Việt Nam chạy theo úp sọt COVID đến bao giờ?

Bài bình luận của Gia Linh
2021.06.14
Việt Nam chạy theo úp sọt COVID đến bao giờ? Một khu dân cự bị cách ly do COVID-19 ở TPHCM vào tháng sáu năm 2021
HDCD

Ngày 13/6/2021: COVID-19 đã có ở những đâu trên lãnh thổ Việt Nam?

Đã có ở:

-Trường học.

-Bệnh viện.

-Khu công nghiệp.

-Khu nhà trọ tập trung nhiều công nhân.

-Tòa nhà công sở.

-Trung tâm vận tải (sáng 12/6 báo Tuổi trẻ đưa tin đã có ca nghi nhiễm là nhân viên làm việc tại cảng container quốc tế SP-ITC tại TP Thủ Đức)

-Khu dân cư.

Chỉ còn thiếu các chợ dân sinh, siêu thị, các nhà dưỡng lão, mái ấm nuôi trẻ em và người có bệnh (ví dụ Khu điều trị bệnh phong Bến Sắn) và… nhà tù!

Bản đồ dịch TP HCM đã gần thành một khối đặc chi chít.

Chiều tối ngày 13/6, con số 53 ca nhân viên dương tính tại Bệnh viện Nhiệt đới nhưng chỉ duy nhất một người có triệu chứng nhẹ tiếp tục khẳng định các nghiên cứu của WHO (và thực tế ở nhiều nước) về việc người đã tiêm vaccine vẫn có thể nhiễm bệnh. Tuy có thể không có triệu chứng (hoặc diễn biến bệnh nhẹ, không tử vong) nhưng virus vẫn có và vẫn có thể lây cho người khác.

Không thể phủ nhận dịch COVID đã lan trong cộng đồng. Tính đến 17 giờ ngày 13/6, HCDC thông báo có 335 điểm cách ly/phong tỏa trên toàn thành phố. Mỗi điểm cách ly tùy to nhỏ phải bố trí ít nhất bốn người canh gác liên tục 24/24 để đề phòng người trốn ra/vào. Cộng với lực lượng truy vết, nhân sự thuộc các đơn vị liên quan tại TP HCM đã được sử dụng rất nhiều, rất căng thẳng và rất tốn tiền.

Việt Nam không có nhiều tiền như Mỹ để trợ cấp tiền cho mọi người, đổi lấy việc buộc tất cả phải ở nhà, tuân thủ tối đa giãn cách xã hội để cắt đứt đường lây nhiễm.

Tất cả các thông tin kể trên dẫn đến nhận xét: ở giai đoạn này của Việt Nam, các biện pháp truy vết, cách ly, phong tỏa diện rộng không thể kéo dài vì không thể đủ nhân lực và tài lực.

Thực tế cho thấy trong 15 ngày qua (từ 31/5 đến 14/6), chủ trương phong tỏa theo chỉ thị 16 tại quận Gò Vấp (TP HCM) đã không thể thực hiện đúng (chỉ thị này buộc mọi người ở trong nhà, chỉ ra ngoài khi thực sự cần thiết. Không tập trung quá hai người ngoài công sở, bệnh viện, trường học).

hcdchcmcityjune142021.jpeg
Khu vực cách ly do COVID-19 ở TPHCM. Hình: HCDC

Là vì Gò Vấp không phải ốc đảo. Nó chỉ là một khu vực sầm uất nằm trọn trong thành phố với hàng chục trục giao thông xuyên suốt và cắt nhau chằng chịt. Người ở quận khác đến nơi làm việc trong quận Gò Vấp và ngược lại, hoặc cùng một con đường, bên này thuộc quận Gò Vấp (áp dụng chỉ thị 16) nhưng bên kia đường thuộc quận khác (áp dụng chỉ thị 15-không tụ tập từ 10 người trở lên), cho nên không thể cấm người dân vẫn đi lại và gặp gỡ.

Tên đường phố, tại các chợ dân sinh, siêu thị hay nơi công cộng khác cũng không thể nghiêm túc giãn cách 2 m/người như quy định.

Sáng 13/4, Phó chủ tịch UBND TP HCM nói sau ba tuần giãn cách nghiêm ngặt, Gò Vấp đã giảm số ca nhiễm. Nhưng vì không thể giãn cách cả tháng hoặc vài tháng liên tục ở bất cứ địa phương nào, vắc xin cũng mới chỉ tiêm được 1% dân số, nên chỉ cần mở lại thì số ca nhiễm sẽ lại tăng, đó là điều thấy trước.

Trừ một số người kinh doanh hoặc quan chức, phần lớn dân Việt Nam là nghèo. Người nghèo buôn bán kiếm ăn từng bữa không có vốn liếng trường kỳ. Chế độ bảo hiểm, phúc lợi xã hội của Việt Nam quá yếu ớt, gần như người dân không thể trông chờ. Quỹ hỗ trợ thất nghiệp, thất thu do dịch bệnh cho người dân và cho cả doanh nghiệp được đánh giá là “chỉ thấy trên tivi). Vì thế, đóng cửa lâu thì doanh nghiệp chết, người làm thuê và người lao động nghèo cũng “chết” theo (số doanh nghiệp rời bỏ thị trường tăng 20,7%, số doanh nghiệp tạm dừng kinh doanh tăng 23% so với cùng kỳ năm ngoái-theo báo cáo của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội vào ngày 10/6).

Thực tế số ca nhiễm trở bệnh nặng hoặc tử vong rất thấp của Việt cho thấy ở giai đoạn này của Việt Nam, không thể xem xét hiệu quả của việc chống dịch thuần túy theo con số ca nhiễm nữa. Nhiễm nhiều nhưng cũng khỏi nhiều, vậy có đáng lo sợ thái quá để cứ đóng cửa cài then mãi hay không?

Không thể chạy theo con virus đang bay lượn khắp nơi trong cộng đồng để úp sọt, bắt nhốt nó được nữa. Điều đó là viển vông không tưởng. Phải quay về xác định đâu là những cứ điểm trọng yếu và dồn sức cho nó. Đó là bảo vệ mạch máu kinh tế, bảo vệ tuyến đầu của ngành y tế, nâng chất lượng dự phòng và điều trị, đồng thời dùng những đồng tiền ít ỏi còn lại để trang bị máy móc thiết bị, chăm sóc sức khỏe cho họ.

Để, khi số lượng người bệnh cần điều trị tăng cao thì hệ thống y tế đủ sức (nhân lực, vật lực, tài lực) tập trung chữa trị. Nhà nước phải tập trung bơm máu cho phần còn lại của xã hội để họ tiếp tục sống và tiếp tục kiếm ra tiền nhằm duy trì cuộc sống.

Chúng ta tự hào đủ rồi, giờ phải thoát ra để đi kiếm hào, Nhà nước ơi!

______________________

Tham khảo:

https://ourworldindata.org/covid-vaccinations?country=OWID_WRL

https://thanhnien.vn/tai-chinh-kinh-doanh/doanh-nghiep-pha-san-nhung-ngan-hang-lai-khung-1397006.html

https://nhandan.vn/tin-tuc-kinh-te/doanh-nghiep-tim-cach-vuot-kho-truoc-lan-song-dich-covid-19-thu-tu-647335/

https://tuoitre.vn/phat-hien-ca-nghi-mac-covid-19-lap-chot-kiem-dich-tam-thoi-mot-cang-container-o-thu-duc-20210612232933337.htm

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do. 

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.