Truyền thông quốc tế (Ngày 8-10-2004)


2004.10.11

Kết quả cuộc bầu cử Tổng Thống ở Indonesia, cuộc bầu cử Tổng Thống ở Afghanistan sẽ diễn ra vào ngày mai, và Thượng đỉnh ASEM 5 tại Hà Nội là những đề tài được chú ý đến trong tuần qua, và chúng tôi xin gửi đến quý thính giả trong khuôn khổ của tạp chí Truyền Thông Quốc Tế hàng tuần.

By line: Nguyễn Khanh

Kết quả cuộc bầu cử Tổng Thống Indonesia đã được công bố. Với 61% cử tri tín nhiệm, Tướng Susilo Bambang Yudhoyono trở thành nhà lãnh đạo mới, sẽ tuyên thệ nhậm chức vào ngày 20 tháng này. Ông Susilo lên nắm quyền vào lúc Indonesia đang gặp nhiều khó khăn cần phải giải quyết.

Bầu cử ở Indonesia

Nhà phân tích Rodger Baker của Công Ty Tư Vấn Stratfor nhận định: "Điều đầu tiên ông Susilo phải làm là tạo được niềm tin của người dân và chứng tỏ cho nhân dân Indonesia thấy ông là người lãnh đạo nước. Vì không nắm được khối đa số ở Quốc Hội, ông ta phải đi đến những thỏa thuận chính trị với các phe nhóm khác, như thỏa thuận với đảng GOLKAR và cũng có thể, phải lợi dụng chuyện đảng GOLKAR đang rạn nứt để xây dựng uy thế cho mình.

Tôi cũng nghĩ có một số điều khác ông tân Tổng Thống Indonesia sẽ phải làm, thí dụ như xây dựng quan hệ tốt hơn với Australia, điều này có thể khiến dân chúng không hài lòng, nhưng quan trọng hơn là ông Susilo phải chứng tỏ cho thấy không chỉ là Tổng Thống Indonesia, ông còn là một nhà lãnh đạo của khu vực, được mọi người trong khu vực kính trọng."

Nhật báo The Jakarta Post thì cho rằng Tướng Susilo nên học những kinh nghiệm của cựu Tổng Thống Philippines Fidel Ramos. Tờ báo so sánh ông Ramos và ông Susilo đều xuất thân từ quân đội, ông Ramos kêu gọi người dân đứng lên lật đổ nhà cầm quyền độc tài Ferdinand Marcos, ông Susilo được hơn 60% cử tri tín nhiệm, chấm dứt thời đại con vua thì lại làm vua; cả hai ông đều lên nắm quyền điều hành quốc gia, thay thế người phụ nữ đầu tiên được chọn làm Tổng Thống của nước mình.

Tờ Jakarta Post viết những điều ông tân Tổng Thống Indonesia nên học từ ông Cựu Tổng Thống Philippines gồm: "Điều đầu tiên là phải đưa ra những dấu hiệu khẳng định sẽ diệt trừ tham nhũng. Ðiều thứ nhì là một mặt, đệ trình cho quốc hội những dự luật cải tổ sâu rộng, đồng thời liên tục mở những chuyến viếng thăm nước ngoài để kêu gọi đầu tư, tạo thêm công ăn việc làm cho người dân trong lúc nền kinh tế quốc gia đang bị đình trệ.

Ðiều thứ ba là phải chứng tỏ cho mọi người thấy giá trị của các cố gắng, của sự năng nổ của ông và của các viên chức Chính Phủ. Ðiều thứ tư là phải hòa mình với nhân dân, điều thứ năm cũng là điều quan trọng nhất là không phải chỉ là một nhà lãnh đạo có tầm nhìn, mà còn là một nhà phân tích tài ba, để những dự án ông đưa ra đều đạt kết quả."

Một cuộc bầu cử khác cũng được nói đến, là cuộc bầu cử Tổng Thống ở Afghanistan sẽ diễn ra vào ngày mai. Nhận định của Giáo Sư Alexander Their thuộc đại học Stanford, Hoa Kỳ, được Viện Nghiên Cứu Thông Tin Trung Thực phổ biến có đoạn viết như sau: "Afghanistan vẫn còn quá xa với dân chủ. Trong lúc Tổng Thống Hamid Karzai đang gặp khó khăn để xây dựng Chính Phủ tại Kabul thì hầu hết lãnh thổ của nước này đang nằm dưới quyền kiểm soát của quân đội các sứ quân.

Giao tranh giữa các phe nhóm xảy ra khắp mọi nơi, năm nay số binh sĩ và nhân viên làm việc cho những tổ chức cứu trợ chết nhiều hơn số tử vong 2 năm trước. Với môi trường như vậy, khó có thể thực hiện được cuộc bầu cử tự do và công bằng. Hơn 10 triệu cử tri Afghanistan đã ghi danh đầu phiếu, tính mạng của nhiều người trong số này đang lâm nguy. Trong bản phúc trình mới phổ biến, Liên Hiệp Quốc, tổ chức đứng ra giúp thực hiện cuộc bầu cử, cũng cảnh báo rằng nhiều cử tri Afghanistan sẽ bị các sứ quân đe dọa, không cho họ cơ hội thực hiện quyền chính trị.

Bầu cử ở Afghanistan

Ngay trong chuyến vận động tranh cử đầu tiên thực hiện ở ngoài thủ đô Kabul, chính ông Hamid Karzai cũng bị ám sát hụt. Nhưng những lo ngại về cuộc bầu cử có công bằng, tự do hay không đã bị chìm xuống vì dường như kết quả đã đoán biết được trước. Cả thảy có 18 người ghi danh tranh cử Tổng Thống và hầu như ai cũng biết ông Hamid Karzai, người được Hoa Kỳ yểm trợ, sẽ thắng cử."

Bài bình luận viết tiếp: "Tổ chức bầu cử chỉ là một phần nhỏ trong tiến trình đi đến dân chủ. Một chính phủ hoạt động hữu hiệu, uy tín, bảo đảm được mọi quyền của người dân mới thật sự là ngọn ngành của dân chủ. Tổ chức bầu cử mà không có pháp trị có thể gây tai hại cho nền dân chủ vì sẽ tạo nên bạo động, tạo mầm mống cho sự nghi ngờ và tạo cơ hội để những thành phần phi dân chủ trở thành vững mạnh hơn trước."

ASEM

Sáng nay, Thượng Ðỉnh Diễn Ðàn Hợp Tác Á-Âu ASEM 5 đã khai mạc ở Hà Nội, với sự tham dự của 39 thành viên. Nhận định của tờ The Korea Times nhấn mạnh đến tầm quan trọng của Hội Nghị Cấp Cao này: "Châu Á và Châu Âu chia sẻ với nhau nhiều lãnh vực, từ chính trị, kinh tế đến văn hóa, và đó là mục tiêu của ASEM. Cũng với mục tiêu này, hợp tác kinh tế chính là nền móng quan trọng nhất cho quan hệ bền vững hơn bao giờ hết của 2 khu vực.

Cũng vì lý do đó, những đóng góp của ASEM bao giờ cũng được đánh giá cao, trở nên tối cần thiết. Chẳng hạn như hồi 1998 lúc Châu Á bị khủng hoảng tài chính, ASEM đã phát động những chương trình giúp đỡ cho các hội viên Châu Á. Quỹ Tín Dụng ASEM đã được thành lập để yểm trợ cho các chương trình cải cách tài chánh ở Châu Á.

Trong 8 năm qua, ASEM cũng nỗ lực không ngừng trong công tác hỗ trợ, đẩy mạnh mở rộng mậu dịch đa phương mà Tổ Chức Mậu Dịch Thế Giới WTO đề ra. Không thể phủ nhận được là ASEM cũng góp phần cổ võ cho sự phát triển của những doanh nghiệp nhiỏ và doanh nghiệp vừa, cổ võ cho sự hợp tác chặt chẽ hơn về khoa học kỹ thuật, và liên hệ chặt chẽ hơn giữa các chính phủ với doanh nghiệp."

Bài bình luận cũng nói đến những gì cần đạt được ở Diễn Ðàn ASEM 5: "Tại Thượng Ðỉnh ASEM ở Hà Nội, các nước thành viên Á cũng như Âu sẽ cùng nhau làm việc, tìm kiếm sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa hai vùng, đặc biệt nhất là công cuộc hợp tác mới nay được lồng trong khuôn khổ toàn cầu hóa và mở rộng khu vực.

Nói một cách khác, ý kiến được đưa ra là cùng nhau tìm đường hướng để cổ võ hơn nữa cho quan hệ thương mại giữa Châu Á và Châu Âu. Và trong các cuộc thảo luận ở Hà Nội, các nước tham dự cũng sẽ nghĩ đến việc đã đến lúc ASEM nên mở rộng địa bàn hoạt động ở Ðông Nam Á và ở Ðông Âu, những khu vực có tiềm năng phát triển thật dồi dào."

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.