Truyền Thông Quốc Tế (Ngày 24-9-2004)


2004.09.26

Cuộc bầu cử ở Indonesia, Trung Quốc sau khi ông Giang Trạch Dân rời khỏi chính trường, những cuộc thảo luận tiền thượng đỉnh ASEM 5 ở Hà Nội và tự do tôn giao tại Việt Nam là những đề tài được báo chí và các nhà bình luận nói đến trong những ngày qua.

Mặc dù ông Susilo Bambang Yudhoyono chưa tuyên bố thắng cử và đương kim Tổng Thống Megawati chưa lên tiếng nhìn nhận thất bại, nhưng cuộc bầu cử vừa diễn ra ở Indonesia hôm Thứ Hai vừa qua và trách nhiệm cũng như thử thách mà nhà lãnh đạo mới phải đương đầu đã được nói đến.

Nhìn lại cuộc bầu cử, nhật báo The Jakarta Post cho đây là một bước tiến thật lớn và thật quan trọng trong tiến trình xây dựng dân chủ. Bài bình luận có đoạn viết: "Cuộc bầu chọn Tổng Thống diễn ra ôn hòa và thành công đã nói lên sự trưởng thành của Indonesia. Sự kiện không có xáo trộn và bất ổn xảy ra đã đưa Indonesia đứng đầu danh sách những nước đang phát triển tổ chức bầu cử năm nay, đồng thời cũng xóa tan mọi e ngại mà người dân Indonesia thường có."

Bài bình luận cũng nói đến sự kiện ông Susilo thắng lớn trong cuộc bầu chọn Tổng Thống chính là vì người dân Indonesia đã thật sự sử dụng là phiếu của họ để không những chọn người lãnh đạo, mà còn góp phần xây dựng dân chủ cho đất nước: "Rõ ràng số phiếu đạt được hơn hẳn dự đoán của chính ông ta. Ðiều này chứng tỏ là vào tuần lễ cuối cùng trước ngày cuộc bầu chọn Tổng Thống diễn ra, những cử tri còn phân vân đã quyết định ủng hộ ông, cho ông một cơ hội. Nhưng điều này cũng cho thấy cử tri Indonesia đặt tin tưởng vào nền dân chủ chứ không phải là chỉ tin vào các ứng viên. "

Trong một bài quan điểm khác, tờ The Jakarta Post còn cho rằng chiến thắng chính trị của ông Susilo là dấu hiệu chấm dứt thời đại vàng son của một tập quán chính trị đặt trên căn bản mà người Việt chúng ta thường nói là con vua thì lại làm vua.

Bài viết của ông Ong Hock Chuan được tờ báo đăng tải viết: "Cuộc bầu chọn Tổng Thống vòng nhì quả là một biến cố trong chính trường Indonesia. Sáu năm sau ngày tiếng gọi đổi mới, REFORMASI vang dội, cuộc bầu chọn này đánh dấu thành phần thường được coi là được ưu đãi trong chính trường đã thật sự cáo chung. Cái chết đó đã giúp cho người dân Indonesia cơ hội, hy vọng trông thấy sự minh bạch và khả tín cũng đang dần dần xuất hiện. "

Bên cạnh chuyển biến chính trị ở Indonesia, Hội Nghị Trung Ương Ðảng Cộng Sản Trung Quốc cũng được giới quan sát chính trị lưu tâm đến, nhất là sự kiện từ nay ông Hồ Cẩm Ðào là người thật sự nắm mọi quyền hành ở Hoa Lục, ông Giang Trạch Dân được kể như đã rời khỏi chính trường.

Theo nhận xét của ông Dư Mậu Xuân, một chuyên gia về Trung Quốc hiện đang giảng dậy tại Học Viện Hải Quân Hoa Kỳ, bất kể có họ Giang hay không có họ Giang, một trong những mục tiêu mà giới lãnh đạo Bắc Kinh sẽ tiếp tục theo đuổi là băng mọi giá và mọi cách phải trở thành một cường quốc quân sự ở Châu Á. Nhận xét này được Giáo Sư Dư Mậu Xuân chia sẻ như sau: (Xin nghe audio clip bên trên)

Mục tiêu mà Trung Quốc theo đuổi ngày nay là phục hồi lại cương vị của một đại cường Trung Hoa, trong đó có cả kế hoạch xây dựng lại một đại cường về quân sự. Trung Quốc có một lực lượng quân đội hùng hậu nhất thế giới, chính sách hiện đại hóa quân đội được thi hành với tốc độ cực nhanh. Với thành quả vượt bực đạt được nhờ kinh tế, Trung Quốc có điều kiện để phát triển quân sự. Ðiều không thể chối cãi được là sớm muộn gì họ cũng đạt được mục đích đã đề ra là trở thành một cường quốc về quân sự ở Châu Á. Ngay chính những nước láng giềng của họ, như Nhật Bản chẳng hạn, cũng biết chuyện này sẽ trở thành sự thật.

Với Việt Nam, sự kiện các nhà báo và những tổ chức quốc tế không được tham dự Diễn Ðàn Nhân Dân Á-Âu ở Hà Nội cũng là chuyện được báo chí nước ngoài nói đến. Trong bài bình luận mang nhan đề “Ngày Xã Hội Dân Sự Bị Ðấm Chảy Máu Mũi” đăng tải trên tờ The Strait Times xuất bản ở Singapore, bình luận gia David Koh viết: "Tháng này, xã hội dân sự quốc tế bị đấm chảy máu mũi ngay ở Hà Nội. Ðến tham dự Diễn Ðàn Nhân Dân Á-Âu được tổ chức trước Thượng Ðỉnh ASEAM 5, thành viên của những tổ chức xã hội dân sự Tây Âu hy vọng sẽ hòa nhập được với xã hội dân sự của người Việt Nam.

Ðiều họ không biết là xã hội dân sự không hiện hữu ở Việt Nam và Chính Quyền Việt Nam cũng chẳng bao giờ tạo điều kiện dễ dàng cho những người muốn tham dự. Người tham dự thì nghĩ rằng Chính Phủ Việt Nam sẽ cho họ toàn quyền tham dự Diễn Ðàn Nhân Dân Á-Âu, nhưng quốc gia chủ nhà cấm cửa không cho vào.Người muốn tham dự bực tức, nhưng điều đó chỉ phản ánh sự kém hiểu biết về môi trường chính trị và xã hội đang dần dần thành hình ở Việt Nam kể từ khi chính sách Ðổi Mới được thực hiện từ năm 1986."

Bnhận định viết tiếp là Việt Nam giờ đây đã có nhiều thay đổi, đời sống người dân khá hơn, tỷ lệ người nghèo đã giảm bớt, dân chúng được quyền bày tỏ ý kiến và thảo luận nhiều hơn, nhưng vẫn còn những giới hạn: "Từ các tổ chức phi chính phủ là một từ được hiểu sai nghĩa ở Việt Nam, vì hầu hết đều là những tổ chức hợp tác chặt chẽ với Chính Quyền, khác biệt với nghĩa thảo luận cởi mở thường thấy ở những xã hội dân sự."

Bài bình luận kết thúc: "Vì thế, đã tới lúc cần phải nói đến các chiến thuật thích hợp mà xã hội dân sự quốc tế nên áp dụng đối với Việt Nam. Ðương đầu sẽ không được đón nhận cho bằng thái độ hỗ trợ. Xã hội dân sự quốc tế cũng không nên ngạc nhiên khi thấy chính các nhà báo cũng không được dự Diễn Ðàn Nhân Dân Á-Âu. Phải cẩn thận xem mình đang đi đâu và đang làm gì, nếu không sẽ bị dập mũi đấy."

Mục Truyền Thông Quốc Tế tuần nay của chúng tôi xin được kết thúc với nhận định của Ông Linh Tiến Khải về việc Hoa Kỳ quyết định đặt Việt Nam trong danh sách những nước cần đặc biệt quan tâm đến vì vẫn vi phạm quyền tự do tín ngưỡng. Ông Linh Tiến Khải là bình luận gia về tôn giáo cho Ðài Phát Thanh Radio Vaticano và Ðài Chân Lý Tin Mừng Radio Veritas: (Xin nghe audio clip bên trên)

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.