Một Năm 2009 Ảm Đạm

Đến những ngày cuối của năm 2008 đầy sóng gió, mọi người đều có thể thấy ra viễn ảnh u ám của năm 2009 sắp tới đây. Điễn đàn Kinh tế cùng tìm hiểu về viễn ảnh đó qua phần trao đổi với nhà tư vấn kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa do Việt Long thực hiện sau đây.
Việt Long, phóng viên RFA
2008.12.24
2009: Kinh tế thế giới sẽ đi về đâu 2009: Kinh tế thế giới sẽ đi về đâu
iStock photo

Kinh tế thế giới năm 2009 nhuộm đầy màu sắc ảm đạm

Hỏi:  Trong hai ngày đầu tuần, mà cũng là tuần cuối của năm 2008, chúng ta đã biết thêm hàng loạt thống kê kinh tế đầy ảm đạm. Kinh tế Mỹ thật sự suy trầm với tỷ lệ co cụm của quý ba suy ra toàn năm là 0,50% và tình hình của quý bốn sẽ còn tệ hơn quý ba.

Trong khi ấy, kinh tế Nhật cũng bị suy trầm, với tốc độ tăng trưởng dự đoán là không phần trăm, một trường hợp tệ nhất của xứ này kể từ 1998 đến nay. Tại châu Âu, các đầu máy kinh tế mạnh cũng chính thức bị suy trầm, như tình hình của Đức hay của Anh.

- Chúng ta có thể phải chờ đợi một năm 2009 đầy màu sắc ảm đạm về kinh tế, với hậu quả đầy bất ổn về xã hội và chính trị cho nhiều quốc gia, trong đó tất nhiên là có Việt Nam.

Tư vấn kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa

Tuần qua, Trung Quốc đã hạ lãi suất, lần thứ năm trong vòng bốn tháng, và nguy cơ giảm phát đã tái xuất hiện cùng với động loạn xã hội. Trong hoàn cảnh đặc biệt mà ngần ấy đầu máy kinh tế Mỹ, Nhật Bản, châu Âu hay Trung Quốc đều bị khựng, tình hình năm 2009 tất nhiên sẽ khó xán lạn. Chúng ta có thể chờ đợi những gì, đặc biệt là cho hoàn cảnh của các nước Đông Á trong đó có Việt Nam?

- Chúng ta có thể phải chờ đợi một năm 2009 đầy màu sắc ảm đạm về kinh tế, với hậu quả đầy bất ổn về xã hội và chính trị cho nhiều quốc gia, trong đó tất nhiên là có Việt Nam. Mình có thể duyệt lại tình hình chung của thế giới, sau đó tập trung vào hoàn cảnh Đông Á và Việt Nam.

Hỏi: Nói chung về tình hình thế giới, nạn suy trầm đồng loạt này có thể dẫn tới một trận Tổng khủng hoảng như đã từng thấy sau các năm 1929-1933 hay không?

- Cho đến nay, ở ngoài khu vực chính trị vì những lý do riêng của các chính khách, giới nghiên cứu kinh tế trên thế giới đều đồng ý là tình hình có thể là rất nghiêm trọng nhưng sẽ không là tái diễn của vụ Tổng khủng hoảng. Mức độ sa sút về sản xuất, lợi tức và nhân dụng có thể là điều chưa thấy từ vài chục năm nay.

Nhưng, những hiểu biết về nguyên nhân và hậu quả của trận Tổng khủng hoảng và hàng loạt biện pháp đối phó ồ ạt về lượng và tinh vi hơn về phẩm của các nước có thể giúp thế giới tránh được Tổng khủng hoảng. Trong ngần ấy khối kinh tế, Hoa Kỳ đã có những kế hoạch kích cầu táo bạo và mãnh liệt nhất nên hy vọng sẽ hồi phục sớm nhất, kể từ quý hai năm tới trở đi.

Trong ngần ấy khối kinh tế, Hoa Kỳ đã có những kế hoạch kích cầu táo bạo và mãnh liệt nhất nên hy vọng sẽ hồi phục sớm nhất, kể từ quý hai năm tới trở đi.

Tư vấn kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa

Nhưng tình hình của các khối kinh tế kia, như Âu Châu, Nhật Bản hay Trung Quốc sẽ chưa được như vậy. Vì thế, Hoa Kỳ có thể đụng đáy và bật dậy, nhưng vẫn chưa thể đạt tốc độ tăng trưởng khả quan như sau các đợt suy trầm trước.

- Một hậu quả thứ hai mà mình cũng nên nhắc tới là vụ khủng hoảng tài chánh đi cùng nạn suy trầm kinh tế tại các nước đang phát triển cũng gián tiếp giải quyết một thất quân bình quan trọng của cơ cấu kinh tế toàn cầu trong đó có vị trí của Hoa Kỳ.

Nói chung, Mỹ bị nhập siêu về mậu dịch, là nhập nhiều hơn xuất khẩu, và bội chi ngân sách quá nặng vì chi nhiều hơn thu, trong khi nhiều nước Đông Á lại đạt thặng dư mậu dịch và trở thành nguồn tài trợ cho kinh tế Hoa Kỳ. Bây giờ, sau vụ khủng hoảng thì nhập siêu của Mỹ đã và sẽ còn giảm mạnh vào năm tới và thương phẩm sụt giá cũng tạo ra một mối lợi khác cho cán cân vãng lai của Mỹ.

Nhưng ngược lại, các nước Đông Á xuất khẩu hay bán thương phẩm sẽ bị ảnh hưởng bất lợi của hiện tượng tái lập quân bình ấy.

Hỏi: Có lẽ chúng tôi cần ông giải thích thêm về hiện tượng ông gọi là "tái lập quân bình" này.  Xứ nào có lợi và xứ nào sẽ bị thiệt hại?

- Trước đây, ta có một hiện tượng xin tạm gọi là phân công lao động thiếu lành mạnh là các nước Đông Á thắt lưng buộc bụng xuất khẩu rất rẻ vào các nước công nghiệp và thu được tiền thì lại cho các nước công nghiệp vay.

Ta có một hiện tượng xin tạm gọi là phân công lao động thiếu lành mạnh là các nước Đông Á thắt lưng buộc bụng xuất khẩu rất rẻ vào các nước công nghiệp và thu được tiền thì lại cho các nước công nghiệp vay.

Tư vấn kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa

Bây giờ và trong nhiều năm tới, ta có sự đảo ngược tình hình. Thứ nhất, mức nhập siêu của các nước công nghiệp hoá sẽ giảm, vì họ nhập khẩu ít hơn, trong khi ấy, do suy trầm kinh tế, giá cả nguyên nhiên vật liệu do các nước đang phát triển bán ra ngoài cũng sẽ giảm nên họ bị thiệt hơn và ngược lại, các nước công nghiệp nhập cảng thương phẩm sẽ có lợi hơn.

Sự đảo chiều ấy là một hiện tượng mới và sẽ gây bất lợi đáng kể cho các nước nghèo. Việt Nam cần chú ý đến hiện tượng ấy khi phải cân nhắc về ngân sách và nguồn thu ngoại tệ nhờ xuất khẩu dầu thô.

Khu vực Đông Á cũng sẽ bị chấn động trong năm 2009

Hỏi: Thưa ông, trở lại khu vực Đông Á thì ngoài Nhật Bản, ta còn một đầu máy kinh tế khác là Trung Quốc. Chúng ta biết Trung Quốc đã vừa hạ lãi suất ngân hàng, lần thứ năm nội trong có bốn tháng. Tình hình kinh tế năm tới của Trung Quốc sẽ ra sao?

- Hôm 22 vừa qua, Trung Quốc đã hạ thêm 27 điểm, tức là 0,27% cả lãi suất huy động ký thác lẫn lãi suất cho vay ngắn hạn dưới một năm. Đây là lần thứ năm trong bốn tháng mà Bắc Kinh cắt lãi suất để kích cầu, nhưng thị trường vẫn đánh giá là tỷ lệ ấy vẫn còn quá thấp nên người ta dự trù là lãi suất sẽ còn hạ nữa. Thứ hai, biện pháp tiền tệ ấy được đưa ra sau khi Thủ tướng Ôn Gia Bảo thông báo tháng trước kế hoạch kích cầu trị giá bốn ngàn tỷ Nhân dân tệ, tương đương với gần 600 tỷ Mỹ kim.

Chúng ta không quên rằng thị trường chứng khoán Trung Quốc, tại cả Thượng Hải lẫn Thẩm Quyến, đã tuột giá nặng và suy trầm càng dễ xảy ra sau một vụ tuột giá như vậy vì hiệu ứng phồn thịnh ngược vì người ta thấy nghèo đi thì sẽ bớt đầu tư và tiêu thụ.

Chúng ta không quên rằng thị trường chứng khoán Trung Quốc, tại cả Thượng Hải lẫn Thẩm Quyến, đã tuột giá nặng và suy trầm càng dễ xảy ra sau một vụ tuột giá như vậy vì hiệu ứng phồn thịnh ngược
Tư vấn kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa

- Biến cố kế tiếp sẽ là sự sụp đổ của thị trường gia cư địa ốc mà diễn đàn này đã nói tới từ nhiều tháng nay. Trái bóng địa ốc tại Hoa lục đang bị vỡ và nếu đầu tư vào bất động sản mà sút giảm chứng 30% như người ta dự đoán thì số tiền 600 tỷ định bơm vào kinh tế trong mấy năm tới sẽ không đủ bù đắp. Chưa kể là kế hoạch kích cầu còn dẫn đến phản tác dụng là gây thêm gánh nặng tài chính cho hệ thống ngân hàng non yếu của họ.

Hỏi: Nói cách khác thì ngoài Hoa Kỳ, Nhật Bản và châu Âu, Trung Quốc cũng sẽ bị suy trầm vào năm tới?

- Giới nghiên cứu quốc tế cho rằng tình hình kinh tế Trung Quốc sẽ còn suy sụp hơn nữa trong năm 2009 và nếu có đạt tốc độ tăng trưởng chừng 5% là đã lạc quan. Chuyện tăng trưởng có 5% ấy rất đáng chú ý vì chúng ta đều biết về đặc tính "kinh tế xe đạp" của xứ này: nếu tốc độ tăng trưởng mà xuống tới 7% thì thất nghiệp và động loạn sẽ bùng nổ.

Hỏi:  Chắc là giới lãnh đạo ở Bắc Kinh phải biết điều đó chứ? 

Chủ tịch Hồ Cẩm Đào có lẽ hiểu ra chuyện ấy hơn ai hết, khi mà ông thăm viếng Quân khu Thẩm Dương tại tỉnh Liêu Ninh ở miền Đông Bắc và động viên quân đội là phải chuẩn bị cho một hình thái chiến tranh mới là nội loạn.

Những vụ biểu tình bạo động của dân chúng thất nghiệp đã lan rộng và dù Bắc Kinh có kiểm soát thông tin để thế giới khỏi biết về những chuyện đó thì sự thật vẫn bung ra ngoài.

Tư vấn kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa

Những vụ biểu tình bạo động của dân chúng thất nghiệp đã lan rộng và dù Bắc Kinh có kiểm soát thông tin để thế giới khỏi biết về những chuyện đó thì sự thật vẫn bung ra ngoài. Có lẽ lãnh đạo Việt Nam cũng e sợ như thế nên hôm qua, Thứ Ba, Thủ tướng của Hà Nội đã cảnh báo nguy cơ động loạn xã hội và ra lệnh cho lực lượng cảnh sát phải ứng chiến.

Hỏi: Thưa ông, trong nhiều năm liền và nhất là sau vụ khủng hoảng kinh tế hồi 1997-1998, người ta tưởng rằng các nước Đông Á đã rút tỉa kinh nghiệm để cải tổ cơ chế và tự chuẩn bị cho những tình huống bất lợi trên các thị trường quốc tế. Vì sao lần này khu vực Đông Á vẫn bị trôi vào vòng xoáy suy trầm của kinh tế thế giới?

- Cách đây sáu tháng, người ta còn hy vọng rằng Đông Á sẽ thoát khỏi sự suy sụp kinh tế vì có thể duy trì được một đà tăng trưởng khả quan riêng trong khu vực.

Một số người còn tin là nhờ bài học của vụ khủng hoảng ngoại hội 10 năm về trước, các nước Đông Á đã tích lũy được một dự trữ ngoại tệ dồi dào khả dĩ tránh được khủng hoảng và còn lạc quan cho là Đông Á dư tiền chuộc nợ cho các cơ sở tài chính và ngân hàng của Hoa Kỳ hay Âu Châu. Bây giờ ta thấy sự  thể không xảy ra như vậy, các nước tân hưng hoặc mới phát triển của Đông Á sẽ bị chấn động nặng trong suốt năm tới.

Hỏi: Nhưng chẳng lẽ người ta không học được gì từ quá khứ hay sao? Nguyên do nào khiến Đông Á lại bị lây họa như vậy sau khi đã gặp vụ khủng hoảng 10 năm về trước? Và điều quan trọng là liệu Việt Nam có thoát khỏi những biến động sắp tới hay không?

- Đầu tiên, và có lẽ ngoại trừ trường hợp Thái Lan, các nước Đông Á bị khủng hoảng thật ra vẫn theo đuổi chiến lược cũ là giàng đầu máy kinh tế vào việc xuất khẩu nên vẫn còn quá lệ thuộc vào các thị trường ngoại thương và kinh tế bị sa sút khi các thị trường này sụp đổ.

Thứ hai, sau khi đã quá lạc quan với việc thị trường thương phẩm tăng giá, nạn thương phẩm sụt giá và tụt mạnh trong có mấy tháng vừa qua là tai họa mới cho các nước xuất khẩu. Thương phẩm là nguyên nhiên vật liệu, khoáng sản hay ngũ cốc.

Hai nước sẽ bị nặng nhất chính là Mã Lai Á tức là Malaysia và Việt Nam, là hai xứ xuất khẩu dầu thô nhiều nhất của Đông Nam Á và có thể còn bị nặng hơn vì dầu thô sẽ còn tuột giá nữa chứ không thể tăng

Tư vấn kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa

Hai nước sẽ bị nặng nhất chính là Mã Lai Á tức là Malaysia và Việt Nam, là hai xứ xuất khẩu dầu thô nhiều nhất của Đông Nam Á và có thể còn bị nặng hơn vì dầu thô sẽ còn tuột giá nữa chứ không thể tăng về mức quá cao như đã thấy năm nay. Điều này, chúng ta cũng đã nhắc tới trong chương trình kỳ trước.

- Nguyên do thứ ba, cũng từ chiến lược Đông Á, nhiều nước trong khu vực quá lệ thuộc vào nguồn đầu tư nước ngoài, là trường hợp của Việt Nam, và cả Trung Quốc. Nguồn đầu tư ấy nay đã cạn kiệt nên sẽ càng đánh sụt sản xuất cho năm tới.

Thứ tư, do cơ chế kinh tế thiếu quân bình mà đầy tham nhũng, lại không tạo cơ hội đầu tư cho thị trường nội địa, khi tình hình suy sụp như ta sẽ thấy vào năm tới, nạn tẩu tán tư bản, nôm ra là rút tiền chạy ra ngoài, sẽ càng xảy ra mạnh hơn và càng dễ gây ra khủng hoảng về ngoại hối.

Sau cùng, trong khi thế giới đang lo sợ hiện tượng giảm phát, là khi hàng họ mất giá mà bán không chạy và thất nghiệp sẽ tăng, một số quốc gia vẫn chưa ra khỏi nguy cơ lạm phát, là trường hợp của Việt Nam, do chế độ quản lý vĩ mô quá yếu kém bên trong.

- Tổng kết ở đây là lãnh đạo Việt Nam đừng nghĩ đến bạo lực đàn áp nội loạn mà cấp tốc nghĩ đến những biện pháp cấp cứu các thành phần cùng khốn trong xã hội, nhất là ở thôn quê, khi mà thành thị hết là trung tâm thu hút đầu tư hay tạo ra việc làm để làm gia công phục vụ thị trường quốc tế.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.