Trung Quốc không đồng tình triển khai radar tại Hàn Quốc


2017.02.19

Ông Vương Nghị, Bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc nói với người đồng nhiệm Nam Hàn là ông Yun Byung-se rằng Bắc Kinh hiểu rằng Seoul lo lắng về an ninh của mình, ý nói sự đe dọa về quân sự của người anh em Bắc Hàn, nhưng Trung Quốc vẫn chống việc triển khai hệ thống radar THAAD của Hoa Kỳ trên lãnh thổ Nam Hàn.

Hai vị Bộ trưởng đã trao đổi với nhau bên lề Hội nghị ngoại giao các quốc gia G20 diễn ra trong hai ngày 16 và 17 tháng hai tại thành phố Bonn, nước Đức.

Đáp lời, ông Bộ trưởng Hàn quốc nói rằng nước ông cần có THAAD để củng cố sức mạnh phòng thủ của hệ thống hỏa tiễn đánh chặn Patriot. Với hệ thống radar THAAD, ông nói tiếp, nước ông có thể phòng thủ nhiều lớp trên không phận của mình, chống lại sự phát triển gần đây các hỏa tiễn tầm cao của Bình Nhưỡng.

Trung quốc vốn rất lo ngại rằng việc triển khai THAAD ở Nam Hàn sẽ đe dọa an ninh Trung Quốc, vì khả năng tầm soát của loại radar này có thể vào sâu nội địa Trung Quốc. Vì thế ở Bonn, khi nói chuyện về an ninh với một nhóm các chuyên gia, ông Vương nói rằng ông không hiểu tại sao Mỹ lại cho triển khai radar THAAD sát bên Trung quốc, ông ví von rằng điều đó giống như bị người bạn mình đâm sau lưng.

Nhưng ông Yun Bộ trưởng Hàn Quốc thì nói rằng mối đe dọa hạt nhân từ Bắc Hàn là rất nguy hiểm, sau nhiều lần nước này thử nghiệm tên lửa và hạt nhân. Theo lời ông, mối đe dọa từ miền Bắc giống như một quả bom nổ chậm chưa biết lúc nào phát nổ.

Trong một diễn biễn khác Bắc Kinh đã tuyên bố tạm thời dừng lại mọi hoạt động nhập khẩu than đá từ Bắc Hàn để trừng phạt sự khiêu khích của nước này qua lần thử nghiệm hỏa tiễn tầm trung vừa qua. Trung quốc là đồng minh, và là nguồn cung cấp tài chính, nhiên liệu duy nhất của Bắc Hàn.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.