Dự Trữ Ngoại Tệ

Trước đà sụt giá của Mỹ kim từ đầu năm nay, nhiều quốc gia đã nêu vấn đề là đô la của Mỹ có đáng là một ngoại tệ dự trữ hay không. Tiết mục chuyên đề Diễn đàn Kinh tế nêu câu hỏi đó với nhà tư vấn kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa thì được hỏi ngược lại, rằng dự trữ ngoại tệ là để làm gì?
Việt Long, Biên tập viên đài RFA
2009.12.17
Đô la Mỹ. (ảnh minh họa) Đô la Mỹ và đồng Euro. (ảnh minh họa)
AFP photo

Quả vậy, chức năng của khối dự trữ ngoại tệ dường như đã có thay đổi theo thời gian như chúng ta có thể thấy qua phần trao đổi do Việt Long thực hiện sau đây với ông Nguyễn Xuân Nghĩa.

Chức năng của khối dự trữ ngoại tệ

Việt Long: Xin kính chào ông Nguyễn Xuân Nghĩa. Khi đô la Mỹ sụt giá thì nhiều quốc gia đã nêu vấn đề về vai trò ngoại tệ dự trữ của đồng bạc xanh, như người ta hay gọi đồng Mỹ kim. Khi chúng tôi đặt câu hỏi đó cho ông thì ông hỏi ngược là dự trữ ngoại tệ hiện giữ chức năng gì?

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Thưa vâng, vì nếu hiểu rõ chức năng hiện tại so với quá khứ của khối dự trữ ngoại tệ thì ta có thể suy ngược lên, xem đồng Mỹ kim nay có đáng là một ngoại tệ dự trữ nữa không. Một đồng bạc được coi là ngoại tệ dự trữ khi các nước muốn giữ đồng bạc ấy trong khối dự trữ ngoại tệ của mình. Nếu ta biết về mục tiêu duy trì khối dự trữ ngoại tệ thì sẽ suy ra là trong cái rổ gồm có nhiều ngoại tệ ta nên giữ bao nhiêu dưới dạng Mỹ kim.

Việt Long: Chính là vì câu hỏi đó nên chương trình kỳ này sẽ tìm hiểu về chức năng của khối dự trữ ngoại tệ. Như cách ông vừa trình bày thì hình như chức năng ấy có thay đổi với thời gian và chức năng hiện tại lại có khác với ngày trước. Có đúng như vậy hay không?

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Ta cần trở lại chuyện xưa để hiểu ra sự chuyển hoá chức năng đó. Sau Thế chiến II, Hoa Kỳ là cường quốc giàu nhất và góp phần tái thiết các quốc gia từ Âu qua Á nên hệ thống tiền tệ quốc tế mặc nhiên đưa Mỹ kim lên ngôi vị ngoại tệ dự trữ vì xứ nào cũng định giá đồng bạc của mình theo đồng đô la. Khi ấy, Hoa Kỳ cũng hứa định giá Mỹ kim là 35 đồng thì ăn một troy ounce vàng, tương đương với chừng 31 gram.

Nhưng từ tháng Tám năm 1971, Hoa Kỳ đơn phương bứt đứt neo vàng ấy, mặc nhiên thả nổi và phá giá đồng bạc Mỹ. Khi ấy, các nước vẫn thực tế theo đuổi chế độ định giá nội tệ của quốc gia theo Mỹ kim, lâu lâu lại điều chỉnh căn cứ trên sự khác biệt về vật giá hay lạm phát của xứ mình và của Mỹ. Đó là về quy chế.

- Sau Thế chiến II, xứ nào cũng cố xuất khẩu cho nhiều để đủ ngoại tệ tài trợ việc nhập khẩu cần thiết cho tái thiết và phát triển. Vì đô la là phương tiện giao hoán phổ biến nhất nên xứ nào cũng ghim sẵn một số đô la trong túi để kịp thanh toán chênh lệch về ngoại thương. Cụ thể là phải có đủ đô la tài trợ yêu cầu nhập khẩu cho ba tháng. Mà nhập khẩu càng nhiều thì dự trữ ngoại tệ càng cao. Khi đó, khối dự trữ ngoại tệ có chức năng an toàn ngoại thương. Vì Mỹ kim là ngoại tệ dự trữ như vậy, Hoa Kỳ tất nhiên là có lợi khi mua bán, phát hành và nhất là vay mượn vì nơi  nào cũng có đô la. Ngược lại các nước cũng ấn định hối suất đô la hay tỷ giá đồng bạc với tiền Mỹ sao cho có lợi về xuất khẩu mà vẫn không có khác biệt thái quá vì hối suất thấp sẽ làm hàng nhập khẩu đắt hơn.

Thực tế thì các nước vẫn cần dự trữ ngoại tệ để ứng phó với những sai lệch quá lớn về hối suất trên thị trường hối đoái hay ngoại hối quốc tế. Cụ thể là có ngoại tệ để kịp bán ra hầu giữ cho đồng nội tệ khỏi mất giá.

Việt Long: Thế rồi chức năng ấy bắt đầu thay đổi từ lúc nào, vì lý do gì và nay đang đi tới đâu?

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Chế độ neo giá đồng nội tệ vào Mỹ kim theo một tỷ giá nhất định ấy quá cứng ngắc nên dần dần được bỏ, để cho thị trường quyết định về hối suất theo quy luật cung cầu. Việc ấy càng trở thành phổ biến khi Chiến tranh lạnh kết thúc, là từ đầu thập niên 90, và khi tư bản được tự do giao dịch giữa các nước. Trên lý thuyết thì các nước khỏi cần dự trữ ngoại tệ nữa vì về dài thì sai biệt hối suất trên thị trường sẽ tự đồng điều chỉnh sai biệt về xuất nhập khẩu. Nhập siêu sẽ giảm dần nhờ hốt suất thấp chẳng hạn. Thực tế thì các nước vẫn cần dự trữ ngoại tệ để ứng phó với những sai lệch quá lớn về hối suất trên thị trường hối đoái hay ngoại hối quốc tế. Cụ thể là có ngoại tệ để kịp bán ra hầu giữ cho đồng nội tệ khỏi mất giá.

Việt Long: Như vậy, theo chế độ hối suất tự do ấy thì chức năng an toàn của dự trữ ngoại tệ vẫn còn nguyên vẹn?

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Chẳng những nguyên vẹn mà còn tăng, nhưng không vì ngoại thương mà vì lý do ngoại hối. Đã thế, vì quy chế tự do chuyển dịch tư bản, cụ thể là tiền có thể chảy từ xứ này qua xứ khác, ta có một rủi ro mới. Đó là thị trường có quyền vay mượn và đầu tư bằng ngoại tệ của xứ khác. Vì vậy, dự trữ ngoại tệ phải có mức tối thiểu nào đó, không tính theo ba tháng nhập khẩu mà tính qua số nợ ngoại quốc sẽ đáo hạn trước mắt, trong đó có công trái của nhà nước và nợ của tư doanh. Ngược lại, khi đi vay thì cũng phải tính xem có khả năng trả nợ bằng xuất khẩu hay không. Sở dĩ như vậy vì, thí dụ như khi thấy lãi suất tại Mỹ quá rẻ, người ta vay tiền trên thị trường Mỹ đem về cho vay lại ở nhà với phân lời cao hơn, hoặc đầu tư để kiếm lợi nhiều hơn, và có khi lại thổi lên bong bóng. Khi đó, các nước phải có sẵn dự trữ đủ cao để phòng xa bóng bể, chủ nợ rút vốn đem về hoặc đem qua thị trường khác có lời hơn.

- Thế rồi vì muốn giữ giá đồng Bath cho cao - cao hơn tỷ giá tự nhiên của thị trường - lại không đủ dự trữ cho lượng giao dịch quá lớn, tháng Bảy năm 1997, Thái Lan phải thả nổi, tức là bứt neo và phá giá đồng Bath, và bị biến động hối đoái khiến Đông Á bị khủng hoảng năm 1997-1998 rồi bị suy trầm nặng. Đấy là biến cố lịch sử làm thay đổi chức năng của dự trữ ngoại tệ.

các nước phải có sẵn dự trữ đủ cao để phòng xa bóng bể, chủ nợ rút vốn đem về hoặc đem qua thị trường khác có lời hơn.

Dự trữ ngoại tệ  còn là một kho đầu tư

Việt Long: Nghe đến đây thì tôi giật mình nghĩ tới trường hợp Việt Nam ngày nay với tỷ lệ vay nợ ngoại quốc quá cao và dự trữ ngoại tệ quá thấp.

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Chúng ta sẽ trở lại chuyện đáng ngại ở Việt Nam trong phần cuối. Chỉ xin nhắc lại chuyện xưa là khủng hoảng ngoại hối tại Thái đã lan khắp nơi, gây chấn động mạnh tại các nước mắc nợ ngoại quốc nhiều nhất, rồi dội qua xứ Brazil và Liên bang Nga rồi từ Nga chạy ngược về Hoa Kỳ làm một tổ hợp đầu tư đối xung, hay hedge fund của Mỹ bị vỡ nợ năm 1998. Trước cơn chấn động ấy, các quốc gia lâm nạn, kể cả Nhật, đều rút tỉa bài học là phải coi chừng sức bùng phá của thị trường hay các nghiệp vụ đầu cơ và nhất là đừng dại dột ấn định trị giá nội tệ quá cao nếu không có một lượng dự trữ ngoại tệ đủ dày.

- Từ kinh nghiệm Đông Á đó, đa số các nước thay đổi chiến lược vĩ mô. Đó là ấn định hối suất thấp để xuất khẩu bằng mọi giá và gom tiền về lập một khối dự trữ ngoại tệ rất lớn. Ngày nay, tổng số dự trữ ngoại tệ trên thế giới, nếu tính bằng Mỹ kim, đã lên hơn gấp đôi so với ba bốn năm trước. Đứng đầu là Trung Quốc với 2.300 tỷ đô la, sau là Nhật với 1.050 tỷ, khối Euro có 760 tỷ, Liên bang Nga 400 tỷ, xứ Saudi Arabia có 395 tỷ, Đài Loan 350 tỷ, Ấn Độ gần 300 tỷ, Nam Hàn 270 tỷ và Brazil chừng 230 tỷ, đây là các con số tính đến tháng Chín vừa qua.

Việt Long: Khi các nước ghim nhiều tiền như vậy thì đâu có phải là để trang trải yêu cầu về nhập khẩu hoặc những biến động ngoại hối do đầu tư hay vay mượn về tài chính nữa?

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Thưa vâng và nếu kể thêm quỹ đầu tư quốc doanh của các chính quyền đem đầu tư kiếm lời trên các thị trường tài chính quốc tế thì khả năng dự trữ ngoại tệ còn lớn hơn gấp bội. Khi ấy, và đây là chức năng mới, khối dự trữ ngoại tệ là một kho đầu tư có khả năng đối phó được với các làn sóng đầu cơ trong ngắn hạn để nhắm vào mối lợi dài hạn.

- Khi tích lũy khối dự trữ ngoại tệ lớn lao như vậy trong mục đích đầu tư thì các quốc gia đều tự hỏi là đầu tư vào đâu là có lời nhất và an toàn nhất? Từ câu hỏi ấy, người ta mới nghĩ tiếp về cơ cấu và tỷ phần của khối dự trữ này. Chẳng hạn như giữ bao nhiêu phần trăm dưới dạng vàng, quý kim, bao nhiêu dưới dạng ngoại tệ, mà là ngoại tệ nào... Và dưới dạng tài sản của nước khác như vậy thì bao nhiêu là cổ phiếu, bao nhiêu là trái phiếu hay công khố phiếu?

Khi ấy, và đây là chức năng mới, khối dự trữ ngoại tệ là một kho đầu tư có khả năng đối phó được với các làn sóng đầu cơ trong ngắn hạn để nhắm vào mối lợi dài hạn.

- Câu hỏi ấy mới quyết định về tương lai của đồng Mỹ kim, tương lai ấy cũng tùy vào mức lưu hoạt và độ an toàn của việc đầu tư tài chính trên thị trường Hoa Kỳ. Và có lẽ là câu trả lời của các nước trong năm qua có góp phần làm Mỹ kim sụt giá vì các nước đã bán Mỹ kim để đa dạng hoá các diện đầu tư thay vì chỉ giữ tài sản bằng đô la Mỹ. Ngược lại, vì chiều dày và chiều rộng, từ phẩm đến lượng, thị trường tài chính Mỹ vẫn là thị trường an toàn nhất với triển vọng có lợi sẽ khả quan hơn, cho nên các nước vẫn còn phải giữ rất nhiều đô la để đầu tư vào đây. Cho nên, bảo rằng phải thay thế Mỹ kim bằng một ngoại tệ khác là người ta đã lầm nhân với quả.

Việt Long: Bây giờ ta trở lại chuyện Việt Nam với mối nguy hối đoái hiện nay. Theo như ông trình bày thì các nước đã thay đổi nhanh và mạnh trong 10 năm qua, mà Việt Nam thì mới chỉ đi tới trình độ dự trữ ngoại tệ làm kho an toàn về ngoại thương mà có lẽ chưa an toàn lắm.

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Việt Nam bị bội chi ngân sách, tức là chi nhiều hơn thu, bằng với tám tỷ đô la; bị nhập siêu, tức là nhập nhiều hơn xuất khẩu, chừng 12 tỷ đô la trong khi đầu tư nước ngoài và tiền bạc của người Việt ở ngoài gửi về đều sút giảm mạnh. Trong khi ấy, ngoại trái tức là tiền vay ngoại quốc của Việt Nam cũng lại tăng và đã lên tới 40% tổng sản lượng GDP, chưa nguy ngập mà cũng là đáng ngại. Vì vậy, dự trữ ngoại tệ bị hao hụt mất 30% và nay chỉ còn chừng 16 tỷ Mỹ kim, chưa đủ cho ba tháng nhập khẩu. Nếu kể về khả năng dự trữ ngoại tệ so với các nước khác như vừa nói thì Việt Nam đội sổ và khó tránh được khủng hoảng về ngoại hối, là điều mà giới đầu tư nước ngoài đã báo động, gần nhất là lượng định của tập đoàn đầu tư Nomura hôm mùng tám tuần trước. Điều đáng chú ý là trong khi ấy, không thiếu gì người Việt có chức có tiền vẫn đem tiền ra ngoài và tình hình ở nhà càng nguy ngập thì lượng đầu tư ra ngoài như vậy lại càng nhiều. Nhìn về kinh tế thì đấy là một hình thái tẩu tán tư bản khiến tôi ngậm ngùi nghĩ tới trường hợp của Việt Nam Cộng Hoà thời trước.

Việt Long: Chúng tôi biết là trước 1975, ông đã là Phụ tá Tổng trưởng Tài chính, khi ấy ông thấy việc quản lý ngoại tệ của miền Nam ra sao?

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Thời ấy dân số miền Nam có khoảng 24 triệu, và chẳng có cộng đồng hải ngoại gửi tiền về tiếp tế. Thời ấy, Việt Nam vẫn đang có chiến tranh nên sản xuất bị thu hẹp, chưa thể xuất cảng gạo lại chưa có dầu hỏa. Và mấy năm 1973-1974 còn bị cơn chấn động dầu khí và bị Hoa Kỳ cắt giảm viện trợ. Nhưng miền Nam vẫn giữ đủ 16 tấn vàng, tương đương với chừng 120 triệu Mỹ kim và còn dự trữ ngoại tệ đầu tư ở ngoài trị giá hơn 170 triệu, tổng cộng là gần 300 triệu. So với yêu cầu nhập khẩu thì vẫn là cao. Và dù có đầy biến động ta không thấy có nạn lãnh đạo tẩu tán tài sản như một số báo chí đã xuyên tạc, cho nên chế độ mới đã lấy đủ số vàng này đem đi đâu mất, rồi còn gây ra khủng hoảng kinh tế. Sau này còn đòi lại dự trữ ngoại tệ của chính quyền cũ đầu tư ở bên Mỹ, tính cả vốn lẫn lãi kép thì cũng là mấy trăm triệu. Tôi thấy ngậm ngùi là vì cái cảnh phú quý giật lùi như vậy.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.

Nhận xét

Anonymous
20/12/2009 12:59

Em là một sinh viên kinh tế đang theo học ở Sài Gòn. Em thấy chuyên mục Diễn đàn kinh tế rất hay, hữu ích đối với em. Hàng tuần, em đều trông đợi để lắng nghe chương trình. Em xin cảm quý đài và chuyên gia Nguyễn Xuân Nghĩa. Chúc mọi người khỏe mạnh và hạnh phúc!