Thị trường Chao đảo


2007.08.14

Nguyễn Xuân Nghĩa - Nguyễn Khanh, RFA

Tuần qua, giao động trên thị trường gia cư Hoa Kỳ đã châm ngòi cho hàng loạt các vụ bán tháo trên mọi thị trường tài chính thế giới khiến các ngân hàng trung ương từ Âu sang Úc, qua Á về tới Mỹ đều bơm hiện kim vào thị trường tiền tệ, là điều chưa hề có kể từ vụ khủng bố tại Mỹ vào năm 2001.

HouseEconomic150.jpg
Giao động trên thị trường gia cư Hoa Kỳ đã châm ngòi cho hàng loạt các vụ bán tháo trên mọi thị trường tài chính thế giới khiến các ngân hàng trung ương từ Âu sang Úc. AFP PHOTO

Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu nguyên nhân và hậu quả của tình trạng chao đảo đáng ngại trên, qua phần trao đổi sau đây cùng kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa do Nguyễn Khanh thực hiện hầu quý thính giả.

Nguyễn Khanh: Thưa ông Nguyễn Xuân Nghĩa, xuất phát từ Hoa Kỳ, biến động của các thị trường tài chính thế giới vào tuần qua khiến nhiều người lo rằng một cuộc khủng hoảng có thể bùng nổ. Chúng tôi xin đề nghị là tuần này, chúng ta sẽ trao đổi về vấn đề ấy và xin đi ngay vào đề tài với câu hỏi trước tiên: vì sao lại có một cơn chấn động như vậy?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Như mọi khi, tôi xin được phép nói về cái "nhân" rồi cái "duyên" của vụ biến động, đặt trong bối cảnh giao dịch toàn cầu của các thị trường. Thật ra, vụ khủng hoảng mà dư luận thế giới vẫn nói là từ thị trường gia cư Hoa Kỳ chỉ là cái duyên, nhưng nó châm ngòi cho sự chao đảo đã có cái nhân sâu xa hơn trong luồng trao đổi tài chính toàn cầu.

Nguyên nhân

Nguyễn Khanh: Chúng tôi xin đề nghị là lần này ta sẽ đảo ngược thứ tự và nói về cái duyên trước. Vì sao lại có khủng hoảng trên thị trường gia cư Hoa Kỳ, khiến các thị trường kia sụp đổ?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Đầu tiên, cái nhân là hiện tượng tiền rẻ đã thổi lên trái bóng đầu tư trên thị trường gia cư Hoa Kỳ. Trái bóng nổi lên từ năm 2001 và lên tới cao điểm cuối năm 2005 thì có lúc phải đình đọng.

Đầu tiên, cái nhân là hiện tượng tiền rẻ đã thổi lên trái bóng đầu tư trên thị trường gia cư Hoa Kỳ. Trái bóng nổi lên từ năm 2001 và lên tới cao điểm cuối năm 2005 thì có lúc phải đình đọng. Câu chuyện thành nguy hiểm là vào thời thịnh đạt của thị trường gia cư - khi nhà bán chạy và giá nhà tăng đều - các công ty tài trợ vét tới loại khách ít khả năng trả nợ, vì tin là giá nhà còn tăng nên tài sản của khách nợ cũng tăng, giúp họ vẫn thu được nợ.

Câu chuyện lại thành nguy hiểm là vào thời thịnh đạt của thị trường gia cư - là khi nhà bán chạy và giá nhà tăng đều - các công ty tài trợ vét tới loại khách ít khả năng trả nợ, vì tin rằng giá nhà còn tăng nên tài sản của khách nợ cũng tăng, giúp họ vẫn thu được nợ.

Xin nói thêm là đại loại, ta phân biệt ba thành phần khách nợ. Lớn nhất là loại có lợi tức để đi vay theo lãi suất bình thường của thị trường. Loại thứ hai, có thể gọi là "thứ cấp" là hơi có rủi ro, nên phải trả lãi suất cao hơn lãi suất thị trường, thuật ngữ tín dụng gia cư gọi là "Alternative-A", là dưới hạng A, hay A trừ.

Loại thứ ba là những người có lý lịch tín dụng kém, mức khả tín thấp, bị rủi ro mất nợ cao. Các công ty tài trợ mời cả loại khách nợ ấy với thể thức hấp dẫn, là loại tín dụng gọi là "sub-prime", mà ta có thể gọi là "thứ thứ cấp", loại có rủi ro nhất.

Nguyễn Khanh: Và vừa qua, khủng hoảng bùng nổ vì loại khách nợ hạng ba này phải không?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Thưa vâng, một số khách nợ hạng ba là "thứ thứ cấp" này không trả được nợ và nỗi hốt hoảng vì mất nợ mới lây lên loại khách nợ hạng nhì, loại A trừ.

Thật ra vấn đề ấy không lớn và chẳng thể gây họa đến cả kinh tế Mỹ hay thế giới như dư luận báo động, nhưng khủng hoảng sở dĩ bùng nổ vì toàn bộ cấu trúc tín dụng và đầu tư của các thị trường, từ Hoa Kỳ qua các xứ khác.

Nói vậy, nhiều người có lẽ ngạc nhiên hay phật ý, chứ tôi thiển nghĩ rằng chuyện sub-prime trên thị trường gia cư chỉ là cái duyên, không là cái nhân.

Hiện tượng tiền rẻ

Nguyễn Khanh: Bây giờ, ta sẽ nói về cái nhân đó. Theo như ông vừa trình bày, nguyên nhân là hiện tượng tiền rẻ?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Ta không quên các biến động lớn trong quá khứ là vụ khủng hoảng Đông Á 10 năm trước, kế tiếp là vụ bể bóng đầu tư cổ phiếu tại Mỹ năm 2000, khiến kinh tế Hoa Kỳ bị suy trầm nhẹ năm 2001.

Mùa Thu năm đó, Hoa Kỳ lại bị vụ khủng bố ta gọi tắt là 9-11, ngày 11 tháng Chín 2001. Đến cuối năm 2001 là vụ hàng loạt doanh nghiệp bất lương bị phá sản tại Hoa Kỳ, giữa cuộc chiến chống khủng bố, khởi đầu vào tháng 10 tại Afghanistan, kéo dài tới chiến dịch Iraq năm 2003 khiến giá xăng dầu tăng vọt.

Các biến động ấy xảy ra khi kinh tế Nhật Bản chưa ra khỏi suy thoái từ vụ bể bóng đầu tư sau năm 1990 và bị nạn "giảm phát", là hàng bán rẻ mà vẫn không chạy. Nỗi lo giảm phát vì loạt biến động kể trên khiến hệ thống ngân hàng trung ương Mỹ liên tục hạ lãi suất liên ngân hàng, là tiền lời ngắn hạn các ngân hàng tính cho nhau khi cần hiện kim tiền mặt, là lãi suất cơ bản điều tiết khối tiền tệ bơm vào kinh tế.

Từ 2001 đến tháng Sáu 2003, lãi suất ngắn hạn tại Mỹ đã được giảm từ 6% xuống 1%, khi lạm phát cũng chỉ mấp mé 1%. Tức là gần như cho vay không tính lời, và tình trạng ấy kéo dài suốt một năm.

Nói tóm lại, vì tình hình kinh tế kém sáng sủa mà rủi ro an ninh lại quá lớn, Hoa Kỳ ồ ạt bơm tiền vào kinh tế để kích cầu, kích thích tiêu thụ. Đây là cái nhân đầu tiên của sự kiện gọi là "tiền rẻ" khiến người Mỹ tiêu xài và vay tiền mà không cần tính toán.

Nguyễn Khanh: Ông nói "nguyên nhân đầu tiên" với hàm ý là còn nguyên nhân khác nữa hay sao?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Thưa vâng, nguyên nhân thứ hai là hậu quả của khủng hoảng Đông Á. Khủng hoảng nổ ra từ Thái Lan vì biến động ngoại hối khiến dự trữ ngoại tệ các xứ Đông Á bị bào mỏng và dẫn tới phản ứng tích trữ ngoại tệ. Các nước Đông Á thắt lưng buộc bụng xuất khẩu tối đa và có khối dự trữ ngoại tệ thật lớn để bảo đảm trị giá đồng bạc.

Khi có quá nhiều ngoại tệ, Đông Á bèn đầu tư kiếm lời với mức an toàn cao. Giải pháp hấp dẫn là đầu tư ngược vào Hoa Kỳ bằng cách mua công khố phiếu hay trái phiếu Mỹ.

Ngoài ra còn phải kể thêm nạn tẩu tán tài sản ra khỏi mấy nước độc tài và tham nhũng tại Đông Á. Nguồn tư bản Á châu dồi dào chảy vào Mỹ càng khiến lãi suất dài hạn tại Mỹ không tăng, bồi thêm vào yếu tố tiền rẻ chúng ta đã nói.

Thế rồi từ tháng Sáu năm 2004, khi kinh tế Mỹ tăng trưởng mạnh, ngân hàng trung ương Mỹ e sợ lạm phát và liên tục nâng lãi suất ngắn hạn, từ 1% lên tới 5,25% vào năm ngoái. Tiền hết rẻ mà bong bóng gia cư vẫn tiếp tục căng phồng. Loại tín dụng rủi ro sub-prime từ 160 tỷ năm 2001 đã lên tới 600 tỷ trong hai năm qua chính là vì hai lý do ấy.

Về Hoa Kỳ, ta cần nhìn theo lối tương đối. Lực lượng lao động gồm 146 triệu người Mỹ có thể đang là khách nợ của chừng 44 triệu hồ sơ tín dụng gia cư. Trong số này, chỉ 14% là loại sub-prime. Số khách nợ không trả được nợ và nhà bị tịch biên hiện là 254 ngàn, dù có tăng so với 220.000 năm ngoái cũng chỉ bằng gần 0,6% của số hồ sơ tín dụng gia cư.

Khủng hoảng thị trường sub-prime

Nguyễn Khanh: Bây giờ, ta thấy rõ toàn cảnh và khối tín dụng rủi ro là 600 tỷ này tại Mỹ. Nhưng nếu Mỹ có mất 600 tỷ thì tại sao các thị trường tài chính Âu Á lại cùng bị chao đảo nặng trong mấy tuần qua?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Về Hoa Kỳ, ta cần nhìn theo lối tương đối. Lực lượng lao động gồm 146 triệu người Mỹ có thể đang là khách nợ của chừng 44 triệu hồ sơ tín dụng gia cư. Trong số này, chỉ 14% là loại sub-prime. Số khách nợ không trả được nợ và nhà bị tịch biên hiện là 254 ngàn, dù có tăng so với 220.000 năm ngoái cũng chỉ bằng gần 0,6% của số hồ sơ tín dụng gia cư mà thôi.

Đã thế, vì là khách nợ nghèo, ngôi nhà họ vay tiền để mua cũng trị giá thấp so với tài sản gia cư của các thành phần khác trong xã hội. Hiện nay, tài sản thuần của các hộ gia đình Mỹ trị giá chừng 53 ngàn tỷ Mỹ kim, cho nên vụ mất nợ loại sub-prime này thật ra chỉ bằng một phần ngàn của tài sản dân Mỹ thôi, nếu như 600 tỷ này bị mất sạch.

Hai chục năm trước, vụ các quỹ tiết kiệm và tín dụng Savings and Loan bị phá sản làm Mỹ mất 400 tỷ đô la, theo thời giá thì còn lớn hơn 600 tỷ này mà có gây khủng hoảng toàn cầu đâu?

Nguyễn Khanh: Ông vừa nói là hai chục năm trước Mỹ đã mất 400 tỷ so ra thì còn lớn hơn 600 tỷ ngày nay, thế thì tại sao vụ khủng hoảng thị trường sub-prime lại làm chấn động thế giới?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Ta vừa nói đến hai nguyên nhân khiến tiền rẻ và nhiều, bây giờ mới nêu ra nguyên nhân thứ ba, là nhược điểm trong hệ thống kinh doanh tài chính toàn cầu, bắt đầu từ Mỹ.

Khi tiền nhiều và rẻ, người ta dễ vay mượn để đầu tư. Các khoản tín dụng hay giấy nợ ấy cũng là hàng hoá có thể mua bán để kiếm lời y như cổ phiếu, gọi chungt là chứng phiếu, gồm cả trái phiếu là giấy nợ và chứng khoán là cổ phiếu. Các công ty mua bán trọn gói loại tài sản ấy, bên trong lẫn lộn xấu tốt, tức là có cả loại nợ sub-prime có thể bị mất. Đây là nhược điểm đáng nói nhất, cái nhân của vụ khủng hoảng đang xảy ra tại Hoa Kỳ.

Nguyễn Khanh: Nhưng đấy là nguyên nhân ở riêng tại Mỹ hay tại các khu vực khác nữa?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Lý do là lầm lẫn của thị trường đầu tư tài chính Mỹ đã được toàn cầu hoá. Doanh nghiệp Âu hay Á cũng có thể mua chứng phiếu Mỹ, rồi dùng làm tài sản đảm bảo để vay tiền đầu tư, thậm chí vay tiền mua lại hay sát nhập các công ty khác.

Do tâm lý lạc quan vì tiền nhiều và rẻ, họ không xét tới nội dung món hàng có cả loại nợ xấu. Rồi các ngân hàng Pháp hay Đức phát giác những lỗ lã bên trong vì loại nợ sub-prime và lật đật xiết lại nguồn tài trợ khiến tín dụng bỗng thành khan hiếm và đắt giá. Trong có vài tuần tình hình bỗng đảo ngược bất ngờ, từ tiền nhiều và rẻ thành tiền ít và đắt hơn!

Nguyễn Khanh: Nhưng, nếu bảo rằng loại tín dụng thứ cấp chỉ là cái "duyên" chứ chưa hẳn là cái "nhân", thì vì sao chuyện ấy lại xảy ra lúc này, mặc dù là mới chỉ tháng trước, các thị trường chứng khoán Mỹ đã vọt lên đỉnh kỷ lục chưa từng thấy?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Trước hết, khi lên tới đỉnh cao, các thị trường đều có thể điều chỉnh, là giảm giá chút đỉnh. Điều ông hỏi liên hệ đến thời điểm hay thời cơ, là đặc tính của cái duyên.

Vào thời sung mãn của thị trường gia cư Mỹ, công ty tài trợ gia cư cố vét khách, kể cả loại rủi ro, bằng cách đề nghị điều kiện cho vay dễ dàng. Cụ thể là với lãi suất thấp sẽ nâng sau, và cho vay mà khỏi cần khách nợ phải có tối thiểu hiện kim để đặt cọc. An toàn thì khách nợ phải có chừng 20% trị giá ngôi nhà, vậy mà họ chỉ 10% cũng đủ, nhờ vay thêm 10% để đặt cọc, và trong mấy năm đầu chỉ trả tiền lời chưa phải trả vốn.

Các công ty tài trợ sở dĩ lạc quan cho vay vì tin rằng giá nhà tăng sẽ giúp khách mua nhà có thể xin tái tài trợ, là dùng tài sản nay đã tăng giá ấy đi vay tiếp để trả lại khoản nợ đã vay trước đó. Và công ty đầu tư tài chính Âu Mỹ cũng lạc quan mua lại giấy nợ của công ty tài trợ địa ốc mà khỏi xét kỹ điều kiện tài trợ hay khả năng hoàn trái của khách nợ loại rủi ro.

Hai năm sau khi thị trường gia cư lên tới đỉnh, tức là bây giờ đây, thì kỳ hạn nâng lãi suất cao hơn đã bắt đầu, mà giá nhà lại không tăng, cứ giảm dần từ năm ngoái. Số khách nợ khốn đốn bắt đầu tăng, số nợ bị mất bắt đầu gây lỗ lã cho công ty tài trợ, đẩy thêm mối lo cho các công ty đầu tư tài chính đã lỡ mua các khoản nợ xấu này trong khối chứng phiếu của họ.

Từ tinh thần hồ hởi sảng ngày xưa, người ta trở thành hốt hoảng bậy, dù rằng khối lượng tín dụng loại sub-prime này không nhiều như chúng ta vừa trình bày.

Hậu quả

Nguyễn Khanh: Xin cảm ơn ông đã phân tích chuyện nhân và duyên của vụ biến động. By giờ ta nói đến hậu quả, theo như dự đoán của riêng ông thì tình hình sẽ ra sao trong tương lai?

Vì hốt hoảng, truyền thông nói đến việc ngân hàng trung ương Mỹ bơm tiền vào thị trường tiền tệ y như, và còn nhiều hơn, sau khi Mỹ bị khủng bố. Thật ra, bình quân thì trong năm ngày từ mùng sáu đến mùng 10 vừa qua, ngân hàng trung ương Mỹ bơm ra có 18 tỷ Mỹ kim một ngày, so với bình quân 62 tỷ trong bốn ngày xảy ra vụ khủng bố 9-11. Đó là kích thước của vấn đề tại Mỹ.

Nguyễn Xuân Nghĩa: Vì sợ mất nợ lây, các doanh nghiệp tài chính đều xiết tín dụng khiến sinh hoạt kinh tế có thể thiếu hiện kim nên các ngân hàng trung ương bơm tiền vào kinh tế bằng cách mua lại giấy nợ. Trong hai ngày mùng chín và 10 họ đẩy ra chừng 340 tỷ Mỹ kim.

Vì hốt hoảng, truyền thông quốc tế nói đến việc ngân hàng trung ương Mỹ bơm tiền vào thị trường tiền tệ y như, và còn nhiều hơn, sau khi Mỹ bị khủng bố. Thật ra, trong sáu ngày từ mùng sáu đến hôm qua Thứ Hai 13, bình quân ngân hàng trung ương Mỹ bơm ra có 15 tỷ Mỹ kim một ngày, so với bình quân 62 tỷ trong bốn ngày xảy ra vụ khủng bố 9-11. Đó là kích thước của vấn đề tại Mỹ.

Chưa kể là mùng bảy tuần trước, trong phiên họp định kỳ của ngân hàng trung ương Mỹ, Ủy ban Tiền tệ FOMC không hạ lãi suất ngắn hạn dưới định mức 5,25% họ duy trì từ năm ngoái. Tức là họ vẫn e lạm phát hơn là biến động tài chính vì vụ sub-prime này.

Tuy nhiên, tôi thiển nghĩ là tình hình sẽ nguy ngập hơn ở ngoài Hoa Kỳ, nhất là tại Âu châu.

Nguyễn Khanh: Vì sao một vụ khủng hoảng vì tài trợ gia cư tại Mỹ lại nguy ngập hơn cho Âu châu?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Vì trái bóng gia cư tại Mỹ bắt đầu xì từ năm ngoái sau khi căng còn chậm và ít hơn trái bóng gia cư chưa xì tại Pháp, Hà Lan, Thụy Điển và nhất là tại Anh, Ireland và xứ Spain xưa kia ta gọi là Tây Ban Nha. Nhiều xứ Âu châu cũng có chương trình tài trợ loại rủi ro ấy để thi hành chính sách sở hữu hoá gia cư.

Do đó Âu châu sẽ còn bị nặng và bị lâu hơn Hoa Kỳ.

Nguyễn Khanh: Câu hỏi cuối, thưa ông, tình hình Á châu thì sao?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Vì các thị trường chứng khoán Âu Mỹ còn chao đảo, lên xuống rất mạnh và khó lường, Á châu sẽ bị họa lây.

Điều đáng nói là các nước Đông Á đều đã và còn đang gặp hiện tượng tiền rẻ ấy khiến họ mới trút tiền hay tẩu tán tư bản vào thị trường Mỹ. Bây giờ họ sẽ chột dạ và đả kích Hoa Kỳ ăn quịt.

Nhưng trong khi các thị trường Âu và Mỹ đang phải uống thuốc xổ để trị bệnh mất vài năm thì tôi trộm nghĩ là giải pháp lâu dài cho Đông Á, kể cả Việt Nam, là nên tìm ra đối tượng đầu tư ngay trong nước, tức là áp dụng chiến lược nâng cao khả năng tiêu thụ và đầu tư nội địa, thay vì chỉ nhìn vào thị trường Mỹ như đầu máy kiếm lời duy nhất.

Nguyễn Khanh: Thay mặt quý thính giả của đài Á châu Tự do, xin cảm tạ ông Nguyễn Xuân Nghĩa.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.