Ngân hàng sau WTO


2007.04.03

Nguyễn Xuân Nghĩa & Việt Long, RFA

Sau khi chính thức gia nhập WTO kể từ đầu năm nay, Việt Nam đang chứng kiến một cơn sốt ngân hàng với hàng loạt đơn xin thành lập ngân hàng mới, với việc ngân hàng chưa thành lập thì cổ phiếu đã được rao bán, trong khi nhà đầu tư nước ngoài sẽ được phép thành lập ngân hàng con với 100% vốn ngoại quốc kể từ ngày mùng một vừa qua. Sự sôi nổi đó của thị trường khiến Diễn đàn Kinh tế trao đổi với kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa về một hiện tượng tâm lý đáng ngại cho giới hữu trách. Tiết mục chuyên đề này do Việt Long thực hiện sau đây:

VietnamBanking150b.jpg
AFP PHOTO

Việt Long: Từ 10 năm nay, Việt Nam chưa hề cấp giấy phép cho thành lập một ngân hàng mới. Vậy mà từ cuối năm ngoái cho đến tháng Ba vừa qua, đã có một chục hồ sơ xin lập ngân hàng và riêng trong mươi ngày qua còn có thêm 10 hồ sơ nữa được đệ nạp lên Ngân hàng Nhà nước.

Hiện tượng đó khiến dư luận trong nước nói đến một "cơn sốt ngân hàng" tại Việt Nam sau WTO. Do đó chúng tôi xin đề nghị là trong chương trình tuần này, chúng ta sẽ đề cập tới những khía cạnh đáng chú ý của một sự kiện khá đặc biệt trên thị trường...

Nguyễn Xuân Nghĩa: Thưa vâng, và điều đáng chú ý nhất ở đây là giới chức hữu trách về ngân hàng trong Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ lại chưa được chuẩn bị vì chưa có Nghị định về Quản trị, Tổ chức và Hoạt động của các ngân hàng thương mại làm nền tảng pháp lý cho việc cứu xét và chấp thuận.

Đã thế, cũng theo khuôn khổ cam kết của Việt Nam về dịch vụ với Tổ chức Thương mại Thế giới WTO thì từ ngày mùng một tháng Tư, các ngân hàng nước ngoài có quyền thành lập ngân hàng con với 100% vốn ngoại quốc.

Dù trong số 10 hồ sơ vừa đệ nạp có hai hồ sơ của nước ngoài, Ngân hàng Nhà nước vẫn chưa thể cứu xét vì chưa có Thông tư áp dụng một Nghị định ban hành từ cuối tháng Hai năm ngoái về tổ chức và hoạt động của các ngân hàng hay cơ quan tín dụng có vốn ngoại quốc. Vì vậy, chúng ta đang lại chứng kiến một hiện tượng thật ra không mới lạ là thị trường chạy trước chính trường, hay nhà nước đi sau những yêu cầu của dân chúng.

Cơn sốt ngân hàng là biểu hiệu của chênh lệch cung cầu, y như trên thị trường chứng khoán, mà hệ thống luật lệ sơ sài và gò bó không thể đáp ứng nổi. Khi có thất quân bình như vậy, lạm dụng và lường gạt rất dễ xảy ra, như ông vừa trình bày, ngân hàng chưa hoạt động thì cổ phiếu đã được rao bán ngoài chợ theo kiểu song phương qua quầy, OTC. Thậm chí nhiều ngân hàng đang bị kiểm soát và ngưng hoạt động từ lâu mà cổ phiếu vẫn thấy được lưu hành, trao đổi, ở ngoài chợ!

Việt Long: Ông vừa nói đến hiện tượng chênh lệch cung cầu trong kinh tế, mà có vẻ như vẫn biểu hiện dưới nhiều dạng khác nhau ở Việt Nam. Ông vui lòng diễn giải thêm về điều đó.

Nguyễn Xuân Nghĩa: Trên thị trường chứng khoán, dân chúng có tiền muốn mua cổ phiếu để kiếm lời, số cổ phiếu của các doanh nghiệp được yết giá lại quá ít nên chênh lệch cung cầu - giữa số hiện kim khả dụng quá nhiều và cơ hội kiếm lời quá ít - đã thổi giá cổ phiếu lên, từ đấy mới phát sinh phản ứng đầu cơ và những rủi ro suy sụp. Trên thị trường bất động sản cũng vậy, khả năng xây dựng cho kịp yêu cầu vẫn còn quá chậm, xây chưa xong đã bán sạch, nên cơn sốt địa ốc mới bùng nổ làm dân chúng càng lao vào thị trường đó với phản ứng đầu cơ và sẽ lại bị hiện tượng bể bóng đầu cơ như chúng ta đã từng đề cập tới gần đây.

Bây giờ, người ta tưởng rằng cứ có tiền là đi lập ngân hàng để kiếm lời, vì vậy nội vài tháng đã có hai chục hồ sơ thành lập được đệ nạp, dù nhà nước có nâng mức vốn điều lệ lên hơn một ngàn tỷ đồng và sẽ còn tăng nữa cho các ngân hàng thành lập sau này. Chính loại quy định lụp chụp chạy theo thị trường càng khiến người ta vội chạy trước. Nhưng, rốt cuộc thì cho đến tuần này, nhà nước vẫn chưa có cơ sở pháp lý thông thoáng minh bạch để cứu xét và phê chuẩn việc thành lập đó. Nói nôm na thì nhà cái chưa mở sòng, các con bạc đã muốn chồng tiền đánh bạc!

Việt Long Nhưng mà trước khi tìm hiểu về từng loại vấn đề của hệ thống ngân hàng Việt Nam đó thì chúng tôi xin đề nghị là ta hãy lùi lại một tí để có cái nhìn toàn cảnh về hệ thống đó.

Nguyễn Xuân Nghĩa: Thưa vâng, sau chiến tranh, vì sai lầm tai hại của chủ nghĩa cộng sản, nhà cầm quyền Việt Nam đã phá hủy hệ thống ngân hàng tại miền Nam, một hệ thống có kiến thức và kinh nghiệm lâu đời và đã vượt qua những thử thách của thời chiến tranh và bén nhạy không thua kém gì các ngân hàng Đông Á thời ấy. Sai lầm chủ yếu thời ấy là lãnh đạo không hiểu gì về khái niệm tiền tệ và tín dụng trong kinh tế.

Trong thời kỳ "cải tạo" kéo dài 15 năm sau 1975, Việt Nam chỉ có hệ thống ngân hàng "một tầng" của Ngân hàng Nhà nước và các chi nhánh, chủ yếu giữ vai trò thủ quỹ lo việc chi thu cho cả nền kinh tế quốc dân, một loại tổng ngân khố có hiệu năng rất tồi. Các ngân hàng thương mại tư nhân bị quốc hữu hoá để thành chi nhánh của hệ thống ngân khố kỳ lạ này! Khủng hoảng tất nhiên đã xảy ra!

Việt Long: Nhưng sau đó thì mọi sự bắt đầu đổi mới?

Nguyễn Xuân Nghĩa: "Đổi mới" chỉ là học lại cách sinh hoạt cũ đã có ở miền Nam và khắp nơi trên thế giới. Nhưng vẫn là đổi mới nửa mùa, nửa vời, vì cái gọi là "định hướng xã hội chủ nghĩa".

Người ta lập ra hệ thống ngân hàng "hai tầng", gồm có "tầng một" là Ngân hàng Nhà nước tập tành học hỏi quy cách làm việc của một ngân hàng trung ương và biệt lập với các nghiệp vụ ngân sách hay chi thu của nhà nước; và "tầng hai" là các ngân hàng thương mại tập tành học hỏi về nghiệp vụ ngân hàng.

Cái định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam đã dẫn tới hiện tượng tai hại là các ngân hàng thương mại này, trước sau là những chi nhánh của ngân hàng nhà nước được tách ra, đã giữ vị trí độc quyền cấp phát tín dụng và chủ yếu cấp phát tín dụng cho doanh nghiệp của nhà nước, theo diện chính sách mà bất cần tới yếu tố rủi ro kinh doanh hay lợi nhuận. Đó là từ 1991 trở về sau.

Việt Long: Nhưng rồi thì tình hình có cải tiến chứ, phải không ông?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Tình hình có thay đổi, không do sự chủ động cải cách của lãnh đạo mà do áp lực của thị trường, sau khi đã bị vấp ngã nhiều lần, như vụ phá sản tập thể của hệ thống cơ quan tín dụng. Người ta đã cho thành lập các ngân hàng thương mại cổ phần mà chưa thấy ra bức tranh toàn cảnh của hệ thống ngân hàng trong một nền kinh tế thị trường. Nôm na là vừa làm vừa học và sai đâu sửa đấy mà sửa rất chậm vì sợ chệch hướng xã hội chủ nghĩa.

Đã vậy, có lúc chính quyền Việt Nam còn tưởng rằng sẽ học được kinh nghiệm Nhật Bản và Hàn Quốc với hệ thống ngân hàng của nhà nước là rường cột tài chính cho các tổng công ty cũng của nhà nước giữ vai trò xương sống cho toàn nền kinh tế quốc dân để thi hành kế hoạch kinh tế do chính quyền vẽ ra. Hậu quả là tình trạng hôm nay, khi Việt Nam vừa gia nhập tổ chức WTO và thiên hạ đổ xô thành lập ngân hàng tư nhân.

Việt Long: Ông có thể trình bày chi tiết hơn nữa về những vấn đề trong hệ thống ngân hàng Việt Nam, để có thể nói tới giải pháp?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Một cách tương đối, trong hệ thống tài chính ngân hàng Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước đã học bài nhanh nhất vì được viện trợ nhiều nhất để hiểu ra và cố hoàn thành chức năng của ngân hàng trung ương.

Đó là trù hoạch hay đề nghị chính sách tiền tệ và tín dụng cho quốc gia hầu đảm bảo sự ổn định tiền tệ, và vật giá đồng thời đảm nhiệm nghiệp vụ thanh tra và kiểm soát hệ thống ngân hàng để bảo vệ quyền lợi của người ký thác và khách nợ.

Ở bên dưới là hệ thống ngân hàng thương mại, các định chế bị chìm dưới núi nợ của doanh nghiệp nhà nước và không đáp ứng yêu cầu đích thực của nền kinh tế vì thiếu khả năng thẩm xét rủi ro tín dụng để tài trợ.

Các ngân hàng này phải được chấn chỉnh về kế toán và quản trị để tư nhân hoá, y hệt như các doanh nghiệp nhà nước mà việc ấy vẫn cứ bị trì hoãn mãi từ nhiều năm nay. Việc cải tiến Ngân hàng Nhà nước và cải cách ngân hàng thương mại quốc doanh vì vậy là một ưu tiên cấp bách và phải là đề mục vận động viện trợ kỹ thuật quan trọng nhất.

Ở vòng ngoài là hệ thống hơn ba chục ngân hàng thương mại cổ phần, có chung một số nhược điểm là thiếu vốn, khả năng cạnh tranh kém nếu không dựa vào một số quan hệ của cá nhân, và chủ yếu là thiếu nhân sự am hiểu về chuyên môn, về kinh doanh ngân hàng. Chính là sự yếu kém ấy lại là một nguồn cổ võ mạnh mẽ cho thiên hạ mơ tưởng rằng thành lập ngân hàng để kiếm lời nhanh là một chuyện không khó!

Nói chung, trên toàn cảnh thì Việt Nam vẫn thiếu một nền tảng luật lệ tài chính, ngân hàng và kinh doanh cần thiết cho sự thành hình của thị trường tư bản tài chính trong một nền kinh tế đang phải hội nhập vào luồng trao đổi toàn cầu. Cho đến tuần này, Việt Nam đang chờ đợi Ngân hàng Nhà nước trình duyệt lên Chính phủ dự thảo Nghị định về các Ngân hàng Thương mại làm cơ sở cứu xét việc cho thành lập thêm ngân hàng mới.

Việt Long: Và cũng trong tuần này các ngân hàng của nước ngoài cũng chờ đợi việc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho phép thành lập ngân hàng con có 100% vốn ngoại quốc?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Thưa vâng, đó là theo những cam kết của Việt Nam với WTO. Thật ra, từ khi ký kết Hiệp định Thương mại Song phương với Hoa Kỳ năm 2001 thì vấn đề ấy đã được đặt ra, tức là năm năm trước khi có những cam kết với WTO.

Tuy nhiên, việc thẩm xét ấy của Việt Nam vẫn còn bị khựng vì Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chưa soạn thảo xong Thông tư hướng dẫn việc thực hiện một Nghị định được ban hành từ ngày 28 tháng Hai năm ngoái về tổ chức và hoạt động của các ngân hàng ngoại quốc, đó là Nghị định 22/CP.

Rốt cuộc ta thấy là ngân hàng của Việt Nam chờ đợi một nghị định về ngân hàng thương mại, trong khi ngân hàng của ngoại quốc thì chờ đợi văn kiện hướng dẫn áp dụng một nghị định từ năm ngoái về ngân hàng thương mại ngoại quốc và cam kết với WTO thì đòi hỏi một quy chế bình đẳng giữa các ngân hàng thương mại Việt Nam và nước ngoài!

Nôm na là thị trường bên ngoài đang gõ cửa réo gọi, bên trong các nhà làm luật mới lúi húi nghiên cứu việc đáp ứng yêu cầu của thị trường!

Việt Long Câu hỏi cuối của chúng tôi, thưa ông, là trong hoàn cảnh bối rối như hiện nay, đâu là những sai lầm nên tránh để khỏi bị những hậu quả còn tai hại hơn về sau?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Tôi thiển nghĩ rằng giới chức hữu trách ở nhà cũng đã thấy, đó là không nên vội cho thành lập ra các ngân hàng mới khi mà khuôn khổ pháp lý vẫn chưa đầy đủ và minh bạch.

Thứ hai, ngoài điều kiện mà Việt Nam đã thấy là nâng cao mức vốn tối thiểu lên hơn một ngàn tỷ đồng, tức là một triệu triệu đồng bạc Việt Nam, người ta còn phải chú ý đến các điều kiện về tổ chức và nhân sự chuyên môn.

Nghĩa là ngân hàng mới phải có người am hiểu tối thiểu về nghiệp vụ ngân hàng vì sự lầm lẫn kỹ thuật chuyên môn của họ có thể gây thiệt hại cho công chúng. Muốn mở phòng mạch thì phải có y sĩ, mở dược phòng phải có dược sĩ thì lập ngân hàng cũng vậy, phải có người biết về chuyên môn ngân hàng chứ không phải có tiền là đủ.

Việc ngân hàng nước ngoài tham gia hoạt động nhiều hơn có thể là một yếu tố tích cực cho trình độ nghiệp vụ ngân hàng của Việt Nam. Trong khi chờ đợi và trước sự khát khao của thị trường, Việt Nam phải sớm hoàn tất việc cổ phần hoá các ngân hàng thương mại của nhà nước để có thêm cổ phần rao bán trên thị trường và làm thuyên giảm cơn sốt chứng khoán và ngân hàng!

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.