Nhà thơ Bùi Chí Vinh và hai tác phẩm mới xuất bản của ông


2008.03.16

Mặc Lâm, phóng viên đài RFA

Chương trình Văn Học Nghệ Thuật tuần này Mặc Lâm mời quý vị theo dõi những sáng tác và ý kiến của nhà thơ Bùi Chí Vinh về hai tác phẩm mới xuất bản hồi gần đây của ông, đó là hai tập thơ mang tên Thơ Tình và Thơ Đời. Hai tập thơ này đã được đón nhận nồng nhiệt vì những tình tiết khác lạ của nó lẫn những danh tiếng mà nhà thơ có được khi còn là một trong vài phóng viên đầu tiên gây dựng nên tờ báo Tuổi Trẻ.

BuiChiVinh150.jpg
Nhà thơ Bùi Chí Vinh. Hình của doisongphapluat.com.vn

Hãy bắt đầu bằng bốn câu thơ trong bài Đi của Bùi Chí Vinh. Trong bốn câu này tác giả ghi lại hình ảnh của chính mình tại Sài Gòn đô hội nơi mà tác giả đang sống. Bốn câu thơ ngắn nhưng vẽ lên rất nhiều điều và đặc biệt trong âm sắc của chúng lẩn quất một u hoài mênh mông mà con người thường có trong xã hội hiện đại:

Đi qua đèn đỏ đèn xanh Đi để hiểu thế nào là thui thủi Đi trong cảm giác của một người đang săn đuổi Tự chạy quanh co trước đồ thị cuộc đời…

Cái cảm giác bị săn đuổi phải chăng là cảm giác chung của nhiều người hiện nay mà trong đó tác giả chỉ là một phần tử? Sự săn đuổi này hiện diện trong tiềm thức con người qua những mỹ từ như hy vọng, tiến thân, tương lai, và cả cái chết:

Đi qua nơi có loài người Thấy dã nhân lăng xăng trải chiếu Đi qua nơi có trại cùi Thấy con gái ngoắc tay yểu điệu * Đi, và một mình phát biểu Nước mắt ứa ra ngụ ngôn Đi, và nói ngọng luôn mồm Tiếng cười trở nên tục ngữ * Đi qua nơi có loài thú Thấy chúng mình không nỡ xa nhau Đi qua nơi có nhà tù Thấy anh ôm em giữa hàng song sắt * Đi nữa cho anh khóc ngất Tình yêu đói giống dạ dày Đi nữa cho anh thành Phật Một tháng bốn tuần ăn chay Tác giả miêu tả sự săn duổi của đòi sống chung quanh bằng trực giác của một nhà báo qua ngôn ngữ thi ca của một nhà thơ, người từng lăn lộn giữa cống rãnh cuộc đời cùng những va chạm dữ dội trong nhiều năm để phục vụ cái mà ông cho là lý tưởng khi còn rất trẻ. Nhà thơ Bùi Chí Vinh rất thành thật khi nói lại giai đoạn đầu tiên khi ông bắt đầu cuộc phiêu lưu dài hơi này:

Ngôn ngữ thơ Bùi Chí Vinh như ông thú nhận là ngôn ngữ của chợ búa, của thực tế trần trụi xảy ra chung quanh mà nhà thơ cảm nhận và trực diện với. Trong bài Căn Nhà Trừu Tượng tác giả đã kể lại câu chuyện riêng tư với chất giọng hết sức thời sự. Chuyện thời sự khi đem vào thơ có còn là thơ không thì điều ấy không quan trọng đối với ông, vì cuối cùng thì nhà thơ cho rằng thơ không là gì quan trọng đâu, nó cũng chỉ là con chữ mà cách sắp xếp có khác hơn một bài báo, miễn sao nó mang lại sức sống nội tại cho người đọc là đủ:

Căn nhà trừu tượng Chúng ta sẽ cất nhà Rất đơn sơ vật liệu Kèo cột không đi tiểu Lên trí tuệ con người Anh cần chiếc giường đôi Hai đứa mình cùng thở Chia nhau nỗi xấu hổ Mà ông bà cắn răng * Đất nước bốn ngàn năm Rộng dài như văn hiến Đêm anh đi thấy điếm Lợp nhà cạnh gốc cây Ngày thấy lũ con lai Căng lều ngay xó chợ Vợ chồng mướn nhà trọ Yêu nhau như ngoại tình * Căn nhà mới tượng hình Đã tan theo cơn đói Căn nhà không địa chỉ Anh lợp hoài trong mê

Những cái không giống ai này chỉ là cách nói của nhà thơ, thật ra chất nam bộ mà ông dùng trong bài thơ Em và Quê Hương vẫn man mác trong từng thớ thịt của ngôn ngữ Bùi Chí Vinh:

Em và quê hương

Em kể về miền Tây em nghe : “ Trời có mây, dưới nước có ghe” Khiến cho anh biến thành con cá Mắc lưới làm sao nhớ lối về * Em kể về miền Tây anh coi : “Đất có vườn cây, rẫy có chòi” Khiến cho anh biến thành con kiến Bò mỗi ngày được một mét thôi * Em kể về đâu, anh ở đó Em nhảy dây, anh nhảy cò cò Em chơi đánh đũa, anh đánh đáo Có đất nào không có tuổi thơ * Có quê nào mà không kỷ niệm Em hái me chua giấu hộc bàn Thì anh cũng giống Đơn Hùng Tín Vô lớp nằm mơ thấy Giảo Kim * Nhưng mà chuyện đó em quên kể Con gái bao nhiêu mới lấy chồng ? Để cho anh tập đờn vọng cổ Gạo chợ ngồi thương nhớ nước sông * Nước sông có lúc ròng lúc lớn Lòng anh đây có sớm có chiều Hò ơ … sớm lên thị xã mua tấm vải điều Chiều em ướm thử, hò ơ, đánh liều anh theo …

Ngôn ngữ trong thơ Bùi Chí Vinh rõ ràng mang đậm chất thời sự nhưng không phải thời sự của tin tức hàng ngày nghe qua mà không giữ lại ấn tượng nào trong ngày hôm sau. Tính chất xã hội của thơ Bùi Chí Vinh như một thách thức hay đúng hơn là lời cảnh tỉnh trước thực trạng mà nhà thơ gọi là sự tinh khôn của những nhà thơ trẻ hôm nay:

Một con chim lớn về biển cả Ta cám ơn bằng hữu mủi lòng Một con chim lớn lên ghềnh đá Bạn nhìn ta thành con chim ưng….

Cái chí lớn mà người đọc thường gặp trong những bài thơ cổ có vẻ thích hợp với ngày nay một cách kỳ lạ. Chí lớn ở đây được cách điệu để ám chỉ những ao ước mà người trí thức không làm được vì nhiều ngăn trở, Bùi Chí Vinh thẳng thắng nói lên những ưu tư của ông trước vận mệnh của một nền văn học mà ông cho là có thể biến đổi xã hội và thể chế chính trị hiện hữu qua thi ca mạnh mẽ tranh đấu cho lý tưởng sống vĩnh hằng.

Ước vọng của nhà thơ có lẽ là ước vọng chung của dân tộc trong thời đại mới hôm nay. Suy cho cùng thì thi ca lớn hơn đời sống chính trị vì chỉ có thi ca mới hướng dẫn được tâm hồn con người về cái thiện cái mỹ bằng trí tuệ và sáng tạo.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.