Bụi giúp trẻ tăng sức đề kháng với dị ứng

Việt Hà, phóng viên RFA
2014.06.24
069_Bsip_013357_008-600.jpg Trẻ em dị ứng phấn hoa.
AFP photo

 

Bụi bẩn, phấn hoa, thậm chí vi khuẩn là những thứ bị coi là nguy hiểm đối với trẻ nhỏ vì chúng có thể gây dị ứng và hen suyễn. Tuy nhiên một nghiên cứu mới đây lại cho thấy điều ngược lại.

Bụi và dị ứng ở trẻ nhỏ

Là mẹ của 3 con, chị Phi Phi ở tiểu bang Colorado, Hoa Kỳ, có lẽ hiểu rất rõ về dị ứng ở trẻ vì cả 3 đứa con nhà chị đều bị dị ứng theo mùa với mức độ nặng nhẹ khác nhau, trong đó nặng nhất là cậu con trai giữa. Cứ đến đầu mùa xuân, khi hoa bắt đầu nở, cậu bé lại có dấu hiệu dị ứng nặng.

Sáng sớm mình ngủ dậy thì ngày nào cũng chảy máu mũi, mặt sưng lên, mắt sưng lên mà mắt đỏ như máu. Nó không thở được, nó nghẹt mũi, bị nặng lắm.

Một trong những biện  pháp phòng bệnh đầu tiên mà chị phải làm để giảm các triệu chứng dị ứng chính là giữ vệ sinh nhà cửa. Thậm chí chị còn thay thảm trong phòng ngủ để giảm bụi.

Giữ cho nhà cửa thật sạch sẽ, đừng có bị bụi vì bụi cũng là một trong những nguyên nhân bị hắt xì, bị dị ứng.

Quan niệm bụi bẩn gây dị ứng, là một quan niệm phổ biến. Đây cũng là điều dễ hiểu vì đã từng có nghiên cứu tại Mỹ cho thấy những người sống trong thành phố, tiếp xúc nhiều với bụi bẩn, gián, chuột có nguy cơ bị hen suyễn cao hơn những người sống ở vùng nông thôn. Thế nhưng, một nghiên cứu mới được công bố hồi đầu tháng 6 vừa qua của các nhà khoa học thuộc trường đại học Johns Hopkins, Hoa Kỳ, lại cho thấy điều ngược lại đối với trẻ nhỏ. Bác sĩ Robert Wood, Trưởng khoa dị ứng và miễn dịch, Trung tâm nhi khoa thuộc trường đại học Johns Hopkins cho biết:

Khi chúng tôi bắt đầu nghiên cứu, một trong những dự đoán của chúng tôi là trẻ nhỏ tiếp xúc với những điều kiện bụi bẩn như vậy sẽ có nguy cơ lớn hơn bị bệnh suyễn. Nhưng kết quả mà chúng tôi có được lại cho thấy điều ngược lại. Khi chúng tôi xem xét một cách kỹ lưỡng hơn thì trước hết chúng tôi thấy việc tiếp xúc với các bụi bẩn từ mèo, chó, gián dường như có tác dụng bảo vệ trẻ khỏi bị bệnh suyễn. Nhưng khi chúng tôi xem xét kỹ hơn thì việc tiếp xúc với một số loại vi khuẩn cũng có kết quả tương tự, và phần này phù hợp với một lý thuyết về vệ sinh cho rằng trong suốt nhiều năm qua chúng ta đã sống trong một môi trường quá sạch.

Trước đó tại Mỹ, các nhà khoa học cũng đã có nghiên cứu cho thấy trẻ lớn lên ở các nông trại có tỷ lệ bị dị ứng và hen suyễn thấp hơn so với trẻ lớn lên ở thành phố.

Các nhà khoa học thuộc trường đại học Johns Hopkins đã tiến hành nghiên cứu trên 467 trẻ nhỏ ở 4 thành phố lớn của nước Mỹ là Baltimore, Boston, New York và St.Louis. Đây cũng là những thành phố có tỷ lệ trẻ bị dị ứng và hen suyễn rất cao. Bác sĩ Robert Wood giải thích về nghiên cứu:

Câu hỏi chính của nghiên cứu là cái gì trong môi trường thành phố nơi trẻ lớn lên khiến trẻ dễ bị hen suyễn. Đó là lý do cho nghiên cứu này. Chúng tôi đo lường nhiều thứ, như hệ miễn dịch của trẻ, môi trường, và sức khỏe nói chung. Nghiên cứu này cho thông tin cho đến khi trẻ 3 tuổi. chúng tôi vẫn theo dõi các em đến bây giờ và chúng tôi sẽ có hình dung tốt  hơn về số trẻ thực sự bị hen suyễn khi các em 6 hay 7 tuổi. Vào lúc đó chúng ta sẽ biết là kết quả trước đó có tiếp tục cho đến khi trẻ lớn hơn. Có những trẻ nhỏ bị thở khò khè nhưng chưa chắc đã bị suyễn. Nhưng đến 6 hay 7 tuổi thì chúng ta có thể biết chắc chắn, và vào lúc đó chúng tôi có thể nhìn vào những gì mà các em tiếp xúc, phân tích để biết cái gì có ích và cái gì không.

Nghiên cứu cho thấy trẻ nhỏ dưới 1 tuổi lớn lên trong các nhà có chuột, bụi mèo, phân gián có tỷ lệ bị thở khò khè khi các em lên 3 tuổi thấp hơn so với những trẻ lớn lên trong môi trường không có các yếu tố này. Ngoài ra, nghiên cứu cũng cho thấy một kết quả đáng chú ý khác là trẻ được tiếp xúc với cả ba nhân tố trên cũng có tỷ lệ bị dị ứng thấp hơn so với trẻ chỉ tiếp xúc với 1 hoặc hai nhân tố.

Bụi và vi khuẩn giúp tăng sức đề kháng

Ảnh minh họa một bé gái đang được khám mắt. AFP photo
Ảnh minh họa một bé gái đang được khám mắt. AFP photo
Ảnh minh họa một bé gái đang được khám mắt. AFP photo

Theo bác sĩ Robert Wood, chính bụi, và một số loại vi khuẩn nhất định trong môi trường tự nhiên đã giúp làm tăng sức đề kháng ở trẻ.

Ý tưởng chung là nếu hệ thống miễn dịch của bạn luôn ở tình trạng bận rộn với các loại bụi bẩn, vi khuẩn khác nhau ngay từ khi còn rất nhỏ thì nó sẽ không có thời gian để tập trung vào việc bị dị ứng. Khi bạn sống trong một môi trường quá sạch thì hệ miễn dịch của bạn không được thử thách qua việc tiếp xúc với môi trường bình thường và nó có thể là cơ hội cho hệ miễn dịch rảnh rang để chuyển sự tập trung sang phản ứng mà chúng ta biết là dị ứng. Đây cũng là một lý giải vì sao mà dị ứng không phổ biến ở các nước kém phát triển trong khi nó rất phổ biến ở các nước phát triển. Và nó cũng lý giải tại sao tỷ lệ bị dị ứng ở các nước phát triển tăng nhanh liên quan đến nước sạch và thiếu sự tiếp xúc với mức vi khuẩn cao vốn rất phổ biến ở các nước kém phát triển.

Với kết quả này, các nhà khoa học hy vọng sẽ có thể tìm ra một hướng phòng bệnh dị ứng tốt hơn ở trẻ trong tương lai bằng cách cho trẻ nhỏ tiếp xúc với những loại vị khuẩn có lợi nhất định. Bác sĩ Robert Wood nói:

Hy vọng nằm ở chỗ chúng ta có thể phát triển một loại điều trị cuối cùng có thể được sử dụng để ngăn chặn dị ứng. Chúng ta có thể cho họ một số loại vi khuẩn an toàn ngay từ khi còn nhỏ để có thể thay đổi phản ứng của hệ miễn dịch đối với tác nhân gây dị ứng. Bây giờ người ta đã thử với probiotics tức là một tổ hợp các loại vi khuẩn có lợi. Tuy nhiên nghiên cứu của chúng tôi cho đến lúc này không cho thấy nó có thể giúp ngăn ngừa được dị ứng. Chúng tôi nghĩ là với một sản phẩm đúng cuối cùng sẽ giúp chúng ta không bị dị ứng.

Probiotics ở Việt Nam thường được gọi là men vi sinh hoặc lợi khuẩn probiotics vốn có phổ biến trong sữa chua. Đây cũng là sản phẩm có lợi cho tiêu hóa.

Tuy nhiên, theo bác sĩ Robert Wood, không cứ cho trẻ tiếp xúc sớm với bụi bẩn và vi khuẩn thì trẻ sẽ hoàn toàn không bị dị ứng hay suyễn, bởi có rất nhiều nhân tố dẫn đến dị ứng và suyễn.

Có nhiều yếu tố gây dị ứng, hen suyễn, nó có thể là gene di truyền, như trong gia đình cùng huyết thống có người bị. Hoặc chúng tôi cũng thấy yếu tố bị stress có thể khiến trẻ có nguy cơ bị hen suyễn, vì thế chúng tôi cũng nghiên cứu yếu tố này. Trẻ lớn lên trong môi trường có nhiều stress và bạo lực cũng có nguy cơ bị hen suyễn. Trẻ sống trong môi trường có thuốc lá cũng là một nguy cơ cao. Có nhiều yếu tố khiến trẻ bị dị ứng và hen suyễn. Có thể có một trẻ được tiếp xúc với những loại vi khuẩn tốt nhưng vẫn bị suyễn vì em bị tiếp xúc với khói thuốc lá và có thể sống trong môi trường có stress và bạo lực. Vì vậy nó là tổng hợp của nhiều yếu tố chứ không thể một yếu tố khiến bạn bị hay không bị.

Nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc trường đại học Johns Hopkins vẫn còn đang tiếp tục. Những trẻ tham gia nghiên cứu này sẽ được theo dõi cho đến khi 7 tuổi trước khi các nhà khoa học đi đến kết luận cuối cùng về ảnh hưởng của bụi và vi khuẩn lên trẻ nhỏ. Từ những kết quả ban đầu, các bác sĩ tham gia nghiên cứu cũng không khuyên các gia đình nên thay đổi cách sống. Bác sĩ Robert Wood nói không phải vì bụi và vi khuẩn có thể giúp trẻ nhỏ có sức đề kháng tốt hơn với dị ứng và suyễn mà các bác sĩ khuyên các gia đình nên sống trong môi trường có nhiều gián và chuột.

Xin quý vị chia sẻ các thông tin và những đóng góp về các vấn đề y tế, sức khỏe đến trang tạp chí sức khỏe đời sống tại email vietha@rfa.org hoặc www.facebook.com/vietharfa

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.