/2021
VCP

Tôi muốn gọi Đại sứ Hoa Kỳ ở Việt Nam Daniel Kritenbrink một cách thân mật như người Mỹ “ới nhau” khi đã quen nhau lâu ngày. Hy vọng “Đan” không phản đối. Nhiều câu chuyện Đại sứ không kể ra, theo tôi, quan trọng không kém những điều ông phát biểu. Vấn đề là sở tại có bắt được “sóng” hay không…

Những câu có cánh của Đại sứ Kritenbrink tràn ngập truyền thông Việt Nam mấy tháng qua. Liệu có cần nhắc lại ở đây tất cả những lời “có cánh” ấy? Bài dưới đây được viết theo một thể loại khác – một ít “xe cán người”, còn chủ yếu là “người cán xe”. Và những điều dù “Đan” thổ lộ hay giữ kín trước khi rời Hà Nội, phần lớn đều mang âm hưởng chung: Khuyến khích bản sắc và sức đề kháng của người Việt trước “bóng đè” bành trướng của ngoại bang.

Chỉ có bầu trời là giới hạn

Hà Nội có thể hài lòng với tuyên bố tối 13/4 của Đại sứ Kritenbrink tại buổi tiếp tân chia tay do Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ – ASEAN tổ chức rằng, chỉ có bầu trời là giới hạn cho mối quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ. “Đan” cũng cho biết, dưới thời Tổng thống Biden, Mỹ coi trọng việc tăng cường quan hệ với các đồng minh và đối tác. “Đan” khẳng định Việt Nam là một trong những người bạn tốt nhất của nước Mỹ, nhấn mạnh quan hệ hợp tác quốc phòng được thắt chặt với chuyến thăm đầu tiên của tàu sân bay Hoa Kỳ tới Việt Nam sau chiến tranh và năm ngoái đã có hai chuyến thăm như vậy.

Mỹ và Việt Nam đã ký kết các thỏa thuận thương mại trị giá 45 tỷ USD cho đến nay và con số này có thể sẽ cao hơn nhiều trong năm nay. Thương mại là khía cạnh nổi bật trong quan hệ song phương. Việt Nam là thị trường xuất khẩu tăng nhanh nhất của Hoa Kỳ và Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam: Xuất khẩu của Mỹ sang Việt Nam là 30 tỷ USD vào năm 2020 và nhập khẩu của Mỹ vào năm 2020 là 79,6 tỷ USD. Năm 2019, đầu tư của Hoa Kỳ vào Việt Nam là 2,6 tỷ USD.

Nhưng Báo cáo về quan hệ Việt – Mỹ của Cơ quan Nghiên cứu của Quốc hội Mỹ (CRS), một cơ quan lưỡng đảng phục vụ ngành lập pháp, lại xác nhận tình hình đàn áp nhân quyền tại Việt Nam gia tăng trong thời gian vừa qua. Dù rằng, trong trả lời phỏng vấn trên báo Zing cuối năm ngoái, ông Daniel Kritenbrink đã không nhắc gì đến các vụ vi phạm nhân quyền được cho là đang diễn ra Việt Nam từ trước tới nay khi trả lời rất nhiều các câu hỏi của truyền thông “lề phải”.

Đại sứ Mỹ Daniel Kritenbrink và Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng tại Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 16/4/2021. US Embassy in Hanoi
Đại sứ Mỹ Daniel Kritenbrink và Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng tại Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 16/4/2021. US Embassy in Hanoi

Tuy Tổng thống Biden từng cam kết khôi phục vai trò của Mỹ với tư cách là người bảo vệ dân chủ và nhân quyền trên toàn thế giới, đánh giá các quốc gia dựa trên hồ sơ về các vấn đề nhân quyền của họ. Nhưng ông Biden vẫn phải cân nhắc giữa việc đấu tranh cho các vấn đề nhân quyền ở các nước và đối trọng với sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc.

Đề cập quan hệ song phương, ngày 24/12/2020, ông Kritenbrink giãi bày: “Chúng ta tập trung vào nội dung và mức độ hợp tác giữa hai nước. Tính chất chiến lược trong mối quan hệ Việt – Mỹ được phản ánh qua cách chúng ta tiếp cận thế giới và quá trình cộng tác cùng nhau. Do đó, tôi không quá câu nệ về vấn đề tên gọi. Nhiều người Mỹ hẳn cũng nghĩ như vậy”.

Câu chuyện “Đan” không kể ra đây là tại sao bang giao Việt – Mỹ quan trọng nhường ấy, mà trải qua bao đời các đại sứ Mỹ từ trước tới nay đã không thành tựu nổi một “đứa con tinh thần” của các chiến lược gia từ các cơ quan hoạch định chính sách ở cả hai nước. “Đối tác Chiến lược Mỹ –  Việt” rốt cuộc vẫn còn “treo” đấy. Vâng, có thể “Đan” không quá câu nệ về tên gọi, nhưng người Việt lại nghĩ “danh có chính thì ngôn mới thuận”.

Tại sao “danh chưa chính?” thì bản Báo cáo ngày 16/2/2021 do Viện Nghiên cứu Chính sách công của Quốc hội Mỹ đã cho biết, đáng ra quan hệ sẽ còn phát triển hơn thế nữa nhưng hai nước còn bị hạn chế bởi: Thứ nhất là do sức ép từ Trung Quốc. Lãnh đạo Việt Nam vẫn nghĩ rằng không nên “thân thiện” Hoa Kỳ nhiều quá, vì đơn giản là Trung Quốc không muốn vậy.

Thứ hai – mà điều này mới quan trọng – vẫn còn nhiều lãnh đạo Việt Nam “nghi ngờ mục tiêu lâu dài của Hoa Kỳ là muốn thấy sự chấm dứt quyền lực độc tôn của Đảng Cộng sản Việt Nam thông qua “diễn biến hoà bình”. Não trạng về “diễn biến hoà bình” là tư duy lỗi thời từ Trung Quốc, nhằm phủ nhận các giá trị quan trọng của nhân loại như tự do và dân chủ.

Hiểu nhầm “nho nhỏ”

Người viết bài này không khỏi giật mình khi một YouTube (không rõ nguồn gốc) đã “bẻ cong” nhận xét của “Đan”. Nguyên văn câu của “Đan” được status ấy trích dẫn: Tình huống nghiêm trọng nhất trong quan hệ quốc tế là khi chân lý thuộc kẻ mạnh, không có luật pháp, người mạnh nhất, hung hăng nhất sẽ luôn thắng. Thực tế chúng ta có trật tự quốc tế dựa trên luật pháp, nơi các quốc gia phải chơi đúng luật…

Dẫn đoạn trích xong, nhân vật xưng tên là Sơn Ngọc St. giải thích luôn, sỡ dĩ ông Kritenbrink phát biểu như vậy là vì, trước đây Mỹ đã sử dụng thế mạnh của kẻ mạnh, “nuôi” chế độ Việt Nam Cộng Hoà, nhưng cuối cùng Mỹ vẫn thất bại ở Việt Nam. Phải thừa nhận bình luận viên này có tiến bộ, không gọi Việt Nam Cộng Hoà là “nguỵ”. Nhưng hỡi ôi, câu trích dẫn nói trên không phải “Đan” phê phán chính phủ Mỹ.

Thông điệp ấy là “Đan” muốn dành cho các đồng chí “nước lạ” trong cách đối xử với Việt Nam hiện nay. Từ năm ngoái, tại buổi tiếp báo chí ở Hà Nội ngày 2/7/2020, Đại sứ Kritenbrink từng khẳng định rằng, Mỹ không muốn ASEAN hay bất kỳ quốc gia nào khác phải chọn phe.

Điều chúng tôi mong mỏi là các nước sớm nhận ra rằng họ muốn có trật tự ổn định và đạt được những lợi ích trong tuân thủ luật pháp quốc tế. Chúng tôi phản đối các quốc gia lớn bắt nạt các quốc gia khác, và kỳ vọng vào sự hợp tác để thúc đẩy hòa bình và thượng tôn pháp luật. Chúng tôi chào đón Trung Quốc tham gia vào các nỗ lực đảm bảo trật tự thế giới”.

Hồi cuối tháng 10/2020, một nhà báo khác muốn “diễn” lập trường cũng đã “đá xoáy” vị Đại sứ khi đòi hỏi “Đan” phải bình luận về quan điểm cho rằng: “Khi cần bạn bè đồng minh để đảm bảo lợi ích và duy trì vai trò số một trên thế giới, nước Mỹ luôn sẵn sàng chìa tay ra. Nhưng khi không cần nữa thì nước Mỹ sẵn sàng thỏa thuận trên lưng đồng minh khiến những nước nhỏ phải trả giá đắt”.

“Đan” đã “lướt sóng” khá ngoạn mục khi gạt mũi giáo sang một bên để trả lời một cách tự tin: “Điều cốt lõi trong chính sách ngoại giao của chúng tôi, đó là chúng tôi có lợi ích trong việc có thêm những đồng minh, đối tác và bạn bè tự chủ, thịnh vượng. Có lẽ trên thế giới không có quốc gia nào có sự đầu tư và đem tới sự thịnh vượng tới nhiều vùng khác nhau trên thế giới như nước Mỹ”.

“Nhân bất học bất tri lý”

Đích thân “Đan” đề tặng dòng chữ trên đây trong chuyến thăm Văn Miếu – Quốc Tử Giám trước dịp 20/11 năm ngoái mang nhiều biểu tượng. Đại sứ Mỹ đã mượn bài học quý giá rút ra từ cách nhìn nhận con người (để hiểu về đất nước) được lưu truyền qua hàng ngàn năm lịch sử, thể hiện sự trân trọng đối với truyền thống văn hoá Việt Nam nói riêng và Đông Á nói chung.

Truyền thống văn hoá ấy cũng như sự giao lưu giữa các tộc người ấy chính là cội nguồn của ý thức quốc gia Việt Nam. Phải chăng Đại sứ Kritenbrink đã đặt niềm tin vào những giá trị trường tồn của chủ nghĩa quốc gia xuyên suốt không – thời gian. Do chủ động thích ứng nên chủ nghĩa quốc gia ấy đã được bồi đắp và lớn mạnh qua các triều đại, và “Đan” hy vọng nước Việt nhờ đó mà ngày càng tự trưởng thành, tự cường và thịnh vượng hơn.

Cũng năm ngoái, Đại sứ Kritenbrink đã làm một việc chưa từng có tiền lệ là tới thăm Nghĩa trang Trường Sơn ở tỉnh Quảng Trị và Nghĩa trang Liệt sỹ ở thành phố Hồ Chí Minh. Và ông cũng đến thắp hương tại Nghĩa trang Quân đội Sài Gòn. Trang Facebook của Tòa Đại sứ Mỹ ở Việt Nam đưa bản tin ngắn kèm theo bốn tấm hình “Đan” ở Nghĩa trang Biên Hoà.

kritenbrinkcementary2018a.jpeg
Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink viếng Nghĩa trang Biên Hòa ngày 29/03/18. Hình FB Đại sứ Daniel J. Kritenbrink

Thăm cả hai nghĩa trang Sài Gòn và Biên Hoà cùng một ngày (21/6) là để “bày tỏ lòng tôn kính” đối với tất cả những người lính đã hy sinh từ cả hai phía. FB Đại sứ quán Mỹ viết: “Khi cùng nhau hàn gắn vết thương chiến tranh thì lòng tin và tình bạn chúng ta sẽ ngày càng vững mạnh hơn. Là một phần trong quá trình hàn gắn cùng tinh thần hòa giải và tôn trọng lẫn nhau, chúng tôi thể hiện sự kính trọng đối với tất cả những người đã hy sinh, bất kể họ đứng về phía nào”.

Trong tất cả những lời giải bày, không thấy ông Kritenbrink nói gì về công việc sắp tới ở Washington DC, với tư cách là một Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương. Trước đến giờ, cương vị này thường được Tổng thống Mỹ dành cho các Đại sứ Hoa Kỳ từ Tokyo hoặc Bắc Kinh.

Với các kinh nghiệm được tích luỹ ở Việt Nam, lại nói thông thạo tiếng Trung Quốc và tiếng Nhật Bản, nay Đại sứ Kritenbrink được đề cử lên một cương vị ngoại giao cao nhất của Mỹ tại khu vực, chưa rõ hồ sơ Việt Nam rồi đây sẽ có vị trí nào trong bộn bề công việc liên quan đến “Chiến lược Ấn Thái Dương” (IPS) của “Bộ tứ”? Trong khi “Quad” đang rất muốn Việt Nam sẽ trở thành một “thành viên theo sát” (shadow member).

Hãy chờ đấy, xem “hồi sau” sẽ rõ!

_____________________

Tham khảo:

https://www.youtube.com/watch?v=DGOKIfwAXn0&ab_channel=S%C6%A0NNG%E1%BB%8CCST

Sơn Ngọc St. Đại sứ Mỹ Daniel J. Kritenbrink chia tay Việt Nam.

https://www.nguoi-viet.com/viet-nam/dai-su-my-khong-nhac-den-vi-pham-nhan-quyen-truoc-khi-roi-viet-nam/

Đại sứ Mỹ không nhắc đến “vi phạm nhân quyền” trước khi rời Việt Nam

https://crsreports.congress.gov/product/pdf/IF/IF10209

U.S.-Vietnam Relations

https://www.nguoi-viet.com/viet-nam/dai-su-my-tham-nghia-trang-quan-doi-bien-hoa-bay-to-long-ton-kinh/

Đại sứ Mỹ thăm Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa để “bày tỏ lòng tôn kính”

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.