Ô nhiễm không khí là một nguyên nhân gây ung thư

Việt Hà, phóng viên RFA
2013.11.12
045_IS09A86RU-305.jpg Khói từ một nhà máy lọc dầu ở Los Angeles, California. Ảnh minh họa.
AFP photo

 

Một cơ quan về nghiên cứu ung thư của Tổ chức Y tế thế giới mới đây công bố báo cáo xác định ô nhiễm không khí là nguyên nhân môi trường hàng đầu dẫn đến các bệnh ung thư, đặc biệt là ung thư phổi.

Ô nhiễm không khí và ung thư

Ngày nay, trong xã hội hiện đại, có quá nhiều thứ có thể gây ung thư cho con người, nhưng thật khó có thể tưởng tượng nổi, không khí mà chúng ta đang hít thở hàng ngày cũng là một nguyên nhân có thể gây ung thư. Nhưng đó lại là điều có thật khi lần đầu tiên một cơ quan nghiên cứu ung thư quốc tế thuộc Tổ chức Y tế Thế giới, công bố báo cáo xác định ô nhiễm không khí là nguyên nhân dẫn đến ung thư.

Bác sĩ Kurt Straif, người đứng đầu cơ quan Nguyên cứu Ung thư Quốc tế (IARC) có trụ sở tại Pháp, nói ‘không khí mà chúng ta đang hít thở là một hỗn hợp các chất gây ung thư. Mặc dù chúng ta từ lâu đã biết ô nhiễm không khí không chỉ là nguyên nhân chính ảnh hưởng đến sức khỏe nói chung mà còn là nguyên nhân môi trường hàng đầu dẫn đến những tử vong do ung thư’.

Báo cáo của IARC tập hợp hơn 1,000 nghiên cứu và báo cáo độc lập về môi trường và sức khỏe ở cả 5 châu lục. Các nghiên cứu này tìm hiểu các yếu tố gây ung thư khác nhau trong ô nhiễm không khí, đặc biệt là ô nhiễm liên quan đến các phương tiện vận tải. Việc đánh giá dựa vào số liệu về các nghiên cứu bệnh dịch bao gồm hàng triệu người ở châu Âu, Bắc, Nam Mỹ và châu Á.

Nói về tầm quan trọng của kết quả nghiên cứu này, bác sĩ Dana Loomis, Phó Giám đốc IARC cho biết:

Đây là báo cáo mới về vấn đề này nhưng từ lâu chúng ta đã biết là các hóa chất và các chất khác trong không khí có thể gây ung thư cho người. Đây là lần đầu tiên một tổ chức về Y tế của Thế giới tuyên bố rằng hỗn hợp của ô nhiễm không khí là tác nhân gây ung thư. Điều này rất quan trọng vì ô nhiễm không khí hiện nay rất nghiêm trọng trên toàn thế giới, với việc nói rằng ô nhiễm không khí là nguồn gây ung thư chúng tôi bao gồm toàn bộ các hợp chất nhưng cụ thể hơn là một dự báo mạnh mẽ hơn về tác hại lên sức khỏe của ô nhiễm không khí.


Đây là lần đầu tiên một tổ chức về Y tế của Thế giới tuyên bố rằng hỗn hợp của ô nhiễm không khí là tác nhân gây ung thư.
- Bác sĩ Dana Loomis

Báo cáo của IARC ước tính vào năm 2010 có khoảng 223,000 người chết vì ung thư phổi do nguyên nhân từ ô nhiễm không khí. Theo bác sĩ Dana Loomis, tình trạng này xảy ra ở khắp mọi châu lục, ở mọi nước, từ nước phát triển đến các nước đang phát triển, nhưng nghiêm trọng nhất là ở những nước có nền kinh tế đang phát triển tại châu Á.

Ở Mỹ và các nước Tây Âu sau nhiều thập kỷ thực hiện các quy định nghiêm ngặt về môi trường không khí, ô nhiễm không khí tại các khu vực này đã giảm xuống và có thể nói là sạch hơn so với các nơi khác trên thế giới. Tuy nhiên báo cáo của chúng tôi cũng cho thấy các bằng chứng về những ảnh hưởng của ô nhiễm không khí đến ung thư phổi tại những nước này. Đối với các nước khác trên thế giới, vùng người dân bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi ô nhiễm không khí chính là châu Á. Đó là nơi mà quá trình công nghiệp hóa đang diễn ra nhanh chóng, một lượng lớn người dân sống gần các nhà máy các đường giao thông tấp nập và ô nhiễm tại đây rất cao, nhất là ở Trung Quốc, Đông Nam Á và Ấn Độ. Những nước có dân số đông.

Theo số liệu thống kê của chính phủ Trung Quốc, số ca bị phát hiện ung thư phổi tại thành phố Bắc Kinh đã tăng lên hơn 50% trong thời gian gần đây. Giới chức Y tế Trung Quốc xác định ô nhiễm không khí là một trong các nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Tân Hoa Xã trích số liệu thống kê của cơ quan Y tế Bắc Kinh cho thấy số ca bị ung thư phổi vào năm 2002 tại đây là 39,56 ca trên một 100,000 người, đã tăng lên 63,09 trên 100,000 người vào năm 2011.

Ô nhiễm không khí cũng được xác định là nguyên nhân dẫn đến ung thư bàng quang. Bác sĩ Loomis giải thích:

Chúng tôi đã tìm thấy những bằng chứng cho thấy ung thư bang quang cũng do ô nhiễm không khí. Điều này không ngạc nhiên vì ung thư bang quang cũng liên quan đến hút thuốc lá. Một số các chất ô nhiễm trong không khí cũng là chất tìm thấy trong khói thuốc lá. Chúng tôi cũng nhìn vào các bằng chứng về ung thư ở trẻ nhỏ và ung thư vú ở phụ nữ hay ung thư máu ở người lớn thì thấy có một số là do ô nhiễm không khí. Tuy nhiên kết luận vẫn chưa phải là hoàn toàn. Nhưng chúng tôi biết có mối liên hệ giữa ung thư bang quang và ô nhiễm không khí và chúng tôi khẳng định ung thư phổi là do ô nhiễm không khí, đó là bằng chứng mạnh mẽ nhất mà chúng tôi có.

Khó tránh tiếp xúc không khí bị ô nhiễm

Ô nhiễm không khí tại Trung Quốc hôm 22/10/2013. AFP photo
Ô nhiễm không khí tại Trung Quốc hôm 22/10/2013. AFP photo
Ô nhiễm không khí tại Trung Quốc hôm 22/10/2013. AFP photo

Theo các nhà khoa học, không khí ô nhiễm là một hỗn hợp của nhiều chất gây bệnh, bao gồm khí thải từ các xe lưu thông trên đường, từ nhà máy, kim loại và bụi không khí… IARC giờ đây xếp không khí ô nhiễm vào nhóm 1 các chất gây ung thư cho người. Nhóm 1 này cũng bao gồm hơn 100 các chất khác đã được xác định có thể gây ung thư cho người như asbestos (một loại vật dụng xây dựng), bụi silica, khói thuốc lá,…

Theo đánh giá của IARC, việc tiếp xúc với không khí ô nhiễm có nguy cơ cũng tương đương như trong các trường hợp người bị ung thư phổi do hít phải khói thuốc lá từ người khác. Bác sĩ Dana Loomis nói:

Mối nguy bị ung thư phổi từ ô nhiễm không khí cũng tương tự như mối nguy của người bị tiếp xúc với khói thuốc lá. Nó không giống như là người hút thuốc trực tiếp mà thôi. Ở các nước châu Á, nơi ô nhiễm không khí cao hơn so với châu Âu, mối nguy này cao hơn so với ở châu  Âu. Cho nên đó là một nguyên nhân quan trọng nhất về môi trường tới sức khỏe.

Quá trình phát triển bệnh ung thư do tiếp xúc với không khí ô nhiễm thường mất một khoảng thời gian tương đối lâu. Bác sĩ Dana Loomis nói tiếp:

Chúng tôi vẫn chưa biết chính xác là bao lâu với trường hợp một người bị tiếp xúc với ô nhiễm không khí. Nhưng ung thư thường phải mất rất nhiều năm để có thể phát triển thành bệnh. Với ung thư phổi, có thể là 10 đến 20 năm kể từ khi bắt đầu bị tiếp xúc với không khí ô nhiễm. Cho nên những người sống ở các thành phố phát triển và ô nhiễm có thể bị phát hiện ung thư sau nhiều năm, và đòi hỏi phải tiếp xúc liên tục thì mối nguy mới lớn.

Đây cũng là điều thường thấy trong các trường hợp bị phát hiện ung thư do tiếp xúc với hóa chất gây ung thư trong thời gian dài. Bác sĩ Phạm Đình Lựu, Chủ nhiệm bộ môn sinh lý Y học, đại học Y dược thành phố Hồ Chí Minh giải thích về cơ chế gây ung thư trong các trường hợp này như sau:

Cái gì mà kích thích nhiều lần lên một cơ quan bộ máy thì nó làm cho tế bào dễ bị đột biến gene. Bình thường tế bào đều có DNA nhưng khi đột biến thì những gene gây ung thư tạo các tế bào bất bình thường. Ví dụ hút thuốc lá nhiều thì khói thuốc lá vào phổi thì gây ung thư phổi.


Mối nguy bị ung thư phổi từ ô nhiễm không khí cũng tương tự như mối nguy của người bị tiếp xúc với khói thuốc lá. Nó không giống như là người hút thuốc trực tiếp mà thôi.
- Bác sĩ Dana Loomis

Trong khi từng người ở mức độ nào đó có thể kiểm soát được việc tiếp xúc với hóa chất gây ung thư trong cuộc sống hàng ngày như tránh hút thuốc, tránh ăn các đồ ăn chế biến sẵn có chất gây ung thư, thì việc hít thở phải không khí ô nhiễm là điều gần như không thể đối với từng cá nhân, nhất là ở các thành phố lớn, nơi ô nhiễm nghiêm trọng. Bác sĩ Dana Loomis cho rằng, vấn đề đòi hỏi sự nỗ lực của chính phủ và quốc tế.

Một cá nhân không thể làm gì nhiều để có thể làm giảm ô nhiễm trong không khí vì đó là điều không thể. Đây là vấn đề cần có một nỗ lực chung của nhiều người, cần nỗ lực từ chính phủ ở các cấp và cả nỗ lực của quốc tế. Các cá nhân có thể được thông báo về những gì đã xảy ra nhưng thật khó để họ có thể làm gì để giảm thiểu việc tiếp xúc với không khí ô nhiễm để có thể bảo vệ mình một hiệu quả.

Các nhà khoa học hy vọng những bằng chứng đầy đủ được công bố trong báo cáo có thể giúp Tổ chức Y tế Thế giới trong việc xem xét lại các hướng dẫn về chất lượng không khí được công bố từ năm 2005 áp dụng với 193 nước thành viên.

Xin quý vị chia sẻ các thông tin và câu hỏi về các vấn đề y tế, sức khỏe đến trang tạp chí sức khỏe đời sống tại email vietha@rfa.org hoặc www.facebook.com/vietharfa

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.