Họa Sĩ Rừng tìm kiếm không ngớt những cái mới trong Hội họa


2005.05.24

Phạm Điền, phóng viên đài RFA

Như mỗi tối Thứ Bảy, tạp chí Văn Học Nghệ Thuật do Phạm Điền thực hiện lại đến với quý thính giả. Tuần này, tạp chí hân hạnh giới thiệu họa Rừng, một nghệ sĩ đam mê bất tận với thế giới tạo hình và văn chương.

Trong những nghệ sĩ tạo hình Việt Nam, họa sĩ Rừng là con người khá lạ lùng. Sinh quán gốc ở Phú Thọ, Việt Nam, tên thật là Nguyễn Tuấn Khanh, sinh trưởng ở Nam Vang nhưng 5 tuổi đã cùng với gia đình về Việt Nam.

Năm 18 ra Huế theo học mỹ thuật ở Trường Cao Đẳng Mỹ Thuật ở Huế cùng thời kỳ với họa sĩ Đinh Cường. Ông là thành viên của Hội Họa Sĩ Trẻ Việt Nam ngay từ khi mới thành lập thập niên 1960.

Không những đam mê vẽ, ông còn là một người yêu văn chương, viết văn duới bút hiệu là Kinh Dương Vương, làm thơ duới tên là Dung Nham. Dường như ông thu hẹp sân chơi của mình trong ngành nghệ thuật, dù bút lông hay bút mực.

Chẳng lạ gì, ông có rất đông bạn trong giới làm văn làm thơ. Hiện sinh sống tại Los Angeles, ông rất vui được sống với thế giới màu sắc. Gia đình ông có máu nghệ thuật, con trai ông là Ưu Đàm đã nổi tiếng là người điêu khắc từ nhiều năm nay và mới tốt nghiệp bằng Cao Học ở New York về Điêu Khắc Sculpture.

Nhân chuyến sang dự lễ trao bằng cho Ức Đàm, ông đem theo khỏang 30 bức tranh cỡ nhở vẽ bằng một chất liệu ông tự tay ông tìm ra và trưng bày đột xuất ở quán hoa Secret Garden của nhà văn nữ Hòang Thị Bích Ty tại thương xá Georgetown Park khu phố Georgetown đường M.

Sau đây là một vài phần họa sĩ Rừng trao đổi với tạp chí Văn Học Nghệ Thuật kỳ này.

Phạm Điền: Kính chào họa sĩ Rừng. Sinh họat của ông hiện nay ra sao. Mấy năm không gặp lại, trông ông giang hồ hơn.

Hoạ sĩ Rừng: Có lẽ có máu giang hồ hơn.

Phạm Điền: Ông thường gặp gỡ và sinh họat với giới nào nhiều nhất ở California.

Hoạ sĩ Rừng: Chơi lung tung. Đám văn nghệ nhiều hơn là giới hội họa vì đám hội họa quen lâu rồi và lại ở xa xa mình, phải nói thật. Mình họa sĩ nhưng lại chơi với đám nhà thơ nhà văn.

Phạm Điền: Xin cho biết giai đọan bước vào thế giới hội họa, thời kỳ nào đẹp nhất của ông.

Hoạ sĩ Rừng: Có lẽ vui nhất là lúc mà mình được đi học Trường Cao Đẳng Mỹ Thuật vì cái quan niệm của bố mẹ mình, nhất là mẹ mình bà cho cái nghề hội họa, bả không biết hội họa là gì, nghệ thuật là gì chỉ thấy cái ông thợ vẽ trong xóm mà sao nghèo kiết xác cho nên khi mình nói đi học vẽ là té ngửa luôn.

Bà nói tao đẻ mày ra để cho mày học cái nghề ăn mày đó , bà nhất định không cho đi học vẽ. Nhưng mà ông cụ mình lại thỏai mái hơn, nhưng ông nói con chưa đi học vẽ được. Lúc đó mới có học tiểu học à.

Ông Hà Cẩm Tâm là ông thầy đầu tiên của mình thì ông học trong trường trung học Mỹ Nghệ Gia Định ra, ông cụ mình nói đó chưa phải là cái bước, con bước vào nghệ thuật vì nghệ thuật nó cao hơn. Cho nên khi mà mình trung học xong rồi năm 1959 thì ổng không gàn mình lại có ý nói thôi học thêm một chút nữa.

Nhưng lúc đó mình khôn rồi, mình nói không được, tới đây là phải rẽ , chứ không có ai lên bác sĩ rồi trở lại học vẽ hết. Cho nên mình trốn nhà đi đấy. Có lẽ đó là cái vui của mình, được làm theo ý mình, đi theo con đường mình lựa chọn.

Phạm Điền: Nhưng sao lại chọn tên hiệu là Rừng

Hoạ sĩ Rừng: Chính là do Đinh Cường chọn ra cái tên đó. Trước mình dông dài hơn nhưng sau nó nói thôi gọi tắt đi mày. Hồi trước nó còn dây mơ rễ má nữa. Thôi nói ra chướng lắm vì một thời trẻ mình lấy tên một lòai hoa, thêm chữ Rừng vô. Lòai hoa đó là tên một cô gái…tạm thời quên nó đi.

Phạm Điền: Thời kỳ đó ông theo trường phái vẻ nào?

Hoạ sĩ Rừng: Gọi là hiện thực siêu thực. Tức vẽ hiện thực nhưng không khí của nó là siêu thực.

Phạm Điền: Cuộc triển lãm đầu tiên của ông là ở Huế hay Saigon?

Hoạ sĩ Rừng: Ở Sài Gòn, Solo, năm đó mình mới 19 tuổi. Triển lãm chung thì đã ba mươi mấy, bốn chục lần. Mình triển lãm nhiều lắm đến nỗi có ngưòi nói mình bị Hội Chứng Triển Lãm.

Tranh mình vẽ mỗi năm là mình triển lãm. Triển lãm liên miên. Trừ mấy năm đi học tại đại học cộng sản, đi cải tạo trong 5 năm ở Ban Mê Thuột.

Phạm Điền: Năm nào ông cầm cọ trở lại?

Hoạ sĩ Rừng: Mãi cho đến năm 1987. Hồi đó ở bên Việt Nam có cái nghị quyết gọi là cởi trói cho nghệ sĩ. Ngay lúc đó mình mới tung ra một cái triển lãm Bình Minh Mới, một chủ đề cho 63 tấm tranh, khỏang hơn 40 tấm là khỏa thân.

Mà khỏa thân của mình vẽ thì nó cũng không giống ai, nó hơi power… chứ không phải khỏa thân bình thường. Mình viết một bài hẳn hoi , tức là bình minh thì cả triệu năm nay rồi, mặt trời lên thì gọi là bình minh, nhưng tại sao lại có bình minh mới …mình giải thích luôn là bởi vì lâu nay nghệ thuật nó bị kiềm hãm cũng như là không có bình minh, bây giờ đây là một lần đầu tiên nghệ thuật đích thực mới trở lại.

Vui lắm. Mình bày ra thì hội mỹ thuật của thành phố nghĩ rằng không cho mình bày cũng không được là vì ông trên đã nói rồi, duới mình trói nó đâu được, nó chửi chết, đúng không? Cho nên hồi đó có tay chủ tịch hội mỹ thụật thành phố Quách Phong cũng sợ lắm, nhưng không cho không được.

Thì cũng để cho mình bày nhưng mà run lắm. Vì lỡ ra mấy ổng trở cờ thì sao đây. Nhưng mà có chuyện vui là mình vừa treo tranh lên thì ngay chiều hôm đó có đòan mỹ thuật của Liên Xô cấp cao nó đi vô phòng tranh coi. Nó có công tác đi từ Hà Nội vô.

Vô coi xong nó kêu ông Quách Phong ra, nói tôi muốn gặp ông họa sĩ này, ổng nói tôi không ngờ ở Việt Nam lại có một nền nghệ thuật cao. Tôi đi từ Bắc vô Nam mà tới thành phố tôi mới thấy. Ô thì lúc đó anh mới thở phào nhẹ nhõm.

Mời bạn tham gia mục Văn Học Nghệ Thuật. Xin email về Vietnamese@www.rfa.org

Có cái ô ở trên rồi, cho nên ảnh chạy tứ tung để kiếm mình về để gặp tay đó. Nó hoan nghinh lắm. Mình có để cái cuốn để góp ý khán giả thế nào thì họ đều hoan nghinh. Từ đó về sau này hả, ôi thì thôi như hoa nở mùa xuân, tha hồ vẽ, khỏa thân khỏa đồ trừu tượng. Thằng đập đầu vào đá mà đầu vẫn còn chưa bể.

Phạm Điền: Năm nào thì anh ra khỏi Việt Nam.

Hoạ sĩ Rừng: Năm 94, đi diện HO.

Phạm Điền: Từ khi ra khỏi Việt Nam ông sống bằng nghề vẽ luôn?

Hoạ sĩ Rừng: Hồi mới qua vài năm đầu cũng phải đi làm lao động nhưng từ khi về Los thì vẽ không, không làm gì hết Đầu tiên qua ở Oregon hai năm.

Phạm Điền: Sinh họat văn chương thì sao?

Hoạ sĩ Rừng: Mình viết lâu rồi, ở trên Bách Khoa , Văn, Văn Học, Ý Thức, nhưng mà mãi khi qua Mỹ mình mới xuất bản cuốn đầu tiên là cuốn Những Chiếc Mặt Nạ Cười, mình chọn lại 8 truyện ngắn mà tiêu biểu nhất là Những Chiếc Mặt Nạ Cười đó.

Phạm Điền: Hơn 30 tấm tranh khổ nhỏ trưng bày ở Secret Garden ở khu Georgetown Washinton DC là một thử nghiệm chất liệu ông mới tìm ra?

Hoạ sĩ Rừng: Cái này đang còn trong vòng bí mật nghe. Mình sẽ thử nghiệm khi nào nó thành công hòan tòan sẽ nói.

Phạm Điền: Còn về vẽ, ông cũng có những tìm kiếm mới.

Hoạ sĩ Rừng: Vẽ với chất liệu mới cho phép mình để mọi thứ uyển chuyển. Y như đứa con, hồi trước trước khi sinh ra không biết nó trai gái, để mặc cho nó trôi nổi làm sao không cần biết nhưng mà sau đó cũng có một chút mình can thiệp vô để nó trở thành một cái gì đó mà nó hòan chỉnh hơn.

Phạm Điền: Ông có nghĩ trưng bày chung với các nghễ sĩ khác trong năm nay.

Hoạ sĩ Rừng: Ngày 20 sắp tới này, một cuộc triển lãm chung trong đó có tranh của mình ở trong Gallery gọi là Green Rice Gallery có tất cả 5 người. Cô Jennie Do , hai vợ chồng luật sư nhưng cổ yêu nghệ thuật cho nên lập ra gallery đó. Cô vẽ cũng tới lắm.

Phạm Điền: Bây giờ ông chỉ vẽ, viết thôi?

Hoạ sĩ Rừng: Không làm chuyện gì khác nữa hết. Vẽ viết tòan thời gian.

Phạm Điền: Tương lai của ngành họa Việt Nam ra sao?

Hoạ sĩ Rừng: Những người trẻ học art bên Mỹ thì ở bầu thì tròn ở ống thì dài. Tinh thần sáng tạo của họ hòan tòan mới mẻ, không có vướng víu gì chuyện Việt Nam gì hết. Đi theo trào lưu thế giới.

Phạm Điền: Hội họa Việt Nam trong nước có bước tiến gì mới mẻ.

Hoạ sĩ Rừng: Ở hải ngọai dứt khoát là những khuynh hướng được cập nhật, nó khai phá đủ mọi hình thức. Còn trong nước thì bây giờ thông tin cũng nhiều cho nên lớp họa sĩ trẻ về sau này thì họ cũng cập nhật lắm.

Những khuynh hướng lạ trên thế giới họ đều nắm được hết, có thể nói so với trước thì bây giờ thì nó tiến nhanh hơn , nhiều khám phá mới hơn. Thậm chí đôi khi cũng làm người ta dựt mình.

Đến đây, xin cám ơn họa sĩ Rừng và câu chuyện hội họa thú vị ông mang đến cho quý thính giả của Đài Á Châu Tự Do.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.