Bệnh sán lá gan và cách ngừa bệnh


2006.07.14

Trà Mi, phóng viên đài RFA

Tại nhiều địa phương ở khu vực miền Trung đang báo động về căn bệnh sán lá gan. Tin tức trong nước cho hay từ đầu năm đến nay Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn Trùng Quy Nhơn đã tiếp nhận hàng ngàn ca bị nhiễm bệnh này. Do số bệnh nhân quá đông mà Viện không đủ thuốc đặc hiệu để điều trị, cho nên nhiều người đã phải cấp cứu vì biến chứng.

PatientDoctor200.jpg
Bệnh nhân sán lá gan điển hình được chẩn đoán và điều trị. Photo courtesy Viện Sốt Rét Ký Sinh Trùng Côn Trùng Quy Nhơn.

Chương trình Sức khoẻ và đời sống tuần này, mời quý vị cùng tìm hiểu về bệnh sán lá gan qua cuộc trao đổi với bác sĩ Tùng, chuyên khoa gan, từ Đà Nẵng:

Trà Mi: Xin hỏi thăm bác sĩ căn bệnh sán lá gan là gì, và nó có những biểu hiệnh như thế nào?

Bác sĩ Tùng: Bệnh này do một loại ký sinh trùng gây ra, nó ký sinh trong các loại cá sống ở nước lợ, hoặc trong các loại rau mọc ở dứơi nước như xà lách xoong. Khi người dân ăn vô, ký sinh trùng này sẽ đi vào bao tử, xuống ruột, vượt qua thành ruột đi vào trong gan.

Tại đây nó sẽ phát triển trong những tế bào gan. Trong vòng 3 tháng, nó sẽ tạo nên triệu chứng. Triệu chứng đầu tiên người bệnh sẽ có cảm giác sốt run lạnh. Thứ hai là đau vùng gan tức vùng hông phải, khiến bệnh nhân phải nhập viện.

Trà Mi: Bệnh sán lá gan hiện giờ đang báo động ở Việt Nam. Nguyên nhân vì sao thưa bác sĩ?

Bác sĩ Tùng: Ở Việt Nam có một số vùng bị bệnh này nhiều ví dụ như Quãng Nam-Đà Nẵng, Nha Trang, Quãng Ngãi, Lâm Đồng. Gần đây phát hiện nhiều ở Bình Thuận. Còn ở miền Bắc và miền Nam Việt Nam thì ít có bệnh lý sán lá gan.

Bệnh này do một loại ký sinh trùng gây ra, nó ký sinh trong các loại cá sống ở nước lợ, hoặc trong các loại rau mọc ở dưới nước như xà lách xoong. Khi người dân ăn vô, ký sinh trùng này sẽ đi vào bao tử, xuống ruột, vượt qua thành ruột đi vào trong gan.

Bệnh này chủ yếu do ăn phải những loại rau sống dưới nước (có thể do ấu trùng thải ra trong phân hoặc do người ta dùng phân tứơi rau), hay ăn cá sống, gỏi cá…Ở Việt Nam mình phần đông bị bệnh này do ăn rau, chứ do ăn cá thì ít. Ở Nhật và Thái Lan thì nhiều người bị bệnh sán lá gan nhỏ do ăn cá sống, còn ở nước mình thì thường gặp bệnh sán lá gan lớn.

Trà Mi: Bệnh này có những biến chứng hay hậu quả như thế nào?

Bác sĩ Tùng: Thường bệnh nhân phải đi bệnh viện vì có triệu chứng sốt và đau vùng gan thành ra trường hợp bệnh nhân không biết mà để đến biến chứng thì ít gặp. Còn những bệnh nhân vì khó khăn hoặc ở xa bệnh viện không có điều kiện chẩn đoán thì có thể là bệnh này sẽ âm thầm tạo thành những ổ áp-se rất nhỏ ở trong gan.

Nhiều ổ áp-se nhỏ tạo thành những ổ áp-se lớn phá tổ chức gan, dần dần đưa đến tình trạng bị xơ gan ở vùng bị tổn thương đó. Nếu áp-se gan lớn quá vỡ trong bụng thì có thể gây tử vong cho bệnh nhân vì viêm phúc mạc. Nếu bệnh nhân có sức đề kháng lớn hơn thì có khả năng bệnh sẽ diễn biến âm thầm và đưa đến xơ gan.

Trà Mi: Xin hỏi bác sĩ hiện nay ở Việt Nam phương pháp điều trị bệnh sán lá gan ra sao?

Bác sĩ Tùng: Ở Việt Nam mình chưa có thuốc đặc trị cho sán lá gan, cho nên 2 năm trước phải dùng loại thuốc điều trị bằng ký sinh trùng amít. Thời gian trong 10 ngày. Tuy nhiên do biến chứng của loại thuốc này nhiều quá, nhất là các biến chứng về tim mạch, nên Bộ y tế Việt Nam đã cấm không cho dùng thuốc này.

Cho đến nay thuốc đặc trị cho bệnh này vẫn chưa có tại Việt Nam mà chỉ có 1 công trình nghiên cứu đang thực hiện ở Quy Nhơn do quốc tế tài trợ để thử nghiệm 1 loại thuốc điều trị sán lá gan hiệu quả. Đó là triclabendazol. Còn những nơi chưa mua được thuốc này thì phải dùng các loại thuốc điều trị sán thường để điều trị sán lá gan, cho nên thời gian điều trị rất lâu và kéo dài tới 28 ngày.

Nếu có thuốc triclabendazol thì chỉ uống 4 viên 1 lần một thôi là xong quy trình điều trị, sau đó phải theo dõi tới 3 tháng mới có thể xác định là khỏi bệnh hay chưa. Mỗi tháng theo dõi 1 lần bằng siêu âm và xét nghiệm máu.

Thường bệnh nhân sau khi uống thuốc này sẽ thấy biểu hiện là không còn đau ở vùng gan cũng như không còn sốt nữa. Nếu siêu âm sẽ nhận thấy các ổ áp-se càng ngày càng nhỏ trở lại và xét nghiệm máu cũng cho thấy loại bạch cầu ưa acid cũng càng ngày càng thấp. Hiện nay có rất nhiều bệnh viện tiếp nhận bệnh sán lá gan.

Trà Mi: Chi phí điều trị ra sao?

Bác sĩ Tùng: Do bây giờ thuốc triclabendazol vẫn là thuốc nghiên cứu nên chưa có thuốc đặc hiệu đặc trị, trên thị trường vẫn phải dùng các loại thuốc thông thường. Với các loại thuốc này thì chi phí điều trị cỡ 600 ngàn.

Trà Mi: Nhưng với các loại thuốc này thì có chắc chắn sẽ điều trị dứt hẳn bệnh sán lá gan không?

Bác sĩ Tùng: Với các loại thuốc thông thường sử dụng điều trị sán lá gan hiện nay thì thời gian theo dõi phải kéo dài hơn, có thể theo dõi đến 6 tháng. Nếu đến tháng thứ 3 mà bệnh vẫn còn tái lại thì phải dùng thêm một đợt thuốc nữa để tái điều trị. Và tất cả các loại thuốc này đều dưới sự theo dõi, hướng dẫn của bác sĩ rất kỹ về thời gian để tái khám, chứ bệnh nhân không được tự tiện uống.

Trà Mi: Ở Việt Nam thường thấy hiện tượng người dân phát hiện các bệnh về sán thì thường tự ý ra tiệm thuốc mua thuốc về tự điều trị.

Bác sĩ Tùng: Đối với các loại sán thường thì người ta làm vậy, nhưng sán lá gan thì tự nhiên cái bệnh lý của nó buộc bệnh nhân phải tìm đến bệnh viện để được chữa trị vì sốt và đau. Việc phát hiện chẩn đoán bệnh này thì cũng đơn giản chứ không khó lắm.

Trà Mi: Xin bác sĩ giới thiệu một vài địa điểm tin cậy để bệnh nhân có thể tìm tới để điều trị bệnh sán lá gan?

Bác sĩ Tùng: Bệnh viện nào cũng có thể điều trị bệnh này, nhất là các bệnh viện tỉnh. Bệnh viện công và tư đều có kiến thức về bệnh này vì đây gần như là loại bệnh lý dịch tễ học cho nên đa số bác sĩ đều có kiến thức về chẩn đoán và điều trị bệnh sán lá gan.

Bệnh nhân ở miền Trung có thể tìm đến bệnh viện đa khoa Đà Nẵng hay bệnh viện Hoàn Mỹ. Ở Quy Nhơn và các tỉnh khác, bệnh nhân có thể tìm đến tất cả các bệnh viện tỉnh đều có điều trị bệnh này.

Muốn tránh bệnh này, bà con ở những vùng dịch tễ nên luộc chín rau hơn là ăn sống, không nên các loại thức ăn sống như gỏi cá hoặc gỏi tôm vì những loại này dễ có ấu trùng nằm sẵn trong đó và nếu chúng ta không có biện pháp rửa sạch thì dễ đưa đến tình trạng bị nhiễm sán lá gan.

Trà Mi: Cuối cùng xin bác sĩ một vài lời khuyên giúp phòng ngừa căn bệnh này?

Bác sĩ Tùng: Muốn tránh bệnh này, bà con ở những vùng dịch tễ nên luộc chín rau hơn là ăn sống, không nên các loại thức ăn sống như gỏi cá hoặc gỏi tôm vì những loại này dễ có ấu trùng nằm sẵn trong đó và nếu chúng ta không có biện pháp rửa sạch thì dễ đưa đến tình trạng bị nhiễm sán lá gan.

Nếu có điều kiện nên mua rau sạch. Hiện nay Việt Nam mình cũng có một số vùng khuyến khích nông dân trồng rau sạch, không bón phân chuồng tức là phân người hoặc phân súc vật. Các loại phân này dùng bón rau thì rất dễ đưa đến ký sinh trùng.

Đó là vấn đề nuôi trồng. Còn vấn đề vệ sinh ăn uống thì khi rửa rau nên dùng nước muối với độ mặn chỉ bằng nước mắt mình thôi, và nên ngâm trong vòng từ 10-15 phút.

Trà Mi: Xin chân thành cảm ơn thời gian và những thông tin bổ ích bác sĩ dành cho chương trình hôm nay.

(Xin theo dõi toàn bộ nội dung trong phần âm thanh bên trên)

Chương trình này chỉ nhằm cung cấp kiến thức tổng quát về sức khoẻ. Cho các vấn đề cụ thể, chi tiết của từng bệnh nhân, xin liên lạc trực tiếp với bác sĩ cuả quí vị để được thăm khám trực tiếp.

Thông tin trên mạng:

- Bệnh sán lá gan SOS!

- Ký sinh trùng đường ruột

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.