Chống Lạm Phát tại Việt Nam


2008.04.02

Nguyễn Xuân Nghĩa & Việt Long, RFA

Ngày 30 tháng Ba vừa qua, truyền thông của nhà nước Việt Nam công bố một văn kiện của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về yêu cầu "phấn đấu kiềm chế lạm phát" với một loạt bảy giải pháp được liệt kê. Trong phần trao đổi cùng kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa do Việt Long thực hiện sau đây, Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu về mức độ công hiệu của các biện pháp này.

NguyenTanDung150.jpg
Ngày 30 tháng Ba vừa qua, truyền thông của nhà nước Việt Nam công bố một văn kiện của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về yêu cầu "phấn đấu kiềm chế lạm phát" với một loạt bảy giải pháp được liệt kê. Photo AFP

Việt Long: Thưa ông Nguyễn Xuân Nghĩa, gần đây, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có công bố một bài viết, hay văn kiện, văn thư... trong đó ông vạch ra bảy giải pháp kiềm chế lạm phát. Chúng tôi xin đề nghị là trong chương trình kỳ này, chúng ta sẽ tìm hiểu về hy vọng thành công của những biện pháp ấy.

Câu hỏi đầu tiên, thưa ông, ông nhận xét chung như thế nào về thông điệp nói trên?

Một văn kiện đặc biệt

Nguyễn Xuân Nghĩa: Thưa đây là một văn kiện đặc biệt ở rất nhiều khía cạnh. Thứ nhất, nó tổng hợp những nhận định hay khả năng nhận định của chính quyền Việt Nam sau phiên họp thường kỳ vào cuối tháng Ba, tức là mới từ mấy ngày qua mà thôi. Xuyên qua đó, người ta có thể nhìn ra trình độ nhận thức và quản lý của Chính quyền.

- Thứ hai, mục tiêu của văn kiện này, mà người ta không biết gọi là gì - là "thông điệp", "chỉ thị" hay một bài tham luận ? - là công bố những quyết định của chính phủ Việt Nam về vấn đề gay go nhất của kinh tế.

Trong tinh thần ấy thì có lẽ đây là phản ứng khẩn trương đáng mừng nếu ta so với những gì được công bố sau Hội nghị rất long trọng của Chính phủ vào cuối tháng 12 về việc triển khai những nghị quyết của Quốc hội hay sau Hội nghị Ban chấp hành Trung ương kỳ sáu vào trung tuần tháng Giêng.

Thưa đây là một văn kiện đặc biệt ở rất nhiều khía cạnh. Thứ nhất, nó tổng hợp những nhận định hay khả năng nhận định của chính quyền Việt Nam sau phiên họp thường kỳ vào cuối tháng Ba, tức là mới từ mấy ngày qua mà thôi. Xuyên qua đó, người ta có thể nhìn ra trình độ nhận thức và quản lý của Chính quyền.

Đáng mừng vì dường như Chính quyền Việt Nam hết nói chuyện vu vơ về những chỉ tiêu mơ hồ mà đề cập thẳng vào vấn đề gọi là "bức xúc" nhất.

- Thứ ba, văn kiện được trình bày là của một Ủy viên Bộ chính trị của đảng Cộng sản Việt Nam, trước khi nói đến chức năng của một Thủ tướng nên cũng có thể hiểu là một chỉ thị cho cả bộ máy đảng thay vì chỉ là guồng máy nhà nước. Chi tiết ấy cũng là một điều đáng mừng khác.

- Thứ tư, ngày hôm sau, Văn phòng Thủ tướng Chính phủ của Việt Nam cũng phổ biến ngay một số công văn nhằm triển khai các biện pháp kiềm chế lạm phát được ban bố hôm 30. Từ đó, ta có thể suy đoán ra những quyết định được thảo luận trong phiên họp thường kỳ vào cuối tháng Ba, nghĩa là ít ra cũng có một cố gắng phối hợp trong bộ máy chính phủ, là điều đáng mừng.

- Tuy nhiên, và đây là nhận xét sơ khởi thứ năm, Việt Nam chưa thoát khỏi lề lối tư duy cũ, khi mà các giải pháp chống lạm phát vừa được ban hành và chưa biết thi hành ra sao trong thực tế, từ cấp phủ bộ đến các Ủy ban Nhân dân, thì lập tức truyền thông nhà nước đã loan tin theo, rằng những biện pháp ấy sẽ công hiệu. Chúng ta đều hiểu quy luật "mẹ hát con khen hay", nhưng nếu có vỗ tay thì hãy cứ để mẹ dứt lời đã. Cho nên, thông tin thị trường vẫn là một vấn đề!

Trình độ nhận thức và quản lý

Việt Long: Trở lại nhận xét đầu tiên của ông, về nhận định và khả năng nhận định của Chính phủ Việt Nam để xuyên qua đó suy đoán ra trình độ nhận thức và quản lý của Chính quyền Việt Nam thì ông nhận xét như thế nào?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Có lẽ những người soạn thảo văn kiện này cho ông Thủ tướng của Việt Nam có quá ít thời giờ nên hơi lụp chụp trong phần I, trình bày về bối cảnh chung của vấn đề. Đoạn đầu là nói ngay đến tình hình có suy thoái hay chưa của kinh tế Hoa Kỳ như một nguyên nhân đầu tiên của lạm phát tại Việt Nam.

Sau đó mới nói về tình hình kinh tế Việt Nam rồi lại nhắc về bối cảnh quốc tế, sau cùng mới có giọng cổ động về những nỗ lực phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và cộng đồng doanh nghiệp, v.v... Nghĩa là vẫn có sự lầm lẫn giữa mục tiêu quản lý và mục tiêu tuyên truyền. Điều ấy không thuyết được thị trường - nói chung là người dân - vì họ sẽ kết luận - không sai - rằng "các ông ấy lại tiếp tục nói giọng công thức" và không sai vì đến phần cuối mới có một đoạn ngắn về những bất cập và yếu kém trong quản lý, điều hành.

Nói chung, trình độ nhận thức và quản lý vẫn là một vấn đề đáng quan ngại.

Việt Long: Bước qua phần nội dung chuyên môn, thưa ông, thông điệp của Chính phủ Việt Nam về các giải pháp kiềm chế lạm phát có những gì đáng chú ý nhất?

VendorFoodEconomic150.jpg
Người bán hàng trên đường phố Hà Nội hôm 26-3-2008. Photo AFP

Nguyễn Xuân Nghĩa: Thưa đáng chú ý và đáng lo nhất là quan niệm về vai trò của Chính phủ trong nền kinh tế thị trường. Chính phủ không là cơ chế - và tôi dùng đúng nguyên văn của thông điệp ấy - "chạy theo chỉ tiêu tăng trưởng".

Việc kinh tế tăng trưởng mạnh hay yếu và có ổn định hay không là kết quả của một nỗ lực chung, gần như tự phát, của thị trường, của hàng triệu triệu doanh nghiệp, hộ gia đình hay đơn vị kinh tế. Chính phủ có nhiệm vụ tạo ra điều kiện để có tăng trưởng quân bình trong ổn định với phẩm chất cao, và với sự phân phối đồng đều hầu duy trì được tăng trưởng bền vững.

Khi còn nghĩ rằng Chính phủ phải đạt chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế quốc dân là ngần này ngần này thì người ta vẫn chưa ra khỏi triết lý bao cấp hay bao biện của bộ máy nhà nước. Người ta cần thảo luận và quan niệm lại vai trò chỉ là xúc tác và điều hợp của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường, chứ không thể là đầu máy sản xuất và định hướng phân phối, nếu không thì vẫn chỉ là ưu tiên phân phối cho tay chân nhà nước.

- Vấn đề này tưởng như là trừu tượng mà thật ra lại rất quan trọng và cho thấy rằng việc cải cách hành chính Việt Nam chưa đạt kết quả, việc giáo dục cán bộ nhà nước về công vụ cũng vậy.

Mà đấy mới là điều đáng lo cho nhu cầu kiềm chế lạm phát hiện nay, như người ta có thể thấy ở giải pháp thứ tư được trình bày luộm thuộm rắc rối về một loạt biện pháp từ kềm giữ giá cả đến đẩy mạnh xuất khẩu - mà đồng thời lại hạn chế xuất khẩu gạo vì an ninh lương thực - và đến việc quản lý tỷ giá đồng đô la, v.v... Nói chung, Văn phòng Chính phủ cần một nhân viên có cái nhìn tổng thể như trong bộ kế hoạch thì mới có thể phối hợp và điều tiết một cách mạch lạc được.

Sơ sài và hời hợt

Việt Long: Dường như ông có nhận xét hơi khe khắt, nhưng có ý kiến cho rằng đây là lần đầu tiên chính phủ Việt Nam cho công bố một ‘gói giải pháp’ có tính cách toàn diện. Vấn đề hiệu quả hay không thì đang bàn tới. Nhưng ông có đồng ý về tính cách toàn diện đó hay không, và chính phủ nên công bố kế hoạch kiểm soát lạm phát như thế nào?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Tôi trộm nghĩ rằng ngay từ đầu người ta chưa có cái nhìn mạch lạc về thực tế và nhiệm vụ nên có một văn kiện quá dài, đến gần 3.900 chữ, phức tạp mà vẫn quá sơ sài hời hợt.

Thưa đáng chú ý và đáng lo nhất là quan niệm về vai trò của Chính phủ trong nền kinh tế thị trường. Chính phủ không là cơ chế - và tôi dùng đúng nguyên văn của thông điệp ấy - "chạy theo chỉ tiêu tăng trưởng".

- Nếu mục tiêu là để trấn an thị trường và dân chúng đồng thời bày tỏ quyết tâm của Chính phủ thì người cao cấp nhất của Chính phủ cùng các nhân viên hữu trách trong nội các, tức là các Bộ trưởng và Thống đốc nên tổ chức họp báo và ngồi trả lời từng câu hỏi có thể là khá chuyên môn của truyền thông báo chí.

Vì đấy là một sự dàn dựng - báo chì vốn chỉ được hỏi những gì nhà nước cho phép - thì cũng là cơ hội giải thích cho rõ phần vụ trách nhiệm, mục đích yêu cầu và hệ quả của từng giải pháp. May ra điều ấy có sức thuyết phục cao hơn cho thị trường.

- Nếu không kịp thảo luận và phối hợp việc ban bố một chương trình chống lạm phát một cách quy mô và khẩn cấp thì thay vì trình bày một thông điệp rất dài, người ta có thể công bố ngắn gọn những quyết định chính của Chính phủ. Đồng thời, thông báo luôn là nội trong vài ngày sẽ có công văn áp dụng chi tiết. Rồi tất cả các phủ bộ ban ngành đều lần lượt lên truyền hình họp báo giải thích những gì sẽ được thi hành trong mấy ngày tới, với tiêu chí ra sao, bao giờ sẽ báo cáo kết quả, v.v...

Điểm tích cực

Việt Long: Bây giờ, nói về nội dung của các giải pháp kiềm chế lạm phát, ông có nhận xét thế nào về mặt chuyên môn, về kỳ vọng công hiệu mà người ta có thể chờ đợi?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Chúng ta đã nhiều lần trao đổi trên diễn đàn này về các biện pháp can thiệp vào kinh tế với thời hạn công hiệu ngắn hay dài và hệ quả hay hệ lụy của chúng. Nói chung thì cũng chỉ tập trung vào một số lãnh vực, với tác dụng biện chứng hay tương hằng, tức là đều sẽ ảnh hưởng đến nhau nên cần có sự mạch lạc thuần nhất trong áp dụng để khỏi có nạn trống đánh xuôi kèn thổi ngược hay biện pháp này phá hỏng biện pháp kia.

Việt Long: Nếu vậy thì xin ông liệt kê ra những lãnh vực cụ thể đó.

Nguyễn Xuân Nghĩa: Thứ nhất là giải pháp tiền tệ với hệ quả là việc huy động và phân phối tiền tệ của hệ thống ngân hàng, cả nội tệ lẫn ngoại tệ, và việc quản lý ngân hàng. Thứ hai, lâu công hiệu hơn, người ta có giải pháp ngân sách hay thuế vụ liên hệ đến công chi và các dự án của khu vực công hay của doanh nghiệp nhà nước.

Thứ ba, ta có giải pháp giản lược hành chánh hay quản lý thị trường để giải phóng sản xuất và điều hoà phân phối với kết quả tác động còn chậm hơn nhưng vì vậy càng là cấp bách. Từ những giải pháp ấy, mình suy ngược lên là nếu có những bất cập hay gò bó hoăc mâu thuẫn về luật lệ áp dụng thì phải chuẩn bị cải sửa, tu chính và nhầt là giải thích.

- Sau cùng, nhìn vào khía cạnh xã hội và dân sinh, biện pháp kinh tế nào cũng có hậu quả lợi và hại, trong ngắn hạn và lâu dài, cho từng thành phần nghệ nghiệp hay sinh hoạt, cho nên chính quyền cần chú ý đến đa số những người nghèo khốn mà có giải pháp ứng phó thích hợp hầu tránh được hậu quả dễ xảy ra là quân bình được kinh tế vĩ mô trong vòng 18 tháng mà sẽ khiến cả triệu gia đình lâm nạn.

Khi kinh tế hồi phục với giá cả ổn định thì họ đã sạt nghiệp hay chết đói từ năm ngoái. Trong chiều hướng ấy, bảy giải pháp chống lạm phát của Việt Nam đều thuộc loại kinh điển và cổ điển nhưng cũng có điều đáng mừng ở bên trong.

Việt Long: Ông cũng nhìn nhận điểm tich cực trong đó. Vậy điều đáng mừng đó là gì? nghĩa là có thể công hiệu, trong loạt biện pháp này?

StockEconomy200.jpg
Những người đầu tư đang xem giá cổ phiếu tại sàn chứng khoán ở Hà Nội hôm 25-3-2008. Photo AFP

Nguyễn Xuân Nghĩa: Đáng mừng thứ nhất là Việt Nam nhìn ra nguyên nhân tiền tệ là động lực chính của lạm phát, xảy ra từ năm ngoái do tín dụng cấp phát bửa phứa chứ không do hiệu ứng suy thoái hay không của Hoa Kỳ, nên tiếp tục thắt chặt tiền tệ. Đáng mừng hơn nữa là việc Việt Nam đã nhìn ra sự lãng phí và kém hiệu năng của các dự án công chi, của đầu tư trong khu vực công hay của doanh nghiệp nhà nước.

Thứ ba, Việt Nam có nhìn thấy nguy cơ động loạn hay bất ổn xã hội nên có loạt biện pháp cuối cùng là mở rộng việc thực hiện chính sách an sinh về xã hội, là điều rất đúng. Cái khó là đi vào áp dụng.

Trở ngại

Việt Long: Xin hỏi ông ngay về cái khó ấy. Vì sao lại gặp trở ngại khi đi vào áp dụng?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Lạm phát chủ yếu xảy ra và sẽ kéo dài là do khả năng quản lý bất cập về vĩ mô và nhất là do sự thiếu phối hợp, hoặc nói cho rõ là thiếu thực quyền của các cơ quan chính phủ.

- Việt Nam vẫn có hệ thống quản lý hành chánh bao biện mà vô hiệu, quản lý rộng mà quá nông. Lý do là có quá nhiều cơ chế hay đơn vị sản xuất hoặc trung tâm phí tổn nằm ngoài khả năng điều động của chính phủ. Đấy là các trung tâm quyền lợi cục bộ mà thực tế, và có quyền hay có cái thuật luồn lách khỏi luật pháp của nhà nước. Một thí dụ dễ thấy và dễ hiểu là các doanh nghiệp nhà nước hay cơ sở kinh doanh của đảng bộ hay của chính quyền địa phương, họ đã từng cản trở chính sách của nhà nước và gây ra vấn đề mà thu vét khá nhiều lợi lộc riêng tư.

- Khi ban hành giải pháp thứ nhì là cắt giảm đầu tư công và kiểm soát chặt chẽ đầu tư của doanh nghiệp nhà nước, hoặc giải pháp thứ năm là tiết kiệm trong sản xuất và tiêu dùng, liệu Chính phủ hay các bộ có thể bắt các trung tâm quyền lợi ấy chấp hành được không?

Chính phủ phải có chỉ thị hay chỉ tiêu rõ rệt hơn và có khả năng cưỡng hành và giảm sát quyết liệt hơn. Nếu không có khả năng tối thiếu ấy thì có siết nơi này nơi khác vẫn bơm tiền vào túi hay vào thị trường và phá vỡ chương trình của Chính phủ. Có lẽ vì vậy mà thông điệp của Thủ tướng mới nhắc tới vị trí Ủy viên Bộ chính trị để có thể tác động vào những địa hạt kinh doanh của đảng hay cùa đảng viên cán bộ.

Câu kết luận của tôi là chi tiết áp dụng hay chấp hành mới là chính yếu, và nhìn như vậy thì ta không mấy lạc quan với triển vọng thành công của bảy giải phát kiềm chế lạm phát.

Việt Long: Ông vui lòng cho một thí dụ cụ thể để chứng minh điều vừa nói.

Nguyễn Xuân Nghĩa: Việc một Thống đốc cũ đã từng góp phân gây ra lạm phát từ năm ngoái và bị tai tiếng rất nhiều về tiền bạc lại được chỉ định làm Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia thì người ta nên hoài nghi kết quả.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.