Ðông Á Phục Hưng


2006.10.06

Nguyễn Khanh, phóng viên đài RFA

Ngân Hàng Thế Giới vừa phổ biến kết quả cuộc nghiên cứu về tiềm năng và tầm mức phát triển của Ðông Á. Trong phúc trình mang nhan đề “Một Ðông Á Phục Hưng”, các chuyên gia của Ngân Hàng Thế Giới cho biết sau những trở ngại, khó khăn đến từ cuộc khủng hoảng tài chánh cách đây một thập kỷ, Ðông Á bây giờ không chỉ phục hồi mà còn vươn lên rất nhanh, trở thành khu vực kinh tế quan trọng nhất thế giới.

HomiKharas150.jpg
Tiến Sĩ Homi Kharas, Kinh tế gia trưởng phân bộ Ðông Á-Thái Bình Dương của Ngân Hàng Thế Giới. Photo of Worldbank.org

Liệu Ðông Á có phục hưng thật sự không? Nếu có, nhờ vào những yếu tố nào? Việt Nam, quốc gia được Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế gọi là “nền kinh tế mới nổi lên” nằm ở đâu trong bức tranh Ðông Á Phục Hưng mà các chuyên gia hàng đầu Ngân Hàng Thế Giới đang nói đến? Ðó là những câu hỏi được Ban Việt Ngữ chúng tôi đặt ra với vị khách mời tuần này.

Khách mời là Tiến Sĩ Homi Kharas, trưởng ban soạn thảo phúc trình, đồng thời cũng là kinh tế gia trưởng phân bộ Ðông Á-Thái Bình Dương của Ngân Hàng Thế Giới. Như thường lệ, cuộc phỏng vấn do Nguyễn Khanh thực hiện và những điểm quan trọng trong cuộc phỏng vấn được chúng tôi gửi đến quý vị trong khuôn khổ Tạp Chí Câu Chuyện Thời Sự Hàng Tuần.

Nguyễn Khanh: Thưa Tiến Sĩ, những điểm nào đáng chú ý nhất trong bản phúc trình nói về tương lai của Ðông Á?

Tiến Sĩ Homi Kharas: Tôi nghĩ bản phúc trình cho chúng ta thấy những tiềm lực thật lớn mà Ðông Á đang có, dựa vào sự thật là tất cả các nền kinh tế của Ðông Á đang phát triển rất nhanh.

Ðiều chúng ta ai cũng thấy là Ðông Á đang thành công vượt bực, trong vòng 3 năm tới Việt Nam sẽ trở thành một nước có mức sống trung lưu, và như vậy là tất cả các quốc gia trong vùng đều có được mực sống trung lưu, ngoại trừ Bắc Hàn, Miến Ðiện, Kampuchea và Lào.

Ðiều chúng ta ai cũng thấy là Ðông Á đang thành công vượt bực, trong vòng 3 năm tới Việt Nam sẽ trở thành một nước có mức sống trung lưu, và như vậy là tất cả các quốc gia trong vùng đều có được mực sống trung lưu, ngoại trừ Bắc Hàn, Miến Ðiện, Kampuchea và Lào.

Nguyễn Khanh: Tiến Sĩ có lạc quan quá không?

Tiến Sĩ Homi Kharas: Đương nhiên chúng tôi tập trung vào những điểm lạc quan, nhưng không phải là không có cơ sở, vì quan điểm lạc quan của Ngân Hàng Thế Giới chúng tôi dựa vào những thành quả rõ rệt mà các nước Ðông Á đã làm được.

Những thành quả rõ rệt

Nguyễn Khanh: Tiến Sĩ có thể nói rõ hơn về những thành quả đó được không ạ?

Tiến Sĩ Homi Kharas: Có rất nhiều lý do giúp chúng ta lạc quan khi nói về Ðông Á, nhưng cũng có những lý do khiến chúng ta phải e ngại. Ðây là khu vực phát triển trung bình trên 8% mỗi năm, dẫn đầu là mức phát triển của Trung Quốc và Việt Nam.

Ðể có thể đạt được mức phát triển như thế, đương nhiên là những nước Ðông Á đã làm đúng, nhưng ngay trong bản phúc trình, tôi và các chuyên gia của Ngân Hàng cũng nói rõ là khi tiến lên một nấc cao hơn nữa để trở thành những quốc gia mà người dân có mực sống cao hơn, lúc đó các nước trong khu vực cần phải làm nhiều điều khác, và phải soạn thảo những chiến lược sao cho phù hợp.

Chúng tôi có đưa ra 3 vấn đề mà các nước Ðông Á phải đặc biệt quan tâm đến, trước hết là phải có sách lược phát triển thành phố vì mỗi tháng có 2 thêm triệu người đổ vào sinh sống, do đó làm thế nào để cung cấp các dịch vụ cơ bản cho tập thể này là trách nhiệm rất nặng nề mà các chính quyền cấp thành phố phải làm.

Ðiểm thứ nhì là ngoại trừ Việt Nam, các nước Ðông Á khác đang phải đối phó với tình trạng mức thu nhập của người dân không đồng đều. Ðiểm thứ ba chúng tôi nói đến là sự nguy hiểm của tham nhũng vì khi kinh tế phát triển tốt, hoạt động thương mại bành trướng nhanh, thì cơ hội để tham nhũng cũng tăng.

Chúng tôi cũng hiểu rằng phải có thời gian để kế sách bài trừ tham nhũng hoạt động hữu hiệu, vì thế chúng tôi kêu gọi các nước Ðông Á nên bắt tay vào việc ngay từ lúc này.

Chúng tôi có đưa ra 3 vấn đề mà các nước Ðông Á phải đặc biệt quan tâm đến, trước hết là phải có sách lược phát triển thành phố vì mỗi tháng có 2 thêm triệu người đổ vào sinh sống, do đó làm thế nào để cung cấp các dịch vụ cơ bản cho tập thể này là trách nhiệm rất nặng nề mà các chính quyền cấp thành phố phải làm.

Tình hình khả quan

Nguyễn Khanh: Mới một thập kỷ trước đây, hồi 1997, Ðông Á bị khủng hoảng tài chánh. Nếu tôi nhớ không lầm thì lúc đó, Ngân Hàng Thế Giới nói rằng một trong những lý do khiến cuộc khủng hoảng lan rộng vì các nước trong khu vực, chủ yếu, làm ăn buôn bán với nhau. Bây giờ tình hình dường như vẫn chưa thay đổi…

Tiến Sĩ Homi Kharas: Không, tôi thấy không đúng như vậy đâu. Cuộc khủng hoảng xảy ra, một phần, vì ngân hàng thì cứ cho vay, các công ty thì nợ nần chồng chất, đầu tư bằng tiền nợ thay vì bằng tiền lời của công ty. Bây giờ câu chuyện đã đổi khác.

Trong bản phúc trình, chúng tôi có đưa ra những thí dụ cho thấy các công ty Ðông Á bắt đầu kiếm lời nhiều hơn, giảm bớt được số nợ, sử dụng tiền lời của công ty để đầu tư, thay vì phải đi vay như đã làm cách đây một thập kỷ. Lượng ngoại tệ dự trữ của tất cả các nước trong khu vực đều tăng ở mức đảm bảo hơn, trả được nhiều nợ đã vay của nước ngoài hơn.

Tỷ giá hối đoái có thể vẫn nằm trong mức kiểm soát của nhà nước, nhưng cũng thay đổi tùy thuộc vào tình hình. Từ những dữ kiện đó, chúng tôi thấy cấu trúc tài chánh trong khu vực đã khả quan hơn rất nhiều so với hồi 1997 lúc cuộc khủng hoảng xảy ra.

Một điểm cũng phải nói đến là hồi đó, phần rất lớn tài chánh của Ðông Á đến từ Nhật Bản, có thể nói là cả vùng lệ thuộc vào một nguồn cung cấp duy nhất.

Bây giờ nguồn cung cấp đến từ nhiều quốc gia, ngoài Nhật Bản còn có Singapore, Nam Hàn, EU. Nói rõ hơn, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài bỏ vào Ðông Á đến từ nhiều nguồn khác nhau.

Một thị trường chung

Nguyễn Khanh: Tiến Sĩ mới nói đến EU. Liệu một thị trường chung có thành hình ở Châu Á theo khuôn mẫu thị trường chung Châu Âu không?

Dưới nhiều hình thức khác nhau, tự do mậu dịch đang thành hình ở Châu Á, để các nước trao đổi sản phẩm của nhau dễ dàng hơn. AFTA của ASEAN chẳng hạn, giúp các nước trao đổi thương mại ở mức độ cao hơn. ASEAN đang thảo luận mậu dịch tự do với Trung Quốc, Nhật Bản và Nam Hàn.

Tiến Sĩ Homi Kharas: Dưới nhiều hình thức khác nhau, tự do mậu dịch đang thành hình ở Châu Á, để các nước trao đổi sản phẩm của nhau dễ dàng hơn. AFTA của ASEAN chẳng hạn, giúp các nước trao đổi thương mại ở mức độ cao hơn. ASEAN đang thảo luận mậu dịch tự do với Trung Quốc, Nhật Bản và Nam Hàn.

Nói chung, tôi thấy việc trao đổi hàng hóa giữa các nước Ðông Á mỗi ngày một tốt đẹp hơn, đồng thời hệ thống giao thông nối liền nước này với nước khác cũng tốt hơn, tạo thêm dễ dàng cho các kế hoạch phát triển kinh tế chung.

Thành quả rõ nhất là mức trao đổi thương mại giữa các nước trong vùng chiếm 50% tổng số hàng hóa trao đổi của cả thế giới. Ðông Á chưa có một thị trường chung như là Thị Trường Chung Âu Châu vì chưa thể trao đổi thị trường công nhân, dịch vụ, nhưng đã có những bước khởi đầu rất tốt.

Nguyễn Khanh: Thế còn chuyện có một đồng tiền chung cho Châu Á tựa như đồng EURO cho Âu Châu thì sao?

Tiến Sĩ Homi Kharas: Tôi không nghĩ đó là điều hay. Những nước Ðông Á hiện đang tiến với mức độ khác nhau, mức tăng trưởng kinh tế và mức sản xuất cũng khác nhau, vì thế phải dành cho từng quốc gia quyền thay đổi tỷ giá hối đoái ấn định với nước khác, để đi sát với mức phát triển của mỗi nước.

Ðừng quên mỗi nước có những nhu cầu khác nhau, chẳng hạn như Thái Lan phải nhập khẩu xăng dầu, nhưng Việt Nam lại xuất khẩu dầu thô, thành ra ngay cả chuyện quy định sẵn biên độ hối đoái cũng là điều không nên làm.

Chênh lệch giàu nghèo

Nguyễn Khanh: Khi đến những nước Ðông Nam Á, chắc ông cũng thấy đời sống của người dân thành phố bao giờ cũng tốt hơn, rời thành phố là chúng ta trực diện ngay với cảnh nghèo, như ở Việt Nam chẳng hạn. Thưa Tiến Sĩ làm thế nào để giải quyết chênh lệnh này?

Tiến Sĩ Homi Kharas: Tôi coi đó là thách thức rất lớn cho các nước, làm sao có thể dùng phát triển kinh tế thành thị để nâng mực sống của người dân vùng quê. Trong phúc trình, chúng tôi có nói rằng có 3 hội nhập mà các nước đang phát triển ở Ðông Á phải thấy, điển hình là trường hợp của Việt Nam.

Thứ nhất là hội nhập với kinh tế toàn cầu, có nghĩa là xuất hàng sang Mỹ, thứ nhì là hội nhập với kinh tế trong khu vực, có nghĩa là đưa hàng sang bán ở Trung Quốc, và thứ ba là hội nhập chính nền kinh tế trong nước, có nghĩa là tăng mức trao đổi hàng hóa giữa thôn quê và thành thị, và xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp của thôn quê của mình cho toàn cầu và cho khu vực.

Theo tôi, điều quan trọng là phải định hướng để thay đổi. Ai cũng biết nhiều nước trong vùng đang đối đầu với tệ trạng tham nhũng. Nhưng nếu các Chính Phủ cương quyết giải quyết vấn đề, kiểm soát chặt chẽ các dự án để ngăn chận không cho tham nhũng bành trướng, đó đã là một thành công rất đáng kể.

Hai nước rất thành công ở kế hoạch này là Nhật Bản và Ðài Loan. Tôi coi đó là mô thức mà các nước Ðông Nam Á nên theo.

Nguyễn Khanh: Thưa Tiến Sĩ, làm sao để thực hiện được như Nhật Bản hay Ðài Loan?

Tiến Sĩ Homi Kharas: Câu trả lời của tôi là cần cơ sở hậu cần tốt hơn, hệ thống giao thông tốt hơn, phải có chuyên gia để giúp người dân biết rõ thị trường thế giới, thị trường khu vực cần gì, làm sao sản xuất để mà bán.

Tệ trạng tham nhũng

Nguyễn Khanh: Ở những nước đang phát triển như Việt Nam, Kampuchea, Lào, tham nhũng luôn luôn là một trở ngại và bản phúc trình cũng nói tham nhũng là vật cản của phát triển. Làm sao giải quyết nỗi vấn đề to lớn này?

Tiến Sĩ Homi Kharas: Theo tôi, điều quan trọng là phải định hướng để thay đổi. Ai cũng biết nhiều nước trong vùng đang đối đầu với tệ trạng tham nhũng. Nhưng nếu các Chính Phủ cương quyết giải quyết vấn đề, kiểm soát chặt chẽ các dự án để ngăn chận không cho tham nhũng bành trướng, đó đã là một thành công rất đáng kể.

Khi nhìn Ðông Nam Á, tôi thấy Indonesia là một thí dụ đáng noi theo. Tổng Thống nước này coi bài trừ tham nhũng là một trong trọng điểm cần phải làm và phải làm bằng được. Ông thành lập Ủy Ban Bài Trừ Tham Nhũng và Ủy Ban làm việc rất hiệu quả, kẻ tham nhũng bị xử những bản án rất nặng, viên chức chính quyền các cấp phải nhận lãnh trách nhiệm và hậu quả việc họ làm, các dự án được thực thi trong tinh thần minh bạch, sổ sách phải công khai cho mọi người biết.

Ðồng ý là vẫn còn tiêu cực, nhưng ít nhất thì Indonesia đã đi đúng hướng, và tôi kỳ vọng những nước khác, kể cả Việt Nam cũng sẽ đi đúng hướng. Hiện giờ Việt Nam chỉ mới bắt đầu đặt vấn đề này một cách hệ thống hơn, bắt đầu tìm chiến thuật cần phải có để giải quyết tệ nạn tham nhũng.

3 bước hội nhập cho Việt Nam

Tôi sẽ trình bày với Thủ Tướng Việt Nam là nếu muốn thành công, phải thực hiện cho bằng được phải 3 bước hội nhập, đó là hội nhập toàn cầu, hội nhập khu vực và hội nhập ngay tại nội địa.

Nguyễn Khanh: Trong bản phúc trình, ông và các nhà kinh tế khác dành khá nhiều thì giờ để nói đến mức phát triển của Việt Nam. Câu hỏi người Việt ở bất kỳ đâu cũng thường đặt ra là nếu phát triển tốt như thế, liệu Việt Nam có là một con rồng của Châu Á chưa?

Tiến Sĩ Homi Kharas: Có lẽ vẫn còn khá sớm để gọi Việt Nam là một con rồng của Châu Á, nhưng rõ ràng Việt Nam bây giờ đang là con phượng hoàng. Từ bùn đen Việt Nam đã trồi lên.

Những năm chiến tranh đã hủy diệt nền kinh tế của Việt Nam, nhưng bây giờ nền kinh tế đã phục hồi, mức tăng trưởng rất nhanh, dù vẫn còn nhiều vật cản khiến Việt Nam chưa có được một nền kinh tế mà tôi gọi là kinh tế hiện đại. Tôi nhìn như thế này: nền nhà đã có, tầng thứ nhất đã xây xong, nhưng chưa có tòa lâu đài mang tên Việt Nam mà ông và tôi mong muốn nhìn thấy.

Nguyễn Khanh: Giả sử Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng của Việt Nam mời Tiến Sĩ đến Hà Nội dùng cơm. Trong bữa cơm, ông Dũng yêu cầu Tiến Sĩ cho đề nghị để Việt Nam có thể biến từ con phượng hoàng thành con rồng của Châu Á. Lúc đó, Tiến Sĩ sẽ đề nghị những gì?

Tiến Sĩ Homi Kharas: Tôi sẽ trình bày với Thủ Tướng Việt Nam là nếu muốn thành công, phải thực hiện cho bằng được phải 3 bước hội nhập, đó là hội nhập toàn cầu, hội nhập khu vực và hội nhập ngay tại nội địa.

Tôi cũng sẽ xin nhắn Thủ Tướng Việt Nam là cần phải quan tâm hơn đến các địa phương, không chỉ đặt câu hỏi ông sẽ làm được gì trong cương vị của nhà lãnh đạo chính phủ, mà các Chính Quyền, các viên chức địa phương sẽ làm được gì để giúp ông.

Tôi cũng sẽ nhắc Thủ Tướng Việt Nam là cần phải minh bạch hóa những việc làm của chính phủ, để người dân Việt Nam biết các đề án nào được thực hiện, tiền của dân được sử dụng ra sao. Chỉ làm như thế thì Việt Nam mới có một hệ thống thuế và một chính phủ thật sự phục vụ cho dân, và thực hiện được những điều cần làm để quốc gia phát triển thành công.

Nguyễn Khanh: Xin cám ơn Tiến Sĩ Kharas.

Thông tin trên mạng:

- An East Asian Renaissance: Ideas for Economic Growth

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.