Những đề nghị cứu trâu bò trong đợt rét


2008.02.20

Gia Minh, phóng viên đài RFA

Đợt rét đậm, rét hại kéo dài trong hơn cả tháng qua đang gây bao thiệt hại cho nguời nông dân Việt ở các tỉnh phía Bắc và Bắc Trung Bộ. Số trâu bò thiệt mạng lên đến hơn 34 ngàn con và theo dự báo thì vì suy kiệt sức nên nhiều trâu, bò nhất là bê, nghé sẽ còn chết trong thời gian tới.

ColdWeatherSapa200.jpg
Giá lạnh đông đá trên cây ở vùng miền núi Sapa, Lào Cai hôm 13-2-2008. Photo AFP

Không cầm lòng được trước cảnh bao nông dân phải mất đi phương kế sinh sống của họ, một số người đã lên tiếng đưa ra một số biện pháp giúp cứu gia súc cũng như kêu gọi đóng góp để giúp những nông dân nghèo khó nay phải rơi vào cảnh túng bấn, kiệt quệ.

Trong chuyên mục Sáng Kiến & Đời Sống tuần này, chúng tôi trình bày cùng các nông dân và quí thính giả một số biện pháp được nêu ra cùng những ý kiến liên quan.

Người Việt Nam có câu 'mất bò mới lo làm chuồng' để nói đến tình trạng khi sự cố xảy ra rồi nguời bị nạn mới tìm biện pháp phòng ngừa. Trong tình trạng hiện nay thì câu nói đó đúng cả về nghĩa bóng lẫn nghĩa đen. Thế nhưng chậm còn hơn không; nhất là hiện nay số gia súc còn ngoi ngóp sau đợt rét đang cần được chăm sóc đầy đủ để qua cơn suy kiệt.

Tiền Phong Online trên số báo ra ngày Chủ Nhật 17 Tháng Hai có bài của bác sĩ Nguyễn Văn Dũng, thuộc Bộ Y Tế, với tựa đề “Hầm chuồng chim - giải pháp bảo vệ gia súc khỏi chết rét” .

Đào hầm chống rét

Vậy hầm chuồng chim đó ra sao? Bác sĩ Nguyễn Văn Dũng ghi rõ là 'nông dân ở vùng cao có thể đào hầm theo kiểu giao thông hào có cửa ở lối ra và lối vào. Phần hầm chìm dưới đất chỉ cần sâu khỏang một mét rưỡi, diện tích tùy theo số lượng vật nuôi mà tính. Hầm làm cao thêm khỏang nửa mét đủ để cao hơn đầu những con vật cao nhất; đồng thời có tác dụng chắn mưa tràn vào hầm'.

Theo lý giải của bác sĩ Nguyễn Văn Dũng thì “đất là vật cách nhiệt lý tưởng trong mọi điều kiện thời tiết. Đất càng khô càng cách nhiệt tốt. Theo ông thì các vách đất xung quanh hầm chính là những bức tường cách nhiệt với không khi ngòai trời đáng kể.

Cộng với sự sinh nhiệt trong lòng đất sẽ làm ấm không khí trong chuồng. Đối với các hầm không mái, nếu trời không mưa và sương thì cũng đủ giữ cho gia súc khỏi bị mất nhiệt bởi gió, đây là một yếu tố làm gia tăng giá lạnh ngòai trời.”

Đúng. Làm hầm cho trâu bò cũng là một ý tốt, túc là dù sao người ta không đủ vật liệu tranh, tre, mía, lá, v.v. thì việc đào xuống thì nó cũng dễ dàng hơn, và khi người ta đào xuống thì rõ ràng nó ấm hơn là ở trên và gió nó đỡ thổi đi. Đồng bào cũng có thể tận dụng những hang hốc tự nhiên, hoặc đào ít nhiều thì như vậy vật liệu xây cất đỡ hẳn đi. Tôi nghĩ cái đó cũng là điều rất tốt ạ.

Giáo sư nông học Nguyễn Tử Siêm, thuộc Khoa Công Nghệ Nông Nghiệp & Phát Triển Nông Thôn thuộc Đại Học Nông Nghiệp Hà Nội cũng đồng thuận với biện pháp cứu rét cho gia súc:

“Đúng. Làm hầm cho trâu bò cũng là một ý tốt, túc là dù sao người ta không đủ vật liệu tranh, tre, mía, lá, v.v. thì việc đào xuống thì nó cũng dễ dàng hơn, và khi người ta đào xuống thì rõ ràng nó ấm hơn là ở trên và gió nó đỡ thổi đi. Đồng bào cũng có thể tận dụng những hang hốc tự nhiên, hoặc đào ít nhiều thì như vậy vật liệu xây cất đỡ hẳn đi. Tôi nghĩ cái đó cũng là điều rất tốt ạ.”

Trong mục Ý Kiến của tờ Thanh Niên Online, bạn Lê Nguyên Quang cũng trình bày ý kiến “đào hố taluy với chiều sâu bằng bằng chiều cao con trâu (bò), chiều rộng lớn hơn kích thước của chúng nhưng không lớn hơn nhiều để có thể giữ nhiệt không bị phân tán; trên lợp mái kín bằng rơm rạ; lối đi xuống vát taluy. Trời lạnh, ta có thể nhốt trâu bò xuống các hố này và che đậy kín phía trên bằng phên lá giúp trâu bò chống rét rất hiệu quả” .

Còn bạn Đỗ Nhất hay Đỗ Nhật thì nhắc lại kinh nghiệm ở quê bạn ngày xưa sử dụng rơm rạ sau thụ họach, phơi khô đến mùa rét lấy rơm rạ đó bỏ vào chuồng vừa làm thức ăn cho trâu bò vừa để trâu bò nằm cho ấm. Bạn đề nghị:

“Trước mắt, Chính Phủ cấp ngân sách chuyển rơm rạ từ Miền Nam ra để cấp cho nông dân các vùng nông thôn có nuôi trâu bò. (Ở miền Nam, rơm rạ được cho không). Về lâu dài rhì cần có khuyến cáo với nông dân giữ lại một số lượng nhất định rơm rạ sau thu hoạch để phòng khi giá rét có thể dùng cho trâu bò, gia súc khác; thậm chí đốt sưởi ấm cho người” .

Một nông dân tại đồng bằng bắc bộ cũng cho biết họat động ủ ấm cho đàn trâu bò của gia đình bà và những bà con khác tại vùng bà đang sinh sống:

“Muốn ấm thì chuồng che kín với lại trời rét thì không cho nó ra đồng nữa, sưởi ấm cho nó, ủ trấu, đốt củi. Trước đây rét ít còn năm nay rêt nhiều thì cũng làm thế thôi.”

Gia Minh : Bây giờ có người họ chỉ cách là mình phải đào hầm để cho trâu bò ở trong đó để giữ ấm thì bà thấy cách đó ra sao? “Cách đó thì cũng được. Đào hầm như thế cho trâu bò vào đấy thì cũng ấm, cũng được.” Gia Minh : Nhưng mà mình có làm không thưa bà ? “Chưa ai làm hết. Chuồng thì che kín, xây kín hết. Cửa cũng che kín. Trong thì nhóm trấu.”

Tác giả Nguyễn Khắc Hiệp, ở Đống Đa Hà Nội, cũng có bài đăng trên mạng VietnamNet vào ngày Chủ Nhật 17 Tháng Hai, về việc cứu trâu bò khỏi chết rét. Trong đó tác giả Nguyễn Khắc Hiệp nêu rõ những biện pháp như lùa trâu bò thả ngòai rừng về chuồng khi trời rét để hạn chế mất nhiệt, bên cạnh đó cũng phải phủ ấm thêm cho gia súc.

Về mặt dinh dưỡng cũng phải cho gia súc ăn những thứ có chất dinh dưỡng nhằm đủ sức chống chọi với rét như nấu cháo các lọai ngũ cốc hòa thêm một ít đường. Trong thức ăn cũng nên kèm thêm những chất có tính dược ấm nóng như gừng sống. Ngòai ra còn có thể dùng biện pháp hơ lửa vào một số huyệt để tăng cường sức chịu lạnh cho trâu bò.

Chính quyền hỗ trợ

Vừa qua Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn Việt Nam cũng có đề ra một số biện pháp để hỗ trợ cho bà con nông dân đang gặp khó khăn vì gia súc của họ bị chết rét.

Ông Trần Thế Xường, Cục Phó Cục Chăn Nuôi, cho biết một số biện pháp mà ngành đang làm cũng như ý kiến đối với các đề nghị mà một số nguời nêu ra như trên:

“Trước mắt là khẩn trương hỗ trợ cho mỗi đồng bào có trâu chết là 1 triệu đồng, con nghé chết là 500 nghìn đồng. Còn về lâu dài thì hôm nay mới họp sẽ lại tiếp tục chỉ đạo tích cực các địa phưong để hết Tháng Hai này là phải thông tin về thời tiết rất là cấp bách, hướng dẫn người chăn nuôi tiếp tục phòng chống rét, chống đói cho trâu bò bằng các biện pháp như che chắn, rồi không thả rong trâu bò, cung cấp thức ăn, rồi các tỉnh địa phương tăng cường lực lượng kỹ thuật tới tận thôn bản để hướng dẫn người chăn nuôi chống rét chống đói.

Thế rồi theo dõi, giám sát vật nuôi nếu nó có những biểu hiện gì không bình thường thì can thiệp xử lý, rồi tiếp tục tiêu độc khử trùng, vệ sinh môi trường, rồi tận dụng các nguồn thức ăn sẵn có. Đấy là các biện pháp trước mắt, còn hỗ trợ các địa phương thì hiện nay cũng đã hỗ trợ các người dân chăn nuôi. Ví dụ một vài tỉnh người ta cũng đã hỗ trợ trong thời gian trâu nghé dưới 1 năm tuổi thì người ta hỗ trợ trong vòng 15 ngày mỗi con một ký gạo, ví dụ như thế.

Còn về nhà nước, tới đây thì Bộ Nông Nghiệp hôm nay sẽ họp kiến nghị về các hỗ trợ đối với của nhà nước để khắc phục đợt này. Coi như đây là một thiên tai. Thế mà để tiếp tục giữ những con còn sống để duy trì được đàn thì coi như ngân sách sẽ hỗ trợ khoảng độ 100 nghìn đồng một con cho các vùng chăn nuôi miền cao, vùng sâu vùng xa, đối với những con bò còn sống mà hiện nay tình hình thức ăn hoặc là nó qua đợt rét này thì nó yếu.

Còn về nhà nước, tới đây thì Bộ Nông Nghiệp hôm nay sẽ họp kiến nghị về các hỗ trợ đối với của nhà nước để khắc phục đợt này. Coi như đây là một thiên tai. Thế mà để tiếp tục giữ những con còn sống để duy trì được đàn thì coi như ngân sách sẽ hỗ trợ khoảng độ 100 nghìn đồng một con cho các vùng chăn nuôi miền cao, vùng sâu vùng xa, đối với những con bò còn sống mà hiện nay tình hình thức ăn hoặc là nó qua đợt rét này thì nó yếu.

Về lâu dài cũng sẽ chỉ đạo về việc xây dựng các mô hình chăn nuôi ở các thôn xã, bản, làng, chuồng trại kín, rồi trồng cỏ, trồng ngô, đậu tương. Cái rét một phần về chuồng trại mà chủ yếu nhất là thiếu thức ăn chăn nuôi.”

Gia Minh : Có một số người họ hiến kế là ví dụ như trâu bò để giữ ấm thì mình phải đào những hào hoặc làm những hầm để trâu bò được giữ ấm, không bị gió lạnh, thì là người trong ngành thì ông thấy những kiến nghị đó như thế nào ạ?

Ông Trần Thế Xường : Cũng có thể được xem xét, nhưng mà nó phải tuỳ theo từng vùng, từng địa phương. Ví dụ như các vùng ở miền núi cao toàn núi với đất với đá thì nó cũng lên trú, nhưng mà do tập quán thì nhiều khi bà con, với lại nó cũng rơi vào dịp Tết nên bà con chủ yếu là chuẩn bị ăn Tết cho nên trâu bò chỉ có lùa về chuồng mà còn chưa lùa được nữa huống hồ đưa xuống đào hào với lại đưa xuống hố sâu, thì cái đấy cũng có thể là giải pháp tốt, nhưng cũng phải để thử nghiệm, vì nó rất là khó.

Hiện nay chỉ vận động bào con lùa hết những trâu thả rong ở trong núi trong rừng về mà còn chưa làm được huống hồ vận động bà con đi đaò giao thông hào, đào hầm cho trâu bò trú ẩn. Thì cũng có thể là một biện pháp về sau này phải nghiên cứu.

Song song với một số đề nghị cấp bách cứu gia súc qua cơn rét đậm, rét hại kéo dài như hiện nay thì nhiều ý kiến cũng kêu gọi cần phải có những đóng góp để cứu trợ cho những gia đình nông dân khó khăn khi mà phuơng tiện làm nông của họ là những con trâu, con bò, con nghé, con bê ngã ra chết.

Giáo sư nông học Nguyễn Tử Siêm có ý kiến về họat động này như sau:

“Tôi chỉ có một số ý kiến chung là làm thế nào có cảnh báo sớm cho nông dân, thứ hai nữa là làm thế nào mà mình coi chuyện rét là chuyện thường xuyên chứ không phải là chuyện nhất thời, thế phải làm thế nào cho đồng bào vùng cao để người ta có đủ cái tối thiểu như là chăn ấm, quần áo ấm bằng cách quyên góp một cách đơn giản mà mình có thể làm được. Các đô thị không phải là không có khả năng làm việc đó.”

Đời sống của đa số nguời nông dân lâu nay vốn đã vất vả khó nhọc đổi lấy bát mồ hôi mới có bát cơm ăn; thế nhưng đợt rét ập đến cũng như một thiên tai và không lúc nào sự hỗ trợ của cơ quan chức năng và việc góp tay của tòan xã hội mang ý nghiã thiết thực cho bằng lúc này để giúp họ gượng dậy sau những ngày đông tháng giá vừa qua.

Mục Sáng kiến & Đời sống tuần này tạm dừng tại đây. Hẹn gặp lại quí thính giả và các bạn trong chương trình kỳ tới cũng vào giờ này trên làn sóng phát thanh của Đài Á Châu Tự Do.

Gia Minh chào tạm biệt.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.