Liệu Việt Nam sẽ kiện Trung Quốc?


2020.09.26
  ttt Hình minh họa. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu trên màn hình tại UN hôm 24/9/2020
AFP

Ngày 24/9 vừa qua, trong bài phát biểu của ông Nguyễn Phú Trọng - Tổng bí thư, Chủ tịch nước trong kỳ họp thứ 75 của Đại hội Đồng Liên Hợp Quốc, ông ta có nhắc “Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên liên quan kiềm chế, tránh các hành động đơn phương làm phức tạp tình hình và giải quyết các tranh chấp và khác biệt thông qua các biện pháp hòa bình, tôn trọng các tiến trình ngoại giao và pháp lý.”

Đây là lần đầu tiên người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam nói trước Liên Hiệp Quốc về biện pháp pháp lý liên quan đến căng thẳng Biển Đông nhưng không phải là lần đầu tiên quan chức cấp cao Việt Nam ám chỉ đến các biện pháp pháp lý để giải quyết tranh chấp Biển Đông.

Hồi tháng 11/2019, trong bài phát biểu khai mạc Hội thảo Biển Đông do Học Viện Ngoại Giao Việt Nam đồng tổ chức tại Hà nội, Thứ trưởng ngoại giao Lê Hoài Trung trong bài diễn văn khai mạc, đã nêu “chúng ta có những kinh nghiệm về thúc đẩy hợp tác về giải quyết tranh chấp chồng lấn thông qua đàm phán và thông qua những biện pháp khác theo đúng như chương 6 hiến chương LHQ – chương về nghĩa vụ giải quyết hoà bình các tranh chấp quốc tế. Chúng ta ở đây đều biết đó là các biện pháp: tìm hiểu sự thật, trung gian, hoà giải, thương lượng, trọng tài, quá trình tố tụng pháp lý quốc tế.”

Với phát biểu này của ông Lê Hoài Trung, nhiều báo chí nước ngoài đã nhận thấy những hàm ý trong việc Việt Nam sẽ sử dụng biện pháp pháp lý đối với vấn đề Biển Đông, tức là sẽ theo chân Philippines khởi kiện Trung Quốc về các các hành động hung hăng, xâm phạm UNCLOS của Trung Quốc.

Để tìm hiểu về khả năng Việt Nam sẽ đưa việc khởi kiện Trung Quốc ra toà quốc tế, cần nhìn lại một loạt các sự kiện liên quan dẫn đến phát biểu mới nhất của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Ngày 12/12/2019, Malaysia đã chính thức đệ trình lên Ủy ban Ranh giới thềm lục địa của Liên Hợp Quốc (CLCS) xin công nhận thềm lục địa mở rộng theo điều 76 của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS), liên quan đến ranh giới thềm lục địa nằm ngoài 200 hải lý tính từ đường cơ sở ở phía bắc Biển Đông. Động thái này dẫn đến một loạt công hàm ngoại giao từ các bên có tranh chấp chủ quyền và các bên liên quan. Tính đến thời điểm này, đã có 12 nước đệ trình công hàm lên CLCS. Điều này cũng trùng với đánh giá chung của Washington về lập trường của Mỹ đối với các tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 13/7 đã nói rõ rằng Mỹ đồng ý với phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng tài trong vụ Philippines kiện Trung Quốc về Biển Đông.

Những công hàm ngoại giao này được ví như “thời khắc kết tinh” cho các tranh chấp ở Biển Đông. Nhiều bên đã công khai làm rõ lập trường của mình về các vấn đề pháp lý quan trọng. Thay đổi duy nhất có thể so sánh trong thông điệp công khai về tính hợp pháp của các yêu sách hàng hải ở Biển Đông là vào năm 2009-2010 sau vòng cuối cùng đệ trình lên CLCS và năm 2016 sau phán quyết của tòa trọng tài. Trong trường hợp đầu tiên, các quốc gia phải cân nhắc giá trị pháp lý của cái gọi là "đường 9 đoạn" của Trung Quốc và các yêu sách chồng chéo của chính các nước này. Trong trường hợp thứ hai, các quốc gia phải chịu áp lực tuyên bố liệu họ có ủng hộ phán quyết của tòa trọng tài bác bỏ các yêu sách của Trung Quốc hay không. Trong lần mới nhất này, các bên cuối cùng cũng phải tập trung vào phán quyết đó cũng như một số lý lẽ pháp lý thay thế mà Trung Quốc đưa ra để giải thích cho các yêu sách của mình.

Hình minh hoạ. Bản đồ Biển Đông có đường lưỡi bò do Trung Quốc tự vẽ ra trên biển
Hình minh hoạ. Bản đồ Biển Đông có đường lưỡi bò do Trung Quốc tự vẽ ra trên biển
AFP

Trong năm qua, hầu hết các nước đã "tấn công" một vài điểm trong các yêu sách của Trung Quốc. Song vẫn có những khác biệt đáng kể trong các ý kiến đó. Các nước khác đã không đi xa như Philippines và Mỹ trong việc bác bỏ các lập luận của Bắc Kinh, mặc dù Indonesia và Việt Nam gần đến mức độ này. Trang Sáng kiến Minh bạch hàng hải châu Á (AMTI) trực thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược quốc tế (CSIS) đã liệt kê quan điểm của các nước về các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông:

1. Pháp, Đức và Vương Quốc Anh đã nhấn mạnh đến các điều kiện cụ thể và đầy đủ được quy định trong Công ước về việc áp dụng chế độ đảo đối với các thực thể địa lý được hình thành tự nhiên. Các hoạt động cải tạo đất hoặc các hình thức chuyển đổi nhân tạo khác không thể làm thay đổi việc phân loại của một thực thể theo Công ước Liên hợp quốc về luật Biển năm 1982 (UNCLOS).

2. Ngay sau pháp quyết của tòa trọng tài, các quan chức Ấn Độ đã trích dẫn kinh nghiệm của chính New Delhi làm bằng chứng cho thấy các quốc gia nên tuân thủ phán quyết. Sự liên hệ này khó có thể bị bỏ qua cho dù là cố tình. Giống như một vài nước ASEAN, Ấn Độ cũng tôn trọng quyết định của Tòa trọng tài quốc tế về việc giải quyết các tranh chấp hàng hải với các nước láng giềng một cách hòa bình.

3. Indonesia rõ ràng đã không kêu gọi Trung Quốc tuân thủ, nhưng nhiều lần viện dẫn phán quyết là để khẳng định các nguyên tắc của luật pháp quốc tế mà tất cả các quốc gia phải tuân thủ… Indonesia lưu ý rằng quan điểm của nước này "đã được xác nhận bởi phán quyết ngày 12/7/2016"… Indonesia liên tục kêu gọi tuân thủ đầy đủ luật pháp quốc tế, bao gồm cả UNCLOS 1982.

4. Các tuyên bố của Indonesia kể từ ít nhất là năm 2009 đã nhấn mạnh rằng các tranh chấp ở Quần đảo Trường Sa chỉ có thể được đưa ra từ từng đặc điểm riêng lẻ. Công hàm gần đây của nước này có tham khảo các quy tắc UNCLOS cho việc vẽ đường cơ sở tới các thực thể đá/nhô lên khi thủy triều thấp nếu chúng gần bờ hoặc là một phần của một quốc đảo. Indonesia chỉ ra rằng không có điều kiện nào áp dụng cho Trường Sa: Việc cho phép sử dụng các bãi đá, rạn san hô, đảo san hô không có người ở tách biệt với đất liền và nằm giữa biển làm cơ sở để tạo ra không gian biển gây lo ngại cho các nguyên tắc cơ bản của Công ước và xâm phạm lợi ích chính đáng của cộng đồng toàn cầu”.

5. Việt Nam tái khẳng định lập trường nhất quán về phán quyết này như đã được phản ánh đầy đủ trong Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Việt Nam gửi tới Tòa án ngày 5/12/2014. Tuyên bố năm 2014 đã công nhận phán quyết của Tòa trọng tài và quyền mang tranh chấp ra giải quyết tại Toà trọng tài của Philippines.

6. Quyền lợi biển của mỗi thực thể luôn nổi khi thuỷ triều lên thuộc Quần đảo Hoàng Sa và Quần đảo Trường Sa sẽ được xác định theo Điều 121.3 của UNCLOS. Năm 2014, tuyên bố của Việt Nam đối với phiên tòa xét xử vụ kiện của Philippines chống Trung Quốc ở Biển Đông đã nhấn mạnh rằng không có thực thể nào đang bị Trung Quốc chiếm đóng là các đảo theo Điều 121 UNCLOS (mặc dù nó không liên quan đến trạng thái của các thực thể khác).

Theo như nhận xét của AMTI thì với công hàm ngày 30/3/2020 của mình, mặc dù quan điểm của Việt Nam thống nhất với các quan điểm trước đó, nhưng Việt Nam vẫn giữ thái độ dè dặt trước việc yêu cầu Trung Quốc phải tuân thủ Phán quyết Trọng tài 2016.

Với phát biểu mới nhất từ người đứng đầu hệ thống chính trị Việt Nam, nhiều người đang mong đợi Việt Nam - nước giữ vai trò Chủ tịch ASEAN lần này và cũng là nước đang thể hiện vai trò tích cực trong vấn đề Biển Đông sẽ có những quyết định pháp lý mạnh mẽ, thể hiện quyết tâm bảo vệ chủ quyền và lợi ích dân tộc trước các hành động xâm phạm hung hăng của Trung Quốc.

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.

Nhận xét

Anonymous
26/09/2020 18:28

"Liệu Việt Nam sẽ kiện Trung Quốc?"

Câu hỏi này đặt ra hoài. Còn lâu mới dám kiện. Lệ thuộc Tàu làm sao mà kiện? Kiện nó, kinh tế VN sụp, đảng sụp ngay. Đảng CSVN lệ thuộc đảng CS Tàu hoàn toàn, làm sao con dám kiện cha? Vậy mà cái miệng đảng cứ bô bô, VN độc lập, VN độc lập. Láo khoét.

Anonymous
27/09/2020 12:25

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, vừa qua kêu gọi giải quyết mọi vấn đề theo hướng đa phương, đây là cơ hộ kiện Trung Quốc, buộc Trung Quốc nói đi đôi với làm, chấp hành các phán quyết của Tòa án. Nếu không thực hiện, cũng để thế giới hiểu rõ bản chất lươn lẹo, nói một đường, làm một nẻo, lật lọng, tráo trở, giảo ngôn của giới lãnh đạo Trung Quốc.

Anonymous
28/09/2020 15:40

Đảng CSTQ lafmootj mớ ăn học không đến nơi đến chốn, tầm nhận thức thế giới quá kém. Trường hợp này thường đi đôi với lòng tự cao tự đại, tự cho mình hơn bất cứ ai. Đảng CS này trắng trợn đỗ lỗi cho nước khác và do nước khác nhưng Trung quốc không hề nghĩ lại sự việc do chính Trung quốc gây ra trước (tự tuyên bố chủ quyền phi pháp, không được ai chấp nhận, tự nạo vét, xây đảo nhân tạo, tự đem tàu bè to lớn đến lãnh thổ nước khác hù dọa. Việt Nam chắc chắn sẽ kiện hành vi phi pháp của Trung quốc trên biển Đông. Việt Nam chưa kiện nhưng Trung quốc đã lo sót váy, sợ thất bại mất mặt trên toàn thế giới nên Trung quốc cho một vài cá nhân, một vài tờ báo lên tiếng hù dọa để Việt nam không kiện và như vậy cứ để Trung quốc tiếp tục ngang ngược lấn chiếm và hót biển Đông làm ao nhà để làm bàn đạp khống chế thế giới

Anonymous
28/09/2020 19:10

Ở Trung quốc có một đảng cộng sản lãnh đạo đất nước. Đảng này bắt buộc người dân phải tôn sùng là một đảng chính thống, sáng suốt nhưng những nội dung đề ra đều bị cộng đồng thế giới phản bác. Cộng đồng thế giới phản bác bao gồm nhiều nước có nền văn minh, kỹ thuật, công nghệ hàng đầu thế giới. Các nền văn minh này không thể bác bỏ những điều đúng được. Vậy, đảng CSTQ đưa ra những yêu sách rất phi lý mà chính đảng này cũng không thể giải thích, không thể chúng minh được. Vậy làm sao thế giới công nhận. Rõ ràng đảng CSTQ chỉ dựa vào nước to, dân đông, sẵn sàng lấy thịt đè người, kinh tế hàng đầu thế giới rồi tỏ ra ngang ngược, coi thường luật pháp quốc tế, đe dọa các nước nhỏ im hơi lặng tiếng không dám phản đối Trung quốc vì sợ Trung quốc thù giặc.

Anonymous
28/09/2020 19:33

Theo SCMP, Trung Quốc vừa ra quy định yêu cầu các nhà ngoại giao Mỹ phải xin phép Trung quốc trước khi gặp các quan chức tại đặc khu hành chính Hồng Kông. Đây là ý đồ càng ngày càng lộ rõ lối sống trịch thượng, muốn làm trời làm đất thiên hạ của đảng CSTQ. Đảng CSTQ ngày đêm mơ mộng làm sao để bá chủ mà mọi nước trên thế giới khi làm gì, khi muốn đi đâu phải xin phép Trung quốc, phải được sự cho phép của Trung quốc và phải chịu sự giám sát và điều hành của Trung quốc. Chẳng hạn như Trung quốc tự đặt ra vùng nhận dạng phòng không trên biển Hoa Đông rồi thực hiện theo kiểu này. nếu thành công, trung quốc tiếp tục đặt vùng nhận dạng tại nhiều nơi khác nữa. Cuối cùng Trung quốc sẽ trở thành ông trời con điều hành thế giới.

Anonymous
28/09/2020 21:26

Người dân Đông Nam Á cũng như nhân dân toàn thế giới không bao giờ và không bao giờ tin những lời nói của Trung quốc với giọng điệu "ngọt mật giết người". Chúng ta chỉ gợi ra một vài ý sau đây để thấy mọi thủ đoạn, âm mưu rất thâm độc của đảng CSTQ từ lâu nay. Chẳng hạn:"gát tranh chấp cùng nhau khai thác", đây có vẻ câu nói "hiền hòa nên làm" nhưng bên trong chưa đựng dã tâm lừa bịp vì "gát tranh chấp cùng khai thác" bên trong lãnh thổ nước khác để rồi thời gian ngắn, Trung quốc dừng lại và đòi yêu sách chủ quyền ngay trong vùng lãnh thổ nước khác "cùng khai thác". Hay "quan hệ giữa TQ với nước khác là việc to lớn còn tranh chấp Biển Đông chỉ là việc nhỏ bé", khi tranh chấp với nước nào, TQ cũng phát biểu như vậy. Đây là âm mưu nhằm đánh lừa để các nước hiểu nhầm rồi cuối cùng từng nước một có thể hiến dâng lãnh thổ cho Trung quốc để khi hoàn thành, TQ quay lại không chế tất cả, ...Từng nước có tranh chấp với TQ và toàn thế giới hãy cảnh giác và luôn luôn cảnh giác với Trugn quốc. Nói thẳng ra đảng CSTQ không tốt lành gì với nhân loại.