Thượng đỉnh Mỹ - Trung đạt được một số thỏa thuận
2015.09.26
Hai vấn đề trong hàng loạt vấn đề nóng bỏng đặt ra được Tổng thống Hoa Kỳ Barak Obama và người đồng nhiệm Chủ tịch Tập Cận Bình đồng thuận trên căn bản là giải quyết biến đổi khí hậu toàn cầu và cùng chống lại tội phạm trên không gian mạng cũng như tội phạm tham nhũng rửa tiền.
Hai thành tựu này đạt tới trong công bố của hai nguyên thủ nhằm trả lời cho nhiều người Mỹ đang quan tâm tới tình trạng hacker Trung Quốc tấn công hàng loạt các công ty, cơ quan hành chính và thậm chí các cá nhân người Mỹ nhằm ăn cắp các dữ liệu và sau đó rút tiền từ tài khoản tư nhân của họ.
Vấn đề biến đổi khí hậu vốn luôn bị Trung Quốc từ chối thảo luận nay cũng được Tổng thống Obama thẳng thắn đặt ra và Chủ tịch Tập Cận Bình hứa sẽ hạ bớt các hoạt động làm cho trái đất nóng lên cũng như giảm sử dụng các nguyên liệu làm tăng hiệu ứng nhà kính.
Trung Quốc cũng hứa sẽ chi 3 tỉ 100 tiệu đô la cho công tác này.
Một vấn đề nữa mà Trung Quốc mang tới cuộc họp thượng đỉnh lần này hầu như nhờ Hoa Kỳ tiếp tay giải quyết là tham nhũng và rửa tiền của Trung Quốc.
Do hai nước chưa có một hiệp định nào về dẫn độ nên tội phạm tham nhũng từ Trung Quốc sang Mỹ lẫn trốn ngày càng tăng, trong đó không ít kẻ mang tiền ăn cắp của nhà nước Trung Quốc sang Mỹ, làm sạch lại chúng và chính phủ Trung Quốc không thể can thiệp.
Trong bản thông cáo báo chí có đoạn ghi rõ "Cả hai bên thoả thuận tăng cường hợp tác trong việc phòng chống tham nhũng, phát hiện tham ô công quỹ, trao đổi bằng chứng, chống hối lộ xuyên quốc gia, đào tẩu và người nhập cư bất hợp pháp, ma túy và chống khủng bố".
Tuy đạt được những thỏa thuận vừa nói nhưng những vấn đề nóng bỏng khác không được giải quyết thỏa đáng mà chỉ là những hứa hẹn có tính cách ngoại giao hay mua thời gian của phía Bắc Kinh.
Vấn đề mà Hoa Kỳ đặt ra là tình trạng nhân quyền của Trung Quốc và sự bồi lấn khu vực các bãi ngầm tại Biển Đông, nơi cả khu vực đang quan tâm và chính Hoa Kỳ cũng bị đe dọa vì con đường hàng hải quốc tế bị khống chế bởi quyết tâm của Trung Quốc.
Các nhà tranh đấu nhân quyền của Trung Quốc vẫn đang trong tù mà Lưu Hiểu Ba, khôi nguyên Nobel hòa bình là một thí dụ mạnh mẽ được Hoa Kỳ nêu ra cũng như vấn đề Tây Tạng, một chủ đề nhân quyền nhạy cảm mà không bao giờ Trung Quốc muốn nhắc tới.
Tổng thống Barak Obama đã thẳng thừng tuyên bố với Chủ tịch Tập Cận Bình rằng "Ngay cả khi chúng tôi nhận Tây Tạng là một phần của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, chúng tôi tiếp tục khuyến khích nhà chức trách Trung Quốc bảo tồn bản sắc tôn giáo và văn hóa của người dân Tây Tạng khi họ tham gia các sinh hoạt của Đức Đạt Lai Lạt Ma, người đại diện cho tôn giáo của họ".
Riêng về vấn đề Biển Đông mà Bắc Kinh gọi là Biển Nam Trung Hoa Tổng thống Hoa Kỳ được báo chí quốc tế cho là có những trao đổi sắc bén, khi Trung Quốc giữ lập luận chủ quyền các nơi bồi đắp không phải là bất hợp pháp mà là thuộc sở hữu của Trung Quốc từ rất lâu về trước.
Một cách kiên quyết và chứng tỏ Hoa Kỳ không chấp nhận lập luận này, Tổng thống Obama tuyên bố các tranh chấp phải được giải quyết theo luật pháp quốc tế, ông nhấn mạnh Hoa Kỳ muốn đảm bảo rằng các quy tắc của đường biển phải được tôn trọng.
Chủ tịch Tập Cận Bình hình như muốn giảm căng thẳng trong vấn đề Biển Đông đã hứa rằng sẽ không phát động biện pháp quân sự nào tại các nơi mà Trung Quốc đang xây dựng.
Trước khi có cuộc họp thượng đỉnh với Tổng thống Obama, Chủ tịch Tập Cận Bình đã đến Seattle nơi có đặt các bản doanh của các tập đoàn nổi tiếng nhất của nước Mỹ như Boeing. Microsoft, Dupont… và gặp các CEO của các tập đoàn này.
Phái đoàn của Trung Quốc cũng ký được những hợp đồng kinh tế với Hoa Kỳ trong đó có việc đặt hàng Boeing cung cấp cho Trung Quốc 300 phi cơ trị giá 38 tỉ đô la.
Trong dịp này Chủ tịch Tập Cận Bình đã trấn an các nhà đầu tư Hoa Kỳ rằng chứng khoán Trung Quốc sẽ ổn định trong thời gian tới và kinh tế nước này sẽ giữ được mức tăng trưởng theo kế hoạch.