Ý nghĩa bài diễn văn của Tổng thống Bush mới đây về cuộc chiến Iraq


2007.01.12

Nguyễn Khanh, phóng viên đài RFA

Thứ Tư vừa qua, Tổng Thống Hoa Kỳ George W. Bush đã đọc bài diễn văn rất quan trọng, đưa ra các phương án quân sự và chính trị mới để giải quyết cuộc chiến Iraq.

BushIraqTivi200.jpg
Tổng Thống Hoa Kỳ George W. Bush đọc bài diễn văn gửi nhân dân hôm 10-11-2007. AFP PHOTO

Trong bài diễn văn, Tổng Thống Hoa Kỳ thông báo đưa thêm 21,500 binh sĩ đến Iraq, để nhắm vào các mục đích giúp Iraq có được ổn định, tạo cơ hội cho Chính Phủ Baghdad hoạt động hữu hiệu hơn và từ đó, Hoa Kỳ có thể tính đến ngày rút quân về nước. Tổng Thống Bush cũng nói rõ sự hỗ trợ mà Washington phải đi đôi với những nỗ lực của chính phủ đương thời ở Baghdad do Thủ Tướng Nouri al-Maliki lãnh đạo.

Các điều kiện được ông Bush đưa ra là đến tháng 11, quân đội và cảnh sát Iraq phải tự đảm trách công tác bảo vệ an ninh quốc gia, Quốc Hội Iraq phải thông qua luật chia số tiền bán dầu thô cho các thành phần sắc tộc, Iraq phải bỏ ra 10 tỷ dollars để thực hiện chương trình tái thiết quốc gia, và quân đội Hoa Kỳ được toàn quyền mở những cuộc hành quân nhắm thẳng vào các lực lượng đang gây rối trên toàn lãnh thổ Iraq.

Tại sao Tổng Thống Bush lại đưa ra quyết định quan trọng vừa kể? Ðó là câu hỏi được chúng tôi đặt ra với vị khách mời tuần này. Khách mời là Giáo Sư Edward Turzanski, chuyên gia hàng đầu của Viện Nghiên Cứu Chính Sách Quan Hệ Quốc Tế, trụ sở đặt tại Philadelphia thuộc bang Pennsylvania, và là người được đích thân Tổng Thống Bush mời giúp soạn thảo sách lược mới cho Iraq.

Như thường lệ, cuộc phỏng vấn do Nguyễn Khanh thực hiện. Phần trình bày do Ðỗ Hiếu và Nguyễn An đảm trách.

Hỏi: Cám ơn Giáo Sư đã nhận lời nói chuyện với chúng tôi. Trước hết, xin Giáo Sư cho thính giả của Ban Việt Ngữ một cái nhìn tổng quát về bài diễn văn mà Tổng Thống Hoa Kỳ George W. Bush vừa đọc cách đây 2 ngày?

Đáp: Đây là một bài diễn văn rất quan trọng, lần đầu tiên được Tổng Thống Bush trình bày với dân chúng, trong đó ông nói rất rõ mục tiêu mà Hoa Kỳ muốn đạt được, cũng như trách nhiệm mà chính quyền Iraq là phải làm.

Đây là một bài diễn văn rất quan trọng, lần đầu tiên được Tổng Thống Bush trình bày với dân chúng, trong đó ông nói rất rõ mục tiêu mà Hoa Kỳ muốn đạt được, cũng như trách nhiệm mà chính quyền Iraq là phải làm.

Ðây cũng là lần đầu tiên Tổng Thống Bush công khai đặt điều kiện với chính phủ Baghdad, và như ông đã giải thích với Thủ Tướng Nouri al-Maliki của Iraq cũng như trình bày với dân chúng Mỹ tối thứ Tư vừa rồi, đây chính là cơ hội cuối cùng để ông Maliki và Chính Phủ do ông ta lãnh đạo làm việc.

Thời hạn Tổng Thống Bush đưa ra là từ nay đến tháng 11, chính quyền Baghdad phải chứng tỏ cho mọi người thấy quyết tâm giải quyết vấn đề, quyết tâm bảo vệ an ninh lãnh thổ, nếu họ muốn tiếp tục được Hoa Kỳ trợ giúp.

Hỏi: Ngay từ khi cuộc chiến bắt đầu, một số tướng lãnh đã đề nghị cần thêm quân, nhưng Tổng Thống Hoa Kỳ không nghe theo. Bây giờ đúng lúc chính các tướng lãnh -kể cả các vị tướng đang làm việc trong Bộ Tổng Tham Mưu Quân Ðội Mỹ- cũng hoài nghi về chuyện tăng thêm quân có lợi gì hay không, thì ông Bush loan báo đưa thêm hơn 21,000 quân sang Iraq. Tại sao vậy?

Đáp: Đây là câu hỏi thật hay. Tổng Thống Bush nhìn nhận những sai lầm về chiến thuật đã xảy ra kể từ khi cuộc chiến bắt đầu, và trong bài diễn văn ông công khai nhận tất cả mọi trách nhiệm về chuyện đó.

Ðiều tôi thấy cần thiết phải nói ra là lúc đầu, báo cáo của các tướng lãnh đã khiến cho Tổng Thống Bush nghĩ là đã có đủ quân để thành công ở Iraq, nhưng mãi đến sau này thì ông Bush mới biết là những nhận định gửi từ chiến trường về không đi sát với thực tế, kế hoạch hành quân cũng không được thực hiện đúng với tình thế chiến trường.

Tiếc là Hoa Kỳ đã bỏ lỡ nhiều cơ hội, nhưng đừng quên ngay trong lúc này, tăng thêm quân là điều cần thiết phải làm, và đó là điều Tổng Thống Bush đã trình bày trong bài diễn văn của ông.

Hỏi: Ngay từ ngày đầu, Tổng Thống Hoa Kỳ nhiều lần nói ông không bao giờ chấp nhận đưa ra lịch trình rút quân, và biết bao nhiêu lần cũng chính ông bảo rằng nước Mỹ không bao giờ bỏ rơi người dân Iraq.

Thứ tư vừa rồi, ông Bush đặt điều kiện và thời điểm Chính Phủ Iraq phải hoàn tất. Giả sử đến tháng 11 Iraq vẫn chưa làm được các điều kiện Hoa Kỳ đòi hỏi, thì lúc đó chuyện gì xảy ra? Hoa Kỳ sẽ đưa quân về nước, bỏ mặc Iraq hay sao?

Đáp: Nếu đến tháng 11 mà Chính Phủ Iraq vẫn không chứng tỏ được quyết tâm cũng như khả năng của họ, thì lúc đó Tổng Thống Hoa Kỳ sẽ bị đẩy vào trường hợp hoặc đưa thẳng binh sĩ Mỹ về nước, hoặc là đưa binh sĩ Mỹ ra khỏi Iraq nhưng vẫn đóng ở những căn cứ tại Trung Ðông.

Chúng ta cần phải để ý là sau vụ đánh bom đền thờ Hồi Giáo Shiite hồi tháng Hai năm ngoái, Hoa Kỳ mới nhận thấy rõ là chính quyền của Thủ Tướng Maliki dường như không muốn giải quyết các vấn đề nội bộ trong nước, để tiến đến 1 chính quyền dân chủ như mục tiêu mà Hoa Kỳ đã đề ra khi đưa quân vào Iraq.

Chúng ta cần phải để ý là sau vụ đánh bom đền thờ Hồi Giáo Shiite hồi tháng Hai năm ngoái, Hoa Kỳ mới nhận thấy rõ là chính quyền của Thủ Tướng Maliki dường như không muốn giải quyết các vấn đề nội bộ trong nước, để tiến đến 1 chính quyền dân chủ như mục tiêu mà Hoa Kỳ đã đề ra khi đưa quân vào Iraq.

Ðiều này được Tổng Thống Bush trình bày rất rõ ràng trong bài diễn văn của ông, và đó chính là lý do tại sao bây giờ ông Bush đưa ra những điều kiện buộc chính phủ Baghdad phải làm và thời hạn họ phải hoàn tất, kèm theo lời canh báo là từ nay đến tháng 11 mà quý vị vẫn không làm được những điều chúng tôi yêu cầu, lúc đó chúng tôi sẽ rút quân, và quý vị phải tự lo liệu chuyện của mình, chúng tôi không thể nào tiếp tục yểm trợ cho quý vị được nữa.

Lúc đó cuộc chiến đẫm máu giữa người Shiite và người Sunni có thể xảy ra, nhưng đó là chuyện Iraq phải giải quyết, không còn liên quan gì đến Hoa Kỳ nữa cả. Nếu chính phủ Iraq không làm những điều Tổng Thống Bush đòi hỏi, họ sẽ không được sự yểm trợ từ nước Mỹ nữa. Nước Mỹ không thể tiếp tục đưa con em mình vào tham chiến, hy sinh cho những người không muốn tự giải quyết vấn đề.

Hỏi: Dường như bây giờ Tổng Thống Bush đang đặt niềm tin vào Thủ Tướng Maliki. Không hiểu tại sao Tổng Thống Hoa Kỳ lại có thể tin tưởng vào một nhà lãnh đạo mà trong những tháng trời qua chẳng bao giờ chứng tỏ ông ta có quyết tâm chính trị?

Đáp: Câu hỏi này cũng thật hay. Rõ ràng ông Maliki chính là trở ngại Tổng Thống Bush phải đối phó, vì không chỉ những người chống đối cuộc chiến mà ngay những người đang làm việc với ông Bush đều nói là “Thưa Tổng Thống, ông Maliki chẳng làm được gì cả”.

Gần đây nhất là vụ hành quyết ông Sadam Hussein, đáng lý ra phải là bằng chứng xác định Iraq là một quốc gia pháp trị, nhưng cuối cùng lại biến thành trò đùa vì vụ hành quyết chứng tỏ rõ ràng là một cuộc trả thù giữa các sắc tộc với nhau.

Làm sao chúng ta có thể tin tưởng một nhà lãnh đạo như thế? Câu trả lời là trong đời sống hàng ngày cũng như trong chính trường, đôi khi chúng ta không có cơ hội chọn lựa giữa trắng với đen, giữa cái tốt và cái xấu, mà chúng ta phải chấp nhận chọn giữa cái xấu ít và cái xấu nhiều.

Trong trường hợp này, Tổng Thống Bush chấp nhận cho ông Maliki thêm một cơ hội nữa để chứng tỏ ông ta là người có ý chí chính trị, hơn là quay lưng bỏ mặc Iraq, mặc kệ cho cuộc nội chiến bùng nổ, mặc kể cho chuyện người Iraq tàn sát lẫn nhau.

Tôi nhớ lúc người Anh rời khỏi Ấn Ðộ, người theo Ấn Giáo và người theo Hồi Giáo bắt đầu chém giết nhau, lịch sử ghi lại là một nửa triệu người chết, hơn 10 triệu người phải bỏ nhà cửa chạy lánh nạn, và đó là thảm họa cho nhân loại.

Làm sao chúng ta có thể tin tưởng một nhà lãnh đạo như thế? Câu trả lời là trong đời sống hàng ngày cũng như trong chính trường, đôi khi chúng ta không có cơ hội chọn lựa giữa trắng với đen, giữa cái tốt và cái xấu, mà chúng ta phải chấp nhận chọn giữa cái xấu ít và cái xấu nhiều.

Không ai trong chúng ta muốn thấy điều đó xảy ra ở Iraq cả, và đó chính là lý do Tổng Thống Bush phải nói với Thủ Tướng Maliki của Iraq là đã đến lúc ông Maliki phải hành động, đây là cơ hội cuối cùng cho ông ta nếu muốn tiếp tục được Hoa Kỳ yểm trợ. Tôi đồng ý là liệu chúng ta có nên đặt tin tưởng vào ông Maliki nữa hay không, nhưng chúng ta hy vọng ông Maliki biết đây là cơ hội cuối cùng để ông ta làm việc, nếu không thì Hoa Kỳ sẽ rút khỏi Iraq và lúc đó tình trạng sẽ tệ hại hơn nhiều.

Hỏi: Theo ông, liệu Hoa Kỳ có thể chiến thắng về quân sự ở Iraq, hay trong tình huống của một cuộc nội chiến như bây giờ thì cách tốt nhất là giúp Iraq tìm một giải pháp chính trị rồi rút lui?

Đáp: Tôi không biết có phải nội chiến đang xảy ra ở Iraq hay không. Ðồng ý là những vụ đụng độ mang mầu sắc tôn giáo vẫn tiếp tục xảy ra ở mức độ rất cao, nhưng theo tôi hiểu thì nội chiến có nghĩa là cuộc chiến giành quyền lợi, tranh giành ảnh hưởng chính trị phải lan rộng khắp mọi nơi.

Ðằng này chúng ta thấy chỉ có phe Hồi Giáo Shiite đang tranh giành ảnh hưởng với nhau, phe Hồi Giáo Sunni thì không. Vả lại trong thời gian gần đây, chúng ta thấy ngay cả các phe phái đang tranh giành ảnh hưởng cũng bắt đầu nghĩ đến chuyện giải quyết vấn đề bằng đường lối tốt hơn, thay vì chém giết lẫn nhau. Nếu điều này trở thành sự thật thì đó là một bước tiến lớn, một thay đổi lớn so với tình hình hiện tại.

Hỏi: Điều không thể chối cãi được là qua bài diễn văn, Tổng Thống Hoa Kỳ George W. Bush muốn giải thích cho người dân và cho Quốc Hội biết những điều ông thấy cần phải làm. Nhưng liệu dân chúng và Quốc Hội Mỹ có đồng ý với ông Bush hay không?

Đáp: Ðảng Dân Chủ hiện đang nắm khối đa số ở Quốc Hội, dù số ghế đại biểu mà hai đảng có được không chênh lệch với nhau nhiều lắm. Nhưng rõ ràng Tổng Thống Bush gặp khó khăn khi tìm sự đồng thuận của Quốc Hội và của người dân.

Lúc nãy tôi có nói là không phải chỉ có những người chống đối cuộc chiến, mà ngay cả những người ủng hộ và ngay các viên chức đang làm việc trong chính phủ cũng không hài lòng. Người dân Mỹ thì hoài nghi, dù điều đó không nghĩa là họ chống đối việc đưa thêm quân vào Iraq, nhưng với điều kiện chính quyền phải có một kế hoạch rõ rệt.

Trong 3 năm qua, Chính Phủ của ông Bush thường nói với dân là mọi chuyện ở Iraq đều tốt đẹp, nhưng thực tế không đúng như thế. Bây giờ, trách nhiệm của chính phủ là làm sao lấy lại được niềm tin nơi người dân.

Chúng ta cũng phải hiểu là Tổng Thống Bush không đưa quân vào Iraq vì ông nghĩ là sẽ được dân chúng ủng hộ, ông Bush cũng không giải thích rõ ràng cho dân chúng biết những khó khăn khi thực hiện cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu, nhưng ông Bush luôn luôn nói rằng ông phải mở cuộc chiến vì ông thấy đây là điều cần thiết phải làm.

Trong 3 năm qua, chính ông Bush phải gánh chịu rất nhiều hậu quả chính trị đầy bất lợi từ chuyện uy tín cá nhân của ông với dân chúng giảm, cho đến việc đảng Cộng Hòa mà ông lãnh đạo thua cuộc bầu cử Quốc Hội hồi tháng 11 năm rồi. Quả thật là có nhiều điều đáng ra chúng ta phải làm tốt hơn hay khác hơn nhưng lại không làm.

Nhưng nếu đặt câu hỏi tại sao ông Bush lại mở cuộc chiến Iraq, thì câu trả lời thật rõ ràng là Tổng Thống Bush thấy phải bảo vệ quyền lợi của quốc gia, và ông Bush cũng biết đây là một cuộc chiến khó khăn mà chính ông cũng phải gánh chịu nhiều hậu quả đầy bất lợi về mặt chính trị.

Hỏi: Xin cám ơn Giáo Sư Turzanski.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.