Thượng đỉnh ASEAN - Mỹ bị trì hoãn, nỗi lo về Biển Đông

Bình luận của Hà Đăng Khôi
2022.03.14
Thượng đỉnh ASEAN - Mỹ bị trì hoãn, nỗi lo về Biển Đông Các ngoại trưởng các nước ASEAN tham dự hội nghị ở Phnom Penh hôm 17/2/2022
AFP

Trong nỗ lực hướng về khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của mình, mà ở đó, ASEAN giữ một vai trò quan trọng, Mỹ đã cố gắng sắp xếp một hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Biden và lãnh đạo các nước ASEAN, với mục tiêu lắng nghe các nước ASEAN muốn gì từ vai trò của Mỹ đối với khu vực Đông Nam Á. Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki đã cho biết hội nghị thượng đỉnh với các quốc gia thành viên ASEAN là ưu tiên hàng đầu của chính quyền Biden nhằm phục vụ như một đối tác mạnh mẽ, đáng tin cậy và củng cố một ASEAN thống nhất và được trao quyền để giải quyết những thách thức của thời đại chúng ta” (1). Mỹ cũng đã thông báo ngày tổ chức hội nghị thượng đỉnh sẽ là 28-29/3.

Tuy nhiên, mới đây, báo chí Campuchia đã cho biết, ASEAN và Mỹ đã quyết định hoãn hội nghị thượng đỉnh giữa hai bên. Giới quan chức Campuchia nói rằng việc trì hoãn hội nghị là do lịch trình dày đặc của các nhà lãnh đạo ASEAN (2).

Thông tin về việc hoãn hội nghị thượng đỉnh được lý giải rất khác nhau. Trong khi tờ Khmer Times của Campuchia khẳng định rằng tất cả các lãnh đạo ASEAN đã đồng thuận trong việc huỷ bỏ ngày họp dự kiến là ngày 28-29/3 (3),  thì tờ The Jakarta Post lại cho biết Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính là một trong số các lãnh đạo ASEAN đã trả lời rất sớm là ông ta sẵn sàng tới Washington D.C để tham dự cuộc họp thượng đỉnh theo lịch trình đã định (4).

Nhà báo chuyên về Đông Nam Á Sebastián Strangio cho biết tin tức ban đầu về việc hoãn hội nghị này được đăng tải trong một bài báo ngắn trên tờ "Fresh News" của cơ quan truyền thông liên kết với chính phủ Campuchia, trong đó dẫn lời ông Prak Sokhonn - Ngoại trưởng Campuchia. Sau đó, ông Sokhonn sau đó đã xác nhận điều này với hãng tin Reuters. Theo Reuters, Indonesia - quốc gia đang điều phối hội nghị thượng đỉnh - đã không xác nhận ngay lập tức về việc hoãn hội nghị, nhưng một quan chức Indonesia trước đó cho biết các phương án cho lịch trình vẫn đang được thảo luận.

Trong khi đó, một nguồn tin ở Washington nói với ông Kavi Chongkittavorn rằng bảy quốc gia đã xác nhận sự tham dự của họ, một quốc gia được cho là cũng sẽ làm như vậy, và chỉ có một quốc gia là Thái Lan nói rằng họ không thể tham dự sự kiện vào ngày 28-29/3 (5). (Thành viên thứ mười là Myanmar, mà chính quyền quân sự của nước này đã bị loại khỏi sự kiện theo đúng chính sách hiện nay của ASEAN là chỉ cho phép các đại diện phi chính trị” của quốc gia này tham dự).

Trước đó, ngày 7/3, Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã yêu cầu hoãn hội nghị thượng đỉnh này vì ASEAN và Mỹ vẫn chưa nhất trí được về ngày tổ chức hội nghị thượng đỉnh mà Mỹ đề xuất. Tại lễ khánh thành Bệnh viện Hữu nghị Campuchia-Trung Quốc ở tỉnh Tbong Khmum ngày 7/3, Thủ tướng Hun Sen cho biết nhiều nhà lãnh đạo ASEAN đã đề xuất hội nghị thượng đỉnh được tổ chức vào ngày 26-27/3, nhưng các ngày đó lại không phù hợp với Mỹ. Vào thời điểm đó, có ba nhà lãnh đạo ASEAN cho biết họ không thể dự hội nghị trong những ngày này. Thủ tướng Hun Sen nói rằng với tư cách là chủ tịch ASEAN, ông có thể sẵn sàng làm việc bất cứ thời điểm nào trong tháng 3/2022, kể cả không phải vào những ngày được đề xuất ban đầu. Ông cũng lưu ý rằng từ giữa tháng 5/2022 đến giữa tháng 6/2022, ông sẽ không thể rời khỏi đất nước vì Campuchia sẽ chuẩn bị cho cuộc bầu cử hội đồng xã vào ngày 5/6. Ông hy vọng ASEAN và Mỹ sẽ tìm được thời điểm thích hợp (6).

Tình trạng không đồng thuận và thiếu giao tiếp vốn đang bao trùm việc tổ chức hội nghị thượng đỉnh ASEAN-Mỹ có thể không gây ảnh hưởng lâu dài đến quan hệ Mỹ-ASEAN. Tuy nhiên, nó sẽ ảnh hưởng phần nào đến những nỗ lực gần đây của Mỹ nhằm thu hút các nhà lãnh đạo ASEAN. Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump trước đây từng cam kết tổ chức một hội nghị thượng đỉnh đặc biệt Mỹ-ASEAN tại Las Vegas vào tháng 3/2020, nhưng đại dịch COVID-19 đã khiến hội nghị bị hủy bỏ. Sau đó, vào tháng 5/2021, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã buộc phải hủy một cuộc gọi theo lịch trình với các ngoại trưởng ASEAN do mạng liên lạc trên máy bay của ông bị trục trặc.

Hội nghị thượng đỉnh lần này chắc chắn sẽ được lên kế hoạch lại nhưng chưa biết đến bao giờ. Điều đó cho thấy, những dự báo về vai trò của Campuchia trong việc bảo vệ các lợi ích của Trung Quốc sẽ diễn ra khi quốc gia này giữ chức Chủ tịch ASEAN, và điều đó đã đến ngay trong thời gian này khi ASEAN và Washington đã không thể chốt được ngày trước khi công bố thông tin về hội nghị thượng đỉnh.

Năm ngoái, khi Campuchia chuẩn bị giữ chức Chủ tịch ASEAN, đã có nhiều lo ngại về vai trò của Campuchia trong ASEAN khi quốc gia này luôn bảo vệ lợi ích của Trung Quốc trong các cuộc họp nội khối. Người ta vẫn còn nhớ năm 2012 và năm 2016, Campuchia đã tìm cách ngăn cản các tuyên bố chung của các lãnh đạo ngoại giao ASEAN khi họ muốn lên án các hành vi hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông.

Cuộc gặp thượng đỉnh ASEAN - Mỹ sắp tới cũng được mong đợi như là một tác nhân để thúc đẩy tiến trình đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử Biển Đông (COC), vốn đã rất chậm chạp khi gặp Đại dịch COVID 19, cùng với sự thiếu thiện chí từ Trung Quốc. Nhưng những sự bất đồng trong nội bộ ASEAN, mà điển hình là trường hợp Chủ tịch ASEAN lần này - Campuchia, cho thấy COC vẫn chỉ là một câu chuyện của tương lai xa vời. Còn mới đây, Trung Quốc đã rầm rộ tập trận trên Biển Đông, thậm chí ngay trên cả Vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, và Việt Nam vẫn chỉ có thể “phản đối suông”.

Trung Quốc vẫn đang xem việc Nga xâm lược Ukraine như một bài học trước mắt. Nếu phản ứng của Mỹ và phương Tây không đủ để “răn đe” Nga thì có lẽ, một ngày không xa, Trung Quốc sẽ “tiếp bước” trên Biển Đông. Nếu các nước Đông Nam Á, kể cả Việt Nam, vẫn cứ “mũ ni che tai” trước các động thái của Nga thì chắc chắn cũng sẽ chẳng dám “ho he” trước Trung Quốc. Và khi ấy, Biển Đông sẽ có thể là “một Ukraine trên biển”.

______________

Tham khảo:

1. https://apnews.com/article/joe-biden-business-jen-psaki-global-trade-southeast-asia-5fa699587e7d5b03733034a554918c5d

2. https://www.phnompenhpost.com/national-politics/asean-us-summit-postponed

3. https://www.khmertimeskh.com/501039303/asean-member-states-agree-to-postpone-asean-us-summit/

4. https://www.thejakartapost.com/paper/2022/03/10/asean-us-summit-delayed-organizer-jakarta-says-timing-not-ideal.html

5. https://thediplomat.com/2022/03/cambodia-announces-postponement-of-special-us-asean-summit/

6. https://www.phnompenhpost.com/national-politics/asean-us-summit-postponed

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.

Nhận xét

Phuong Dong
14/03/2022 20:46

Bọn Trung quốc quấ nham hiểm, dùng tiền viện trợ cho đất nước Campuchia nhỏ bé sống trong lòng Asean nhằm che đậy mọi toan tính thâm độc của Trung quốc. Chính quyền Campuchi của Hunxen do Việt Nam dựng lên hồi năm 1979 và được đào tạo tại Việt Nam nhưng Trung quốc mua chuộc cho bằng được nhằm phá hoại Việt Nam ở sườn Tây và gây rối cho Asean thống nhất chống lại mưu toan của Trung quốc trên biển Đông. Trước thời kỳ chính phủ của Hunxen, thì Trung quốc cũng ra sức giúp đỡ Pol Pot giết hại hàng mấy triệu dân Campuchia, phá hoại Việt Nam ở sườn Tây nhưng cuối cùng Trung quốc cũng sẽ thất bại. Bọn ĐCSTQ nghĩ rằng chỉ có Campuchia là đất nước dễ lừa phỉnh nhất trong tất cả các nước ở Asean, chỉ cần bỏ ít tiền ra viện trợ cho chính phủ và cá nhân các nhà lãnh đạo ở nước này là sẽ lừa được và Trumg quốc trước mắt đã thành công.