Ngôn từ để phát thanh

Câu chuyện bàn cãi về từ ngữ phát thanh, như quý vị cũng biết, thường diễn ra trong mục Trao đổi thư tín cùng quý thính giả, có lúc vui tươi, cũng có khi quan điểm của các bạn thính giả khá gay gắt. Kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa, phụ trách mục Diễn Đàn kinh tế khá phổ thông, cũng cho biết từng phải suy nghĩ và nghiên cứu khá nhiều về ngôn từ để phát thanh. Chúng tôi trao đổi thêm với ông để tìm hiểu. Những ý kiến của ông không phải là quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.

Hỏi: Thưa ông Nguyễn Xuân Nghĩa. Nhiều thính giả của đài Á châu Tự do đã nêu ra những ý kiến trái ngược về cách sử dụng ngôn ngữ của Ban Việt ngữ. Một bên, thường là thính giả hải ngoại, thì cho là chúng tôi dùng quá nhiều từ ở trong nước, một bên là thính giả trong nước thì cho rằng việc đó hợp lý. Là người phụ trách một mục chuyên đề và phải dùng rất nhiều thuật ngữ chuyên môn về kinh tế, ông có gặp khó khăn đó không, khi chọn chữ để diễn tả ý kiến của mình?

Đáp: Tôi cũng theo dõi sự hồi âm của thính giả, và tôi nghĩ rằng mục Diễn đàn Kinh tế ít gây khó chịu hoặc bị phàn nàn về hiện tượng gọi là "dùng chữ trong nước", nhưng xin rất thông cảm với loại vấn đề này.

Từ nhiều năm nay, tôi hiểu rằng chủ trương của Ban Việt ngữ là dùng từ cho trong sáng dễ hiểu, nghe ra là phải hiểu ngay, vì đài của các bạn chủ yếu truyền thông qua âm thanh, qua tiếng nói. Thứ nữa, vì mục tiêu nguyên thủy của đài Á châu Tự do, là phát thanh cho người dân đang sinh sống tại châu Á, thí dụ như ngay tại Việt Nam, thì cần phải dùng ngôn ngữ mà người trong nước nghe thấy là hiểu liền. Nhất là khi nghe lại bị nhiễu âm, nhiễu xạ. Sau đó, trong một thế giới toàn cầu hóa, nhiều thính giả ở ngoài Việt Nam cũng có thể truy cập và nghe được chương trình của đài, vấn đề ngôn từ mới được một số người nêu lên.

Thiển ý của tôi là tiếng Việt Nam tương đối thống nhất nên những khác biệt gọi là “trong - ngoài” thực ra không nhiều và nếu nghe thì mọi người đều cùng hiểu nội dung như nhau. Tuy nhiên, vì hoàn cảnh lịch sử và chính trị của xứ sở, một số từ phổ biến trong nước có thể gây ấn tượng xa lạ, không vui, thậm chí khó chịu cho một số người ở bên ngoài. Quý vị làm việc trong đài tỏ ra rất thông cảm với phản ứng đó và đã có nhiều cố gắng trả lời qua các mục thư tín để mong được thông cảm lại, theo tinh thần là nội dung phát thanh quan trọng hơn là cách dùng chữ.

Hỏi: Về phần ông, ông giải quyết vấn đề này ra sao?

Đáp: Trong phạm vi của Diễn đàn Kinh tế, như đã trình bày với ban Việt ngữ ngay từ đầu, tôi đã cố gắng ngay trong cùng một mạch văn trình bày cả hai cách nói khác nhau. Lý do chọn lựa ở đây có thể kể ra rất nhiều.

Thứ nhất, trong địa hạt kinh tế, Việt Nam gặp nhiều hiện tượng trước đây không hề có trong nền kinh tế tập trung kế hoạch và vì vậy, những người làm việc chuyên môn ở trong nước phải đi tìm từ ngữ để diễn tả, và thường dùng sai, với một tỷ lệ rất cao. Tôi đã tham khảo nhiều từ điển về thuật ngữ kinh tế tài chính trong nước lẫn các báo cáo được phiên dịch từ ngoại ngữ qua Việt ngữ nên có thể thấy được như vậy. Tôi trộm nghĩ rằng đó là hiện tượng bình thường thôi như ở rất nhiều xứ khác.

Nhưng, hơn 10 năm sau, các từ sai đó vẫn thành phổ biến, nếu ta dùng thì duy trì sự sai lạc đó, nhưng nếu lại dùng nhiều từ chính xác hơn và có khi đã thành phổ biến ở trong Nam ngày xưa, ta không giúp được gì cho thính giả trong nước. Một thí dụ ai cũng thấy là từ “hải quan”. Phi cảng Tân Sơn Nhất là một cửa khẩu chả dính dáng gì đến hải cảng hết. Đó là lý do vì sao tôi phải dùng cả hai, chả hạn như “quan thuế” và “hải quan”. Một thí dụ khác là từ “chất lượng” mà tôi phải dùng theo lối nói trong nước, dù cho từ “phẩm chất” mà miền Nam đã dùng rất phổ biến thời xưa có thể là chuẩn xác hơn, một đằng là phẩm, một đằng là lượng.

Hỏi: Thưa ông, ngoài thuật ngữ chuyên môn, ta còn nhiều từ có khác biệt về tâm lý.

Đáp: Thưa vâng, ngôn ngữ vốn là quy ước, và theo tinh thần của các xã hội cổ điển khi lịch vua ban ra hàng năm đã là quy ước chính thống cho bá tánh dùng chung, từ ngữ vì vậy có chuyên chở nội dung chính trị và gây phản ứng khó chịu cho những người không đồng ý với quan điểm chính trị ấy. Tôi xin lấy một thí dụ cụ thể đã gây nhiều "sóng gió" cho Ban Việt ngữ, là tên thành phố Sàigon. Khá đông người dân trong nước vẫn dùng chữ Saigon, lịch bay của Hàng Không Việt Nam cũng dùng từ ngữ Sài Gòn viết tắt, nhưng đối với quốc tế, trong các văn bản chính thức thì chính quyền Việt Nam vẫn dùng tên thành phố Hồ Chí Minh.

Vì vậy, tôi cho rằng ta vẫn có thể dùng tên Sàigon, trừ khi phải tường thuật chính xác một bản tin quốc tế nói tới một sinh hoạt chính thức của nhà cầm quyền tại thành phố mà họ đổi tên thành ra là Hồ Chí Minh.

Ngoài ra, ta còn gặp trường hợp tôi gọi là tai nạn về ngôn ngữ. Thí dụ mà ai cũng có thể nghĩ tới là chữ “tên lửa” hay “hỏa tiễn” để phiên dịch từ “rocket”. Tôi gọi đó là tai nạn vì trong nước dùng sai theo lối trước đó tại miền Bắc. Ví dụ nói đến trận đánh Phú Xuân năm 1786, Nguyễn Huệ dùng hỏa công và bắn tên có đốt lửa, lúc đó ta dùng chữ tên lửa là chính xác. Ngược lại, khi các nước tiên tiến dùng hỏa tiễn đưa phi thuyền lên không gian chẳng hạn, ta mà dùng chữ tên lửa là không chuẩn và còn gây hiểu lầm.

Hỏi: Nhưng ông dùng từ ngữ "hỏa tiễn" thì hình như cũng có nghĩa là "tên lửa" mà thôi, phải không ông? Có phải ta và người Hoa vẫn chưa có từ ngữ chính xác hơn?

0:00 / 0:00

Đáp: Tôi thiển nghĩ là vì lý do lịch sử văn hoá, có đến 70% nếu không phải là nhiều hơn những từ ta thường dùng là có gốc Hán-Việt. Về nguyên ngữ mà nói, đúng rằng "tên lửa" chỉ là phiên dịch từ "hỏa tiễn" mà ra. Nhưng, khi nói về kỹ thuật chiến tranh thời cổ, ta dùng chữ tên lửa là đúng, khi nói về kỹ thuật phản lực hiện đại, ta dùng từ "hỏa tiễn" thì mọi người đều hình dung được hình thái mới. Bảo rằng Pakistan và Ấn Độ đã từng bị nguy cơ xung đột vì tên lửa thì người nghe giật mình, nhất là tên lửa có võ khí nguyên tử hay hạch tâm chẳng hạn. Khi dùng hai ý niệm "tên lửa" và "hỏa tiễn", chúng ta có một kho từ vựng phong phú hơn. Ăn thua ở đây là chuyện quy ước, là thói quen.

Sau cùng, tôi xin phát biểu với tư cách là một cộng tác viên. Tôn chỉ của đài Á châu Tự do là tinh thần “điền thế”, bổ sung thông tin và kiến thức phổ cập cho thính giả trong nước thì chúng ta phải cố gắng và chấp nhận một nghịch lý là có thính giả trong nước không hài lòng mà một số thính giả bên ngoài cũng không vui. Chuyện chữ nghĩa mà liên quan đến quan điểm chính trị của thính giả từ nhiều phía thì lại càng khó khăn và khó làm hài lòng mọi người hơn nữa. Nhưng dù sao, các bạn cũng cần nói rõ vấn đề để có được sự cảm thông và tin tưởng là nhân viên ban Việt ngữ luôn luôn ý thức được những khó khăn đó và phải cân nhắc.