Kháng sinh có chữa được ho?

Một nghiên cứu mới được công bố rộng rãi gần đây ở châu Âu cho thấy việc sử dụng thuốc kháng sinh chữa ho không hẳn đã hiệu nghiệm như nhiều người thường nghĩ.
Việt Hà, phóng viên RFA
2013.01.09
043_dpa_7607434-305.jpg Thuốc ho
AFP photo

Quan niệm thay đổi

Đã từ lâu nay, nhiều người vẫn cho rằng cứ bị viêm họng, ho, uống kháng sinh sẽ khỏi. Mặc dù thuốc kháng sinh được dùng khá phổ biến trong các ca điều trị viêm đường hô hấp từ lâu nhưng một nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học châu Âu lại cho thấy kháng sinh không hiệu nghiệm với rất nhiều ca viêm đường hô hấp.

Tạp chí  Y học The Lancet trích lời Giáo sư Paul Little thuộc trường Đại học Southampton, Anh quốc, người dẫn đầu nghiên cứu cho biết việc sử dụng kháng sinh amoxicillin để điều trị viêm đường hô hấp trong các bệnh nhân, những người không bị nghi là viêm phổi, có nhiều khả năng không có tác dụng trong khi có thể gây hại.

Đây là nghiên cứu được thực hiện từ 2007 đến 2010 tại 12 nước châu Âu như Bỉ, Anh, Đức, Pháp và Ý… Đã có hơn 2,000 bệnh nhân tình nguyện tham gia vào nghiên cứu này, sau khi loại trừ những trường hợp bị nghi viêm phổi. Độ tuổi của bệnh nhân từ 18 trở lên. Các bệnh nhân này được chia làm hai nhóm. Nhóm một được kê đơn thuốc kháng sinh với liều 1g, uống 3 lần một ngày trong vòng 7 ngày. Nhóm hai được kê đơn thuốc trấn yên (tức là thuốc không có tác dụng gì hết). Kết quả cho thấy thuốc amoxicillin đưa lại rất ít tác dụng trong các ca viêm đường hô hấp  cấp, thậm chí đối với cả các bệnh nhân có độ tuổi từ 60 trở lên, và có một số tác dụng phụ nhẹ.

Bác sĩ Philipp Schuetz, thuộc Kantonsspital Aarau ở Thụy Sĩ, người có bài viết bổ sung về kết quả nghiên cứu mới này trên tạp chí The Lancet, giải thích cụ thể thêm tại sao việc sử dụng kháng sinh đại trà trong các ca viêm họng không hiệu nghiệm như sau:

"Từ 70 đến 80% các ca viêm họng là do virus. Khi bạn bị nhiễm virus, thuốc kháng sinh không thể giúp gì được bạn, nó chỉ có thể giúp được bạn trong trường hợp bạn bị viêm phổi tức là do nhiễm khuẩn. Vì vậy phần lớn các bệnh nhân viêm họng do nhiễm virus, họ không cần kháng sinh để điều trị."

Theo bác sĩ Schuetz, rất nhiều bác sĩ hiện nay vẫn kê kháng sinh cho bệnh nhân bị viêm họng vì không chắc bệnh nhân bị nhiễm khuẩn hay virut. Trong khi đó, rất nhiều bệnh nhân khỏi bệnh sau một thời gian dùng thuốc hoàn toàn do tự nhiên chứ không phải do dùng kháng sinh, nhưng vẫn cho đó là do kháng sinh. Ngoài ra cũng có nhiều trường hợp bác sĩ kê đơn kháng sinh vì lo lắng những diễn biến phức tạp sau đó có thể dẫn đến viêm phổi.

Viêm họng do virut và do vi khuẩn

Ảnh minh họa một người bệnh với các loại thuốc ho để đầu giường. AFP photo
Ảnh minh họa một người bệnh với các loại thuốc ho để đầu giường. AFP photo
Ảnh minh họa một người bệnh với các loại thuốc ho để đầu giường. AFP photo
Ho, viêm họng là bệnh khá phổ biến ở khắp nơi. Nhiều người cũng không coi đây là bệnh đáng lo ngại vì có thể chữa khỏi khá dễ dàng. Tuy nhiên với kết quả của nghiên cứu mới, có lẽ những người quan tâm đến vấn đề sức khỏe cũng nên cẩn trọng với việc điều trị căn bệnh đơn giản này.

Theo bác sĩ Schuetz, với bệnh ho, viêm họng do virut, cách tốt nhất đối với người bệnh là nghỉ ngơi và không nên uống thuốc trừ trường hợp thật cần thiết.

"Khi bạn nhiễm virut thì bạn chỉ chờ hệ thống miễn dịch hoạt động để khỏi bệnh. Tất cả những gì bạn có thể làm là nghỉ ngơi, có thể uống trà nóng. Nếu bạn bị sốt thì có thể uống thuốc hạ sốt. Tuy nhiên, bị sốt cũng là một phản ứng của hệ miễn dịch trước virut cho nên nhìn chung là chúng tôi không khuyến khích việc hạ sốt trong tất cả mọi trường hợp vì sốt là rất quan trọng để tiêu diệt virut. Trừ khi bạn bị sốt quá cao, còn nếu không thì bạn nên nghỉ ngơi, ngủ nhiều và để hệ miễn dịch tự giải quyết virut."

Đau họng, ngứa họng là điều rất khó chịu với người bệnh, các bác sĩ thường khuyên người bệnh có thể sử dụng syro ho khi cần thiết để giảm các triệu chứng đau, khó chịu. Tuy nhiên các loại syro này thường chỉ có tác dụng giảm triệu chứng tạm thời chứ không có tác dụng tiêu diệt virut. Ngoài ra việc dùng chanh với mật ong theo cách làm truyền thống ở nhà cũng được khuyến khích trong nhiều trường hợp để giảm khó chịu trong họng, trừ các trường hợp cho trẻ nhỏ dưới 1 tuổi.

Trong nhiều trường hợp, các bệnh nhân cũng thường tìm mua các thuốc ho không kê đơn ngoài hiệu thuốc. Trong một số thuốc có chứa paracetamol là loại dùng để hạ sốt, giảm đau. Với các loại thuốc ho nói chung bao gồm paracetamol, lời khuyên của các bác sĩ nhìn chung là không quá lạm dụng, và không nên dùng thuốc lâu hơn 2 tuần.

Vậy làm thế nào để biết bệnh nhân bị viêm họng do nhiễm virut hay do vi khuẩn? bác sĩ Schuetz cho biết cách làm phổ biến và tốt nhất là làm xét nghiệm khi bệnh nhân đến khám.

Khi bạn bị nhiễm virus, thuốc kháng sinh không thể giúp gì được bạn, nó chỉ có thể giúp được bạn trong trường hợp bạn bị viêm phổi tức là do nhiễm khuẩn.
Bác sĩ Philipp Schuetz

"Đây là cách chúng tôi làm, chúng tôi tìm hiểu triệu chứng của bệnh nhân, sau đó thử máu sử dụng dụng cụ biomarker, đây là dụng cụ rất tốt để cho biết bạn bị nhiễm vi khuẩn hay vi rút, nếu thử biomarker cho thấy bạn không nhiễm vi khuẩn mà thì chúng tôi không điều trị kháng sinh. Dụng cụ biomarker hiện cũng đang được dùng ngày càng phổ biến trong số các bác sĩ. Biomarker cũng giống như là thử máu, khi bạn bị nhiễm bệnh, thì bạn có một số protein tồn tại trong máu, đó là phản ứng của hệ thống miễn dịch khi bạn nhiễm bệnh, và phản ứng này khác nhau trong các trường hợp nhiễm khuẩn và nhiễm vi rút."

Với các trường hợp đã xác định là viêm họng do nhiễm khuẩn, các bác sĩ sẽ kê đơn kháng sinh và bệnh nhân bắt buộc phải sử dụng thuốc đúng liều để tránh các biến chứng đáng tiếc sau này, đặc biệt chú ý với các trường hợp bị viêm họng do vi khuẩn streptococcus. Thường triệu chứng của viêm họng strep cũng rất giống như các trường hợp bị viêm họng do virut nên có nhiều người khi bị viêm họng thường nghĩ mình bị viêm họng strep. Để phát hiện bệnh nhân có bị viêm họng strep hay không, các bác sĩ phải làm xét nghiệm dịch trong họng bệnh nhân.

Dùng kháng sinh đúng cách

Một phụ nữ với chai thuốc ho. AFP photo
Một phụ nữ với chai thuốc ho. AFP photo
Một phụ nữ với chai thuốc ho. AFP photo
Việc sử dụng kháng sinh trong các trường hợp viêm họng do nhiễm khuẩn được cho là rất có hiệu quả. Đối với các trường hợp viêm đường hô hấp do nhiễm khuẩn như viêm phổi hay viêm phế quản do vi khuẩn, việc kê đơn kháng sinh là cần thiết trong điều trị.

Tuy nhiên việc sử dụng kháng sinh trong mọi trường hợp viêm họng, kể cả khi bệnh nhân chỉ nhiễm virut, đã làm nảy sinh ra những lo ngại về các phản ứng phụ của kháng sinh. Bác sĩ Philipp Schuetz giải thích:

"Vấn đề với việc uống thuốc kháng sinh là những phản ứng phụ. Bệnh nhân uống thuốc kháng sinh có thể bị tiêu chảy, buồn nôn. Lý do là vì trong ruột và trên da bạn có hàng triệu vi khuẩn quan trọng. Khi uống kháng sinh, bạn đã vô hình chung tiêu diệt sự cân bằng của các vi khuẩn này. Cơ thể bạn mất cần bằng, và bạn sẽ bị tiêu chảy hay bị dị ứng trên da. Đó là một vấn đề liên quan trực tiếp. Một vấn đề khác là nếu chúng ta lạm dụng kháng sinh thì sẽ có một số vi khuẩn sẽ phát triển khả năng kháng thuốc. Ví dụ bạn bị viêm họng, và được kê kháng sinh trong 2 tuần, và khi tôi làm các thử nghiệm và thấy là một số vi khuẩn đã kháng thuốc. Và khi bạn bị nhiễm các vi khuẩn này thì bạn có rắc rối lớn bởi kháng sinh không giúp được gì cho bạn nữa."

Một vấn đề khác là nếu chúng ta lạm dụng kháng sinh thì sẽ có một số vi khuẩn sẽ phát triển khả năng kháng thuốc.
Bác sĩ Philipp Schuetz

Gần đây thế giới cũng đã phát hiện nhiều trường hợp bùng phát nhiễm vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh C.diff là loại vi khuẩn đường ruột. Tại Mỹ đã phát hiện các trường hợp bệnh nhân tử vong trong bệnh viện khi được điều trị các bệnh khác không liên quan đến đường ruột, tuy nhiên sau khi nghiên cứu, các bác sĩ phát hiện nguyên nhân tử vong do hoạt động của C.diff do bệnh nhân dùng kháng sinh lâu. Điều đáng chú ý hơn nữa là một nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học Anh quốc cho thấy loại vi khuẩn này đã trở nên kháng thuốc và do đó gây ra thách thức lớn đối với y học toàn cầu.

Xin quý vị chia sẻ các thông tin và câu hỏi về các vấn đề y tế, sức khỏe đến trang tạp chí sức khỏe đời sống tại email vietha@rfa.org hoặc www.facebook.com/vietharfa

Theo dòng thời sự:

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.