Hội nghị Thượng đỉnh về Biến đổi khí hậu toàn cầu tại Paris
2015.11.29
Một ngày trước thượng đỉnh khí hậu toàn cầu do Liên hiệp Quốc tổ chức tại Paris, nhiều cuộc biểu tình rầm rộ đã diễn ra ở những thành phố lớn trên toàn thế giới, với mục đích đòi hỏi các chính phủ phải có biện pháp cấp thiết để giải quyết tình trạng khí hậu biển đổi, ảnh hưởng trực tiếp đến trái đất và đời sống của con người.
Những cuộc biểu tình này được thực hiện khắp nơi, từ Seoul, Manila, Tokyo của Châu Á, Australia và New Zealand của Châu Úc, cho đến Rio, New York, Mexico City của Châu Mỹ, và ngay tại Paris, nơi 150 nguyên thủ và các nhà lãnh đạo các quốc gia sẽ gặp nhau vào ngày mai.
Trong số những nhà lãnh đạo sẽ có mặt tại thủ đô của Pháp, có Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama, Chủ Tịch Nhà nước Trung Quốc Tập Cận Bình, Thủ tướng Ấn Độ Narenda Modi và Tổng Thống Nga Vladimir Putin.
Thượng đỉnh khí hậu sẽ chính thức bắt đầu vào ngày mai, kéo dài đến ngày 11 tháng Mười Hai mới kết thúc. Nhà Trắng cho biết chừng một giờ đồng hồ nữa Tổng Thống Obama sẽ lên đường phó hội.
Bốn mươi tám tiếng đồng hồ trước thượng đỉnh, Cơ Quan Đặc Trách Khí Hậu của Liên Hiệp Quốc cho biết trong năm nay, khí hậu trung bình toàn cầu đã tăng thêm 1 độ C, khiến năm 2015 trở thành một năm khí hậu cực nóng của thế giới, đồng thời chiếm một nửa chỉ tiêu không để mặt đất nóng quá 2 độ C mà Liên Hiệp Quốc đặt ra cho thượng đỉnh Paris.
Chính vì thế nên trong cượng vị của nước chủ nhà, Tổng Thống Pháp Francois Holland nói rằng chính con người là thủ phạm gây nên thảm họa, từ thảm họa khủng bố cho đến thảm họa môi trường.
Ông cũng kêu gọi các quốc gia thông qua một thỏa thuận mang tính pháp lý, buộc tất cả những nước ký kết phải thi hành, nhưng đồng thời cũng tỏ ý cho thấy ước muốn đó khó có thể thành hình vì nhiều lý do khác nhau, từ chính trị nội bộ cho đến ngân khoản cần có để thực hiện.
Trước thềm thượng đỉnh, ông Ban Ki-Moon, Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc một mặt bày tỏ thái độ lạc quan, tin tưởng các quốc gia tham dự sẽ đạt được đồng thuận để giải quyết một trong những vấn đề quan trọng nhất của thế giới, đồng thời kêu gọi mọi quốc gia chấp nhận tương nhượng lẫn nhau để có thể cùng hợp tác cứu nguy mặt đất đang bị hư hại vì tình trạng khí hậu biến đổi do chính con người gây nên.
Trả lời phỏng vấn của một đài truyền hình Pháp, ông Ban Ki Moon nói rằng ông hiểu không thể tìm được một giải pháp hoàn hảo để giải quyết vấn đề, nhưng ông kêu gọi các nhà lãnh đạo tìm một giải pháp đê cùng làm việc chung.
Ngoại Trưởng Pháp, ông Laurent Fabius cho hay trong tổng số 195 nước hội viên Liên Hiệp Quốc, đã có 183 nước gửi bản kế hoạch hành động với mục tiêu giảm bớt lượng khí thải, gọi đó là bước đầu đầy hy vọng.
Cũng xin thưa thêm là ngày lúc nay ở Paris, các đoàn đại diện cho những nước tham dự đang bàn thảo với nhau về kế hoạch làm việc chung.
Một chuyện bên lề cũng được mọi người chú ý đến là những đảo quốc nhỏ bé ở Thái Bình Dương như Kiribati, Tuvalu, hay Marshall Islands lo sợ khí hậu nóng dần sẽ làm tan những tảng băng vĩ đại của thế giới, khiến mực nước biển tăng cao, và có ngày những đảo quốc này bị chìm sâu dưới lòng biển cả.