Ðánh giá xã hội dân sự Việt Nam


2006.06.10

Nguyễn Khanh, phóng viên đài RFA

Vài tuần trước đây, bản phúc trình mang tên “Ðánh Giá Ban Ðầu Về Xã Hội Dân Sự Tại Việt Nam” đã được công bố tại Hà Nội. Phúc trình được thực hiện bởi Viện Những Vấn Ðề Phát Triển, và được hỗ trợ bởi UNDP, Tổ Chức Phát Triển Hà Lan SNV, nhiều cơ quan nghiên cứu trong và ngoài nước, cùng với các chuyên gia trong nước và quốc tế.

StockEconomy150.jpg
Những người đầu tư xem giá chứng khoáng ở Sài Gòn hôm 26-5-2006. AFP PHOTO

Khi công bố bản phúc trình, Tiến Sĩ Ðặng Hữu, Chủ Tịch Viện Những Vấn Ðề Phát Triển nói rằng cuộc nghiên cứu được thực hiện “vào đúng thời điểm các tổ chức xã hội dân sự sát chánh với Chính Phủ để thực hiện nhiều mục tiêu, từ giảm nghèo, bênh vực nữ quyền, tăng tính minh bạch, và đáng nói hơn nữa là khuyến khích sự tham gia của người dân vào quá trình hoạch định và thực thi chính sách”.

Tiến Sĩ Ðặng Hữu viết thêm rằng ngay trong quá trình thực hiện công cuộc Ðổi Mới ở Việt Nam, “hàng loạt các tổ chức xã hội dân sự đã ra đời và phát triển mạnh, sự tham gia của người dân vào công cuộc phát triển ngày càng được thúc đẩy” và cuộc nghiên cứu được thực hiện với mục đích “nhằm phát huy hơn nữa tính tích cực của người dân” trong việc “đóng góp vào phát triển kinh tế-xã hội cho đất nước”.

Ðánh Giá Xã Hội Dân Sự Việt Nam là đề tài mà Ban Việt Ngữ chúng tôi muốn gửi đến quý thính giả trong mục Câu Chuyện Thời Sự Hàng Tuần. Khách mời tuần này là Bà Tiến Sĩ Irene Norlund, Ðiều Phối Viên Quốc Tế cho cuộc nghiên cứu và giữ trách nhiệm Biên Soạn Tổng Hợp cho Bản Phúc Trình.

Như thường lệ, cuộc phỏng vấn do Nguyễn Khanh thực hiện và sau đây là những điểm chính trong buổi nói chuyện với Bà Tiến Sĩ Norlund.

Nguyễn Khanh: Khi cho công bố bản phúc trình ở Hà Nội, Bà có phát biểu rằng bây giờ chúng ta có thể nói đến từ Xã Hội Dân Sự, và quan trọng hơn nữa là có thể bàn thảo về việc này tại Việt Nam. Bà có thể nói rõ hơn về điều Bà muốn trình bày ở Hà Nội không?

Bà Tiến Sĩ Norlund: Xã Hội Dân Sự là một khái niệm không được nhiều người biết đến ở Việt Nam, đồng thời lại còn bị hiểu lầm có nghĩa là phải có những thay đổi giống như Ðông Âu, khiến cho nhà cầm quyền không hài lòng.

Có những định nghĩa khác nhau thế nào là Xã Hội Dân Sự. Trong cuộc nghiên cứu được thực hiện ở Việt Nam và 50 nước khác, chúng ta có được một cái nhìn bao quát hơn về Xã Hội Dân Sự, và được định nghĩa là những hoạt động ngoài gia đình qua những Tổ Chức Xã Hội Dân Sự để xã hội phát triển.

Bây giờ, mọi chuyện đã bắt đầu đổi khác, mọi người hiểu rõ hơn, biết rằng Xã Hội Dân Sự là một phần của đời sống thường ngày trong xã hội và chính phía nhà nước cũng hiểu thế nào là Xã Hội Dân Sự. Nhờ đó chúng tôi có thể thực hiện được cuộc nghiên cứu, cũng nhờ vào đấy mà chúng ta có thể bàn thảo về Xã Hội Dân Sự, và theo tôi, quan trọng hơn cả là giải thích thế nào là Xã Hội Dân Sự ở Việt Nam cho mọi người hiểu rõ hơn.

Nguyễn Khanh: Như vậy liệu Bà có thể giúp định nghĩa thế nào là Xã Hội Dân Sự ở Việt Nam?

Bà Tiến Sĩ Norlund: Có những định nghĩa khác nhau thế nào là Xã Hội Dân Sự. Trong cuộc nghiên cứu được thực hiện ở Việt Nam và 50 nước khác, chúng ta có được một cái nhìn bao quát hơn về Xã Hội Dân Sự, và được định nghĩa là những hoạt động ngoài gia đình qua những Tổ Chức Xã Hội Dân Sự để xã hội phát triển.

Ðịnh nghĩa này được áp dụng tại Việt Nam vì nhiều lý do khác nhau, trong đó bao gồm cả lý do không đòi hỏi phải có sự tách biệt giữa nhà nước và các Tổ Chức Xã Hội Dân Sự như định nghĩa được áp dụng ở Mỹ, và theo tôi, đó là một trong những khái niệm rất quan trọng. Cũng dựa trên định nghĩa và khái niệm mà tôi vừa nói, chúng tôi nghiên cứu xem cấu trúc của Xã Hội Dân Sự ở Việt Nam là gì, hoạt động như thế nào, điểm nào là điểm yếu, điểm nào là điểm mạnh.

Nguyễn Khanh: Nếu Bà cho phép, xin được hỏi Bà là cuộc nghiên cứu phát hiện thấy Xã Hội Dân Sự ở Việt Nam mạnh ở chỗ nào và có những điểm nào cần phải khắc phục thêm?

Bà Tiến Sĩ Norlund: Được chứ. Một trong những điểm mạnh mà chúng tôi ghi nhận được khi nghiên cứu về Xã Hội Dân Sự Việt Nam là những Tổ Chức Quần Chúng từ cấp địa phương trở lên đã có từ lâu, và một loại hình tổ chức mới là các Tổ Chức Phi Chính Phủ, gọi tắt là NGO. Tất cả các tổ chức này đã phát triển rất nhanh trong thập kỷ qua, chẳng hạn như ngay những Tổ Chức Quần Chúng cũng đã được mở rộng đáng kể và ngày càng có tính độc lập hơn.

Ðiểm cần phải khắc phục là những hoạt động chủ chốt của các tổ chức vẫn nhắm vào các mục tiêu thiết thực hàng ngày, chưa nhắm đến những mục tiêu rộng lớn hơn, chưa nhắm đến thay đổi cấu trúc xã hội ở bình diện rộng lớn hơn. Làm sao để Xã Hội Dân Sự ở Việt Nam tiến một bước nữa là câu hỏi cần được đặt ra.

Một trong những điểm chúng tôi cũng đặc biệt chú ý đến là sự thiếu điều phối giữa những tổ chức với nhau, chưa trở thành mạng lưới để làm việc chung, để chia sẻ tin tức với nhau như ở các nước khác. Và một điều quan trọng cũng phải nói đến là vẫn có những hoạt động còn bị giới hạn bởi nhà nước cũng như bởi Ðảng.

Nguyễn Khanh: Bà mới nói là trong một thập kỷ qua, những Tổ Chức Quần Chúng đã được mở rộng và có tính độc lập hơn. Bà có thể nói rõ hơn về điểm này được không?

Các Tổ Chức Quần Chúng chiếm một vị trí lịch sử rất đặc biệt ở Việt Nam, khởi thủy được thành lập với mục đích là gạch nối giữa Ðảng và nhân dân. Tại Việt Nam, chúng tôi ghi nhận có 5 Tổ Chức Quần Chúng cỡ lớn, như tổ chức phụ nữ, đoàn thanh niên, công đoàn, quy tụ ba, bốn triệu hội viên, hoạt động giúp đỡ cho thành phần nghèo, cho những người không may.

Bà Tiến Sĩ Norlund: Các Tổ Chức Quần Chúng chiếm một vị trí lịch sử rất đặc biệt ở Việt Nam, khởi thủy được thành lập với mục đích là gạch nối giữa Ðảng và nhân dân. Tại Việt Nam, chúng tôi ghi nhận có 5 Tổ Chức Quần Chúng cỡ lớn, như tổ chức phụ nữ, đoàn thanh niên, công đoàn, quy tụ ba, bốn triệu hội viên, hoạt động giúp đỡ cho thành phần nghèo, cho những người không may.

Dù được thành lập theo mục tiêu do Ðảng đề ra, nhưng các cơ sở cấp thấp hoạt động chủ yếu là phục vụ cho phúc lợi của người dân ở địa phương. Rất nhiều chuyên gia Tây Phương không đồng ý quy các Tổ Chức Quần Chúng như vậy vào tổ chức Xã Hội Dân Sự, nhưng Việt Nam là điểm đầu tiên mà ngay từ khi bắt đầu cuộc nghiên cứu chúng tôi đã đánh giá rằng các Tổ Chức Quần Chúng dù do nhà nước thành lập nhưng chiếm một vị trí quan trọng trong cấu trúc Xã Hội Dân Sự tại Việt Nam, hoạt động tự quản.

Qua những cuộc nghiên cứu và sau một thời gian làm việc chung với Hội Phụ Nữ Việt Nam, chúng tôi thấy các Tổ Chức Quần Chúng có lợi là hoạt động ở khắp địa phương, đạt được những kết quả cụ thể, vì thế chúng tôi có đưa đề nghị là nên cải tiến để hoạt động hữu hiệu hơn.

Nguyễn Khanh: Khi nói đến việc xây dựng một Xã Hội Dân Sự, chúng ta không thể bỏ qua vai trò của nhà nước, nhất là ở một quốc gia như Việt Nam. Xin hỏi Bà là nhà nước Việt Nam có thể đóng góp được gì và người dân Việt Nam có thể mong đợi gì ở nhà nước?

Bà Tiến Sĩ Norlund: Trước đây đã từng có suy nghĩ cho rằng trách nhiệm lo lắng cho người dân là trách nhiệm của nhà nước. Nhưng bây giờ mọi chuyện đã thay đổi, trách nhiệm của nhà nước đã giảm bớt đi. Chúng ta đều biết Việt Nam là một nước đang phát triển, Chính Quyền không thể nào cáng đáng tất cả mọi chuyện được và chính nhà nước Việt Nam cũng công nhận điều này, kêu gọi người dân, các tổ chức tiếp sức để giải quyết những vấn đề cần giải quyết.

Ðó là một điều thật đáng nói. Mặt khác, trong những năm gần đây Chính Phủ Việt Nam cũng đã bỏ rất nhiều tiền vào các dự án chẳng hạn như giáo dục, y tế, giúp tình trạng được cải thiện theo chiều hướng tốt hơn, nhưng phần lớn Chính Phủ vẫn chỉ chú trọng vào các nỗ lực xây dựng cơ sở hạ tầng, vẫn chưa đi vào thực tế để có thể giúp đỡ cho người dân đúng mức. Vì vậy, tôi cho rằng nhà nước phải hỗ trợ cho các tổ chức, cho Xã Hội Dân Sự nhiều hơn nữa, để Xã Hội Dân Sự có thể tiếp tay cùng chính quyền giúp cho dân.

Nguyễn Khanh: Bà cũng rõ trong những năm theo đuổi đổi mới, Việt Nam chú trọng vào đổi mới kinh tế. Theo Bà, bây giờ có phải là thời điểm để những nhà lãnh đạo Việt Nam chú tâm đến những lãnh vực khác?

Bà Tiến Sĩ Norlund: Ở một góc độ nào đó, ông nói đúng. Quả thật là Chính Phủ Việt Nam đặt rất nhiều chú trọng đến kinh tế, nhưng đồng thời cũng có các chương trình được thực hiện để nâng cấp đời sống của dân nghèo. Ở Việt Nam trong thời gian gần đây, vấn đề xã hội đã được nói đến nhiều hơn, và dù mức tăng trưởng kinh tế mà Việt Nam đạt được rất cao nhưng mọi người, kể cả chính phủ, đều hiểu rằng kinh tế không thôi chẳng thể giải quyết được tất cả mọi chuyện. Tôi coi đó không chỉ là bước đầu tiên mà còn là bước rất quan trọng.

Ở Việt Nam trong thời gian gần đây, vấn đề xã hội đã được nói đến nhiều hơn, và dù mức tăng trưởng kinh tế mà Việt Nam đạt được rất cao nhưng mọi người, kể cả chính phủ, đều hiểu rằng kinh tế không thôi chẳng thể giải quyết được tất cả mọi chuyện. Tôi coi đó không chỉ là bước đầu tiên mà còn là bước rất quan trọng.

Nguyễn Khanh: Nếu tôi không lầm thì trong buổi họp báo ở Hà Nội để công bố bản phúc trình “Ðánh Giá Ban Ðầu Về Xã Hội Dân Sự Tại Việt Nam”, Bà có phát biểu với đại ý là cánh cửa đã mở để chúng ta có thể lên tiếng ủng hộ Xã Hội Dân Sự ở Việt Nam. Ý Bà muốn nói gì? Phải chăng Bà muốn nói đến sự ủng hộ của nước ngoài cho các nỗ lực phát triển Xã Hội Dân Sự tại Việt Nam?

Bà Tiến Sĩ Norlund: Câu hỏi của ông có thể được chia làm 2 phần. Thứ nhất, khi nói người dân có thể lên tiếng, chúng ta không chỉ nhắm đến vai trò của người dân, của các tổ chức, đoàn thể làm công tác xã hội, mà người dân còn có quyền lên tiếng bày tỏ ý kiến, đạo đạt nguyện vọng, kêu ca nếu thấy sai trái. Lên tiếng cũng có nghĩa là được quyền có ảnh hưởng trực tiếp đến chính sách.

Về phần hai câu hỏi mà ông đặt ra, có lẽ trong những năm gần đây ông cũng thấy cộng đồng quốc tế ủng hộ mạnh các nỗ lực xây dựng và phát triển Xã Hội Dân Sự ở Việt Nam. Nhưng tôi cũng muốn nói thêm là trước hết, những nước cấp viện vẫn chú ý đến những tổ chức kiểu mẫu, nên chúng tôi kêu gọi phải mở rộng quan tâm đến tất cả mọi tổ chức, từ Tổ Chức Quần Chúng đến các Tổ Chức Phi Chính Phủ NGO.

Ðiểm thứ nhì là các nước cấp viện dù muốn ủng hộ cũng không rõ nên làm gì, bắt đầu từ đâu. Chúng tôi hy vọng bản phúc trình sẽ giúp vạch ra một bước đi để các nước cấp viện tiếp tay cho Xã Hội Dân Sự Tại Việt Nam.

Nguyễn Khanh: Liệu có một mô hình tiêu biểu nào mà Bà nghĩ có thể đem ra áp dụng cho Việt Nam không?

Bà Tiến Sĩ Norlund: Rất khó cho tôi trả lời câu hỏi của ông. Mỗi quốc gia có một nền phát triển riêng, có thể Trung Quốc, Singapore tiến nhanh hơn Việt Nam, nhưng không vì thế mà nói rằng nên áp dụng mô thức Singapore, mô thức Trung Quốc cho Việt Nam được.

Khi nói đến Xã Hội Dân Sự, chúng ta không chỉ nhìn vào các dịch vụ xã hội mà các tổ chức, đoàn thể cung ứng, mà còn phải chú ý đến những áp lực, những đòi hỏi mà Xã Hội Dân Sự đặt ra với chính quyền, chẳng hạn đòi hỏi phải thay đổi về khía cạnh pháp lý, cần có luật mới về sinh hoạt đoàn thể ở Việt Nam. Ai cũng biết tại Việt Nam việc xin lập hội và được phép hoạt động rất khó khăn, nhưng qua ý kiến đóng góp của các đoàn thể, tổ chức, vấn đề bây giờ đã bắt đầu được bàn thảo tới.

Nguyễn Khanh: Xin cám ơn Bà Tiến Sĩ Norlund.

Thông tin trên mạng

- NIAS' Researchers - Irene Norlund

- Conditions for civil society and its effectiveness need improvement

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.