Sử dụng vật liệu tre nứa, rơm rạ đất sét trong xây dựng hiện đại


2005.10.17

Gia Minh, phóng viên đài RFA

Ngày nay khi đi về những vùng nông thôn Việt Nam, người ta vẫn còn nhìn thấy một số nhà làm bằng các vật liệu được cho là thô sơ như đất sét nhồi rơm rạ, rồi tranh tre, nứa lá. Đó là nhà ở của các nông dân nghèo không có điều kiện mua gạch, xi măng, cây gỗ, tôn, ngói để có những những căn nhà kiên cố bền lâu.

OldWomanBamboo200.jpg
Ngày nay khi đi về những vùng nông thôn Việt Nam, người ta vẫn còn nhìn thấy một số nhà làm bằng các vật liệu được cho là thô sơ như đất sét nhồi rơm rạ, rồi tranh tre, nứa lá. AFP PHOTO

Tuy vậy, hiện nay có một kiến trúc sư trẻ Việt Nam đang ứng dụng công nghệ mới để có thể làm cho những vật liệu thường bị cho là thô sơ ấy nay trở thành những vật liệu xây dựng mới, có thể đáp ứng nhu cầu nhà ở của con người hiện nay.

Người kiến trúc sư mà Gia Minh giới thiệu đến quí thính giả và các bạn trẻ trong chuyên mục sáng kiến và đời sống tuần này là bạn Võ Trọng Nghĩa. Hẳn ai theo dõi báo chí trong nước đều có dịp đọc những bài viết giới thiệu về nhân vật từng đoạt nhiều giải thưởng kiến trúc cả trong và ngoài nước.

Riêng các bạn trẻ ở thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương mấy ai mà không từng một lần đến thưởng thức cà phê và không khí trong lành đầy gió là mát lạnh của quán cà phê 1131, công trình kiến trúc của Võ Trọng Nghĩa.

Mời quí vị và các bạn cùng nghe cuộc trao đổi giữa Võ Trọng Nghĩa và Gia Minh về những công trình kiến trúc của anh, đặc biệt về việc sử dụng vật liệu tre nứa, rơm rạ đất sét trong xây dựng hiện đại.

"Có một số công trình như cà phê 113, trung tâm WNW, tức gió và nước, một công trình ở Long Xuyên cũng như một số đang trong thiết kế. Khi nghiên cứu luận văn thạc sĩ tôi làm về khí động học trong xây dựng ở phố cổ Hội An. Mục tiêu là lợi dụng sức gió để tiết kiệm năng lượng. Trên thế giới mỗi vùng khí hậu có những đặc trưng thông gió khác nhau: Nhật, Trung Đông như Iraq, Pakistan khác; ở Việt Nam như ở Hội An cũng khác.

Chúng tôi vừa có dự án ‘Khu đô thị gió và ánh sáng’ áp dụng cho khu nhà đô thị tại Việt Nam. Nguyên tắc dựa theo cách làm của Hội An là theo mái nhà, hướng gió, tầng cao…

Trong trường hợp không chọn được hướng thì vẫn có thể tính toán theo hình thức nhà và không gian thiết kế, hoặc theo chênh lệch nhiệt độ, áp suất để có thể sinh ra gió.

Về nước thì tại những công trình khá lớn của tôi như WNW thì toàn bộ mảnh đất là mặt nước. Khi gió vào đi qua hồ nước thì đến công trình làm cho mát. Như ở Iraq thì người ta làm tháp gió, khi gió đi qua tháp đến gặp một hồ nước trong nhà nên mát; điều này có thể áp dụng là đặt một hồ cá cảnh trong nhà khi gió gặp hồ nước thì tạo mát.

Đối với yếu tố tre thì đặc biệt tốt cho xây dựng tại Việt Nam, vì tre là nguồn vật liệu phong phú và chỉ cần năm năm là có thể sử dụng được. Tre kết hợp với tường đất thì chống được ẩm, rẻ tiền. Ở Nhật có loại tường đất bền đến mấy trăm năm; nên ở Việt Nam tường đất có thể là máy hút ẩm và điều tiết nhiệt độ trong nhà.

Tường đất với kỹ thuật như bây giờ là như tường bê tông phẳng và rất bền. Tôi đang nghiên cứu tường đất sét, rơm. Giá thành thì rẻ hơn, chỉ công thì phải nhiều hơn. Những công trình mà tôi đang làm đếu làm vật liệu tre, và sắp tới đi về đất. Khoảng đầu năm tới là có rồi.

Đối với nhà nông thôn thì nên dùng tre và đất. Ở Nhật chỉ có quý tộc mới ở nhà tường đất."

Vừa rồi là cuộc nói chuyện với Kiến trúc sư Võ Trọng Nghĩa về một số công trình kiến trúc của anh với những yếu tố gió, nước, tre, đất...

Đến đây, Gia Minh xin phép được nhắc lại quá trình nghiên cứu và những danh hiệu anh đạt được. Năm 1996, khi đang theo học Đại học Kiến Trúc Hà Nội, Võ Trọng Nghĩa nhận được học bổng đi du học ở Nhật. Ba năm sau anh đoạt giải vàng thiết kế của Công ty Suzuki, đây là giải thưởng đầu tiên của anh. Năm 2000, Võ Trọng Nghĩa giành giải thưởng đồ án tốt nghiệp xuất sắc nhất trường Ishikawa College of Technology.

Năm 2001, ba lần đoạt giải đồ án xuất sắc của trường Đại học Công nghiệp Nagoya. Năm 2002 anh tốt nghiệp đại học công nghiệp Nagoya. Vào đầu năm nay, anh được trao giải ‘Dean of the University of Tokyo 2005’, đây là giải được trao hằng năm cho các sinh viên, nghiên cứu sinh có thành tích xuất sắc trong nghiên cứu của đại học Tokyo.

Mục Sáng kiến & Đời sống kỳ này tạm dừng tại đây, hẹn gặp lại quí thính giả và các bạn trong chương trình kỳ tới cũng vào giờ này trên làn sóng phát thanh của Đài Á Châu Tự Do.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.