Văn phong Nguyễn Trương Quý

Là một nhà kiến trúc, sau khi tốt nghiệp Nguyễn Trương Quý bỗng dưng muốn bỏ nghề và cuối cùng vào năm 2002 anh quyết định cầm bút sáng tác mà chưa biết sự nghiệp viết lách ra sao, có bằng những năm được học trong đại học kiến trúc hay không.
Mặc Lâm, biên tập viên RFA
2010.12.18
nguyen-truong-quy-305.jpg Nhà văn Nguyễn Trương Quý
Photo courtesy of sucsongmoi.net


Tuy vẫn làm kiến trúc nhưng Trương Quý thú nhận không đủ hăng say để theo nó vì văn chương vẫn là mối ám ảnh hàng đêm buộc anh phải nhảy vào trang giấy ghi lại những cảm xúc của mình.

Thích hợp với Tản văn

Đối với Nguyễn Trương Quý thì tản văn là thể loại từ trước tới nay vẫn thích hợp với anh nhất. Trương Quý nhìn quanh và thấy cái chất tản văn hình như thoang thoảng đâu đó bên cạnh chiếc bàn viết khiến anh không thể nào dứt ra được để làm bạn với những thể loại khác như truyện ngắn hay tiểu thuyết chẳng hạn.

Tôi chọn tản văn, tùy bút hay tiểu luận để viết vì tôi ý thức rằng đấy là thể loại có khả năng thể hiện đời sống dưới lăng kính chủ quan của người viết. Thực ra tản văn chính là một thể loại cũng không phải là mới gì, từ xưa đã được nhiều nhà văn lựa chọn như một nguồn để giải bày, ủy thác tâm sự qua nhận thức xã hội chung quanh.

Tản văn có một lợi thế là cho phép người viết tung tẩy như đi trên một con lộ mà có thể họ tùy nghi dễ quẹo vào những con hẻm, con ngõ rồi trở về lộ trình chính. Điều này có tác dụng khơi mở người đọc, có thể nói Đông nói Tây nhưng thu gom lại thì qua kiến thức mà họ thu nhận từ cuộc sống. Nó vừa có cái chất thông tấn báo chí nhưng cũng có thể diễn đạt văn chương một cách cầu kỳ, tất nhiên phải có một sự gia giảm khác nhau.

Người đọc Trương Quý rất dễ nhận ra văn phong của anh. Ngay ở cách đặt tựa Trương Quý đã đứng riêng ra với các nhà văn cùng thời. Mỗi cái tựa là một khám phá, rất thời sự nhưng lại không hề thiếu chất lãng mạn của văn chương. Đã có ít nhất ba tập tản văn được in ra đó là: Tự Nhiên như người Hà Nội, Hà Nội là Hà Nội,Ăn phở rất khó thấy ngon.

Dí dõm và trần trụi

<

tunhien-nhunguoi-hanoi-200.jpg
Bìa sách "Tự nhiên như người Hà Nội"
i>“Tự nhiên như người Hà Nội” được Trương Quý khai thác ở nhiều khía cạnh mà cái lõi được anh chú ý nhiều nhất là cách sống cách nghĩ cũng như cái tên gọi “thanh lịch như người Hà Nội” mà từ xưa nay vốn được truyền tai nhau như một lá bùa chữa trị những cơ hàn văn hóa!

Dí dỏm và trần trụi, giọng văn của Trương Quý khiến người đọc sau những cái cười mỉm là những câu hỏi lầm bầm theo sau. Hà Nội à? Hà Nội sao vậy? Và rồi, Hà Nội vậy sao ta?

Đàng sau những cái liếc mắt nghịch ngợm đó là những bần thần khó chịu về không gian ngày một nhỏ đi của Hà Nội, điều mà Trương Quý gọi là chợ búa che hết phố phường ngày xưa. Trương Quý viết:

Người HN đi đến đâu cũng thành ra "đại sứ văn hoá" và những bà con ngoại tỉnh chân đất mắt toét trông vào đó mà bảo "HN là thế đấy". Nhưng cũng như hoa hậu có lúc bị "thủng phông văn hoá" hay "ứng xử hụt hơi", thì trước trường hợp kết quả xấu, người ta phản ứng theo các cách:

- Người HN họ sống khó khăn lắm (nghĩa là không phải sống khổ sở mà kiểu khó chơi), mình "kính nhi viễn chi" thôi.

- Người HN bây giờ cư xử chả ra sao, không như ngày xưa. (Nhưng "ngày xưa" nào: thời bao cấp tem phiếu đi vắng nhờ hàng xóm giữ chìa khoá nhà hộ? Thời "tiền chiến" lãng mạn tóc thề thả gió lê thê? Hay thời toàn quốc kháng chiến "quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh"?)

- Lãng mạn vẫn còn thì tự nhủ: "Chắc họ không phải người HN gốc, người HN thì khác…".

"Người Hà Nội thì khác” được Trương Quý lồng vào một cách hài hước nhưng cũng bộc lộ một nét khác của Hà Nội.

Cái lợi của tản văn là ít đòi hỏi sự chuẩn mực của truyện ngắn lại không có cái mô tả chi tiết của truyện dài. Tản văn gần với tùy bút, tác giả viết bất cứ điều gì mà anh ta thích thú. Giống như họa sĩ phác thảo một vài nét chì nhưng người viết tản văn tự do hơn vì anh ta không có người ngồi mẩu.

Tố chất báo chí

Theo Trương Quý thì tản văn có cái chất báo chí mà các thể loại truyện khác không có. Không khí thời sự làm cho câu chuyện sống động hơn nhưng cũng chính vì vậy nên thời gian tính của tản văn lại trở thành vấn đề cho người viết.

Nguyễn Trương Quý cho biết suy nghĩ của anh về thể loại tản văn như sau:

-Cái khó khăn có lẽ là cái chông chênh giữa tính chất thông tấn và cái chất văn chương ở thể loại này. Nếu mọi người chỉ sa đà vào những câu chuyện thường ngày bếp núc quá với con cá lá rau, hay hoạt kê quá mức thì nó chỉ như những câu chuyện entry trên các blog. Hoặc là những câu chuyện nó không có cấu trúc mạch lạc rõ ràng và người đọc không được thông điệp của tác giả.

Cái khó khăn có lẽ là cái chông chênh giữa tính chất thông tấn và cái chất văn chương ở thể loại này.

Nguyễn Trương Quý

Tản văn dù sao thì vẫn cứ phải đòi hỏi một cái cấu trúc, một cái khả năng gọi là cấu tứ trong đó vì tản văn là một thể loại văn học. Mỗi tản văn là một câu chuyện riêng khi mà nhà văn có một giọng quen rồi thì rất dễ bị lặp lại không những về nội dung mà còn về diễn đạt cùng một cái nội hàm. Khái niệm này nhiều khi không cẩn thận hay do không khắt khe do chính bản thân người viết.

Nói chung tản văn người viết phải trường vốn. Tản văn là một thể loại đòi hỏi người viết đóng vai trò một nhà báo, một nhà phê bình xã hội và là tác giả có chất tiểu thuyết, truyện ngắn trong đó. Đồng thời cũng phải khơi gợi chất thơ nếu như ta đề cập đến hình tượng cuộc sống thì nó bao giờ cũng có đơn vị cao hơn là diễn giải sự kiện hàng ngày cho vui.

Nhiều người chọn tản văn viết những câu chuyện hài hước ghi lại những chuyện trong xã hội nhưng cũng không vượt qua những chuyện cười, những chuyện đọc cho vui hàng ngày.

Phản ánh xã hội

Nguyễn Trương Quý tận dụng thế mạnh của tản văn để viết về xã hội. Anh xăm soi từ cung cách làm việc đến chuyện quà cáp của các quan lớn quan nhỏ mà báo chí không năm nào không nói vào dịp lễ tết.

Từ góc nhìn của một cây bút tự do có nghĩa là không bị trói buộc bởi chủ trương, chính sách hay cái gout riêng của Tổng biên tập, ngòi bút Trương Quý cứ lung lay xao động hết chỗ này đến nơi khác khiến không ít người nhột nhạt vì cứ nghĩ Trương Quý đang nói tới mình.

Trong truyện “Marathon quà Tết” Trương Quý quan sát chuyện biếu xén với giọng văn của một ký giả điều tra với các số liệu chính xác như sau:

Người ta vẫn cho rằng biếu xén là một cách ứng xử đã có từ lúc con người còn sống trong thời tối cổ. Biếu xén từ lúc nào đã thành thước đo lòng người, thành một văn hóa giao tiếp. Người ta đã có cả những câu ngạn ngữ về lợi ích thực dụng của quà biếu: Đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn…

Giới công sở xem ra đi đầu trong lĩnh vực thể hiện văn hóa phong bì này. Năm ngoái, chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã đưa ra con số tiền quà biếu của 663 đơn vị Nhà nước lên đến 4000 tỷ đồng. Còn đến các cơ quan vào dịp cuối năm, chúng ta dễ thấy cảnh kế toán hành chính ngập lụt trong danh sách quà tặng và phong bao.

Trương Quý lần lần tiến ra khỏi cái văn phong thông tấn để sa đà vào cách nói của giới trẻ cà phê hè phố:

Một thiên la địa võng những mối ràng buộc phải lấy quà biếu Tết làm vật đánh dấu. Quà Tết là dầu bôi trơn để khử những ma sát văn phòng của chúng ta, và cũng là chứng chỉ cho một loại sát hạch ngầm quy ước.

Và rồi tác giả phóng bút xa hơn, đôi lúc gần với cách mà trước đây mấy mươi năm Võ Phiến đã vung bút trong thể loại tùy bút trứ danh của ông:

Thử nghĩ mà xem, thằng cu con mình học đến lớp năm rồi mà làm toán đặt ẩn số vẫn còn ngơ ngơ ngác ngác, viết văn vẫn cứ tả cô giáo em tuy hiền lành ngoan ngoãn nhưng bạn nào hư cô bắt nuốt phấn, không nhờ cô nâng đỡ kèm cặp, năm sau đừng hòng vào lớp chọn trường điểm cấp hai trung học cơ sở.

Một khi cô đã nhận giỏ quà, một phong bì tế nhị kẹp giữa chai rượu với hộp bánh hay túi trà, ấy là ta đã biến món quà (có nhiều nhặng gì cho cam, tròm trèm năm trăm ngàn thôi mà) thành lộ phí cho con em mình đi xa hơn chứ không chỉ tránh bị nuốt phấn.

“Hà Nội: chợ trong chợ” là một truyện được Trương Quý viết với văn phong của người con Hà Nội đi xa nhớ về nhà mình. Chợ là cái nối liền nỗi nhớ của người xa quê và Trương Quý đem chợ Hà Nội ra đếm như cách tính sự thương nhớ của mình đối với Hà Nội.

Nói không quá cường điệu, Hà Nội là hình ảnh của một đời sống chợ búa. Chợ lớn, từ thời là kinh đô của các triều đại phong kiến. Thành-thị, dù yếu tố "thành" có thể đổi khác, phần "thị" vẫn sống bền và tự xoay xoả, sinh sôi phát triển.

Bảy chục phố từng mang tên Hàng cho thấy phố chợ là một đặc trưng của HN xưa. Dù tên gọi chính thức của chính quyền có biến đổi, dù có lúc không còn là kinh kỳ, thì cái tên Kẻ Chợ vẫn được dân gian dùng.

Nhiều người đọc “Hà Nội chợ trong chợ” của Trương Quý có cảm giác là anh đang gắt gỏng với những cái chợ chen chúc nhau trong lòng thủ đô, nhưng không, anh đâu có gắt gỏng với ai, anh chỉ tiếc nhớ những điều mà chợ Hà Nội cưu mang hàng trăm năm nay mà thôi.

Nhưng chợ cũng là một nơi quen thuộc và xa xưa nhất của dân mình, nếu không nói là thân thương. Những cái tên chợ Chờ, chợ Sủi, chợ Đại Cống Thần nhắc nhở người xa xứ về một điểm hẹn thời thơ ấu theo mẹ lên tỉnh được ăn quà hay một định vị có tính phồn vinh của quê hương.

Bóng dáng của chợ đầu làng, chợ huyện dưới cây đa to, quán nước chè, "dăm miếng cau khô, mấy lọ phẩm hồng", mấy ông thợ nề đợi việc, ông thợ ngoã kiêm nghề kể chuyện, bà già hàng xén lắm điều… thật vẫn quen thuộc ở chợ Hà Nội.

Trương Quý còn mượn hơi hám của người nhà quê lồng vào ngôn ngữ của mình. Anh vẽ lại cảnh chợ Hà Nội như một phiên chợ quê của Đoàn Văn Cừ, vừa đầy ắp màu sắc vừa thấm đẫm chất ca dao trong từng con chữ của anh.

Các anh giai Sài Gòn can tội đi chợ Hàng Da lúc 10h sáng hỏi xem hàng mà không mua, bị cô hàng xinh tươi xỉa xói "mới sáng ra đã ám quẻ" rồi lại còn bị đốt vía. "Anh ơi, mua gạo em đi. Gạo em gạo quê đấy", ơ hay, gạo không trồng ở quê thì cày đường nhựa Thủ đô mà gieo chắc. Thì bao năm ăn gạo kho mốc theo sổ, nay thì tiêu chuẩn quê - "hương đồng gió nội" lại là một định tính đầy tốt đẹp. Chỉ ở chợ ta mới gặp những giao thoa của đời sống các nơi phong phú như thế.

Sống động trong thế giới ảo

Tản văn Trương Quý có lẽ đặc sắc nhất khi tiếp cận thế giới tin học hay còn gọi là thế giới ảo. Trương đại ca có vẻ rất sành điệu trong bộ môn chit chat dữ lắm chàng mới có thể lăn xả vào các câu chuyện tình yêu trên mạng. Trong bài “Tình là cái tình chát” Trương Quý chứng tỏ sức trẻ của ngòi bút qua lời thoại đa dạng của dân lướt web chuyên nghiệp.

Tình là cái tình chát

Yêu qua mạng thì có gì mà phải rộn? Mười năm qua, tiến bộ về internet và các dịch vụ trên mạng đã phát triển không ngừng. Hãng Yahoo lừng danh với phần mềm chat của mình đã làm lễ kỷ niệm mười năm với nỗi lo bị các hãng khác cạnh tranh. Chát chít với hẹn hò nhau trên cõi ảo đã thành miếng đất hấp dẫn các nhà lập trình. Còn với dân văn phòng, đường yêu đương đã được mở rộng với những kênh thông tin hơn hẳn các cách thức cổ truyền.

Ngày xưa mùi mẫn ca chiều tan trường về, Điệp cùng Lan chung lối. Ngày nay có thể thủng thẳng mà kể: “Tôi quen meohoangtrenmang qua chat. Mèo hoang trên mạng, tôi gọi là mèo hoang, thường chat vào buổi trưa hoặc tối. Khi nàng chat với tôi trong giờ làm việc, tôi biết, mèo hoang đã thích tôi”.

Các kịch bản mà dân web thường sử dụng qua tản văn của Trương Quý trở thành tươi rói, hấp dẫn hẳn ra.

Thời nay, khi cô đơn lên ngôi từng ngày như lời bài hát nọ, ai cũng cần có bờ vai ảo để khóc vùi (giả vờ cũng được) cho quên ngày u ám nơi công sở. Lên mạng là sắm vai. Chị gái tôi, dân văn phòng 37 tuổi, hai mặt con, chôn chân nơi bàn giấy nhưng mang nick ‘vi vu như mây’; bạn tôi anh trai công sở lành hiền ngoan ngoãn, suốt đời làm theo chỉ đạo, gửi gắm khát vọng vùng lên bằng username ‘không vui không làm’. Đặt cho mình một cái tên mới trên mạng, tô vẽ cho mình những khung tính cách trên các diễn đàn, thực sự là những mơ ước về một con người mà những anh chị văn phòng muốn đạt được.

Cái mà Trương Quý gọi là nick nêm choáng váng thật ra là phản ứng của giới trẻ: không bao giờ bằng lòng với cái tên do cha mẹ đặt cho.

Một nickname pha dấm mắm tí ti tính tình dục như ‘zaihanoi’ hay ‘gaivanphong’ có thể làm số ít cau mày, nhưng sẽ làm đa số phải tò mò một chút. Cha mẹ đặt tên ta không hấp dẫn, ta phải gỡ gạc lại bằng cái nickname choáng váng.

Trương Quý ra vẻ rất thiện nghệ trong công việc vẽ lại những sinh hoạt mà người cầm viết trước anh chỉ vài thập niên đã trở nên lụ khụ. Anh len lỏi trong cộng đồng mạng để chìa ngón tay vào chỗ này hay bấm con chuột ở chỗ kia làm cho tản văn của anh sống động kỳ lạ.

Trương Quý sẽ còn đi xa hơn nữa. Với quỹ thời gian quá phong phú, con đường viết lách của anh hứa hẹn nhiều ngạc nhiên cho bạn đọc, nhất là người đọc ở lứa tuổi của anh, lứa tuổi không bao giờ chấp nhận điều gì đứng lại.

Theo dòng thời sự:

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.