Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên

Mới đây nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên được bầu làm Chủ tịch Hội Nhà Văn Hà Nội.
Mặc Lâm, phóng viên RFA
2010.11.28
pham-xuan-nguyen-305.jpg Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên
Photo courtesy of vannghe.free.fr.


Mặc Lâm có buổi nói chuyện với ông xoay chung quanh những công việc chính mà Hội thực hiện cũng như các vấn đề khác có liên quan đến việc sáng tác của các nhà văn hội viên, mời quý vị theo dõi.

Chủ tịch Hội Nhà Văn Hà Nội

Mặc Lâm: Trước tiên xin chúc mừng nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên vừa được tín nhiệm bầu vào chức Chủ tịch Hội Nhà Văn Hà Nội. Thưa ông, xin ông vui lòng cho biết chức năng hoạt động của các hội văn học Việt Nam nói chung và Hội Nhà Văn Hà Nội nói riêng có những đặc điểm gì?

Ông Phạm Xuân Nguyên: Hội Nhà Văn Hà Nội thuộc Hội Liên Hiệp Văn Học Nghệ Thuật Hà Nội. Về tổ chức văn nghệ ở Việt Nam thì các địa phương, các tỉnh thành đều có một hội, gọi là Hội Văn Học Nghệ Thuật, gọi tắt là Hội Văn Nghệ.

Ví dụ Nghệ An có Hội Văn Nghệ Nghệ An, Quảng Bình có Hội Văn Nghệ Quảng Bình, Cà Mau có Hội Văn Nghệ Cà Mau, tức là mỗi tỉnh thành nào cũng có thành lập một hội văn học nghệ thuật tập hợp tất cả những người hoạt động trong lãnh vực này, nào âm nhạc, nào sân khấu, nào hội họa, nào nhiếp ảnh, nào văn học.

Nhưng mà các địa phương do quy mô nhỏ cho nên hội văn nghệ được gọi là các chi hội, các phân hội, ví dụ như Hội Văn Học Nghệ Thuật Nghệ An thì sẽ có Phân Hội Văn Học, Phân Hội Sân Khấu, Phân Hội Âm Nhạc, tùy nơi có nơi gọi là chi hội. Hội văn nghệ này đặt trực thuộc dưới sự lãnh đạo quản lý của chính quyền địa phương, tức là của tỉnh ủy và UBND tỉnh đó.

Nhưng riêng các thành phố lớn như là thủ đô Hà Nội, Thành Phố HCM, Thành Phố Hải Phòng, do vị thế quan trọng của nó và số lượng hội viên cũng đông cho nên các chi hội này trở thành hội; như vậy ở TP.HCM, thủ đô Hà Nội thì Hội Liên Hiệp Văn Học Nghệ Thuật Hà Nội gồm 9 hội chuyên ngành, ví dụ Hội Nhà Văn Hà Nội khóa trước là do nhà văn Hồ Anh Thái làm Chủ Tịch, Hội Âm Nhạc là do nhạc sĩ Phạm Tuyên làm Chủ Tịch, Hội Mỹ Thuật Hà Nội thì do họa sĩ Trần Khánh Chương làm Chủ Tịch, gần đây còn có Hội Văn Nghệ Dân Gian của Hà Nội do cố giáo sư Trần Quốc Vượng làm Chủ Tịch.

Vì quy mô như vậy cho nên trong cơ cấu tổ chức đứng về mặt phân cấp quản lý thì Hội Nhà Văn Hà Nội là hội cấp 2 trực thuộc Hội Liên Hiệp Văn Học Nghệ Thuật Hà Nội, và Hội Liên Hiệp Văn Học Nghệ Thuật Hà Nội này là gồm 9 hội chuyên ngành.

Mặc Lâm: Riêng về kinh phí hoạt động thì Hội Nhà Văn Hà Nội nhận từ nguồn nào để hoạt động, thưa ông?

Ông Phạm Xuân Nguyên: Cũng như các hội ở trung ương, về các hội văn nghệ địa phương, rồi xuống các hội cấp chuyên ngành thì các kinh phí này gọi là kinh phí do nhà nước cấp, nằm trong hệ thống kinh phí được nhà nước cấp.

Ví dụ như ở trung ương, Hội Nhà Văn Việt Nam, Hội Âm Nhạc Việt Nam, Hội Sân Khấu Việt Nam, v.v. hàng năm đều có một quỹ hoạt động, nhà nước cấp qua Bộ Tài Chính. Còn như ở địa phương thì hàng năm Thành Phố Hà Nội cũng có một khoản kinh phí dành cho Hội Liên Hiệp Văn Học Nghệ Thuật Hà Nội, căn cứ vào các nhu cầu, các báo cáo của các hội chuyên ngành.

Sau khi nhận được kinh phí đó thì Hội Liên Hiệp Văn Học Nghệ Thuật Hà Nội sẽ phân bổ cho 9 hội chuyên ngành, tùy về số lượng hội viên, về công việc đặc thù của từng hội, nên nói chung đó là nguồn kinh phí được cấp để hoạt động.

Ngoài nguồn kinh phí ấy, nếu hội nào tổ chức thêm được xã hội hóa hoạt động của mình, nếu tìm được các nguồn tài trợ thì bổ sung thêm để mở mang hoạt động của hội.

Hoạt động

Mặc Lâm: Xin ông cho biết các hoạt động chính nào được Hội xem là đáng chú ý nhất hiện nay?

Ông Phạm Xuân Nguyên: Hoạt động chính của Hội, thì Hội là nơi tập hợp các hội viên, tất nhiên là có tổ chức và có kết nạp hội viên.

Những người sáng tác có nhu cầu vào Hội thì họ phải làm đơn, phải có tác phẩm gởi đến Hội để Hội đánh giá năng lực qua tác phẩm. Đơn phải được 2 hội viên chính thức của Hội giới thiệu, rồi phải ra một cuộc họp xét từ các hội đồng chuyên môn. Ví dụ anh là bộ môn thơ thì đơn này sẽ được chuyển cho Hội Đồng Thơ để họ đánh giá trước khi đưa lên Ban Chấp Hành, văn cũng thế, dịch thuật, phê bình cũng thế.

Nhiệm vụ chính của Hội là tập họp, là tổ chức cho các hoạt động của hội viên, những hoạt động tập thể, những hoạt động sáng tác. Sáng tạo là công việc hoàn toàn riêng tư, cá nhân, không ai thay thế được, nhưng có hội, ví dụ như có những trại sáng tác, tiêu chuẩn theo Bộ Văn Hóa, là hàng năm họ có những trại sáng tác dọc khắp đất nước thì có những nhà sáng tác cho các hội trung ương, các hội địa phương, hoặc cho các cá nhân nữa, có nhu cầu thì đăng ký và đến dự thì Hội sẽ làm công việc ấy.

Nhiệm vụ chính của Hội là tập họp, là tổ chức cho các hoạt động của hội viên, những hoạt động tập thể, những hoạt động sáng tác.

Ô. Phạm Xuân Nguyên

Một việc nữa là trao giải thưởng hàng năm, tùy tính chất đặc biệt của mình mà quy định giải thưởng, ví dụ như Hội Nhà Văn Hà Nội thì hàng năm có Giải Thưởng Văn Học Hà Nội, xét những tác phẩm xuất bản trong năm của hội viên, kể cả những người ngoài hội nhưng đang sống và làm việc ở Hà Nội mà có tác phẩm viết về Hà Nội.

Một hoạt đông nữa là gây dựng phong trào, tức là có thể đối với những câu lạc bộ hoạt động mang tính phong trào, mang tính quần chúng nhiều hơn nhưng mà họ muốn được liên kết, muốn được sự giúp đỡ của một số hội chuyên nghiệp thì họ cũng được mời hoạt động.

Một mảng hoạt động khác nữa là quan tâm đến giới trẻ, các lực lượng giới trẻ cũng là một mảng hoạt động quan trọng. Giới trẻ thì cũng có thể có nhiều người họ muốn vào Hội hay không, nhưng mà cũng rất muốn là có được những cuộc thảo luận, hội thảo của các nhóm này hay là họ cần có những diễn đàn thì Hội cũng là một đầu mối để tổ chức.

Mặc Lâm: Là một người được biết tới nhiều qua những bài lý luận phê bình cũng như quá trình dài gắn bó với nhiều cây viết trẻ, như vậy thì khi đảm đương thêm chức vụ chủ tịch hội ông thấy có cản trở nhiều đến việc viết lách của mình hay không? Và từ nguyên ủy nào khiến ông nhận vai trò khá phức tạp này, thưa ông?

Ông Phạm Xuân Nguyên: Công việc 5 năm vừa qua của Hội, Khóa 10, Hội cho thấy là qua sự đánh giá của hội viên thì tôi nghĩ là tôi có thể gánh vác việc này.

Tất nhiên, như anh nói, ở vị trí phụ trách chủ tịch của Hội thì phần thời gian dành cho nó nhiều hơn, và nhất là khi chúng tôi ở Ban Chấp Hành nhiệm kỳ này rất muốn nâng tầm Hội Nhà Văn Hà Nội lên trở thành hội sang trọng, có tầm vóc xứng với thủ đô Hà Nội, thì chúng tôi sẽ có thể đầu tư nhiều hơn nữa.

Tất nhiên là tôi vẫn phải cố gắng cân bằng, và lâu nay tôi chủ yếu làm việc vào buổi đêm hoặc về sáng, khoảng thời gian riêng tư nhất của mọi người. Tôi vẫn sẽ cố gắng kết hợp được vấn đề là viết, dịch thuật và công việc điều hành Hội Nhà Văn Hà Nội hiện nay.

Hướng đi

Mặc Lâm: Qua kinh nghiệm nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực lý luận phê bình văn học ông thấy Hội Nhà Văn Hà Nội cần làm những gì trong thời gian tới để thổi sinh khí thêm vào hoạt động của những cây viết hiện nay?

Ông Phạm Xuân Nguyên: Tôi cũng tham gia công việc của Hội Nhà Văn Hà Nội đã hơn 10 năm, và kỳ vừa rồi tôi là Phó Chủ Tịch, và nhiệm kỳ này được Đại Hội và Ban Chấp Hành bầu lên chủ tịch.

Thứ nhất là tôi làm về lý luận phê bình văn học, nhất là văn học đương đại, văn học hiện đại hiện nay. Tôi nghĩ, ngoài vấn đề lý thuyết, ngoài những vấn đề là viết thì có một mảng rất quan trọng, mà tôi cũng quan tâm, thật sự quan tâm, đó cái mảng đời sống văn học, đời sống văn học hiện nay; ngoài việc hoạt động của những bài viết, trên phương diện lý thuyết, lý luận, bằng những hành động thực tế để có thể tác động đến đời sống văn học. Ví dụ như một cuốn sách vừa ra cần có một cuộc hội thảo, hoặc là cần có một cuộc gặp gỡ, cần có những trao đổi, hoặc là một nhà văn nước ngoài đến mà cần đến sự giao lưu, gặp gỡ các nhà văn, thì những điều đó tôi nghĩ là có điều kiện làm được, và có thể có khả năng góp một phần được, thì tôi tham gia.

Mặc Lâm: Trong cương vị mới này ông nghĩ có thể giúp gì được cho lớp trẻ một cách cụ thể nhất, thưa ông?

Ông Phạm Xuân Nguyên: Về cái hướng đối với văn học trẻ thì có thể nói là vài năm gần đây tôi đã tham gia khá tích cực, có thể trong vài ba năm qua tôi có thêm một hoạt động.

pham-xuan-nguyen-250.jpg
Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên. Photo courtesy of motgocnhinkhac.blogspot.com của Trương Duy Nhất.
Nếu như trước đây chỉ có là tôi viết bài phê bình khi một tác phẩm vừa ra, trước một hiện tượng hay một vấn đề văn học, thì vài ba năm gần đây tôi tham gia tích cực vào những buổi ra mắt sách, giới thiệu sách và bán sách, gọi chung cho vui là MC, người dẫn chương trình.

Tôi đánh giá công việc qua phản ứng của dư luận, của các tác giả, của bạn đọc, tôi thấy là việc làm có hiệu quả và người ta cũng tin cậy mình, vì tôi là một người cũng chịu đọc, tôi cũng quen biết rộng và chịu khó tìm hiểu ở nhiều lãnh vực.

Trong những giới thiệu đó thì đặc biệt là những cuốn giới thiệu của người trẻ, rồi cũng có rất nhiều việc của ngành xuất bản ở trong nước tương đối được mở rộng, các công ty dịch sách cũng phát triển nhiều, thì tôi lại có thêm một nhu cầu nữa là các tác giả cũng như những công ty sách này cũng thường hay gởi bản thảo cho tôi đọc, gọi là đánh giá, nhận định, có đôi khi lại nhờ viết lời giới thiệu, đề tựa, v.v. Tất cả những công việc ấy chiếm nhiều thời gian của tôi nhưng mà cũng làm cho tôi hào hứng.

Tôi cũng tự nhận mình như thế bởi vì có làm như vậy thì buộc tôi phải đọc, buộc tôi không xa rời đời sống văn học này, vào buổi tối. Có nhiều việc đúng mà tôi không nhận làm như vậy thì tôi không đọc, không có dịp đọc hoặc không chịu đọc thì nó sẽ rất thiếu sót, cho nên vừa là một áp lực vừa là một công việc thích thú.

Bây giờ ở cương vị này thì tôi vẫn tiếp tục công việc đó thôi, công việc của người làm nghề thì tôi vẫn tiếp tục, vẫn có thể làm MC, giới thiệu sách, vẫn đọc, nhận xét, kiểm định bản thảo, và cố gắng ủng hộ được lớp trẻ ở những tìm tòi phát triển của họ.

Tất nhiên, cuốn sách từ bản thảo của một nhà phê bình nhận xét rồi cho đến lúc lên bàn biên tập của nhà xuất bản tới khi ra, có thể có những thay đổi, những biến đổi, nhưng mà khi cuốn sách đó ra đời được và khi có những dư luận trái chiều thì tôi luôn cố gắng làm hai trách nhiệm: một là trách nhiệm của nhà phê bình, cần nói lên cái chính kiến, cái gọi là văn kiến của mình, cái thẩm mỹ riêng của mình, và hai là cái người luôn luôn sát cánh và ủng hộ lớp trẻ. Thì đấy là điều tôi tâm niệm. Tôi nghĩ bây giờ trên cương vị này thì tôi nghĩ nó sẽ có sức nặng hơn và cũng sẽ có hoạt động tích cực.

Tâm nguyện

Mặc Lâm: Và cuối cùng xin ông một câu hỏi nữa là tâm nguyện của ông ra sao khi nhận trách nhiệm quản lý hàng trăm cây viết của thủ đô, thưa ông?

Ông Phạm Xuân Nguyên: Mọi hội đoàn cũng như mọi hoạt động thực ra đều nhằm mục đích là làm sao nâng cao được chất lượng của văn học, nâng cao được giá trị của văn học. Đấy, cái đích đến của mọi việc đều là như thế.

Sáng tác văn học là hết sức riêng tư, cá nhân. Nó tùy thuộc vào tài năng, bản lĩnh, vốn sống, vốn kinh lịch từng trải, vốn văn hóa của người viết, không ai thay được. Nhưng, tạo ra một môi trường, tạo ra một điều kiện để cho tài năng đó, khả năng đó được phát triển ở mức cao nhất và trở thành hiện thực cao nhất thì đấy là trách nhiệm, chức năng của các hội đoàn.

Trong nhiệm kỳ này, như lúc nãy tôi nói, Hội Nhà Văn Hà Nội là một hội địa phương, nhưng địa phương này là Hà Nội, cho nên chúng tôi sẽ cố gắng đưa Hội Nhà Văn Hà Nội lên tầm sang trọng, vừa có tính địa phương nhưng vừa có tính thủ đô.

Mọi hội đoàn cũng như mọi hoạt động thực ra đều nhằm mục đích là làm sao nâng cao được chất lượng của văn học, nâng cao được giá trị của văn học.

Ô. Phạm Xuân Nguyên

Tính địa phương thì địa phương nào cũng có cả, tỉnh thành nào cũng có tính địa phương, nhưng thủ đô thì chỉ có một, đó là Hà Nội. Vậy văn học Hà Nội phải làm sao vừa có tính địa phương nhưng lại có tính thủ đô, tức là có tính vùng miền riêng biệt của một địa phương nhưng lại có tính bao quát tiêu biểu cho cả nước, đó là tính thủ đô.

Các hội địa phương lại có một tính nữa, đó là tính phong trào. Bên chuyên nghiệp lại có những nét nghiệp dư. Thì chúng tôi vừa phải cố gắng duy trì phong trào nhưng không bỏ rơi và cuối cùng đề cao tính đỉnh cao, nhất là Hội Nhà Văn Hà Nội là ở ngay thủ đô, với số lượng hội viên đông như vậy, và non nửa là hội viên của hội trung ương nữa, thì điều đó là vừa tính phong trào với tính đỉnh cao cũng phải kết hợp.

Và chúng tôi muốn tạo được một sức bật để làm sao có được những tác phẩm phát đi từ thủ đô, từ các nhà văn Hà Nội, đạt được tầm cao vừa tư tưởng vừa nghệ thuật, cho thấy được những giá trị thẩm mỹ cao, mới, tạo được sự đột phá, tạo được cái đà cho văn học không chỉ ở Hà Nội mà cả nước.

Đó là cái điều tâm nguyện và mong mỏi nhưng làm được đến đâu thì cũng còn cần rất nhiều điều kiện, nhưng mà với cương vị là người vừa làm nghề và bây giờ là làm quản lý của các hội thì tôi và các anh trong Ban Chấp Hành Khóa 10 này đều có chung một tâm nguyện vậy.

Mặc Lâm: Xin cám ơn nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên.

Theo dòng thời sự:

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.