Trao đổi thư tín với thính giả 12.07.2013

Hòa Ái, phóng viên RFA
2013.07.12
trai_giam_xuan_loc305.jpg Công an kiểm tra tù nhân tại Trại giam Xuân Lộc, ảnh chụp trước đây.
Courtesy VTC

 

Ngày cuối cùng khép lại tháng 6 năm 2013 ở VN, vụ việc tù nhân ở trại giam Z30A Xuân Lộc nổi dậy gây chú ý trong dư luận. Biên tập viên Gia Minh có bài tường trình ngay sau khi vụ nổi dậy xảy ra, thính giả lấy tên Dân Thường từ Bình Dương cho biết:

“Xin cảm ơn những thông tin mà quý báo đã đưa, nếu mà chỉ các báo trong nước thì có lẽ chúng tôi chẳng bao giờ biết được các thông tin này”.

Thính giả Lê từ Hà Nội phản bác thông tin này dù báo Thanh Niên xác nhận sau 1 ngày xảy ra vụ việc.

“Mấy thằng phản động toàn nói láo”.

Thính giả Hoàng My gửi từ Sài Gòn lên tiếng:

“Nếu ở nhà tù Mỹ hoặc nước khác là ăn đạn luôn rồi, cái tội cướp ngục nặng lắm”.

Trong khi đó, thính giả Lê Lý cũng từ Sài Gòn lý giải:

“Trại tù của CS khác với nhà tù của thế giới tự do. Nhà tù tại các nước phương tây, quan niệm nhốt người ta vào bốn bức tường và những song sắt là đủ trừng trị rồi. Vì thế cho ăn uống đầy đủ ,cho chơi thể thao ,đọc sách, xem truyền hình,đúng giờ giấc... Còn ở chế độ CS thì khác xa ... bỏ đói, làm nhục, lao động cực khổ...tù nhân mang đủ thứ bệnh trong cơ thể...ở VN tù nhân buộc phải làm ra sản phẩm để xuất khẩu nữa...”

Hoãn phiên xử LS Lê Quốc Quân

Luật sư Lê Quốc Quân tham gia biểu tình chống Trung Quốc hôm 8 tháng 7,2012 tại Hà Nội. AFP photo.
Luật sư Lê Quốc Quân tham gia biểu tình chống Trung Quốc hôm 8 tháng 7,2012 tại Hà Nội. AFP photo.

Những ngày đầu của tháng 7/2013 tòa án Nhân dân TP. Hà Nội hoãn phiên tòa sơ thẩm xét xử LS Lê Quốc Quân, một nhà hoạt động tranh đấu cho dân chủ và nhân quyền bị cáo buộc tội “trốn thuế” với lý do chủ tọa phiên tòa là Thẩm phán Lê Thị Hợp bị cảm đột xuất, phải đưa đi cấp cứu ở bệnh viện và cần phải được bác sĩ theo dõi sức khỏe cũng gây sự chú ý cho dư luận trong và ngoài nước.

Thính giả Công Lý từ Hà Nội cho rằng:

“Hoãn vì phải chờ Ban Bí thư họp chỉ đạo phương án xét xử. Do truyền thông trong và ngoài nước quan tâm nhiều, có vậy thôi”.

Thính giả Tran Van Trach lý luận:

“VN xử án chỉ là hình thức cho vui chứ thật ra bản án đã được định sẵn do cấp cao đưa xuống, quan tòa chỉ có nhiệm vụ đọc bản án đã soạn sẵn từ trước là xong. Đó là tòa án của Xã hội Chủ nghĩa VN đấy”.

Thính giả Hồ Sĩ Tần từ Nghệ An khẳng định:

“Các phiên toà của VN là hình thức một cuộc đấu tố cải cách .Quan tòa là những người nói ngọng, thuộc lòng giáo điều Lê-Mác, vâng phục lệnh cuả cấp bộ Đảng trong việc thi hành bản án”.

Và thính giả Nguyễn Ngọc Mai chia sẻ vào sáng mùng 9/7 là ngày dự kiên phiên tòa sơ thẩm diễn ra:

“Tôi nghe các cụ đi bộ buổi sáng bàn luận nhiều vế trường hợp LS Lê Quốc Quân. Ý kiến chủ yếu có hai chiều, đa số là có cảm tình với ông ấy và rằng ông là LS tiến bộ”.

Thính giả Van Tran nguyện cầu:

“Cầu nguyện Ơn Trên phù hộ LS Lê Quôc Quân và các nhà dân chủ trong lao tù Cộng Sản VN nhiều sức khoẻ”

Ủng hộ các sinh viên yêu nước

Xoay quanh các bản án tù dành cho những người cất lên tiếng nói yêu nước, chống Trung quốc xâm chiếm biển đảo VN như bản án tù dành cho cô sinh viên trẻ tuổi Nguyễn Phương Uyên, thính giả Thái Thanh chuyển đến nhà cầm quyền Hà Nội ý nguyện với nội dung sau:

Sinh viên Nguyễn Phương Uyên tại phiên xử sáng ngày 16/05/2013 ở Tòa án Nhân dân tỉnh Long An.
Sinh viên Nguyễn Phương Uyên tại phiên xử sáng ngày 16/05/2013 ở Tòa án Nhân dân tỉnh Long An.
Courtesy nguyentandung.org

Tôi, Thái Thanh, ủng hộ LS Hà Huy Sơn và kêu gọi chính quyền VN hủy bản án Nguyễn Phương Uyên. Uyên chống Trung Quốc là yêu Tổ quốc, chống tham nhũng là yêu đồng bào. Uyên đáng được vinh danh và nhận bằng danh dự chứ không phải nhận bản án. Nếu luật pháp VN, ai yêu Tổ quốc là có tội thì Thái Thanh nhận thay Uyên bản án trên. Tôi có gửi-fax theo nội dung này cho tòa Đại sứ VN tại Washington. Kính chào đoàn kết và xây dựng”.

Một thính giả không nêu tên hỏi những người đang nắm trong tay vận mệnh đất nước VN:

“Một số người cho rằng đất nước VN là thanh bình và thịnh vượng, các blogger là những người phản động và suy nghĩ do những kẻ nước ngoài. Xin hỏi các ông là những người ăn trên ngồi trước nên không biết những gì đang xảy ra trên quê hương VN? Các ông hãy nhìn xuống bọn giặc Tàu trên khắp mọi miền của đất nước. Biển Đông chúng thò lưỡi bò ra liếm hết gần trọn mà các ông cho là phồn vinh và thịnh vượng? Các blogger đấu tranh bất bạo động mà các ông giam cầm trong ngục tù như vậy?”

Một thính giả cảnh báo VN đang bị Trung Quốc xâm chiếm:

“Kính thưa quý đồng bào VN chúng ta. Hiện nay dân tộc ta đã lọt vào bàn tay khát máu của giặc Tàu. Chúng chỉ chờ thời cơ thuận tiện là chúng sẽ hành động. Chúng đã dùng Pol-pót để sát hại hàng triệu người phải rơi đầu phơi thây trên toàn lãnh thổ của Campuchia trong thập niên 70 mà ta thường gọi là “Diệt chủng Khmer Đỏ”. Nhưng thực tế là do sự chỉ đạo của Trung Cộng ở Bắc Kinh. Và hiện tại chúng cũng đang áp dụng chiêu bài này cho dân tộc VN chúng ta. Trong vòng từ nay cho tới 10 năm, chúng sẽ bật đèn xanh cho công an và đầu gấu của Việt Cộng để hành quyết diệt chủng hàng loạt như chúng đã làm hồi cải cách ruộng đất. Và cũng sẽ dùng chính bàn tay vô lương tâm, vô nhân tính để giết dân tộc ta như đã làm ở Campuchia”.

Một thính giả ở Thụy Sĩ nhắn gửi đến lực lượng công an VN:

Xin cảm ơn những thông tin mà quý báo đã đưa, nếu mà chỉ các báo trong nước thì có lẽ chúng tôi chẳng bao giờ biết được các thông tin này.
-Thính giả Dân Thường

“Tôi là Việt kiều ở Thụy Sĩ. Tôi có đôi lời gửi đến nhờ quý đài gửi đến nhắc nhở các bạn trẻ công an VN. Những người biểu tình không phải có đồng lương ở nước ngoài mà họ phải làm như vậy. Đó là những người có 1 tinh thần ái quốc và có 1 trái tim dân tộc chứ người nước ngoài không có liên lạc với họ để họ có lương đâu. Các bạn trẻ công an và cảnh sát VN đừng có vu khống và đồng thời dùng lời lẽ đó để đè đầu người dân không có quyền tự do ăn nói trong 1 đất nước trong xã hội loài người.”.

Thay mặt ban Việt ngữ, Hòa Ái cảm ơn tất cả quý khán thính giả và độc giả liên lạc cùng đài trong tuần qua. Cảm ơn những ý kiến đóng góp, chia sẻ của quý vị cùng đài. Kính mong quý vị tiếp tục đón nhận các tin, bài phát thanh cũng như phát hình của đài ACTD. Quý vị vui lòng liên lạc với chúng tôi qua địa chỉ email vietweb@rfa.org hoặc hoaai@rfa.org. Quý vị cũng có thể gọi vào hộp thư thoại tại số 202-530-7775 để chia sẻ những điều mà quý vị quan tâm.

Trong ít phút còn lại của chương trình, Hòa Ái chuyển lời tâm tình của 1 thính giả đến bà Liên, mẹ của Đinh Nguyên Kha đang phải thụ án tù tại trại giam Long An:

“Thưa chị Liên, xin phép được gọi bằng chị cho thân thiện chị nhé! Nghe chị nói trên đài ACTD, tôi thực sự xúc động, thông cảm với nỗi đau và sự lo lắng của chị. Thưa chị, tôi có đôi lời chia sẻ cùng chị. Nguyên là trước đó, toi cũng bị ở tù mà lại là nhà tù cháu Kha đang ở. Đó là trại giam Long An này.

Thưa chị! Đừng quá lo lắng cho cháu. Trong đó mọi người chúng tôi rất thương và chia sẻ cùng nhau. Thưa chị! Thường những người có lý tưởng sống vì người khác hay nói đúng hơn là sống cho lẽ phải thì họ không bao giờ biết sợ sự nghiệt ngã cho chính mình mà chỉ bận tâm cho sự lo lắng, bất an của người thân. Tôi còn nhớ, mỗi lần mẹ tôi đến thăm là mỗi lần tôi rất đau. Đau vì để mẹ phải khổ vì mình. Điều này tôi nghĩ cháu Kha cũng vậy. Tôi mong chị hãy lo sức khỏe cho chính mình để đủ sức lo cho cháu. Nhà tù không có gì đáng sợ đâu chị. Đôi khi nó còn giúp chúng tôi kiên cường, quyết tâm và không còn gì để sợ. Đừng để cháu quá lo lắng về chị. Có thế cháu mới dễ dành chấp nhận sự hy sinh của chính mình. Nhà nước họ lợi dụng sự bất an của chị mà làm khổ chị. Mong chị hiểu cho. Chúc chị bình an”.

Hòa Ái xin phép chấm dứt mục “Trả lời Thư tín” ở đây. Và xin hẹn gặp lại trong chương trình này tuần sau. Trân trọng kính chào quý vị.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.