Nếu Trung Quốc lập được B.O.T ở Bãi Tư Chính, VN sẽ mất tất cả!

Nhân Hòa
2019.08.21
coastguard46111_vanguard.jpeg Hình minh họa. Tàu Hải cảnh 46111 của Trung Quốc hộ tống tàu Hải Dương 8 vào vùng biển của Việt Nam
Courtesy of Twitter Ryan Martinson

Trung Quốc chọn Bãi Tư Chính, ngoài các nguyên nhân đã được phân tích, có một lý do quan trọng khác ít được đề cập: Như đầu lưỡi con rắn, Bãi Tư Chính nằm ở điểm cực Nam “đường chữ U”, thè ra là có thể đớp nhanh, nuốt gọn con mồi. Tham vọng chiếm Tư Chính, TQ sẽ cơi nới thành “Trạm thu phí” (B.O.T) để không chế ĐNÁ và khẳng định rằng họ đã chiếm xong Biển Đông.

_____________________

Những ngày này trên các trang mạng xã hội, liên quan đến những hành động của Trung Quốc trong các vùng biển Việt Nam, xuất hiện hai cụm từ lạ tai. Tỷ dụ như các thảo luận bàn về khái niệm:“hủi Tàu” “B.O.T”. Thoáng qua, hai cụm từ này chẳng liên đới với nhau là mấy. Ngẫm kỹ một chút, hoá ra chúng ám chỉ một tiến trình.

Tiến trình ấy, bắt đầu bằng việc TQ đưa các tàu đủ loại, trở lại Bãi Tư Chính. Từ tàu thăm dò, tìm kiếm, tàu hải cảnh đến các loại dân quân biển và tàu chiến trá hình. Số lượng có khi lên đến 80 chiếc. Nói về ý đồ, âm mưu và tham vọng của TQ thì đã có đến hàng trăm bài viết, thậm chí trăm này kéo theo nhiều trăm khác… đưa ra các nhận định khác nhau, nhưng chung quy lại thống nhất ở một điểm: VN và khu vực đang đối mặt với vấn nạn “hủi Tàu”.

Đường đi của tàu Hải Dương 8 vào vùng biển Việt Nam hôm 13/8/2019
Đường đi của tàu Hải Dương 8 vào vùng biển Việt Nam hôm 13/8/2019
Courtesy of Twitter Ryan Martinson

Theo nhà thơ Trần Đăng Khoa[1], những con virus chính của bệnh “hủi Tầu” là “đại hán”, “bành trướng”, “ăn cướp”, rồi “vừa ăn cướp vừa la làng”. Thần đồng thơ một thời không ngần ngại bổ sung thêm phát hiện từ một nhà ngoại giao Mỹ, đó là loại virus còn nguy hiểm hơn các loại vừa liệt kê – “côn đồ”.

Sang VN cũng như tại nhiều diễn đàn quốc tế, từ ông Tập đến các nhà lãnh đạo Bắc Kinh đều bô bô: “Trung Quốc không có gen xâm lược”. Vậy xin mở mắt xem từ tháng 6/2019 đến nay, Trung Quốc đã và đang làm gì ở Bãi Tư Chính? Trước đây các năm 2017 – 2018, TQ đã ép VN và các đối tác quốc tế khác phải bỏ các dự án nằm trong vùng EEZ như thế nào? Những năm trước nữa, TQ đã làm gì với Hoàng Sa, với Chữ Thập?

Bạn đọc chắc hẳn chia sẻ nhận định của Khoa, một trong những đặc điểm của “hủi Tàu” là căn tính tắt mắt, trộm cắp từ cái nhỏ nhất đến cái lớn nhất, như trái ớt, quả trứng, đến đất đai, vườn tược, nhà cửa. Khi không thó được thì cướp giật giữa ban ngày, ăn cướp công khai, rồi răn đe: “Hãy bỏ qua những bất đồng vặt vãnh vì đại cục”.

Trong trường hợp ấy, hẳn nhiên người bị hại buộc phải kêu lên. Sự nhẫn nhịn hết giới hạn khi người ta bị đuổi ra khỏi tư thất của mình, còn kẻ cướp thì lại la toáng lên như bố Chí Phèo: “Rằng đấy là nhà của tôi, rằng Việt Nam phải tôn trọng chủ quyền của Trung Quốc, Việt Nam phải tôn trọng Đại cục”. Khổ nỗi, khi “Tiểu cục” còn nhem nhuốc thì làm sao có “Đại cục” tử tế được?

Từ khái niệm “hủi Tầu”, khi bàn đến tương lai Tư Chính, một nhóm chuyên gia không muốn nêu danh tính đánh giá rằng, tiến trình xâm lấn, nếu không bị cản phá, sẽ tiến tới một “Trạm thu phí” (B.O.T) mà Trung Quốc sẽ xây lên ngay tại Bãi Tư Chính nếu họ cưỡng chiếm được như từng cưỡng chiếm Hoàng Sa hay Chữ Thập. Hãy nhìn cách Trung Quốc chiếm Scaborough Shoal (của Philippines) và nay mai sẽ hành động tương tự với Bãi Tư Chính (của VN).

Nhưng TQ cũng thừa biết, họ đang sắp bước sang “làn ranh đỏ”. Xâm lược Tư Chính sẽ không còn là cuộc standoff giữa Bắc Kinh với Hà Nội, cuộc đối đầu ấy sẽ trở thành vấn đề an ninh khu vực và an ninh quốc tế đối với trục bang giao Mỹ - Trung. Nhưng Hoa Kỳ, vì nhiều lý do, đặc biệt với tổng thống thực dụng Donald Trump, Mỹ sẽ chưa ép ngay Trung Quốc bật khỏi Bãi Tư Chính[2].

Tuy nhiên, những ngày này thế giới lại chứng kiến “các tổ hợp” ngoại giao quốc phòng giữa Hà Nội và Washington. Đại tướng David Goldfein, Tham mưu trưởng Không quân Mỹ, trong cuộc họp báo ngày 18/8 tại Hà Nội, khẳng định phản đối hoạt động phi pháp của Trung Quốc, đồng thời ủng hộ quyền bảo vệ lãnh thổ của Việt Nam cũng như quyền VN được phép hoạt động trong vùng nước của mình.

Về mục tiêu của Trung Quốc ở Tư Chính là gì, Đại tướng Charles Q. Brown Jr., Tư lệnh Không quân Mỹ cho biết, những hoạt động như thế này của Trung Quốc là đi ngược lại mục tiêu, tôn chỉ của Mỹ đã/đang làm là giữ cho khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở (FOIP). Rõ ràng những hoạt động của TQ có tác động rất lớn, tác động không mong muốn và tác động quá đà, đặc biệt là đối với khu vực đặc quyền kinh tế của các nước.

Hình minh họa. Tàu hộ vệ tên lửa Quang Trung của Việt Nam
Hình minh họa. Tàu hộ vệ tên lửa Quang Trung của Việt Nam
Courtesy of www.qdnd.vn

Hai Đại tướng Không quân Hoa Kỳ thăm VN trong hai ngày 18 – 19/8 và sẽ có các hội kiến với lãnh đạo VN. Được hỏi về phản ứng của Mỹ trước những hoạt động của TQ ở BĐ, giàn lãnh đạo Không quân Mỹ cho biết: “Nhiệm vụ của chúng tôi là chuẩn bị những phương án để trình lên lãnh đạo, và các chính trị gia sẽ đưa ra quyết định dựa trên phương án mà chúng tôi đề xuất. Xin lưu ý rằng, với những phương án đề xuất, chúng tôi sẽ có trao đổi với Việt Nam cũng như phù hợp với những lợi ích của các nước trong khu vực mà các hoạt động diễn ra ở khu vực Biển Đông”.

Là người chịu trách nhiệm chủ chốt, hơn ai hết đảng và nhà nước VN lượng định được tính phức tạp và độ nhậy cảm của tình hình. Sau hơn tháng rưỡi trời standoff, ngày 18/8, chân đế giàn khoan dầu khí siêu khổng lồ nặng 14.000 tấn của dự án Sao Vàng – Đại Nguyệt, lớn nhất từ trước tới nay đã được hạ đặt thành công tại tại thềm lục địa phía nam của Việt Nam.

Tin về hai tàu khu trục mang tên các Hoàng đế Quang Trung và Lý Thái Tổ của Hải Quân Việt Nam cùng lúc đã được điều ra Bãi Tư Chính để bảo vệ việc hạ đặt chân đế giàn khoan 14 ngàn tấn nói trên mà các tàu TQ chưa dám cản phá đã nói lên ý chí tự cường của Việt Nam hạ quyết tâm không thể lùi bước thêm nữa trước sự ngang ngược của Trung Quốc.

Sở dĩ VN cứng rắn (hẳn nhiên là không đột xuất) như vậy bởi vì, VN cũng đang hết dần đất lùi. Nếu lần này để TQ lập được một “Trạm thu phí” (B.O.T) ở Bãi Tư Chính, nhà nước VN sẽ mất tất cả! Quan trọng nhất là mất tính chính danh trước người dân trong nước và trước các đối tác quốc tế. Sau đó là đến các thiệt hại ở trên đất liền. Kinh nghiệm các bước lùi trong hai năm 2017 – 2018 đã cho thấy, VN càng nhân nhượng, TQ càng lấn tới.

Cướp giật BĐ và thôn tính VN, đó là chủ trương xuyên suốt của dàn lãnh đạo Bắc Kinh hiện nay. Và hệ luỵ của chính sách bành trướng này là mức độ căng thẳng trong xã hội VN ngày càng tăng. Đặc biệt là căng thẳng giữa người dân và chính quyền trong giao thiệp với TQ. Hẳn nhiên là người dân muốn đảng và nhà nước nhân dịp này hãy “giãn Trung” ra để rồi đây, có thể “thoát Trung” theo cách nào đó.

Người dân còn muốn phế bỏ “chính sách ba không”, chính thức công khai quan hệ đối tác chiến lược với Hoa Kỳ để đối trọng với “bạn vàng” Bắc Kinh luôn ức hiếp VN trên nhiều phương diện. Tuy nhiên, đảng và nhà nước VN vẫn muốn giữ quan hệ Việt – Trung trong khuôn khổ nội bộ như giữa hai quốc gia toàn trị, cùng thể chế và cùng “chia sẻ vận mệnh chung” (theo cách nói của TQ).

Nhưng nếu mất Tư Chính thì chưa ai dự đoán trước được “nồi xup-de” nói trên sẽ phát nổ theo hướng nào. Không loại trừ là cả hai, nghĩa là mũi dùi dư luận sẽ vừa thúc vào những kẻ cướp nước, nhưng đồng thời cũng không ngần ngại xỉa cả vào những kẻ sẽ được cho là toa rập với Bắc Kinh, gây nên thảm hoạ “Bắc thuộc lần thứ ba” như cố Ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch đã từng cảnh báo[3]!

[1] http://www.baoquocdan.org/2019/08/nha-tho-tran-ang-khoa-hui-tau-can-benh.html

[2] https://www.voatiengviet.com/a/gs-carl-thayer-my-se-khong-can-thiep-vu-bai-tu-chinh/5029675.html

[3] https://www.facebook.com/ThongTinTuDo/posts/384365231685418/

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.