Giảm stress bằng cách nào?
2010.08.19
Stress đến từ đâu?
Trong vòng quay không ngừng của cuộc sống hiện tại, con người không có đủ thời gian nghỉ ngơi, thư giãn để cơ thể lấy lại sự cân bằng sau thời gian làm việc mệt nhọc căng thẳng. Sự mệt mỏi căng thẳng kéo dài sẽ khiến chúng ta bị stress. Ngày nay stress trở thành một hội chứng phổ biến trong xã hội. Mỗi ngày chúng ta phải đối mặt với nhiều loại stress khác nhau như stress về thể chất, xúc cảm, tư duy và môi trường.
Stress đến từ áp lực học hành, công việc, từ cảm giác lo lắng, bất an. Tất cả đều gây ra những tác động tiêu cực đến đời sống cảm xúc, năng suất làm việc cũng như sức khoẻ của chúng ta. Chưa kể stress là nguyên nhân âm thầm đưa đến chứng mất ngủ, đau đầu, đến các bệnh về tim mạch, dạ dày, huyết áp. Bác sĩ Trương Thìn, Giám đốc Trung Tâm Y học Cổ truyền Hiện đại Thành phố Hồ Chí Minh nhận xét:
Những người luôn phải ứng phó với stress không thể thọ lâu được. Nhưng nếu stress ít hay stress vơi đi, thì tôi hy vọng rằng việc đó sẽ đem lại tốt đẹp cho đời sống chúng ta.
Bác sĩ Trương Thìn
“Một xã hội khi nào cũng căng thẳng cả, đầy ắp stress, công việc bận rộn, hết việc này qua việc khác. Cuộc sống là một cuộc thách đấu, một chiến trường, ở chiến trường thì phải có tử vong. Bây giờ chiến trường stress quá thì thế nào cũng có rất nhiều bệnh. Và hiện nay chúng ta biết là, dù khoa học kỹ thuật của chúng ta phát triển đến mức nào, sự thật vẫn còn có nhiều bệnh rất khó chữa hay phải chữa suốt đời. Trong đó, stress gây cho người ta rất nhiều bệnh. Vậy thì một xã hội giảm stress, tương đối bình an thì tuổi thọ của người ta nhiều hơn, còn một xã hội quá stress tuổi thọ sẽ giảm đi, đấy là đương nhiên. Vậy cho nên là phải giảm stress đi.”
Tùy theo thể trạng của từng người mà stress sẽ có những tác động khác nhau. Có người mang tâm trạng buồn bã, lo âu, còn người khác thì cảm thấy bứt rứt, khó chịu. Bác sĩ Trương Thìn chia sẻ kinh nghiệm của người thầy thuốc về cách giúp cho các bệnh nhân có thể vơi đi cảm giác căng thẳng. Ông nói:
“Ví dụ đối với một bệnh nhân bị stress thì làm sao để giải tỏa cái stress của người bệnh. Thầy thuốc tạo nên những trạng thái để giải tỏa cái ở bên trong. Thì đấy là một phương pháp. Phương pháp thứ hai là, cho người ta kể lể. Người ta đang ở tâm trạng gì thì hãy kéo nó ra bằng lời nói hay bằng chữ, hay bằng động tác. Thí dụ mình có tờ giấy cho họ viết ra, ví dụ, ‘tôi đang nghĩ thế này, đang nghĩ thế kia, tôi đang lo cái này, đang lo cái kia’, hoặc cho họ nói ra. Thì như vậy mình kéo tất cả cái gì đang u uất trong người họ ra, để đến lúc nào đó họ không còn gì để viết, không còn gì để nói nữa thì tự nhiên tâm trạng họ trở nên khỏe mạnh ra.
Hoặc hướng dẫn cho người ta một cách làm việc. Ví dụ khi mình chú ý hay thích thú làm công việc gì thì chỉ có một phần não của mình hoạt động cho việc đó thôi còn tất cả được nghỉ ngơi. Muốn nghỉ ngơi thì phải tạo ra một việc gì rất là thích thú, từ đó cái não mình được nghỉ ngơi. Tôi nói ví dụ như vậy. Vậy thì có nhiều trường hợp, có nhiều phương pháp như vậy để kéo stress ra, kéo căng thẳng trong con người ta ra, làm cho người ta ở trong trạng thái bình yên.
Tôi nghĩ rằng tuổi thọ có liên quan rất nhiều đến sự bình yên. Những người luôn phải ứng phó với stress không thể thọ lâu được. Nhưng nếu stress ít hay stress vơi đi, thì tôi hy vọng rằng việc đó sẽ đem lại tốt đẹp cho đời sống chúng ta."
Chìa khóa giảm stress
Các chuyên gia sức khỏe thường đưa ra lời khuyên đối với các bệnh nhân bị stress hãy quẳng gánh lo đi mà vui sống, nhưng để làm được điều này quả thật không dễ dàng chút nào, ngọai trừ đối với những ai đã làm xong bổn phận với xã hội sắp đến tuổi về hưu hoặc nhẹ gánh gia đình. Vậy vấn đề của chúng ta là làm thế nào để giảm stress. Câu trả lời thật đơn giản, chìa khóa để giảm stress là phải biết cách chủ động điều chỉnh chính mình.
Các chuyên gia về sức khỏe đưa ra lời khuyên để kiểm soát stress một cách hiệu quả. Trước tiên, là nên bình tỉnh trước mọi vấn đề và nghĩ rằng việc gì cũng có thể giải quyết được.
Những áp lực
liên tục của công việc và gia đình đôi khi khiến hormone stress tăng cao mà biểu
hiện là các bắp thịt và khớp xương bị đau mỏi. Đau tay, đau cổ, đau lưng, tất cả
đều có thể là biểu hiện của sự căng thẳng trong cơ thể. Cách giải tỏa căng thẳng
về thể chất và ức chế tinh thần tốt nhất là tập thể dục thường xuyên, xoa bóp,
tập yoga, khí công hay bất kỳ hoạt động nào có thể giúp máu trong cơ thể lưu
thông.
Khi mình theo dấu chân của những người bay ra ngoài vũ trụ nhìn về trái đất, thì thấy trái đất có gì là to lớn nữa đâu. Từ đó sẽ có một nhân sinh quan khác: thì ra chuyện đời đâu có gì là ghê gớm đâu nhỉ!
Bác sĩ Trương Thìn
Nên dành thời gian thư giãn. Trong cuộc sống bận rộn, dù ở nhà hay trong công sở bạn đều có những trách nhiệm phải gánh vác nên giải pháp là tự tạo ra một khoảng thời gian để thư dãn. Dành khoảng từ 20 đến 30 phút nghỉ ngơi bằng cách không ngồi ngay vào máy vi tính khi vừa từ sở làm về nhà. Nên nghỉ ngơi một lúc trước khi bắt tay vào việc nấu ăn hay dọn dẹp nhà cửa. Thay vào đó là những vận động nhẹ nhàng để giúp phục hồi năng lượng. Những giây phút nghỉ ngơi như vậy sẽ giúp giải tỏa sự căng thẳng, tâm trạng được cải thiện.
Cần chăm sóc giấc ngủ vì giấc ngủ rất quan trọng, giúp tái tạo sức khỏe thể chất cũng như tinh thần. Ngủ tốt sẽ giúp xua tan cơn mệt mỏi giúp đầu óc sáng suốt tỉnh táo.
Một điều cũng vô cùng quan trọng là nên lên kế hoạch cho những kỳ nghỉ cùng gia đình. Đừng chờ đợi cho đến khi mình có thời gian mới đi nghỉ. Hãy chủ động tạo ra khoảng thời gian rảnh rỗi cho riêng mình. Đó là cơ hội để thoát khỏi công việc bận rộn thường ngày, dành thời gian cho gia đình và quan trọng hơn hết là để xả hơi, thư giãn. Và khi đã đi nghỉ thì hãy quẳng hết công việc ở nhà.
Khôi hài cũng là một điều hay, tự cho phép mình hài hước. Hãy cười thật to và sảng khoái nếu có thể, mọi sự mệt mỏi sẽ tan biến. Hãy học cách hài hước và đừng tiết kiệm nụ cười, nó là “10 thang thuốc bổ” người xưa vẫn thường bảo.
Hãy sống vui vẻ và nhìn nhận lại vấn đề một cách bình thản để tìm lại niềm vui cho bản thân ngay cả trong tình huống tồi tệ nhất. Tự tìm cho mình niềm vui trong công việc hay trong bất cứ tình huống nào. Có nhiều cách giải trí để giảm căng thẳng trong cuộc sống, mọi người tùy theo sở thích sẽ tự lựa chọn cách giải trí phù hợp với mình nhất, chẳng hạn người thích nghe nhạc, lại có người thích xem hài kịch vì cười cũng là một cách giúp cho đầu óc thư giãn.
Ngoài ra, việc thay đổi cách suy nghĩ, có một quan điểm mới trong cách nhìn nhận vấn đề cũng có thể là một giải pháp. Bác sĩ Trương Thìn nói tiếp:
“Khi mình theo dấu chân của những người bay ra ngoài vũ trụ nhìn về trái đất, thì thấy trái đất có gì là to lớn nữa đâu, chỉ là một hòn bi xanh nhỏ bé thôi. Ở một tầm rất xa thì sẽ thấy việc đời quá nhỏ nhoi. Mà ở gần chừng nào thì thấy cuộc đời to lớn đến chừng nấy; thấy địa vị, công danh, công việc, tiền tài của mình; thấy cái gì của tôi cũng to cả. Nhưng nếu đứng xa một chút, rất xa thì sẽ thấy tất cả mọi chuyện nhỏ quá đi, tầm thường quá đi. Từ đó sẽ có một nhân sinh quan khác: thì ra chuyện đời đâu có gì là ghê gớm đâu nhỉ! Tất cả đều nhỏ nhoi hết, đều tầm thường hết.
Và nếu mình thấy được như vậy thì lòng ham muốn, chiếm đoạt của mình sẽ vơi đi. Điều đó trong triết học hay trong đạo học người ta hướng dẫn cho mình như vậy. Khi mình biết rằng quả đất này nhỏ quá, cái nhà mình quá nhỏ, địa vị của mình cũng quá nhỏ, thì tự nhiên trong người mình sẽ cảm thấy khỏe ra.”
Điều quan trọng nhất là mình phải nhận biết được khi nào cơ thể đang chịu một áp lực quá căng thẳng và tìm cách giải quyết để có thể sống khỏe, sống lâu và sống hạnh phúc.