Nông dân Việt Nam phát triển ngành trồng trà an toàn


2004.05.06

Nam Nguyên Khuynh hướng người tiêu dùng trên thế giới chuyển qua các lọai thực phẩm an toàn không có dư lượng hóa chất, khiến cho người trồng chè ở Việt Nam phải nghĩ tới việc trồng chè an toàn, nếu không muốn mất thị phần.

Bấm vào đây để nghe bản tin này
Rightclick to download this audio

Nông dân Việt Nam hiện canh tác gần 120 ngàn hécta cây chè, xếp thứ 8 trên thế giới về diện tích trồng trà. Năm ngóai cả nước xuất khẩu 60 ngàn tấn trà thu về 62 triệu đô la, nhưng trong khi các đại gia ngành trà như Ấn Độ, Trung Quốc Đài Loan đều phát triển trồng trà sạch, thì ở Việt Nam chuyện này còn ở bứơc khởi đầu, và chỉ mới có một vài khu vực trồng chè hợp tác với nước ngoài, thí dụ như cây trà Ô Long hợp đồng cho người Đài Loan là áp dụng phương pháp canh nông an toàn. Theo phát biểu của ông Nguyễn Kim Phong chủ tịch Hiệp Hội Chè Việt Nam, trụ sở tại Hà Nội. Trà sạch, trà an toàn có thể hiểu là cây chè được trồng không sử dụng phân bón hóa học, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, đất và nguồn nước tưới cũng được kiểm sóat an toàn.

Ông nói: “Xu thế bây giờ… chúng tôi sẽ tập trung trồng trà an toàn, có người gọi là trà sạch… nhưng thật ra không có trà nào là bẩn…chúng tôi sẽ phát triển trồng trà an toàn thực phẩm, chỉ dùng phân hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật hữu cơ.” (audio clip)

Câu chuyện này đối với người nông dân trồng chè ở Việt Nam không phải là điều dễ chấp nhận, người khổng lồ trong công nghiệp trà là Trung Quốc và Ấn Độ cũng đã phải mất hàng chục năm để nông dân nước họ thay đổi thói quen dùng phân hóa học và thuốc bảo vệ thực vật. Trong khi đó, nước láng giềng không xa Việt Nam là Thái Lan lại nhìn xa trông rộng, dù diện tích trồng chè của họ chỉ khỏang hơn 16 ngàn hécta mà trong đó có tới một phần ba là chè an toàn.

Tờ Thời Báo Châu Á mới đây có bài nhận định rằng, nếu Thái Lan phát triển được diện tích trồng trà sạch và xây dựng thành công thượng hiệu trà nước mình, thì vị trí của Thái Lan trên thị trường toàn cầu sẽ được bảo đảm. Tờ báo phân tích, giá thị trường quốc tế giữa trà an toàn và trà thường không chênh lệch nhiều, nhưng giới hữu trách nông nghiệp Thái Lan nghĩ rằng, người tiêu dùng trên thế giới bắt đầu nhận thức được sự khác biệt giữa hai lọai trà trồng theo phương pháp sử dụng hóa chất và lọai trà an toàn. Vẫn theo tờ báo, Thái Lan có tham vọng phát triển tổng diện tích trồng trà an toàn lên 16 ngàn hécta, cũng có người gọi là trà hữu cơ do từ ngữ organic trong tiếng Anh.

Tiến sĩ Sailom Sampanvejsobha, giám đốc viện nghiên cứu trà Thái Lan phát biểu trên tờ báo rằng, phải mất thời gian hơn 5 năm thì các chất hóa học trong đất nông nghiệp mới có thể rửa sạch được. Nguồn nước tưới cũng là một vấn đề cần xem xét và chính phủ Thái quyết định tài trợ 150 triệu Baht khỏang trên dứơi bốn triệu đô la để bảo đảm nguồn cung cấp nước tưới cho các đồi chè.

Ông Sailom nói, cần tìm kiếm và phát triển những đặc tính của trà Thái Lan để có thể mở rộng thị trường ra khắp thế giới. Thái Lan sẽ nghiên cứu phẩm chất cây trà Đài Loan nổi tiếng toàn thế giới vì hương vị thơm ngon, ông Sailom cho rằng trà Thái Lan có nồng độ chất chống ôxy hóa rất cao, chống lại nhiều bệnh tật. Và vì thế theo lời người cầm đầu viện trà Thái Lan, nước ông sẽ cố gắng tạo ra một sản phẩm kết hợp cả hai đặc tính vừa nói.

Trông người lại ngẫm đến ta, diện tích trồng chè ở Việt Nam gấp 10 lần Thái Lan, nhưng giới hữu trách nhiều năm qua thiên về phát triển diện tích và doanh số. Mãi tới tháng 4 năm nay, các nỗ lực tìm kiếm một thương hiệu cho trà Việt Nam mới trở thành hiện thực, một ngân khỏan 27 tỷ được thỏa thuận, ngân sách quốc gia cấp 70% 30% còn lại do các doanh nghiệp ngành trà đóng góp.

Người cầm đầu ngành trà Việt Nam ông Nguyễn Kim Phong phát biểu về vấn đề xây dựng thương hiệu cho trà Việt Nam: “Chúng tôi xây dựng thương hiệu trà Việt Nam sao cho phản ánh được cái văn hóa trà và tinh thần của người trồng trà Việt Nam…thông qua các giống trà đặc sản của người Việt để chọn lọc đưa ra thế giới.”

Hy vọng thương hiệu trà Việt Nam khi được xây dựng xong, sẽ phản ánh được tinh thần mà ông Nguyễn Kim Phong, chủ tịch Hiệp Hội Chè Việt Nam vừa phát biểu. Đồng thời ngành trà Việt Nam cũng hướng tới việc phát triển trồng trà an toàn theo xu hướng chung của thế giới.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.