Đầu tư Nước ngoài và Công đoàn Quốc doanh


2007.12.19

Nguyễn Xuân Nghĩa & Việt Long, RFA

Từ một năm nay, dư luận Đông Á đã theo dõi vụ tranh chấp giữa tập đoàn Danone của Pháp và đối tác liên doanh tại Trung Quốc. Hôm Thứ Hai 17 vừa qua lại thấy xuất hiện một đối tác mới tại Hoa Lục trong vụ tranh chấp, đó là công đoàn do nhà nước kiểm soát. Qua phần trao đổi cùng kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa, Diễn đàn Kinh tế kỳ này sẽ tìm hiểu về vụ tranh chấp ấy để thấy ra những bất trắc của quốc tế khi đầu tư vào Trung Quốc. Tiết mục chuyên đề này sẽ do Việt Long thực hiện sau đây.

Việt Long: Xin kính chào ông Nguyễn Xuân Nghĩa. Hôm Thứ Hai 17 vừa qua, tập đoàn Danone của Pháp phản bác lời đòi hỏi đưa ra hôm trước của bộ phận công đoàn trong một doanh nghiệp Trung Quốc là đòi phong tỏa tài sản của một liên doanh đầu tư trong đó Danone làm chủ phần lớn. Vụ tranh chấp giữa công ty Danone với đối tác tại Hoa Lục đã kéo dài gần cả năm, bây giờ, lại thêm một lực lượng tranh chấp vừa nhảy vào cuộc, là công đoàn do chính quyền Trung Quốc quản lý. Liệu giới đầu tư quốc tế sẽ xử trí ra sao với các vụ tranh cãi từ nay có thêm sự tham gia của công đoàn quốc doanh?

Vấn đề nóng bỏng ấy khiến chúng tôi đề nghị là trong chương trình kỳ này, ta sẽ cùng tìm hiểu về vụ tranh chấp của Danone. Câu hỏi đầu tiên ở đây là bối cảnh vụ này đã xảy ra như thế nào?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Đây là một hồ sơ rắc rối mà Việt Nam nên theo dõi để rút tỉa bài học có lợi về lâu về dài. Hồ sơ này gồm hai phần. Phần thứ nhất là tranh chấp pháp lý liên hệ đến thương hiệu, loại vấn đề phản ảnh nét văn hoá của Trung Quốc. Phần thứ hai là vai trò của công đoàn quốc doanh từ nay sẽ gây sức ép với nhà đầu tư quốc tế, một vấn đề phản ảnh lề lối chính trị của Trung Quốc. Kết luận ngắn gọn ở đây là giới đầu tư quốc tế từ nay sẽ hết hồ hởi và phải trắng mắt ra mà nhìn, là điều tôi thiển nghĩ là có lợi cho Việt Nam!

Việt Long: Xin đề nghị ông trình bày bối cảnh từ đầu của hồ sơ này trước khi ta tìm hiểu hai khía cạnh văn hoá và chính trị như ông nhận xét. Đầu tiên, vụ tranh chấp về thương hiệu đó là gì?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Danone là doanh nghiệp Pháp, một trong các tổ hợp lớn nhất thế giới về chế biến thực phẩm và nước uống. Năm 1996, Danone lập ra năm liên doanh về thực phẩm và nước uống với đối tác là tập đoàn Hàng Châu Oa Cáp Cáp, hay Hangzhou Wahaha Group, được thành lập từ năm 1987, và là doanh nghiệp sản xuất nước giải khát lớn nhất Trung Quốc. Liên doanh Pháp-Hoa này tên là Wahaha Joint Venture Group, khi đó được tạp chí chuyên đề Forbes về kinh doanh của Mỹ ngợi ca là loại liên doanh mẫu mực. Nếu xét cho kỹ, ta thấy ra lý lịch của tập đoàn Wahaha này.

Nguyên thủy đây là công ty quốc doanh của quận Thượng Thành trong thành phố Hàng Châu, chỉ có phân phối nước uống. Người điều hành là Tống Khánh Hậu chưa học hết Trung học và xưa kia đi làm ruộng muối. Trong thập niên 90 ông khéo xoay với đà cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước và trở thành cổ đông quan trọng, giữ vai trò Chủ tịch Hội đồng Quản trị và Tổng quản trị của Wahaha. Nay tài sản của ông ta được ước lượng là một tỷ Mỹ kim, là người giàu thứ 23 của Trung Quốc và thứ 840 của thế giới theo danh mục 2006 của tờ Forbes. Ông ta hẳn là người có tài, và quan trọng nhất là có quan hệ tốt với đảng viên cán bộ địa phương, lại là Đại biểu Quốc hội, và thành công lớn khi được công ty đầu tư Peregrine móc nối với tổ hợp Danone của Pháp.

Việt Long: Việc liên doanh đó từ năm 1996 sau đó tiến triển ra sao?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Việc kinh doanh đó phát đạt và trở thành phức tạp hơn, từ con số năm nay đã có 39 liên doanh lớn nhỏ, nên Danone muốn mua lại phần hùn của Wahaha trong liên doanh mà bị từ chối. Cách đây một năm, tháng 12 năm ngoái, Tổng giám đốc Wahaha là Tống Khánh Hậu ký giấy đồng ý cho Danone mua lại đa số phần vốn năm cơ sở kinh doanh khác của Wahaha không nằm trong liên doanh đã có với Danone. Về sau, ông ta lại đổi ý và cự tuyệt vì muốn đòi giá cao hơn. Mối quan hệ bên suy đồi từ vụ bội ước đó, nhất là khi họ Tống tuồn tin cho ký giả của Tân Hoa Xã viết một bài đả kích ý đồ thôn tính của Danone, vào đầu tháng Tư năm nay. Vấn đề văn hoá ở đây là Tống Khánh Hậu được Danone ủy cho rất nhiều quyền hạn và nổi tiếng là độc đoán. Khi việc thương thảo không xong thì báo chí lại công khai hoá sự việc theo ý kiến của một phe.

Việt Long: Thế rồi vì sao chuyện tranh chấp đôi bên lại trở thành kiện tụng về thương hiệu?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Khi vào Hoa Lục, Danone muốn bán hàng cho dân xứ này với thương hiệu Wahaha và trả tiền hoa hồng cho Wahaha về lợi ích đó. Cũng xin nói rằng tên Oa cáp cáp có nghĩa là uống nước hay tiếng cười khanh khách của trẻ em. Vấn đề ban đầu là luật lệ Trung Quốc thiếu phân minh nên Danone tin rằng sự chấp thuận của địa phương về hợp đồng thương hiệu là đủ. Khi mâu thuẫn xảy ra, Wahaha lại nói rằng phải được Cục Thương hiệu Quốc gia phê chuẩn mới được vì Trung Quốc có chính sách bảo vệ tài sản của quốc dân. Đấy là một nét văn hoá khác của Hoa Lục!

Chuyện bé xé ra to khi ông Tống Khánh Hậu của Wahaha lại liên doanh với nhiều đối tác khác để sản xuất sản phẩm như của Danone và bán dưới cùng một thương hiệu đã ký kết với Danone. Vì vậy, tổ hợp Danone mới nộp đơn kiện Wahaha trước các toà án tại Trung Quốc, Stockholm của Thụy Điển, Singapore và cả Los Angeles của Hoa Kỳ vì vi phạm của các liên doanh của Wahaha. Và công nhân viên Wahaha liền lên tiếng kêu gọi tẩy chay hàng của Danone.

Việt Long: Trong suốt giai đoạn căng thẳng ấy, Chính quyền Trung Quốc có thái độ ra sao?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Họ lặng thinh theo dõi chuyện kiện tụng này. Các Toà án trước tiên đã xét xử là tại Trung Quốc thì ngày 12 tháng 11 và đầu tháng 12 vừa rồi đã ra phán quyết có lợi cho Wahaha, kể cả việc tập đoàn này có bán hàng với thương hiệu Wahaha, dù là do liên doanh với đối tác khác sản xuất ra. Mặc dù Bắc Kinh giữ im lặng, người ta đoán rằng lãnh đạo ở trên có bênh vực cơ sở của họ khi không lên tiếng trước lập luận của ông Tống Khánh Hậu, rằng chính quyền trung ương chưa khi nào phê chuẩn liên doanh Pháp-Hoa thành lập từ đầu năm 1996. Tức là 10 năm bất hợp pháp mà vẫn phát đạt, cho tới khi trên dưới đều đổi luật chơi và viện cớ pháp lý.

Một lý do nữa khiến Bắc Kinh lặnh thinh là Wahaha nay là một tập đoàn lớn đã có nhiều chi nhánh hoạt động độc lập với liên doanh thành lập cùng Danone. Ngoài ra, Bắc Kinh cũng muốn khích động tinh thần dân tộc của người dân chống lại bọn tư bản nước ngoài đang có ý đồ bóc lột. Chủ đích ấy có lợi cho chế độ để đổ lỗi cho bọn đầu tư nước ngoài.

Việt Long: Ông có nghĩ rằng kết luận đó là bất công chăng, vì Trung Quốc hiện vẫn cần đầu tư nước ngoài?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Người ta cứ tưởng như vậy! Trung Quốc cần đầu tư nước ngoài trút vào các tỉnh nằm sâu trong lục địa, chứ không muốn tất cả đều tập trung tại 15 tỉnh miền duyên hải. Thứ hai, mô thức phát triển của họ đang gây bất công và đe dọa sự ổn định nên một trong những nơi sẽ phải lãnh trách nhiệm chính trị của tình trạng đó là các doanh nghiệp nước ngoài. Nhờ đầu tư nước ngoài đổ vào rất nhiều, Bắc Kinh ngày nay đã có thể đổi giọng mà có lẽ giới đầu tư quốc tế chưa hiểu!

Cũng xin nói thêm rằng hồ sơ kiện tụng của Danone đã ra khỏi khuôn khổ tranh tụng kinh doanh và lọt vào nghị trình nói chuyện giữa Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy và Chủ tịch Hồ Cẩm Đào trong cuộc gặp gỡ ngày 26 tháng 11 vừa rồi tại Bắc Kinh. Chính quyền Trung Quốc không thể không biết sự việc mà họ vẫn làm ngơ vì đã có chủ đích chính trị.

Việt Long: Tức là ông đang chuyển qua phần hai, về chính trị và vai trò của công đoàn, có phải vậy không?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Thưa đúng như thế. Từ hai năm nay, Chính quyền Trung Quốc công khai chỉ thị đảng viên lập cơ sở đảng trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư ngoại quốc, để thực thi chính sách của đảng ngay trong các cơ sở này. Đó là chuyện thứ nhất, với nhiều hậu quả về kinh doanh hay tình báo kinh tế. Nôm na là đảng viên phải xâm nhập để học nghề, ăn cắp và lũng đoạn nếu cần.

Chuyện thứ hai là kể từ mùng một tháng Giêng này, Trung Quốc sẽ thi hành đạo luật hợp đồng lao động gọi là để bảo vệ quyền lợi của công nhân viên thợ thuyền. Trong đạo luật ấy có điều khoản là công nhân viên có 10 năm thâm niên trở lên là có quyền ký hợp đồng vô kỳ hạn, nghĩa là vĩnh viễn. Một số doanh nghiệp tưởng khôn đã cho ký lại hợp đồng trước thời khoảng 10 năm nhưng đã bị một cơ chế tố cáo vào tháng Chín vừa rồi. Đó là Trung Hoa Toàn quốc Công hội, tức là Tổng công đoàn quốc doanh của Trung Quốc, cơ chế có trách nhiệm góp phần thực thi đạo luật về hợp đồng lao động. Đấy là một đòn bẩy thứ hai để chi phối các doanh nghiệp. Giới đầu tư nước ngoài mà chưa nhìn ra sự thể đó thì sẽ bị ê chề...

Việt Long: Trở lại chuyện tập đoàn Danone bị nạn, công đoàn Trung Quốc giữ vai trò gì trong vụ tranh chấp này? Nguyễn Xuân Nghĩa: Khi Danone thấy ra những vấn đề ngổn ngang muôn mặt và muốn hòa dịu thì công đoàn thợ thuyền của tập đoàn Wahaha bỗng lên tiếng hôm 16 vừa qua, rằng họ đã được phán quyết của cơ chế có thẩm quyền để phong toả tài sản của Danone trong một liên doanh ở Sơn Đông. Chưa ai biết công đoàn này có liên hệ hay nhận chỉ thị gì của Tổng công đoàn Trung Quốc hay chăng, nhưng lối tấn công mới từ giác độ nghiệp đoàn cho thấy là đã có sự phối hợp nhịp nhàng với toà án, chính quyền các cấp và công đoàn để gây sức ép với nhà đầu tư nước ngoài.

Đây là một biến cố đáng chú ý vì cho thấy Trung Quốc ngày nay đã lớn mạnh và đổi khác nên thực tế có thể bắt bí, bắt ép thậm chí trấn lột nhà đầu tư quốc tế. Và nếu chuyện không xong thì hô hào khẩu hiệu yêu nước để vừa tranh thủ quan điểm quần chúng vừa xử ép nhà đầu tư. Cho nên giới đầu tư quốc tế mới cần học bài học bẽ bàng của tập đoàn Danone.

Việt Long: Nếu như vậy, Việt Nam có thể học được gì từ vụ đó?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Giới đầu tư quốc tế bắt đầu nghi ngại những rủi ro tại Trung Quốc, kể cả một sự thể bình thường là nhân công xứ này hết còn rẻ như trước. Đấy là một cơ hội cho Việt Nam tiến lên vị trí thay thế. Điều ấy không dễ nhưng phải làm được. Ngược lại, xin chớ học theo thói xấu của Trung Quốc mà cứ tưởng rằng đó là khôn. Việt Nam không có cái thế như Trung Quốc để có thể chơi trò bắt bí hay sang đoạt như vậy.

Thứ hai, hãy cố gắng xây dựng nếp văn hoá kinh doanh khác, rời xa tinh thần lừa lọc và bội tín. Phải nâng đức tính khả tín như một ưu thế cạnh tranh bên cạnh Trung Quốc. Thứ ba, tôi cho rằng phải kiện toàn cơ sở luật lệ cho rõ ràng minh bạch và thuần nhất tại mọi địa phương ngõ hầu đảng viên cán bộ các cấp không có cơ hội suy diễn trái ngược để trục lợi. Thứ tư, nhân vụ kiện cáo về thương hiệu của Danone, doanh nghiệp Việt Nam nên chú ý tới vấn đề ấy để khỏi bị chụp giựt oan uổng một loại tài sản trí tuệ của doanh nghiệp nay bắt đầu vươn tới các thị trường khác.

Sau cùng, hãy nên nhìn thấy khả năng hành xử ngang ngược của Trung Quốc để tăng cường bảo vệ quyền lợi của mình. Mấy năm trước, Bắc Kinh còn dụ ngọt Việt Nam và Philippines hãy gác mọi mâu thuẫn qua một bên để cùng hợp tác thăm dò dầu khí ngoài khơi Trường Sa. Bây giờ Hà Nội mới thấy ra sự thật bẽ bàng, mà còn không dám cho người dân lên tiếng phản đối!

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.