Ai giữ cán cân văn hóa khi tham gia giao thông tại Việt Nam?

Viết Từ Sài Gòn
2018.10.23
AP_18211245628717_960.jpg Hình minh họa. Một tai nạn giao thông ở Quảng Nam hôm 30/7/2018
AP

Chỉ trong vòng một tuần lễ, tại thành phố Hồ Chí Minh đã xảy ra hai vụ việc liên quan đến giao thông gây ra hậu quả nghiêm trọng. Vụ việc thứ nhất (của tuần) xảy ra vào sáng sớm hôm 15 tháng 10, khi một chiếc xe tải chở cam va quệt với mái che công trình cầu 19 (thuộc dự án đầu tư xây dựng 4 tuyến đường chính trong Khu Đô thị mới Thủ Thiêm) làm giàn giáo đổ sập xuống đường khiến 1 người bị thương và hầm Thủ Thiêm “tê liệt” hơn 5 giờ đồng hồ. Vụ việc thứ hai xảy ra tối muộn hôm 21 tháng 10, một phụ nữ trong cơn say xỉn lái một chiếc BMW tông vào một nhóm người đi xe máy đang dừng đèn đỏ khiến 1 người tử vong tại chỗ và 5 người khác bị thương phải nhập viện. Tại một thành phố lớn với hơn 13 triệu dân sinh sống và làm việc, hai vụ tai nạn trên như vén lên bức màn để người ta thấy rõ hơn bức tranh về văn hóa giao thông tại Việt Nam và câu hỏi được đặt ra là ai giữ cán cân văn hóa khi tham gia giao thông ở đất nước chữ S này.

Ở vụ thứ nhất, giới hữu trách sau đó xác định, thùng xe tải chở cam đã cơi nới trái phép với tổng chiều cao trên 4,48 m nên vướng vào giàn giáo công trình (chiều cao quy định tối đa khi qua hầm Thủ Thiêm là 4,2), trước đó, lái xe đã đến trình diện công an và cho hay ông hoàn toàn không biết sự việc xảy ra và trước đó ông đã lái xe tải qua 2 barie 4,2m trước hầm nhưng không sao. Vụ việc này sau đó trở thành một đề tài nóng hổi của báo giới trong nước trong hơn 3 ngày, từ việc truy tìm tài xế đến lời giải thích của tài xế và kết luận của cơ quan chức năng nhưng có vẻ, ông tài xế này cũng nhận được nhiều lời biện hộ từ phía người dân khi nhiều người đặt câu hỏi, lỗi do tài xế hay do đội thi công công trình. Bởi lẽ tại sao xe có thể qua 2 barie 4,2m nhưng lại bị vướng vào giàn giáo công trình? Thêm vào đó, theo như các hình ảnh thông tin về sự việc, chỉ có một vài tấm giàn giáo bị rơi xuống đất, vậy tại sao người ta phải mất đến 5 tiếng mới có thể thông xe qua hầm? Họ đã làm gì trong 5 tiếng đóng cửa hầm sữa chữa, có cơi nới giàn giáo cao lên hơn hay là do khả năng tháo gỡ tình huống của đơn vị sữa chữa/cứu hộ quá chậm?

Người dân cũng tỏ ra bất bình khi hệ thống cảnh báo của Sài Gòn quá kém, sao không phân luồng xa khu vực hầm hơn để người dân tìm đường khác mà đợi họ ùn ùn kéo đến gần hầm và lâm vào thế tới không được lui không xong?

Người dân cũng tỏ ra bất bình khi hệ thống cảnh báo của Sài Gòn quá kém, sao không phân luồng xa khu vực hầm hơn để người dân tìm đường khác mà đợi họ ùn ùn kéo đến gần hầm và lâm vào thế tới không được lui không xong?

Và nếu kết quả đo đạc thùng chiếc xe tải kia đúng là 4,48m thì rõ ràng cái lợi trong kinh doanh đã che mất cái an toàn mà lý ra người lái xe phải luôn nhớ trước khi ra đường. Hoặc giả kết quả có sự gian lận để giảm bớt trách nhiệm thì hiển nhiên, hệ thống liên đới của Sài Gòn hiện tại quá kém nếu không nói là xảo trá.

Ở vụ việc thứ hai, người phụ nữ tên Nguyễn Thị Nga, chủ một chuỗi nhà hàng lớn ở Sài Gòn sau khi tông chết 1 người và bị thương 5 người đã không ra khỏi xe khi nhiều người gõ cửa bảo ra xem như thế nào và tìm cách cứu chữa. Lúc này, đâu đó trong lòng những người gõ cửa kia có sự cảm thông giữa con người với con người, có lẽ, ai đó nghĩ rằng có nguyên nhân nào đó, hoặc xe bị mất phanh chăng hoặc giả người lái xe kia quá kinh hãi và cần ai đó mở lời bởi họ không đủ bình tĩnh cũng như dũng cảm để đối diện với sự thật, để ngay lập tức thấy hậu quả do mình gây ra mà có cách cứu chữa… Nhưng không, bà ta không ra khỏi xe ngay, bà ta cố thủ trong xe khoảng 20 phút và liên tục gọi điện. Có lẽ những người có lòng tốt kia không biết rằng kẻ gây ra vụ tai nạn vừa ‘chén chú chén anh’ trong bữa tiệc sinh nhật của con gái mình trước khi tự lái xe về nhà.

"Chuyện này để em lo, em nói thật. Mọi người ở đây có gì cứ để em lo, cứ chờ em một chút. Đời em chưa bao giờ như thế này...". Đó là những lời bà Nga nói khi vừa bước khỏi xe, có lẽ lúc này bà ta đã tỉnh rượu hay đủ tỉnh để nhận ra nỗi đau của người bị nạn và của chính bà, hay nói cách khác, bà đã thấy được tội lỗi của mình, thế nên mới có câu “đời em chưa bao giờ như thế này!”. Đương nhiên, trên một góc độ nào đó giữa con người với con người thì có thể hiểu vậy, ngược lại, nếu hiểu theo tính kệch cỡm, hợm hĩnh của bọn trọc phú thì đó lại là vấn đề than vãn của một kẻ vốn dĩ ghét mọi thứ bất lợi cho bản thân! Nhưng có vẻ như đó là câu ta thán của một người vừa nhận ra tội lỗi. Nếu không, sẽ không có chữ “em” ở đây mà sẽ là “tao”, “bà”… Kiểu xưng hô này không ít gặp trong xã hội Việt Nam hiện nay.

Vẫn chưa nghe thông tin gì về từ phía nhà chức trách về vụ việc, liệu bà ta có phải trả giá cho tội lỗi của mình hay như cách mà nhiều người nghĩ ‘chuyện này để em lo’?. Đến thời điểm này, nhiều người vẫn chưa hết bàng hoàng bởi chính họ vừa đi qua đó vài phút trước, thậm chí vài giây trước khi đèn đỏ và bởi vì hôm đó có cảnh sát đang phân luồng giao thông ngay gần đó.

Trung bình mỗi ngày người Việt mua mới thêm gần 9000 xe máy và khoảng gần 1000 ô tô mới cũng lăn bánh trên đường.

Giàu có mua xe, làm ăn tặng xe, tích cóp mua xe, vay vốn mua xe hay thậm chí chơi trò cướp tiền mua xe, cướp xe đổi xe… Trung bình mỗi ngày người Việt mua mới thêm gần 9000 xe máy và khoảng gần 1000 ô tô mới cũng lăn bánh trên đường. Vậy nhưng không biết ai trong số 10.000 người điều khiển xe mới ra đường kia đã chuẩn bị cho mình một văn hóa tham gia giao thông (?). Và không biết bao nhiêu phần trăm trong số chủ nhân của gần 50 triệu chiếc xe máy và vài triệu chiếc ô tô đang sử dụng ở Việt Nam có được văn hóa đi đường.

Sẽ không ai ngạc nhiên khi lái xe ra đường, gặp người đi quá nhanh hoặc đi quá chậm, hoặc thích rẽ đâu thì rẽ không cần báo trước, hoặc người ta xin đường một đoạn dài vẫn bị ép hoặc vượt đầu xe, hoặc vừa kẹp điện thoại vừa qua đường, hoặc phớt lờ đèn xanh đèn đỏ, hoặc chở năm, chở ba, hoặc phóng nhanh vượt ẩu, hoặc… đủ thứ hoặc. Có lẽ ở một đất nước xa xôi nào đó, người ta sẽ mừng khi thấy cảnh sát giao thông nhưng ở đất nước này, điều đó chỉ đúng một nửa, bởi nói không ngoa, đa phần họ ra đường cũng vì chén cơm manh áo, để ‘xin ổ bánh mì’. Rõ ràng người ta thừa tiền để sắm cho mình những chiếc xe mới nhưng không đủ thời gian, tự trọng để rèn cho mình nếp văn hóa khi tham gia giao thông; người ta thừa thời gian để lấy bằng cảnh sát giao thông nhưng lại thiếu lương tâm để học được cách thực sự làm một người cảnh sát.

Có lẽ, một lúc nào đó, việc đi lại trên đường, việc đến công ty, trường học, nơi làm việc, thăm thú bà con, về nhà sau một ngày dài làm việc, học tập… sẽ không còn là cuộc chiến với từng đoạn đường đi của mỗi người tham gia giao thông. Nhưng có vẻ giấc mơ quá xa vời bởi cán cân văn hóa giao thông tại Việt Nam ắt hẳn chỉ nhỉnh hơn cái bulon một chút!

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.