G 20: phải có kế hoạch cải cách để ổn định và phát triển kinh tế

RFA
2015.09.06
Hội nghị bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương Nhóm các nước phát triển và mới nổi (G-20) đã khai mạc tại thủ đô Ankara của Thổ Nhĩ Kỳ.ngày 04 Tháng Chín 2015 Hội nghị bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương Nhóm các nước phát triển và mới nổi (G-20) đã khai mạc tại thủ đô Ankara của Thổ Nhĩ Kỳ.ngày 04 Tháng Chín 2015
AFP

Tin tưởng phát triển kinh tế sẽ tăng với điều kiện phải cải cách mạnh hơn, không thể tiếp tục trông chờ vào giải pháp giảm mức lời dành cho ngân hàng, là những điểm được các vị bộ trưởng tài chánh và thống đốc ngân hàng nhà nước của 20 quốc gia có nền kinh tế lớn nhất thế giới đưa ra trong cuộc họp kéo dài 2 ngày tại Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ, vừa kết thúc vài giờ trước đây.

Bản tuyên bố chung được phổ biến viết rằng chính sách tiền tệ vẫn giữ một vị trí quan trọng trong việc thúc đẩy kinh tế, nhưng chỉ với chính sách đó chưa đủ để phát triển như mong đợi, đòi hỏi tất cả các nước phải có kế hoạch cải cách và nỗ lực cải cách kinh tế nhiều hơn nữa, đồng thời các nước phải khôn khéo hơn khi hoạch định ngân sách.

Trong cuộc họp báo tổ chức sau hội nghị, Phó Thủ Tướng Cevdet Yilmaz của Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng có nhiều yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến mức phát triển của những quốc gia có nền kinh tế mới nổi, chẳng hạn như ổn định kinh tế của Trung Quốc hay quyết định về mức tiền lời mà Ngân Hàng Dự Trữ Liên Bang Hoa Kỳ sẽ đưa ra vào giữa tháng này.

Ông nói thêm rằng tất cả các nước tham dự hội nghị đều đồng ý ở điểm phải sẵn sàng đối phó, để tránh những lung túng về mặt chính sách trước những tình huống bất ngờ có thể xảy ra.

Về điểm này, ông Jack Lew, Tổng Trưởng Tài Chánh Hoa Kỳ nhắc lại điều Washington thường nói là Trung Quốc phải định tỷ giá đồng nhân dân tệ cho đúng với giá thật sự của thị trường, đồng thời mong Bắc Kinh tiếp tục chính sách cải cách kinh tế mà các nhà lãnh đạo Hoa Lục đã nói với thế giới.

Một viên chức của đoàn Hoa Kỳ nói với báo chí rằng mức phát triển kinh tế của Mỹ vẫn bền vững, nhưng Washington mong muốn thấy Châu Âu phát triển mạnh hơn mức độ hiện giờ.

Những hứa hẹn và đòi hỏi này được đưa ra sau lời cảnh báo của bà Christine Lagarde, Giám Đốc Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế IMF.

Trong phát biểu đọc trước hội nghị cũng như khi tiếp xúc với báo chí, bà Lagarde nói rằng tình hình kinh tế toàn cầu hiện giờ thể hiện rõ những khó khăn mà mọi quốc gia phải đối phó, dẫn đến việc phát triển không đồng đều, thì dụ như mức phát triển kinh tế ở Mỹ đang tăng nhưng Châu Âu đang gặp khó khăn, hay những nền kinh tế mới nổi như Liên Bang Nga và Brazil đang đi đến chỗ bị khủng hoảng.

Bà Giám Đốc IMF cũng đề nghị Ngân Hàng Dự Trữ Liên Bang Mỹ đừng quyết định thay đổi mức tiền lời trong lúc này, mà hãy đợi cho đến khi tình hình sáng sủa hơn.

Mới đây, IMF đưa ra dự báo năm nay mức phát triển kinh tế toàn cầu sẽ là 3,3% và năm tới sẽ là 3,8%. Dựa vào tình hình kinh tế chung, bà Giám Đốc IMF e ngại dự báo này sẽ phải giảm bớt.

Cũng tại hội nghị, ông Chu Tiểu Xuyên, Thống Đốc Ngân Hàng Nhà Nước Trung Quốc nói rằng hiện giờ tỷ giá đồng nhân dân tệ so với đồng dollars Mỹ là ổn định, hầu hết những biện pháp giúp bình ổn thị trường chứng khoán đã được thi hành, tin tưởng thị trường tài chánh của Trung Quốc sẽ không gặp khó khăn.

Ông Chu Tiểu Xuyên cũng nhắc lại sóng gió ở thị trường chứng khoán Trung Quốc không ảnh hưởng gì đến quyết tâm cải cách kinh tế mà Bắc Kinh đã đưa ra, nói rõ những khó khăn mới xảy ra chỉ lại trở ngại ngắn hạn.

Hiện nay Bắc Kinh đang nỗ lực khuyến khích người dân tiêu dùng để tránh bớt tình trạng phải trông chờ vào đầu tư và xuất khẩu làm nền tảng cho phát triển kinh tế. Ngoài ra, chính phủ Trung Quốc cũng hưa sẽ cho thị trường tự do giữ vai trò quan trọng hơn trong một nền kinh tế phần lớn vẫn được quyết định bởi những công ty quốc doanh.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.