Ai mới là kẻ khiến Biển Đông trở nên nguy hiểm?

Ngô Vương Quyền
2020.07.08
tq Hình minh hoạ. Hình chụp hôm 2/1/2017: đội tàu của Hải quân TQ bao gồm tàu sân bay Liêu Ninh đang tâp trận ở Biển Đông
AFP

Trang China Military online của quân đội Trung Quốc ngày 7/7 đăng bài viết của ông Ngô Sĩ Tồn, Viện trưởng Viện nghiên cứu Biển Hoa Nam (Biển Đông) tại Hải Nam (Trung Quốc) nhận định rằng những thay đổi mới ở Biển Đông là đáng lo ngại.

Ông Ngô Sĩ Tồn cho rằng nguyên nhân dẫn đến những thay đổi đáng lo ngại ở biển Đông là do: i) Mỹ kích động "quân sự hóa Biển Đông”; ii) Các nước ASEAN bao gồm Malaysia, Philippines, Việt Nam và Indonesia đã “thông đồng” với Mỹ trong việc chống lại Trung Quốc. Tuy nhiên, sự thực có như ông Ngô Sĩ Tồn nói hay là ông Ngô Sĩ Tồn đã bẻ cong sự thật?

Ai mới là người kích động “quân sự hoá” ở biển Đông?

Mới đây, Trung Quốc đã tiến hành tập trận đồng loạt trên biển. Truyền thông Trung Quốc rầm rộ quảng cáo cuộc tập trận của hải quân Trung Quốc “được tiến hành đồng loạt” từ Bắc xuống Nam ở ba vùng biển: Hoàng Hải đối mặt với bán đảo Triều Tiên, Hoa Đông đối diện với Nhật Bản và Biển Hoa Nam (Biển Đông). Việc cùng lúc tổ chức 3 cuộc tập trận trên 3 vùng biển khác nhau là điều hiếm khi xảy ra, chứa đựng ý nghĩa thị uy sức mạnh và tầm ảnh hưởng của Trung Quốc trên các vùng biển này trong bối cảnh căng thẳng Mỹ-Trung leo thang.

Các cuộc tập trận này mà báo chí Trung Quốc gọi là “tam đại chiến địa” (ba vùng chiến trận lớn) có hai mục tiêu: Bên ngoài nhằm cảnh báo quốc tế, bên trong để đánh lạc hướng dư luận đang có nhiều căng thẳng.

Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) cho biết một tàu khu trục tên lửa và hai máy bay trực thăng đã thực hành “bắt giữ các tàu lạ” ở Biển Hoa Đông. Cuộc tập trận này được cho là được thiết kế để phù hợp với các vùng biển gần Đài Loan và Quần đảo Senkaku của Nhật Bản mà Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền và gọi là Điếu Ngư. Ở Hoàng Hải và Biển Đông, hải quân Trung Quốc sử dụng đạn thật. Tuy nhiên, tại Biển Đông, Trung Quốc cấm tàu cá lai vãng trong khu vực quần đảo Hoàng Sa, cùng với thời gian hải quân Trung Quốc tập trận, Mỹ đưa vào vùng này 2 tàu sân bay cùng 2 hải đội tấn công.

Hình minh hoạ. Hình chụp hôm 1/2/2017: máy bay chiến đấu J-15 của Trung Quốc xuất phát từ tàu sân bay Liêu Ninh trong một cuộc tập trận ở Biển Đông
Hình minh hoạ. Hình chụp hôm 1/2/2017: máy bay chiến đấu J-15 của Trung Quốc xuất phát từ tàu sân bay Liêu Ninh trong một cuộc tập trận ở Biển Đông
AFP

Một nguồn tin quân sự Trung Quốc tiết lộ các cuộc diễn tập diễn ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Bắc Kinh với Mỹ và Ấn Độ đang leo thang, do đó có những sự lo ngại nhất định trong nội bộ Trung Quốc và buộc nước này phải đẩy căng thẳng ra bên ngoài.

Quả thật, việc thể hiện thái độ cứng rắn về đối ngoại cũng là một cách để chuyển hướng dư luận chỉ trích trong nước.

Hồi tháng 6/2020, Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì đã đi thăm Mỹ và tiến hành hội đàm với Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nhằm làm dịu căng thẳng giữa hai nước, song cuộc gặp này đã kết thúc mà dường như không có kết quả nào. Sau khi Bắc Kinh thông qua Luật an ninh quốc gia về Hong Kong, phản ứng của Mỹ, phương Tây và cả Nhật Bản với Trung Quốc ngày càng mạnh hơn. Hôm 2/7, Thượng viện Mỹ đã thông dự luật về Hong Kong, trong đó cho phép trừng phạt các tổ chức và cá nhân liên quan đến Luật an ninh quốc gia Hong Kong. Còn tại Nhật Bản, Ủy ban Đối ngoại thuộc đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền hôm 3/7 đã trình văn bản kiến nghị lên chính phủ Nhật Bản yêu cầu hủy bỏ chuyến thăm chính thức của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, vốn dự kiến diễn ra vào tháng 4 vừa qua, song đã bị hoãn lại do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

Hiện tại, trong khi các siêu cường đã mệt mỏi do phải điều hành thế giới, hoặc bận rộn đối phó với dịch bệnh đang hoành hành trong nước, Trung Quốc đang tìm cách khẳng định quyền lực toàn cầu của mình. Trung Quốc đang cố “định hình” mọi thứ trong tầm “kiểm soát” của Bắc Kinh. Chính các hoạt động diễn tập của cường quốc đông dân nhất thế giới tại khu vực Biển Đông đang khiến khu vực trở nên không an toàn. Mỹ có thể không quan tâm tới việc điều hành thế giới, nhưng điều này không có nghĩa là Washington chấp nhận ngồi im để Trung Quốc làm mưa làm gió được.

Vì sao các quốc gia ASEAN phải đồng loạt lên tiếng?

Kể từ tháng 3/2020, khi dịch bệnh COVID-19 ngày càng lan mạnh tại Trung Quốc, nước này càng đẩy mạnh hoạt động trên biển. Mới đây nhất, 2 tàu hải cảnh Trung Quốc từ hôm 4/7 đã liên tục xâm phạm vùng lãnh hải của Nhật Bản trong suốt hơn 30 giờ (tính đến thời điểm thống kê), lập kỷ lục về số giờ dài nhất kể từ khi Nhật Bản quốc hữu hóa quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng liên tục có các tuyên bố cứng rắn và mang tính khiêu khích với Australia và Canada trong chiến dịch ngoại giao Chiến Lang” của Bắc Kinh.

Những diễn biến gần đây cho thấy Trung Quốc đang thực hiện những bước đi mang tính quyết đoán hơn và có thể kéo dài, nhằm gạt sang một bên những tuyên bố chủ quyền của các nước khác ở vùng lãnh hải rộng lớn và có ý nghĩa chiến lược này. Mối quan ngại ngày càng gia tăng trước các kế hoạch của Bắc Kinh nhằm tuyên bố một vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa và Đông Sa. ADIZ là một khu vực không phận trên đất liền hoặc trên biển mà trong đó, việc nhận dạng, xác định vị trí và kiểm soát máy bay được tiến hành bởi một quốc gia vì lợi ích an ninh quốc gia của họ. Dĩ nhiên, đây không phải là một ý tưởng mới vì Trung Quốc hồi năm 2013 đã đơn phương tuyên bố một ADIZ trên vùng biển Hoa Đông.

Trong những tháng qua, Bắc Kinh đã tăng cường các hoạt động ở Biển Đông, khiến các nước láng giềng Đông Nam Á ngày càng quan ngại. Ví dụ, hồi đầu tháng 4/2020, một tàu cá Việt Nam đã bị tàu Trung Quốc đánh chìm ở gần quần đảo Hoàng Sa. Sự việc này xảy ra sau khi Việt Nam hồi cuối tháng 3 đệ trình công hàm lên Liên hợp quốc phản đối tuyên bố “đường 9 đoạn” của Trung Quốc. Sau sự việc này, đã có những đồn đoán cho rằng Việt Nam - vốn lâu nay là một trong số những quốc gia lớn tiếng và tích cực nhất trong nỗ lực phản đối Bắc Kinh ở Biển Đông - sẽ theo đuổi một vụ kiện pháp lý quốc tế như Philippines đã làm hồi năm 2016.

Trung Quốc cũng đơn phương tuyên bố hai khu vực hành chính mới ở Biển Đông, cho thấy mong muốn của nước này huy động thêm nhiều nguồn nhân lực và tài nguyên đến các đảo nhân tạo, xây dựng thêm cơ sở hạ tầng, tăng cường sự hiện diện quân sự ở khu vực và chính thức hóa một cách thường xuyên sự kiểm soát của họ đối với các vùng lãnh hải tranh chấp. Và mặc dù các vụ đụng độ hàng hải trở thành trọng tâm trong chương trình nghị sự của Hà Nội khi nước này đóng vai trò là chủ tịch luân phiên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trong năm nay, động thái trên của Bắc Kinh phát đi tín hiệu rõ ràng rằng Trung Quốc không có ý định tiến tới một cơ chế quản lý tranh chấp có thể được thực thi thông qua các tiến trình của ASEAN.

Philippines cũng là “nạn nhân” của những hành động ngày càng hung bạo của Trung Quốc ở Biển Đông, khi một tàu chiến của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đã sẵn sàng nhắm bắn vào một tàu hải quân Philippines. Mặc dù Manila dường như đã thúc đẩy mối quan hệ gần gũi hơn với Bắc Kinh song vẫn có những chỉ dấu cho thấy quốc gia Đông Nam Á này đã sẵn sàng bảo vệ chủ quyền của mình. Bộ Ngoại giao Philippines đã ra thông cáo ủng hộ Việt Nam, bày tỏ “quan ngại sâu sắc” về vụ tàu Trung Quốc đánh chìm tàu cá Việt Nam. Ngoài ra, việc Manila đảo ngược quyết định rút khỏi Thỏa thuận Các lực lượng thăm viếng (VFA) với Mỹ đồng thời quyết định tái khởi động hoạt động thăm dò dầu khí ở Biển Đông là những chỉ dấu đầy hứa hẹn hơn nữa về quyết tâm của quốc gia Đông Nam Á này.

Malaysia cũng vướng vào một cuộc đối đầu kéo dài nhiều tháng với Trung Quốc sau khi một tàu khảo sát Trung Quốc đi vào vùng đặc quyền kinh tế của nước này. Tuy nhiên, phản ứng của Malaysia tương đối im ắng, đi theo cách tiếp cận truyền thống tránh gây ồn ào đối với những vấn đề tranh chấp Biển Đông mà nước này có thiên hướng thực hiện. Vào thời điểm đó, Malaysia cũng bận tâm với những thay đổi bất ngờ trong nội bộ chính phủ.

Hình minh hoạ. Tàu sân bay USS Ronald Reagan và các tàu chiến thuộc đội tàu tấn công Ronald Reagan của Hoa Kỳ ở Biển Đông hôm 7/10/2019
Hình minh hoạ. Tàu sân bay USS Ronald Reagan và các tàu chiến thuộc đội tàu tấn công Ronald Reagan của Hoa Kỳ ở Biển Đông hôm 7/10/2019
AFP

Indonesia, vốn không phải là một nước tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông và thường kín tiếng về vấn đề này, gần đây đã đệ trình một công hàm lên Liên hợp quốc, phản đối quan điểm của Bắc Kinh về Biển Đông. Công hàm của Indonesia cho rằng những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc vi phạm Công ước Liên hợp quốc về luật biển (UNCLOS) đồng thời đề cập đến phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực ở La Haye, Hà Lan, trong đó bác bỏ tuyên bố của Trung Quốc về “quyền lịch sử” ở Biển Đông. Cách thức phản ứng này cho thấy quyết tâm của Indonesia đáp trả những hành động xâm phạm liên tiếp của Trung Quốc vào khu vực biển của Indonesia cũng như cho thấy sự nghiêm túc của Jakarta về việc bảo vệ các lợi ích biển của mình.

Ngay cả một khối ASEAN thường tỏ ra mềm mỏng cũng đã thể hiện mối quan ngại. Tại một hội nghị thượng đỉnh gần đây, lãnh đạo hiệp hội đã ra thông cáo chung nhấn mạnh tầm quan trọng của giải quyết các tranh chấp mà không dùng đến mối đe dọa vũ lực đồng thời tái khẳng định tầm quan trọng của UNCLOS.

Các hành động hung hăng của Trung Quốc sẽ phản tác dụng

Những nỗ lực tăng cường của Bắc Kinh nhằm khẳng định quyền kiểm soát Biển Đông có thể trở nên phản tác dụng đối với nước này. Việc chuyển sang các hoạt động mang tính tấn công một cách rõ ràng đã làm gia tăng căng thẳng giữa Trung Quốc với Mỹ đồng thời làm gia tăng rủi ro tính toán sai lầm và leo thang căng thẳng trong khu vực. Lần đầu tiên trong nhiều năm qua, Mỹ đã điều 3 tàu sân bay đến khu vực Thái Bình Dương. Thời điểm diễn ra hành động phô diễn sức mạnh này không phải là sự ngẫu nhiên, và cùng với sự gia tăng các hoạt động tự do hàng hải, những điều này cho thấy tình hình khu vực đã trở nên nguy hiểm như thế nào.

Mối quan hệ của Trung Quốc với các nước láng giềng Đông Nam Á cũng có nguy cơ bị hủy hoại. Cách hành xử mang tính gây hấn của Bắc Kinh đang đẩy một số nước xích lại gần Mỹ và các đồng minh dân chủ khác ở khu vực, và điều này có thể khiến các nước này công khai từ bỏ chiến lược phòng bị nước đôi giữa Mỹ và Trung Quốc mà họ đã theo đuổi lâu nay.

Thực ra, việc Trung Quốc tăng cường hoạt động ở Biển Đông và thái độ sẵn sàng của các nước trong khu vực nhằm đối phó với các hoạt động xâm phạm lãnh hải của Bắc Kinh sẽ thúc đẩy các quốc gia Đông Nam Á hành động một cách quyết đoán và đoàn kết.

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.