Năm 2021: Mỹ và đồng minh cứng rắn hơn trước hành động của Trung Quốc ở Biển Đông

Bài tổng hợp của Lê Đông Hải
2021.12.30
Năm 2021: Mỹ và đồng minh cứng rắn hơn trước hành động của Trung Quốc ở Biển Đông
Photo: RFA

Năm 2021 là năm mà Mỹ và các quốc gia đồng minh đã có nhiều hoạt động trên biển Đông nhằm chống lại sự đe doạ từ Trung Quốc.

Mỹ

Năm 2021, Mỹ đã có những phản ứng chính sách như sau:

Thứ nhất, Mỹ chỉ trích các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông, duy trì sức ép quốc tế và pháp lý đối với Trung Quốc

(1) Mỹ lên tiếng bày tỏ quan ngại đối với các chính sách và hoạt động mà Mỹ gọi là "khiêu khích" và mang tính "ép buộc", "đe doạ" của Trung Quốc ở trên Biển Đông.

Đáng chú ý nhất là phản ứng của Mỹ sau khi hơn 220 tàu dân binh và tàu cá của Trung Quốc được triển khai đến khu vực đá Ba Đầu. Mỹ đã có những phản ứng chính thức nhanh chóng, liên tục và mạnh mẽ, kết hợp với những biện pháp tuyên truyền từ kênh học giả và truyền thông. Trong sự kiện này, phản ứng chính thức của Mỹ có một số điểm đáng chú ý sau. Thứ nhất, Mỹ là nước ngoài tranh chấp phản ứng đầu tiên qua kênh ngoại giao. Thứ hai, Mỹ đưa ra phản ứng nhiều lần nhất và ở nhiều cấp nhất. Sau tuyên bố của Đại sứ quán Mỹ tại Philippines, Ngoại trưởng Mỹ Blinken khẳng định trên Twitter ngày 28/3 rằng Mỹ sát cánh cùng Philippines trong cuộc đối đầu với dân quân Trung Quốc tại Đá Ba Đầu. Sau đó, Cố vấn An ninh Quốc gia Sullivan ngày 31/3 và Ngoại trưởng Blinken ngày 8/4, và Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ned Price ngày 7/4 khẳng định Mỹ đứng về phía Philippines và chia sẻ quan ngại về hiện diện của tàu dân quân Trung Quốc. Thứ ba, Mỹ là nước chỉ trích Trung Quốc trực diện và mạnh mẽ nhất.

(2) Mỹ tiếp tục bác bỏ các yêu sách biển quan trọng của Trung Quốc ở Biển Đông, đồng thời ủng hộ Phán quyết Trọng tài duy trì sức ép pháp lý đối với Trung Quốc.

Chính quyền Tổng thống Joe Biden đã ủng hộ quan điểm của chính quyền tiền nhiệm. Ngày 11/7, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tái khẳng định chính sách đưa ra vào ngày 13/7/2020 liên quan đến các yêu sách ở Biển Đông, đồng thời cho rằng Trung Quốc đang tiếp tục chèn ép và bắt nạt các nước Đông Nam Á ven biển, đe doạ tự do hàng hải ở vùng biển có tầm quan trọng toàn cầu”.

Thứ hai, đẩy mạnh liên kết với các đồng minh và đối tác ở khu vực

(1) Trong năm 2021, liên tục có các chuyến thăm của các quan chức cấp cao Mỹ tới Đông Nam Á. Cuối tháng 5 đầu tháng 6/2021, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ có chuyến thăm ba nước Đông Nam Á gồm Indonesia, Campuchia và Thái Lan. Cuối tháng 7, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin thăm ba nước Đông Nam Á Singapore, Việt Nam và Philippines. Chuyến thăm này thể hiện sự tái khởi động nhanh chóng trong nỗ lực làm việc với Đông Nam Á của Mỹ. Cuối tháng 8, Phó Tổng thống Mỹ Harris đã tới thăm Singapore và Việt Nam.

Tháng 12, Ngoại trưởng Blinken đã đi thăm ba quốc gia ASEAN, bao gồm Indonesia và Malaysia và Thái Lan (Vì có người trong đoàn bị COVID 19 nên đã không ghé thăm Thái Lan như đã dự định).

(2) Mỹ đẩy mạnh các cơ chế đa phương với đồng minh và đối tác ở khu vực, đáng chú ý nhất trong thời gian qua là sự phát triển của Bộ tứ (Quad) và việc hình thành AUKUS.

Tháng 3/2021 diễn ra Thượng đỉnh Quad trực tuyến có vai trò định hướng quan điểm, chính sách, và hành động. Chỉ sau sáu tháng, Quad đã có hội nghị thượng đỉnh trực tiếp đầu tiên vào ngày 24/9. Đây được xem là dịp để Quad cụ thể hóa bằng các cam kết, sáng kiến và triển khai hoạt động thực tiễn, thúc đẩy Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Từ đây, Quad sẽ duy trì cuộc gặp thượng đỉnh thường niên. Theo các chuyên gia, Quad có thể khiến Trung Quốc bắt đầu lo ngại bởi: (i) Các nước thành viên có thể can dự quân sự khi xung đột Mỹ - Trung nổ ra liên quan đến Đài Loan, Biển Đông, Biển Hoa Đông; (ii) Phát triển hợp tác chia sẻ thông tin tình báo với Ngũ Nhãn; (iii) Trở thành nền tảng tập hợp lực lượng chống Trung Quốc ở phạm vi toàn cầu với các nước châu Âu, EU và NATO; (iv) Là cơ sở tăng cường hợp tác về kinh tế, hải quân, hệ tiêu chuẩn, chuỗi cung ứng.

Ngày 15/9/2021, các nhà lãnh đạo ba nước Úc, Anh và Mỹ đã ra tuyên bố chung, thông báo về việc thành lập quan hệ đối tác an ninh ba bên tăng cường được gọi là "AUKUS". Thông qua AUKUS, ba bên sẽ thúc đẩy chia sẻ sâu hơn về thông tin và công nghệ, thúc đẩy sự kết hợp lẫn nhau giữa khoa học, công nghệ, cơ sở công nghiệp và chuỗi cung ứng liên quan đến an ninh và quốc phòng. Cụ thể, hợp tác về một loạt các năng lực an ninh và quốc phòng sẽ sâu rộng hơn đáng kể. Sáng kiến đầu tiên của AUKUS là Mỹ và Anh sẽ hỗ trợ Úc có được tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân.

Thứ ba, tiếp tục gia tăng sự hiện diện quân sự ở Biển Đông

(1) Mỹ vẫn tiếp tục duy trì tuần tra ở Biển Đông nhằm thách thức lại các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở khu vực biển này.

Năm 2021, các lực lượng Hải quân Mỹ đã thực hiện 11 lần tuần tra trên Biển Đông. Việc Mỹ duy trì tần suất tuần tra đều đặn cho thấy cam kết của Washington với Biển Đông và luật quốc tế tại khu vực là không thay đổi.

(2) Tăng dần tần suất của các cuộc tập trận, đáng chú ý là cùng các đồng minh Nhật Bản và phương Tây để đối phó với Trung Quốc

Mỹ tăng dần tần suất của các cuộc tập trận với sự góp mặt của các nhóm tàu sân bay Mỹ. Năm 2021, có bốn nhóm tàu sân bây Mỹ đã đi vào Biển Đông và tiến hành các cuộc tập trận. Ngày 9/2, hai nhóm tác chiến tàu sân bay USS Theodore Roosevelt và USS Nimitz tiến hành hoạt động tập trận chung được coi là hiếm hoi ở Biển Đông. Đây là lần thứ hai hai nhóm tác chiến tàu sân bay này cùng hoạt động ở Biển Đông (lần đầu tiên là vào tháng 7/2020), song đây là lần đầu tiên hai nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ cùng tập trận ở Biển Đông kể từ khi Tổng thống Biden lên nhậm chức. Tiếp sau đó, có nhóm tàu sân bay USS Theodore Roosevelt trong đó có tuần dương hạm USS Bunker Hill (CG 52), khu trục hạm USS Russell (DDG 59) vào đầu tháng 4/2021, nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ USS Ronald Reagan vào ngày 14/6, và nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ USS Carl Vinson cùng nhóm tác chiến tàu sân bay trực thăng Nhật Bản JS Kaga vào cuối tháng 10 tiến hành tập trận ở Biển Đông.

Theo phân tích của các chuyên gia, các cuộc tập trận quân sự, nhất là bắt đầu hoạt động quân sự ở Biển Đông với việc triển khai hai nhóm tác chiến tàu sân bay, thể hiện hai điểm: thứ nhất, đó là dấu hiệu cho thấy lập trường cứng rắn Chính quyền Tổng thống Biden để phản đối các yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc ở Biển Đông; thứ hai, là cho các đối tác và đồng minh của Mỹ trong khu vực thấy Mỹ cam kết duy trì hiện diện và đảm bảo trật tự hàng hải dựa trên luật lệ ở khu vực này.

Đáng chú ý nhất, một số các hoạt động diễn tập trên Biển Đông của Mỹ không mang tính đơn phương như dưới thời Tổng thống Trump, mà Mỹ đã gia tăng các hoạt động phối hợp cùng với đồng minh Phương Tây, cùng Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và Ấn Độ. Mỹ và đồng minh đã có những hoạt động quân sự “chưa có tiền lệ” trên Biển Đông.

usnavy2021sep.jpeg
Một thủy thủ Mỹ dọn dẹp máy bay chiến đấu F/A-18F Super Hornet trên boong đáp của tàu sân bay USS Carl Vinson (CVN 70) vào ngày 11/9/2021 trong đợt triển khai hoạt động ở Biển Đông. Hình: Hải quân Mỹ

Châu Âu

Đối với khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, EU đã hình thành có một chiến lược để tăng cường sự hiện diện, và có cơ sở để tham gia sâu rộng hơn.

Ngày 16/9, Ủy ban châu Âu (EC) đã công bố báo cáo chung Chiến lược hợp tác của Liên minh châu Âu tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Trong đó, EU khẳng định, Biển Đông là một trong các tuyến đường biển có “vai trò trọng yếu” với EU và trực tiếp ủng hộ một COC không phương hại lợi ích của bên thứ ba. EC trực tiếp nhắc đến Trung Quốc đã quân sự hóa trên thực địa và gây căng thẳng ở khu vực. Ngoài ra, EC khẳng định rõ ràng sẽ tiến hành nhiều tập trận chung hơn và gồm Ấn Độ, Australia, Nhật Bản và Mỹ. Từ ngày 16-19/4, tàu đổ bộ trực thăng Tonnerre và tàu hộ vệ tàng hình Surcorf của Hải quân Pháp diễn tập chung với biên đội tàu hải quân Australia gồm hộ vệ hạm HMAS Anzac và tàu hậu cần HMAS Sirus trên Biển Đông.

Đức là cường quốc châu Âu thứ ba sau Pháp và Anh thúc đẩy điều có thể gọi là “chiến lược xoay trục” qua châu Á. Lần đầu tiên trong gần 20 năm, vào tháng 8/2021, một chiến hạm Đức sau khi tham gia tập trận cùng với Hải quân Nhật Bản đã đi ngang qua Biển Đông.

Anh: Cuối tháng 5/2021, một lực lượng đa quốc gia với trung tâm là tàu sân bay HMS Queen Elizabeth của Anh đến Đông Nam Á và vào Biển Đông. HMS Queen Elizabeth được hộ tống bởi hai tàu khu trục, hai tàu hộ vệ, hai tàu hỗ trợ cùng các tàu từ Mỹ và Hà Lan. Từ ngày 14 – 31/7, Anh cũng tham gia cuộc tập trận Talisman Sabre diễn ra tại Úc. Ngày 28/7, nhóm tàu sân bay Anh lần đầu diễn tập với ba tàu chiến (gồm tàu hộ vệ RSS Intrepid, tàu tuần tra ven bờ RSS Unity và tàu đổ bộ RSS Resolution) của Hải quân Singapore ở Biển Đông. Cũng trong tháng 7, Anh thông báo kế hoạch điều động hai chiến hạm đến hoạt động thường trực tại châu Á. Theo các chuyên gia, việc điều động hai tàu này thể hiện cam kết an ninh chính trị của Anh đối với hòa bình và ổn định của khu vực, đồng thời cũng là một động thái cứng rắn mới nhất của nước này nhằm đối phó với Trung Quốc.

hmsqueenelizabeth2021a.jpeg
Tàu chiến của Hải quân Hoàng gia Malaysia KD Lekiu (FFG30) cùng tàu sân bay Queen Elizabeth của Anh và tàu HNLMS Evertsen của Hà Lan trong một tập trận ở Malacca hôm 25/7/2021. Hình: Hải quân Hoàng gia Malaysia

Nhật Bản

Trong năm 2021, Nhật Bản đã sử dụng rất nhiều các biện pháp về ngoại giao trong một nỗ lực nhằm gây thêm sức ép, và phản đối các hoạt động trên biển của Trung Quốc.

Nhật Bản công khai phản đối và bác bỏ yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông với việc tham gia vào "cuộc chiến công hàm" và đưa ra tuyên bố ủng hộ Phán quyết nhân dịp kỷ niệm năm năm Phán quyết của Toà Trọng tài. Ngày 19/1, Phái đoàn thường trực Nhật Bản tại Liên Hợp quốc gửi công hàm đến Tổng thư ký Liên Hợp quốc với nội dung: (i) phản đối lập trường của Trung Quốc về việc vẽ đường cơ sở thẳng quanh các đảo và đá ở Biển Đông theo quy định UNCLOS và luật quốc tế chung; (ii) phản đối quan điểm của Trung Quốc về quyền tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông.

Trước việc Trung Quốc thông qua Luật Hải cảnh, Bộ trưởng Quốc phòng Kishi Nobuo nhấn mạnh luật này có vấn đề về mặt luật pháp quốc tế, đồng thời trao quyền cho lực lượng hải cảnh sử dụng vũ lực tại những khu vực mà Bắc Kinh ngang nhiên xem là vùng biển thuộc quyền tài phán của nước này. Nhật Bản cũng cảnh báo Trung Quốc không được sử dụng luật trên để chống lại luật quốc tế. Khi một số lượng lớn tàu của Trung Quốc hiện diện ở Đá Ba Đầu, Đại sứ Nhật Bản ở Philippines đã lên tiếng phản đối các hành động làm tăng căng thẳng Biển Động và kêu gọi các bên duy trì thượng tôn pháp luật.

Bên cạnh các hoạt động ngoại giao, Nhật Bản cũng cùng với Mỹ và các nước tiến hành một loạt các hoạt động tập trận quân sự như: tháng 4, Nhật Bản tham gia vào cuộc tập trận hải quân chung mang tên La Perouse kéo dài ba ngày ở Ấn Độ Dương, cùng với Ấn Độ, Australia, Mỹ, và Pháp. Đáng chú ý, ngày 5/7, các lực lượng không quân của Nhật Bản và Philippines bắt đầu cuộc tập trận chung đầu tiên tại căn cứ không quân Clark. Cuộc tập trận chưa từng có tiền lệ này được xem như lời cảnh báo của Tokyo về sức mạnh quân sự và các động thái gây hấn ngày càng mạnh mẽ của Bắc Kinh trong cuộc tranh chấp lãnh thổ với các nước láng giềng - không chỉ với Nhật Bản mà còn cả Philippines. Ngoài ra, Nhật Bản vẫn tiếp tục hỗ trợ nâng cao năng lực, và chuyển giao trang thiết bị cho lực lượng trên biển của các nước ở khu vực: tháng 5, Nhật Bản đang cung cấp cho Lực lượng Vũ trang Philippines (PAF) các thiết bị cứu sinh thông qua theo chương trình hỗ trợ phát triển chính thức (ODA). Theo các chuyên gia, với việc cung cấp thiết bị phục vụ hoạt động trên biển, rõ ràng là nhằm mục đích tăng cường mối quan hệ Nhật-Philippines trong bối cảnh Trung Quốc có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông và Biển Hoa Đông.
Úc

Năm 2021 tiếp tục chứng kiến sự xấu đi trong quan hệ giữa Úc và Trung Quốc. Ngày 6/5, Trung Quốc tuyên bố dừng Đối thoại Kinh tế Chiến lược với Úc.

Ngày 18/6, Úc tiến hành Đối thoại biển lần thứ nhất với Phillippines và kêu gọi các bên tuân thủ đầy đủ Phán quyết năm 2016.

Bên cạnh đó, Canberra cũng gia tăng sự hiện diện ở Biển Đông. Trong sáu tháng đầu năm 2021, tàu của Hải quân Hoàng gia Australia (RAN) đã năm lần tiến vào Biển Đông, thách thức các hành động quyết đoán của Bắc Kinh đối với Biển Đông. Các thống kê cho thấy sự hiện diện của tàu Australia ở Biển Đông có tần suất gấp đôi năm 2020. Bên cạnh đó, Úc cũng có kế hoạch tăng cường năng lực quốc phòng. Ngày 28/4, Thủ tướng Úc Scott Morrison tuyên bố nước này sẽ chi 580 triệu USD để nâng cấp bốn căn cứ quân sự ở phía Bắc, đồng thời mở rộng phạm vi các cuộc tập trận với Mỹ.

Ấn Độ

Trước đây Ấn Độ thường tỏ ra trung lập trước các tranh chấp tại Biển Đông ngay cả khi căng thẳng đe dọa an ninh khu vực. Tuy nhiên thời gian gần đây, đặc biệt từ sau xung đột tại Galwan, Ấn Độ thay đổi đáng kể quan điểm, thể hiện ý định đóng vai trò tích cực hơn. Ngày 16/6/2021, tại Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+) lần thứ 8, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh khẳng định Ấn Độ “ủng hộ tự do hàng hải, hàng không và thương mại không bị cản trở ở các tuyến hàng hải quốc tế”, cũng như hy vọng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) sẽ phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS 1982, cũng như không gây thiệt hại đến quyền lợi hợp pháp của các quốc gia không tham gia đàm phán.

Ngoài ra, Ấn Độ tăng cường hợp tác với các quốc gia 'cùng chí hướng' ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, như tham gia các liên kết Nhật Bản Úc - Ấn Độ, Ấn Độ -Úc - Pháp và Bộ Tứ. Tháng 8, biên đội tàu của Ấn Độ được triển khai tới Biển Đông và Tây Thái Bình Dương thực hiện nhiệm vụ kéo dài hai tháng và tiến hành tập trận với các đối tác Bộ Tứ và các quốc gia khu vực.

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.