Malaysia phản đối quyết định của Mỹ về Jerusalem

RFA
2017.12.22
000_VD54Y_960.jpg Thủ tướng Malaysia Najib Razak phát biểu phản đối quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel. Hình chụp hôm 22/12/2017 ở ngoài Kuala Lumpur.
AFP

Thủ tướng Malaysia Najib Razak hôm 22 tháng 12 tuyên bố bằng mọi giá chống lại quyết định của tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel.

Nói trước khoảng 1.500 người biểu tình ở Putrajaya, ông Najib cho biết sẽ tiếp tục chiến đấu, sử dụng mọi phương tiện, thông qua các kênh chính trị và ngoại giao, thông qua việc thảo luận và cầu nguyện, cho đến một ngày, Jerusalem thuộc về người dân Palestine.

Thủ tướng Malaysia cũng nói thêm ông sẽ không hy sinh tính thánh thiện của Hồi giáo, rằng người Hồi giáo phải tôn trọng tôn giáo của mình. Nếu Jerusalem là một vùng đất thiêng liêng cho người Hồi giáo, thì chúng ta sẽ giải phóng nó khỏi sự kiểm soát của người Do Thái.

Malaysia, đất nước có đa số người Hồi giáo, từ lâu vẫn duy trì lập trường ủng hộ nỗ lực đòi độc lập của người Palestine. Jerusalem trở thành nơi tranh chấp chủ quyền giữa Israel và Palestine trong nhiều thập kỷ qua, khi hai bên đều coi đây là thủ đô của mình.

Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Hishammuddin Hussein cũng đã tuyên bố sẵn sàng đưa quân đến Jerusalem khi được lệnh, sau khi Tổng thống Mỹ công nhận thành phố này là thủ đô Israel.

Liên Hợp quốc phản đối quyết định của Mỹ

Hôm 21 tháng 12, với 128 phiếu ủng hộ, Đại Hội Đồng Liên Hợp Quốc thông qua nghị quyết phản đối việc Tổng Thống Trump công nhận Jerusalem là thủ đô Israel.

Kết quả cũng cho thấy chỉ có 9 nước ủng hộ quyết định của Hoa Kỳ, 35 quốc gia bỏ phiếu trắng và 21 quốc gia không bỏ phiếu.

Đại sứ Palestine tại Liên Hợp Quốc Riyad Mansour gọi kết quả bỏ phiếu là "thắng lợi cho Palestine".

Đáp lại, Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hợp Quốc Bà Nikki Haley tuyên bố “Mỹ sẽ chuyển đại sứ quán về Jerusalem. Không có cuộc bỏ phiếu nào tại Liên Hợp Quốc có thể thay đổi quyết định đó".

Bà Haley cũng cho biết nghị quyết này khiến Mỹ có cái nhìn khác về Liên Hợp Quốc, về những quốc gia không tôn trọng Mỹ tại Liên Hợp Quốc. Theo bà Haley, khi đóng góp "hào phóng" cho Liên Hợp Quốc, Mỹ kỳ vọng thiện chí của Washington được công nhận và tôn trọng.

Trước khi nghị quyết được thông qua, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đưa ra cảnh báo, hàm ý đe dọa cắt viện trợ các nước ủng hộ nghị quyết của Liên Hợp Quốc.

Hai mươi mốt quốc gia không bỏ phiếu, trong đó có Ukraine, là nước từng ủng hộ nghị quyết phản đối việc Hoa Kỳ công nhận Jerusalem là thủ đô Israel tại Hội đồng Bảo an nhưng lại bỏ phiếu ủng hộ tại Đại Hội Đồng, chứng tỏ quả có một số nước bị tác động bởi lời đe dọa từ ông chủ Nhà Trắng.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.